Chùa Tường Vân - Niệm Phật đường Sư Lỗ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh TT. Huế

Đăng lúc: Thứ hai - 17/11/2014 20:00 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Đã từ lâu hình ảnh cây đa, giếng nước, bến đò, mái chùa, đình làng gắn liền với làng quê, truyền thống dân tộc Việt Nam nói chung và Cố Đô Huế nói riêng. Chùa Tường Vân (Niệm Phật đường Sư Lỗ) nằm ngay đầu làng Sư Lỗ Thượng, cách thành phố Huế về phía Đông Nam khoảng 8km, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn mang đậm nét kiến trúc cổ của chùa làng quê truyền thống với không gian tĩnh mịch, thanh bình.
“Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa…”

 

Toàn cảnh của chùa Tường Vân - Niệm Phật đường Sư Lỗ
 
Đã từ lâu hình ảnh cây đa, giếng nước, bến đò, mái chùa, đình làng gắn liền với làng quê, truyền thống dân tộc Việt Nam nói chung và Cố Đô Huế nói riêng. Chùa Tường Vân (Niệm Phật đường Sư Lỗ) nằm ngay đầu làng Sư Lỗ Thượng, cách thành phố Huế về phía Đông Nam khoảng 8km, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn mang đậm nét kiến trúc cổ của chùa làng quê truyền thống với không gian tĩnh mịch, thanh bình. Hai bên đường dẫn vào chùa là những cánh đồng lúa xanh mát, trước cổng chùa nhìn sang bên kia cánh đồng thấy ngay được cầu ngói Thanh Toàn, một di tích nổi tiếng với người dân Cố Đô, có giá trị nghệ thuật cao được công nhận là Di tích cấp quốc gia.

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui …”

 
Chùa Tường Vân (Niệm Phật đường Sư Lỗ) do Ni trưởng Thích Nữ Hải Đăng (? – ?) thế danh là Đào Thị Để (Nguyễn Thị Phụng). Con nuôi của cụ Đào Duy Tâm, nguyên là Hùng Oai tướng quân chưởng vệ quản Thượng Tứ. Cụ trước là họ Đào, sau đổi thành họ Nguyễn nên tên của Ni trưởng cũng được đổi theo họ của cha nuôi.
 
Quê của Ni trưởng gốc ở Điện Bàn, Quảng Nam, trước khi chưa xuất gia là Thứ phi của Vua Tự Đức.
 
Sau khi rời cung vua, Ni trưởng xin xuất gia với Hoà thượng Tánh Hoạt Huệ Cảnh chùa Tường Vân và Hoà thượng ban cho Pháp danh là Hải Đăng, lúc này Ni trưởng được Bổn sư cho thọ Sa-di-ni và Thức-xoa-ma-na.
 
Tự Đức năm thứ 8, Ni trưởng được Bổn sư cho thọ Tỷ-kheo-ni và cử Ni trưởng về trùng tu chùa Sư Lỗ thuộc môn phái Tường Vân (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên).
 
Trong quá trình tu tập và hoạt động Phật sự, Ni trưởng rất nghiêm túc thực hành phạm hạnh và hoàn thành Phật sự trùng tu chùa được Bổn sư giao nên được Tăng chúng nễ trọng và Phật tử kính nễ.
 
Sau thời gian tu học, tuổi Ni trưởng đã lớn và Ni trưởng đã tịch tại Tổ đình Tường Vân. Nhục thân Ni trưởng được quàng tại Tổ đình Tường Vân và sau đó đem về an táng tại Cồn Tốt, Sư Lỗ Thượng, Phú Hồ, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế.
 
Chùa Tường Vân – Niệm Phật đường Sư Lỗ trải qua gần 200 năm, dưới sự biến thiên của thời gian cùng với sự tàn phá do chiến tranh khốc liệt, cũng như bị chi phối bởi định luật vô thường mà ngôi chùa cổ hầu như không còn nữa. Vào những năm 1932 khi hội An Nam Phật Học ra đời, bước chân của các Ngài đã đi khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi để truyền bá chánh pháp thành lập nên các Khuôn Tịnh Độ, ở đâu có Khuôn Tịnh Độ ở đó có Niệm Phật đường. Chính vì vậy mà chùa Tường Vân được đổi tên thành Niệm Phật đường Sư Lỗ, nhưng điều đặc biệt là bức hoành “Tường Vân Tự” do Đức đệ nhị Tổ Hải Toàn Linh Cơ - Tổ đình Tường Vân ban cho vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay và treo ở chánh điện.
 
Từ đó đến nay, trải qua bao nhiêu thăng trầm biến cố của lịch sử, chùa đã được các quý bác Đạo hữu nói riêng và dân làng nói chung đóng góp công sức tiền của để trùng tu, xây dựng vào các năm 1997, 2001, 2006. Nhưng những giá trị văn hóa lịch sử của ngôi chùa cổ vẫn được quý bác trong Ban Hộ tự cũng như Đạo hữu Phật tử bảo tồn, lưu giữ nguyên vẹn. Điển hình là những câu đối của cố Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Siêu ban cho ngôi chùa vẫn được khắc ghi trong khuôn viên chùa từ cổng tam quan, chánh điện cho đến nhà hậu tổ.

Trước cổng tam quan có 4 câu đối:
 

Cổng tam quan
 
無 我 無 人 菩 提 地 十 方 感 格

有 心 有 佛 般 若 門 萬 善 同 歸

 
“Vô ngã vô nhơn bồ đề địa thập phương cảm cách

Hữu tâm hữu phật bát nhã môn vạn thiện đồng quy”   
 
 
遠 瞻 御 嶺 清 風 起 隨 緣 向 善

近 看 如 意 水 活 願 捨 破 迷 癡

 
“Viễn chiêm ngự lĩnh thanh phong khởi tùy duyên hướng thiện

Cận khán như ý thủy hoạt nguyện xả phá mê si”
 

Tiền đường
 
Phía trước mặt tiền chùa lại có ghi 4 câu đối:
 
家 慈 地 樂 皈 依 七 寳 八 功 霑 慧 雨

佛 法 圓 成 歡 喜 十 方 三 界 蔭 祥 雲

 
“Gia từ địa lạc quy y thất bảo bát công triêm tuệ vũ

Phật pháp viên thành hoan hỷ thập phương tam giới ấm Tường Vân”


 拜 手 爇 栴 檀 誠 格 珧 窮 三 界 府

信 心 持 佛 號 名 標 浄 域 九 蓮 池


 “Bái thủ nhiệt chiên đàn thành cách diêu cùng tam giới phủ

Tín tâm trì phật hiệu danh tiêu tịnh vức cửu liên trì”

 
Ở trước chánh điện có 2 câu:         
 
一 經 地 登 阿 陴 跋

六 時 天 雨 曼 陀 羅     

 
 “Nhất kinh địa đăng a bệ bạt

Lục thời thiên vũ mạn đà la”

 
 

Chánh điện
Trên trong chánh điện còn có hai câu:
 
祥 宴 鷄 園 豋 點 聰 傳 門 般 若

雲 開 鹫 嶺 月 輪 明 照 地 伽 藍

 
“Tường áng kê viên đăng điểm thông truyền môn bát nhã

Vân khai thứu lãnh nguyệt luân minh chiếu địa già lam”
 

Hậu tổ
Phía sau nhà hậu tổ còn có 2 câu:
 
皈 佛 皈 法 皈 僧 一 心 頂 禮 

淨 身 淨 口 淨 意 三 業 齊 修

 
 “Quy phật quy pháp quy tăng nhất tâm đảnh lễ

Tịnh thân tịnh khẩu tịnh ý tam nghiệp tề tu”

 
Cùng với dòng chảy của lịch sử cũng như những yếu tố khách quan mà cho đến nay ngôi chùa Tường Vân xưa kia vẫn thiếu bóng Chư Tăng Ni để có thể “Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”, xây dựng đời sống tâm linh cho bà con Phật tử thuần thành nơi đây theo đúng chánh pháp. Đây quả là một điều thật đáng tiếc cho ngôi chùa có truyền thống lâu đời. Chính vì lẽ đó mà sau 40 năm vắng bóng Tăng già, thể theo nguyện vọng của đông đảo bà con Phật tử, cùng với sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền mà Ban Hộ tự Chùa Tường Vân – Niệm Phật đường Sư Lỗ Thượng đã gởi đơn cung thỉnh lên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như Hòa thượng trú trì Tổ đình Tường Vân xin cung thỉnh Đại đức Thích Tâm Phương, UV BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới về trú trì ngôi già lam, hướng dẫn Đạo hữu Phật tử trên bước đường tu tập. Chính vì những mong cầu tha thiết chính đáng đó mà đơn đề thỉnh của Ban hộ tự đã được quý Ngài trong Tổ đình Tường Vân hoan hỷ tác thành. 
 
Sáng ngày 24 tháng 9 nhuận năm Giáp Ngọ, với tinh thần “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” cũng như đáp lại tấm lòng của toàn thể đạo hữu Phật tử, Đại đức Thích Tâm Phương đã quang lâm về Chùa Tường Vân – Niệm Phật đường Sư Lỗ để thăm hỏi cũng như khuyến tấn toàn thể đạo hữu Phật tử. Sau khi niêm hương bạch Phật, Đại đức đã có bài pháp thọ ngắn chia sẻ đến toàn thể Đạo hữu Phật tử nơi đây.
 
Qua bài pháp thoại ngắn gọn, xúc tích này, Đạo hữu Phật tử hiểu rõ hơn liên hệ giữa tổ đình Tường Vân và ngôi chùa làng đang sinh hoạt, chữ “Tu” trong đạo Phật, tác hại của “tâm phân biệt, kỳ thị” trên bước đường tu tập, khuyến tấn mọi người tự thân nỗ lực tinh tấn tu tập, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình làm chỗ dựa tinh thần cho chính mình như đúng lời Phật dạy trong kinh Pháp Cú 110 - 115:
 
sống một trăm năm
Ác giới, không thiền định,
Không bằng sống một ngày,
Trì giới, tu thiền định."
 
"Ai sống một trăm năm,
Ác tuệ, không thiền định.
Không bằng sống một ngày,
Có tuệ, tu thiền định."
 
"Ai sống một trăm năm,
Lười nhác không tinh tấn,
Không bằng sống một ngày
Tinh tấn tận sức mình."
 
"Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp sinh diệt,
Không bằng sống một ngày,
Thấy được pháp sinh diệt."
 
"Ai sống một trăm năm,
Không thấy câu bất tử,
Không bằng sống một ngày,
Thấy được câu bất tử."
 
"Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp tối thượng,
Không bằng sống một ngày,
Thấy được pháp tối thượng."

                                
Mong rằng dưới sự hướng dẫn của Đại đức Thích Tâm Phương cũng như sự hộ trì của Ban Hộ trì, cùng với sự quan tâm của các cấp giáo hội, đạo tràng Phật tử tu tập ngày càng tinh tấn, vững tin vào Tam Bảo, áp dụng giáo pháp vi diệu vào trong sinh hoạt hằng ngày để có một đời sống an lạc hạnh phúc. Ngôi già lam ngày một trang nghiêm thanh tịnh, nơi sinh hoạt tâm linh, mái nhà chung cho mọi người, mọi nhà …

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
 


Khoá lễ cầu an





















Đại đức Thích Tâm Phương thuyết giảng















 
Tác giả bài viết: Nguyên Bình - Trần Đăng Thiện Quân
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 501
  • Khách viếng thăm: 488
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 133373
  • Tháng hiện tại: 2223394
  • Tổng lượt truy cập: 91114967
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012