Tham luận hội thảo: Gia Đình Phật Tử thời hội nhập

Đăng lúc: Thứ năm - 03/10/2013 21:04 - Người đăng bài viết: Lê Ngọc Cảm
Như chúng tôi đã thông tin, toàn bộ tài liệu của Hội thảo Gia Đình Phật Tử: Sứ mệnh và Phát triển diễn ra tại Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vào ngày 28/07/2013 sẽ lần lượt được chúng tôi truyền tải trên Website. Tham luận của Huynh trưởng cấp Tấn Thiện Bình - Nguyễn Hồng Trân Phó trưởng ban thường trực Ban Hướng Dẫn GĐPT Tỉnh đi sâu vào những khó khăn của tổ chức GĐPT trong giai đoạn phục hoạt và với thế giới phẳng như hiện nay.
 

Gia Đình Phật Tử, một hình thức sinh hoạt của Thanh thiếu niên Phật Giáo đã có một bề dày quá trình hơn 60 năm trên đất nứơc này, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng có hình ảnh những chiếc áo màu Lam tung tăng dưới mái chùa những ngày chủ nhật. Chúng ta, những Huynh trưởng đang sinh hoạt cũng từng hãnh diện với quá trình ấy. Chúng ta, những người luôn tận tụy chăm lo cho thế hệ “chủ tương lai” của đất nước nói chung, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng. Có những anh chị đã đến tuổi “cổ lai hy” vẫn chưa rời chiếc áo màu Lam, vẫn còn cầm còi, chạy nhảy với các em, dù rằng “gối đã mõi, chân đã dùng”. Vâng, những Huynh trưởng GĐPT luôn gắn bó với những thế hệ đàn em, chỉ vì sứ mệnh, chí hướng của mình, không phải vì danh lợi, tiền bạc lương bổng. Chỉ mong sao, thế hệ con em Thanh thiếu nhi sau này sẽ là những công dân gương mẫu trong xã hội, những Phật Tử thuần thành tiêu biểu của Giáo Hội. Chỉ có chúng ta mới xứng đáng nhận huy chương danh hiệu “Vì tương lai thế hệ trẻ”. Thế nhưng, chúng ta không màng những danh hiệu ấy, vì đó là lý tưởng, đó là ước vọng của chúng ta: Vì đàn em thân yêu, vì tương lai, Giáo Hội và dân tộc.

Hãnh diện vì những đóng góp của mình cho xã hội; hãnh diện vì đoàn thể GĐPT đã có quá trình lịch sử lâu dài gắn bó với những thăng trầm của đất nước và Giáo hội từ 60 năm qua. Nhưng nhìn lại hiện nay, vị trí của GĐPT như thế nào, sức sống của nó ra sao, và tương lai thế nào? Chúng ta có hình dung được chăng ? Và chúng ta đă có những biện pháp ứng phó để luôn thích hợp và tồn tại trong giai đoạn hiện nay?
Đây là những suy tư, trăn trở và chúng ta hãy nhìn lại kỹ, đánh giá kỹ những thành tựu đã đạt được của chúng ta trong thời gian qua, và vạch đường cho tương lai.
 
I/. Vị trí của Gia Đình Phật Tử như thế nào với Giáo Hội :

a/. Trước ngày 30-4-1975:

Từ thập niên 30 -40 của thế kỷ trước, sau khi Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, phụng mệnh chư tôn Hoà Thượng thành lập Hội An Nam Phật Học tại kinh đô Huế, thì xuất hiện Ban Đồng ấu Phật tử tại một vài ngôi chùa thuộc Hội, nhằm dẫn dắt các con em của các Đạo hữu theo cha mẹ đến chùa có nơi vui chơi, tránh làm ồn trong các khóa lễ. Và khắp các chùa lúc bấy giờ lần lần hình thành và lan rộng ra, đến khi Đoàn Thanh Niên Phật học Đức Dục ra đời thì các Gia Đình Phật Hoá Phổ nở rộ lên khắp nơi. Sau ngày Tổng khởi nghĩa mùa Thu năm 1945, năm 1948 Gia Đình Phật Hoá Phổ tái sinh hoạt, và đổ̉i danh hiệu là Gia Đình Phật Tử từ năm 1951.

Điều đáng nói là GĐPT lúc ấy luôn được chư tôn giáo phẩm hổ trợ, khuyến khích thành lập tại các chùa chiền cơ sở trực thuộc:

- Miền Bắc: Vào thập niên 30 đến ngày đình chiến bởi hội nghị Geneve được cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha và chư tôn giáo phẩm Hội Phật Giáo Việt Nam và Giáo Hội Tăng Già tổ chức các GĐPHP và sau này là GĐPT theo mô hình miền Trung lan tỏa khắp nơi.
 
- Miền Nam: cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền cùng chư Tôn trong Hội Phật Học Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt khuyến khích thành lập. Nơi nào có chi hội PHNV thì nơi ấy có GĐPT thành lập.
 
Từ ấy Gia Đình Phật Tử phải chịu nhiều thăng trầm, biến đổi cùng lịch sử đất nước. Đến năm 1964, Gia Đình Phật Tử là một đoàn thể nằm trong lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Lúc bấy giờ là một Vụ trong Tổng vụ Thanh Niên thuộc Viện Hóa Đạo.

 Gia Đình Phật Tử Việt Nam qua các kỳ Đại Hội : 1955, 1964, 1967, 1969 và 1973 cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và đã hoàn chỉnh Nội Quy, Quy chế Huynh trưởng và có chương trình tu học riêng nghiêm túc rõ ràng.

b/. Sau ngày giải phóng hoàn toàn đất nước ( 30-04-1975):

 Sau ngày 30-4-1975, Gia Đình Phật Tử chịu chung số phận với các đoàn thể, tổ chức khác trong chế độ cũ, không được phép hoạt động dù tôn chỉ, mục đích của nó thế nào. Chỉ có các đoàn thể của Đảng được hoạt động đó là Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh mà thôi.

 Rồi sau thời gian dài “tan đàn xẻ nghé”, Gia Đình Phật Tử đã hồi sinh dần dần và từ năm 1997 đã được chính thức phục hoạt đặt trong sự quản lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, là một Phân Ban trong Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Phật Tử, bây giờ là Ban Hướng Dẫn Phật Tử.

 Năm 2001, được sự cho phép của Giáo Hội, Gia Đình Phật Tử đã tổ chức Hội Nghị Huynh trưởng cấp Tấn, cấp Dũng toàn quốc vào các ngày 27, 28, 29/07/2001 tại Tổ đình Từ Đàm Huế, để tu chỉnh Nội Quy cho hợp với thời thế và 2 Hội nghị liên tiếp năm 2006 tại Quảng Nam, tại Thiền viện Quảng Đức TP Hồ Chí Minh đã đề xuất một chương trình tu học mới cho phù hợp với giai đoạn mới.

Sau 2001, Gia Đình Phật Tử đã nở rộ trở lại trên đất nước này. Đó đây, các tỉnh thành lần lượt thành lập các Phân ban Gia Đình Phật Tử để trực tiếp quản lý hướng dẫn sinh hoạt tu học các Gia Đình Phật Tử đi vào nề nếp.

II/. Thực trạng Gia Đình Phật Tử hiện nay:

Như đã trình bày trên, hiện nay chúng ta đã được phép sinh hoạt và có thể tự hào rằng Gia Đình Phật Tử là một đoàn thể duy nhất ngoài hệ thống đoàn đảng của nhà nước được hoạt động chính thức và được bảo trợ bởi pháp lý của Giáo Hội, không còn trở ngại nào nữa về mặt xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề nội tại của bản thân chúng ta.

a/. Thiếu sự kế thừa: Phải nói trong thời gian dài, sau ngày đất nước được giải phóng hoàn toàn, thì cũng là lúc Gia Đình Phật Tử chịu chung số phận như các đoàn thể khác là phải giải tán. Từ đó, các sinh hoạt, các mối liên lạc giữa anh em chúng ta phải lùi vào bóng tối. Tất cả đều diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ. Tất cả đều phải hóa trang, phải mã hóa các hoạt động của mình hoặc phải hòa vào những hình thức hợp pháp khác để tồn tại. Chính trong giai đoạn này, một số anh chị em không đủ kiên nhẫn đã phải tạm thời bỏ cuộc hoặc nằm yên chờ cơ hội. Những anh chị còn trụ lại được thì cũng chỉ có thể duy trì các mối liên hệ với nhau, không thể tổ chức các khóa huấn luyện đào tạo thế hệ  kế thừa chu đáo hay có tổ chức được thì số anh chị em tham gia cũng quá ít ỏi… và rồi vì “cơm áo gạo tiền” và an ninh bản thân, anh chị em đó cũng không còn trụ lại bao nhiều.

Thế rồi đến khi được Giáo Hội quan tâm, nhà nước cho phép hoạt động lại thì lâm vào thế lúng túng. Thiếu sự chuẩn bị, thiếu Huynh trưởng, thiếu cán bộ cốt cán. Lỗ hổng gần 25 năm quá lớn. Nhiều Gia Đình lập ra nhưng không có Huynh trưởng, hoặc nếu có thì những Huynh trưởng này lại thiếu năng lực, và sự sinh hoạt lại đi vào nẽo khác, không còn thuần túy như ngày xưa. Nhiều Gia Đình lập ra thì chỉ có những huynh trưởng già nua, sức yếu đã không đủ sức lực để đồng hành cùng các em trong các hoạt động. Thiếu sự linh hoạt - đúng hơn là thiếu sinh khí. Nhiều nơi muốn thành lập, nhưng không đủ Huynh trưởng điều hành, hoặc nếu có thì một số anh chị mới đến đã không nắm vững lề lối nề nếp…chưa hội nhập được không khí của Gia Đình Phật Tử. Chúng ta đã lâm vào tình trạng thiếu hàng ngũ kế thừa cả về lượng và về chất.

b/. Thiếu lửa, thiếu nhuệ khí: Sau bao tháng ngày im hơi lặng tiếng và phải lén lút, lo sợ … nay được công nhận chính thức… thì tâm lý e ngại và thêm tuổi tác đã cao… khiến cho một số Huynh trưởng lớn tuổi không còn linh hoạt hăng hái như thuở nào; các Huynh trưởng trẻ mới vào nghề thì vì chạm đến môi trường mới, nên nhút nhát… và không phát huy hết những ý tưởng những sáng tạo. Hoàn cảnh hiện nay: “Lớn thì nhiều lo toan vì cơm áo gạo tiền, nhỏ thì bận bịu với học hành “học ngày học đêm học thêm giờ nghỉ””. Những điều đó, khiến cho Huynh trưởng và đoàn sinh phải đắn đo, thu xếp thời gian và công việc để đi sinh hoạt thật là chật vật. Chính vì thế nên những hoạt động, sinh hoạt của Gia Đình Phật tử thiếu hẵn “lửa”, thiếu nhuệ khí.

c/. Thiếu sự chăm sóc từ phía Giáo Hội (hàng ngủ các vị xuất gia): Do bị gián đoạn sinh hoạt một thời gian dài, nên những hình ảnh những bóng dáng màu Lam xinh xắn dưới các chùa và các dịp lễ hội của Phật Giáo đã trở nên xa lạ với hàng Phật Tử nhất là tại miền Nam. Chỉ có ở miền Trung và chư vị lãnh đạo Giáo Hội lớn tuổi mới biết và quan tâm đến Gia Đình Phật Tử. Hiện nay với đa số các vị trẻ thì dường như hình ảnh những chiếc áo Lam chỉ bàng bạc trong ý niệm mà thôi.

Một số quý vị đã không quan tâm đến việc giáo dục thế hệ Phật Tử trẻ nên … có Gia Đình Phật Tử hay không không là vấn đề quan trọng trong tổ chức nhà chùa nói riêng, Giáo Hội nói chung. Ở một số nơi, còn coi Gia Đình Phật Tử là một gánh nặng, một rắc rối về phía chính quyền (mà rắc rối thật!). Đôi khi các vị đó cũng chưa biết gì về tôn chỉ, mục đích và quá trình phát triển, xây dựng, những đóng góp của Gia Đình Phật Tử trong lòng Giáo Hội trước đây..

Một số quý Thầy, Cô, không cho GĐPT sinh hoạt vì nghĩ các em sẽ làm ồn ào, phá tan bầu không khí tĩnh lặng của chốn thiền môn, trở ngại cho việc tu tập của mình.

 Một số quý Ngài lại quan niệm Gia Đình Phật tử chỉ nghe lời các Huynh trưởng của Ban Hướng Dẫn mà không nghe lời quý Thầy nên quý vị ấy không ngần ngại tổ chức thêm các hình thức sinh hoạt khác như Câu lạc bộ Thanh Niên Phật Tử và tổ chức những Hội trại cho Thanh Niên Phật Tử thật hoành tráng, hấp dẫn ... để có một đoàn thể riêng của mình. Quý Thầy có đủ uy tín để kêu gọi tài trợ tài chính và tổ chức.

Gia Đình Phật Tử thì khác, mỗi khi muốn tổ chức Hội thảo hay hội trại thường bị vướng vào thủ tục hành chánh của Giáo Hội, chánh quyền và nhất là tài chính eo hẹp… GĐPT thiếu sự tài trợ từ nhiều phía.

Tóm lại, dù là một thành phần trong cơ cấu tổ chức của Giáo Hội, nhưng GĐPT vẫn chưa được quan tâm, hổ trợ đúng mực.
Đó cũng là trăn trở chung mà đa số các Huynh trưởng tâm huyết với tổ chức đang có.

d/.Những yếu điểm chung:

* Các buổi sinh hoạt thường xuyên tại các Gia Đình Phật Tử cứ tuần tự sau phần lễ Phật, là Lễ đoàn, Câu chuyện dưới cờ … rồi học Phật Pháp, học kỷ năng … đều diễn ra tuần tự theo lối mòn muôn thuở dễ gây nhàm chán cho đoàn sinh.

* Cách diễn giảng, hướng dẫn của Huynh trưởng thiếu linh động, thường theo lối đọc chép; thường dùng những thuật ngữ Hán Việt, khó hiểu. Một bộ phận Huynh trưởng có trình độ Phật Pháp và kiến thức phổ thông yếu.

* Thiếu tài liệu tu học: Mỗi Gia Đình, mỗi địa phương và Huynh trưởng cứ tự bơi tự tìm tòi tài liệu hướng dẫn cho đoàn sinh.

* Chương trình tu học, dù đã được Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm năm 2006 thông qua, nhưng đến nay tài liệu vẫn chưa được biên soạn và rất khó biên soạn; khó hướng dẫn cho đoàn sinh nhất là ở các đề tài “xuyên suốt” tại các ngành học.

* Thiếu Huynh trưởng cốt cán, nên việc phát triển GĐPT tại nhiều địa phương cũng bị ảnh hưởng nhiều.

* Huynh Trưởng phải đối mặt với thực tế “cơm áo, gạo tiền”, và chương trình học ở học đường đối với đoàn sinh quá nặng nề cũng làm hạn chế sinh hoạt Gia Đình Phật Tử.

* Gia Đình Phật Tử tại các vùng xa vùng sâu luôn đối mặt với sự thiếu thốn Huynh trưởng dù đã đào tạo rất nhiều do đa số các Huynh trưởng, Đoàn sinh phải lìa xa quê hương vì học vấn, vì sinh kế.

Đó là những thực trạng mà Gia Đình Phật Tử đang phải đối mặt.
 
III/. Gia Đình Phật Tử cần phải thực hiện những điều gì để tồn tại, phát triển theo kịp thời đại – thời kỳ hội nhập?

Trên, chúng tôi đã trình bày những thực trạng của Gia Đình Phật Tử. Phải nói rằng chúng ta phải đối mặt với nhiều trở lực, nhiều thử thách. Là một Huynh trưởng đã có một quá trình gắn bó không ngừng nghỉ với Gia Đình Phật Tử từ những ngày khó khăn đen tối đến hôm nay; đã từng phải hóa thân vào nhiều vai trò, nhiều tình huống để tạo dựng, giữ gìn sự tồn tại của màu áo; đã phải từng phải chịu những điều tiếng phê phán của chính từ những người anh em cùng màu áo của mình. Hiện giờ, bản thân cũng rất trăn trở: trong tình hình hiện nay, mà chắc chắn, chúng ta, những Huynh trưởng hiện nay, cũng cùng tâm trạng ấy: Trong giai đoạn hiện nay, trong khung cảnh này, chúng ta phải làm những gì, để tồn tại và phát triển?

Những ngày cuối năm 2007 Việt Nam chúng ta chính thức được kết nạp là thành viên của tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới: WTO. Đất nước chúng ta đã mở cửa, hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Mọi người chờ đón một sự thay đổi kinh tế thời hội nhập.
Chúng ta, Gia Đình Phật Tử thì sao: Thấy gì, làm gì trong thời này?

a/.Thấy gì?

* Nếu trong thập niên 30 của thế kỷ trước, đất nước chúng ta đứng trước những làn tư tưởng tự do cá nhân của Phương Tây tràn ngập Việt Nam, nền tảng xã hội đạo đức gia đình bị lung lay, thì giờ đây, trong thời kỳ Hội nhập này, lại càng nguy hiểm hơn nhiều. Internet…với những website, những trò chơi trực tuyến “game online” đồi trụy, khiêu dâm, bạo lực, phổ biến tràn lan đang đầu độc giới trẻ…đang là vấn nạn của xã hội chúng ta.

* Khoa học kỷ thuật phát triển, sự bùng nổ nhiều công cụ thông tin  hàng loạt những phát minh mới về công nghệ thông tin truyền thông, điện thoại di động phủ mạng, nhiều tiện nghi phục vụ đời sống làm cho chúng ta tiêu cực thụ động trong cuộc sống nhiều hưởng thụ.

* Dân chúng nói chung, Phật tử nói riêng, chật vật với đời sống kinh tế - Thanh niên rời bỏ ruộng đồng, rời bỏ nông thôn vào các thành phố lớn, các khu công nghiệp kiếm sống. Đời sống công nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh hoạt của các đoàn thể, trong đó có Gia Đình Phật Tử chúng ta.

b/.Làm gì?

Chính vì lẽ đó, để duy trì và phát triển Gia Đình Phật Tử đã có nhiều ý kiến phải cải cách Gia Đình Phật Tử cho hợp với tình hình mới: tình hình hội nhập.

Hòa Thượng Thiện Duyên, Trưởng ban Hướng Dẫn Phật Tử Trung Ương GHPGVN đã nêu GĐPT cần phải có những công tác xã hội.

Một Huynh trưởng trẻ của Thừa Thiên –Huế, là anh Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn, cũng đã từng kêu gọi cải cách Gia Đình Phật Tử với các lý do: số lượng đoàn sinh GĐPT chiếm tỷ lệ quá ít so với mặt bằng dân sô VN và nhiều tỉnh chưa có hình ảnh bóng dáng áo Lam như các tỉnh phía Bắc và miền đồng bằng sông Cửu Long.

Và trên báo Giác Ngộ, chúng tôi cũng thấy nhiều ý kiến về việc GĐPT nên cải cách: bởi những bài học kỷ năng quá cũ kỹ lỗi thời như morse, sesmaphore, gút dây…

Và, trong những năm gần đây, với 12 bức Tâm Thư gửi Huynh Trưởng và đoàn sinh GĐPT.VN của Tiến Sĩ Huynh trưởng Trần Kiêm Đoàn từ bên kia bờ đại dương gửi về và đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo. Và mới đây tại Hoa Kỳ, đã diễn ra Hội thảo về Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại hải ngoại cũng đã nêu ra nhiều vấn đề, nhiều vấn nạn. Thế nhưng, với những trình bày, những tâm huyết của anh Trần Kiêm Đoàn chỉ giúp ta nhìn rõ về hiện trạng thanh niên thế giới, những lập luận. và cuối cùng cũng “chưa thấy lóe lên ánh sáng từ cuối con đường hầm”.

c/.Cải cách? Dĩ nhiên là phải cải cách mới mong tồn tại, theo kịp sự phát triển của xã hội, để chúng ta không tụt hậu, không lỗi thời để bị đào thải.
Chúng ta cải cách những gì?

1/. Cải cách các môn học kỷ năng? Nếu nói rằng hiện nay, với sự bùng nổ của những phương tiện thông tin như: fax, email, điện thoại di động …..thì các bài học về kỷ năng hoạt động thanh niên như vần Morse hay Sémaphore quả là lỗi thời không còn lợi ích và áp dung vào đời sống nữa. Thế nhưng đã có những đề nghị học những kỷ năng gì thay thế? Thưa rằng chưa. Đó đây bên cạnh chúng ta, những đoàn thể như Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh là những đoàn thể của chính quyền, có quy mô tổ chức lớn với hệ thống trường Đoàn, trường Đội ….thì họ vẫn duy trì các bài học kỷ năng về: cắm trại, sémaphore, morse, đồ bản …trò chơi lớn…với các đoàn thể đó, thì các hoạt động như thế là một trong phương thức tập họp thanh thiếu niên. Hay mới đây,câu lạc bộ “Sao Bắc Đẩu” một hình thức sinh hoạt của Hướng Đạo vẫn còn cho đoàn sinh học những kỷ năng ấy, và đoàn sinh của họ vẫn phát triển tốt. Phải nói thêm, dù fax, email, website….là những tiến bộ vượt bậc về thông tin, nhưng ở đó, các học viên chỉ cần thuộc lòng những thao tác, bấm, lắc chuột…hoàn toàn thụ động, kém linh hoạt và không phải bất cứ nơi nào, lúc nào cũng áp dụng được nếu không có những công cụ, phương tiện hổ trợ như máy vi tính, điện và interrnet. Trong khi nếu học vần morse, sesmaphore…mật thư ….dẫu lỗi thời nhưng đã tạo cho các em động não, óc nhận xét, rèn luyện trí nhớ…và hứng thú, kích động các em tìm hiểu, phán đoán …và vẫn tạo nên lời ích cho các em.
 

2/. Cải cách các môn học Phật pháp? Cải cách thế nào? Hội nghị Huynh trưởng GĐPT toàn quốc năm 2006 tại Tổ Đình Vĩnh Nghiêm chúng ta đã thực hiện rồi. Ở đây, chúng ta phải cải cách phương pháp hướng dẫn môn Phật Pháp cho đoàn sinh sao cho thích hợp cho từng lứa tuổi. Ngành Oanh Vũ phải dạy như thế nào? Ngành Thiếu phải hướng dẫn ra sao? Từ lâu chúng ta thường hướng dẫn theo cách truyền dạy, đọc chép…dế gây nhàm chán. Bây giờ nên để các em chủ động, phát biểu tìm hiểu và huynh trưởng chỉ ở vai trò cố vấn bên cạnh để đúc kết bài học. Đây là việc làm hơi khó. Vì đa số chúng ta thiếu kiến thức sư phạm chưa nắm vững được những phương pháp giáo dục mới.

3/. Cần phải tìm cách xóa bớt các lối mòn cũ trong các buổi sinh hoạt : Làm thế nào cho các em thấy hứng thú trong các buổi sinh hoạt hàng tuần. Làm thế nào cho em nôn nóng đến chùa ngày Chủ Nhật. Cần nên có những trò chơi vận động, những cuộc thi tài giữa các đoàn sinh, các đoàn với nhau về các bộ môn Phật Pháp, Hoạt Động kỹ năng. Chúng ta có thể sưu tầm, mô phỏng các Game show trên truyền hình …áp dụng cho các em. Chúng ta phải tạo nên những sân chơi trong lành bổ ích và sinh động, có thế mới hấp dẫn được thanh thiếu niên và được sự ủng hộ từ xã hội.

4/. Cần đầu tư: Chúng ta, những Huynh trưởng nên đầu tư nhiều cho các buổi sinh hoạt hàng tuần. Chúng ta phải tự đổi mới chúng ta thường xuyên : Sưu tầm tìm hiểu, học hỏi bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Phân ban Trung ương hay các tỉnh nên tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cầm đoàn, kỷ năng vận động thanh niên thường xuyên nhằm theo kịp đà tiến của thanh thiếu niên và xã hội và phát triển tốt.

5/. Phát triển những hoạt động phụ khác:

a/.Chúng ta nên thành lập chương trình khuyến học trong GĐPT hay trong Tỉnh, vận động và giúp đỡ các đoàn sinh ngoan: học giỏi, vượt khó. Khuyến khích đoàn sinh, Huynh trưởng tham gia các chương trình như chương trình “Tiếp sức mùa thi” tại các tỉnh thành như nhiều cơ quan báo chí, đoàn thể thực hiện trong những năm qua.

b/. Nếu có thể được, chúng ta nên lập các tổ tư vấn về giới tính, sức khoẻ sinh sản cho đoàn sinh ở lứa tuổi mới lớn; hướng dẫn nghề nghiệp và tìm việc cho các thành viên.
c/. Mở các lớp học tình thương hay những lớp học Hè cho đoàn sinh.

d/. Lập quỹ tương thân tương trợ để giúp đỡ các Huynh trưởng và đoàn sinh gặp khó khăn đột xuất hay ma chay và gia đình Huynh trưởng, đoàn sinh nghèo khó. Như ở Bà Rịa Vũng Tàu vừa mới bàn giao “ngôi nhà Tình lam” cho một Huynh trưởng khó khăn về nhà ở…

e/. Lập chương trình hay tổ chức giới thiệu việc làm cho đoàn sinh Huynh Trưởng, để Huynh Trưởng có thể an tâm sinh hoạt khi có nghề nghiệp, việc làm đời sống ổn định.
Có những hoạt động tương thân tương trợ như thế sẽ thắt chặt mối thâm tình trong tình Lam và …họ khó bỏ được màu áo.

6/.Đặc biệt, nên tìm sự ủng hộ nơi các vị cố vấn giáo hạnh, các vị trụ trì các đạo hữu trong đạo tràng: làm sao cho sự gắn kết chặt chẻ giữa mọi người trong cùng đạo tràng với GĐPT.. Vì GĐPT không thể sống rời chùa, tách biệt với sinh hoạt của chùa của đạo tràng được.
 
IV. Kết luận:

Không phải bây giờ chúng ta mới bàn về vấn đề hội nhập - mà chúng ta đã hội nhập vào cộng đồng từ hơn 50 năm nay và luôn luôn phải có tư tưởng hội nhập, đổi mới trong mỗi người Huynh trưởng chúng ta.

Trên là những nhận định của riêng cá nhân chúng tôi về tình hình Gia Đình Phật Tử chúng ta hiện nay. Chúng tôi mong rằng sẽ có những ý kiến đóng góp bổ ích, khả thi khác của các quý vị để hầu tạo thế bền vững cho Gia Đình Phật Tử.

Hy vọng rằng trong thời kỳ hội nhập này, trước những thử thách những nghịch duyên …. chúng ta sẽ tìm ra hướng mới cho sự tồn tại và phát triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Chúng ta hy vọng sẽ thấy hé lên ánh sáng cuối đường hầm.

Gia Đình Phật Tử không phải là một ốc đảo ; Gia Đình Phật Tử phải là một hình thức tu học sinh hoạt không thể thiếu ở các Chùa, Tự viện và Gia Đình Phật Tử phải là một trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của xã hội và Phật Tử của chùa là một sân chơi trong lành của Thanh Thiếu Niên trước cơn lốc của biết bao tệ nạn xã hội đang bao vây thế hệ trẻ đương thời.
 

Số hoá trại sinh phục vụ cho công tác quản lý - khảo thí - cấp phát chứng chỉ
 
 

Một giờ dạy theo kiểu truyền thống
 

Giờ giảng huấn có sử dụng thiết bị Công nghệ thông tin
 

 
 
Giờ thuyết trình sử dụng thiết bị công nghệ thông tin
 

Ban báo chí trại huấn luyện - 4 ngày kịp thời ra 3 bản tin
 
Huynh trưởng cấp Tấn Thiện Bình - Nguyễn Hồng Trân
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 571
  • Khách viếng thăm: 561
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 76615
  • Tháng hiện tại: 2884758
  • Tổng lượt truy cập: 88689361
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012