Diễn văn khai mạc Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự

Đăng lúc: Thứ tư - 03/11/2021 11:08 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

--------------------------------------

ĐẠI LỄ KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP GHPGVN

DIỄN VĂN KHAI MẠC

của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh;

Kính bạch Chư tôn giáo phẩm Hội đồng Trị sự; Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố;

Kính thưa quý vị khách quý đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN, các Ban, Bộ ngành Trung ương; Quý vị khách quý đại diện Đảng bộ, Chính quyền, MTTQVN các tỉnh, thành phố; Quý chức sắc tôn giáo bạn;

Kính thưa đồng bào Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài.

Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Bầu cử Quốc hội khóa 15, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp. Đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao. Chung niềm vui đó cùng đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định sự trưởng thành, phát triển, không ngừng lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng trong cộng đồng Phật giáo thế giới sau 40 năm thành lập, phát triển và hội nhập cùng đất nước.

Hôm nay, ngày 7-11-2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội (7-11-1981 - 7-11-2021). Đại lễ được diễn ra bằng hình thức trực tuyến do bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19. Từ điểm cầu Hà Nội kết nối với các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là đại lễ kỷ niệm đặc biệt nhất trong chặng đường lịch sử phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Đây cũng là thể hiện tinh thần nhập thế theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, luôn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường 40 năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào đón Chư tôn túc Trưởng lão Hòa thượng Hội đồng Chứng minh, Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni, quý Cư sĩ Hội đồng Trị sự; Ban, Viện Trung ương và Ban Trị sự các địa phương; Quý vị khách quý đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ ngành Trung ương; Quý vị khách quý đại diện cho Đảng bộ, Chính quyền, MTTQVN và đoàn thể các tỉnh, thành phố trong cả nước; Quý chức sắc tôn giáo bạn, các đoàn ngoại giao; Đồng bào Phật tử và Nhân dân tín đồ đã hiện diện và tham gia trực tuyến Đại lễ trọng thể kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kính chúc Chư tôn đức, quý vị khách quý và toàn thể đồng bào dồi dào sức khỏe, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng dịch bệnh, cuộc sống an bình, phồn vinh và thịnh vượng. Chúc Đại lễ thành công tốt đẹp.

Kính bạch Chư tôn đức,

Kính thưa Quý vị khách quý.

Cũng vào ngày này cách đây 40 năm, tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội, Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay, Đại hội Đại biểu của 9 tổ chức Giáo hội, hệ phái và tổ chức Phật giáo trong cả nước đã họp và nhất trí tuyên bố thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là sự kiện hy hữu trong lịch sử, là kết tinh trí tuệ và nguyện vọng tha thiết thống nhất Phật giáo từ hàng ngàn năm, tiếp nối sự nghiệp của Chư vị lịch đại Tổ Sư qua các thời kỳ lịch sử. Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong một bối cảnh đặc biệt vừa thuận lợi vừa khó khăn. Thuận lợi lớn nhất là nước nhà vừa được độc lập, giang sơn được thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, đây là tiền đề căn bản để thống nhất Phật giáo cả nước. Nhưng Tăng Ni, Phật tử cũng phải nỗ lực vượt qua những khó khăn trong những thập niên đầu khi đất nước mới giải phóng bước vào thời kỳ hàn gắn, xây dựng sau chiến tranh với nhiều cơ hội và thách thức ở trong nước và quốc tế. Mặc dù vậy, với truyền thống đoàn kết, hòa hợp, truyền thống nhập thế đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trong suốt 2000 năm lịch sử, Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh cùng đất nước vững bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, khẳng định được vai trò, vị thế như ngày nay.

Kính bạch Chư tôn đức,

Kính thưa Quý vị khách quý.

Chặng đường 40 năm trưởng thành, phát triển, hội nhập cùng đất nước, chúng ta tự hào chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam có được tiền đồ như ngày nay ở trong nước và trên thế giới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức đại diện cho Tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài với gần 55 ngàn Tăng Ni, 18 ngàn ngôi chùa và tự viện cơ sở Phật giáo, hàng chục triệu tín đồ Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài. Hội đồng Chứng minh là biểu tượng tinh thần Đạo pháp, Hội đồng Trị sự điều hành 13 Ban, Viện và 63 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xiển dương đạo pháp, phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong 40 năm qua (1981 - 2021), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về hệ thống tổ chức từ trung ương đến các địa phương, về chủ trương hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo, đào tạo tăng tài, xiển dương chân lý, hoằng pháp lợi sinh hướng dẫn đồng bào Phật tử, phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo trong việc giữ gìn các di sản văn hóa Việt Nam. Về các hoạt động nhân đạo từ thiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp rất đáng tôn vinh, mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng tham gia trong các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc y tế đối với cộng đồng, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế, tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu hợp tác Phật giáo quốc tế, đã 3 lần đăng cai tổ chức rất thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, thủ đô Hà Nội; năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; và năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực của Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân hậu, nghĩa tình, và luôn yêu chuộng hòa bình. Giáo hội đã rất coi trọng công tác chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài. Cử các đoàn hoằng pháp đi giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc tại các ngôi chùa Việt khắp năm châu trở thành nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, góp phần khẳng định và nâng tầm cộng đồng người Việt trên thế giới.

Hoạt động học thuật của Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phân viện Nghiên cứu, và của 4 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu Phật học, phiên dịch kinh điển, biên tập và xuất bản nhiều bộ sách có giá trị học thuật cao, đặc biệt là đang xuất bản bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là công trình thế kỷ khẳng định tầm vóc Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới.

Điều đặc biệt cốt lõi nhất làm nên sức mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là các thành viên Giáo hội đã luôn luôn thực hiện tốt lời dạy của Đức Phật: “Hội họp trong tinh thần đoàn kết, bàn luận Phật sự trong tinh thần đoàn kết, bế mạc cuộc họp trong tinh thần đoàn kết”, và đồng hành cùng dân tộc trong suốt 40 năm qua, nhờ đó mà Giáo hội đã có được sự kế thừa, ổn định và không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực chuyên ngành mà kết quả cụ thể được chứng minh trong báo cáo thành tựu Phật sự 40 năm của GHPGVN.

Chúng ta vui mừng trước thành tựu các Phật sự trong 40 năm qua, đó là nền tảng, động lực để hoàn thành chương trình Phật sự nhiệm kỳ 8 và các nhiệm kỳ tiếp theo của Giáo hội tầm nhìn đến năm 2045. Đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng đất nước ta trở thành nước phát triển, Tăng Ni, Phật tử hãy năng động hơn nữa trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc. Xây dựng mô hình Giáo hội kiến tạo ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác hoằng pháp, hướng dẫn đồng bào Phật tử và quản trị hành chính Giáo hội cấp từ trung ương đến địa phương, cũng như kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài tạo thành nguồn lực mạnh mẽ phát triển Giáo hội và đất nước.

Kính thưa chư liệt vị.

Trong ngày trọng đại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 40 năm thành lập, toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật tử xin thành kính tưởng niệm Đức Đệ tam Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ vừa viên tịch. Đây là tổn thất to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, Tăng Ni, Phật tử sẽ biến mất mát này thành sức mạnh đoàn kết của toàn Giáo hội để xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển ngày càng vững mạnh. Giáo hội tiếp tục phát huy các di sản của chư Tôn giáo phẩm đã có công đức to lớn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển Giáo hội qua các nhiệm kỳ, tưởng nhớ tới Đức Đệ nhất Pháp chủ cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận và ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của ngài chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng tài là “…thiết lập trường Đại học Phật giáo trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam”; thành kính tưởng niệm Đức Đệ nhị Pháp chủ cố Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch, cùng Chư tôn trưởng lão Hội đồng Chứng minh đã viên tịch qua các nhiệm kỳ. Chúng ta thành kính tưởng niệm và ôn lại di huấn của Đức Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ: “những gì tôi làm lợi ích cho đạo, là làm lợi ích cho dân tộc; những gì tôi làm lợi ích cho đất nước, dân tộc chính là làm lợi ích cho đạo pháp”. Kính cẩn tưởng niệm Đức đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh với kho tàng phiên dịch tam tạng đồ sộ mà ngài đã dày công chú giải để lại cho hậu thế; Thành kính tưởng niệm tới Chư tôn đức Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch, và các ủy viên Ban Thường trực, ủy viên Hội đồng Trị sự đã viên tịch trong các nhiệm kỳ vừa qua. Nguyện cầu Chư tôn thiền đức nơi miền Phật quốc tiếp tục gia hộ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam mãi mãi trường tồn trong lòng dân tộc. Đồng thời, hồi hướng công đức này đến ngôi Tam Bảo, đến hết thảy chúng sinh, đến đất nước và nhân dân Việt Nam chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Xin cầu nguyện hương linh các nạn nhân tử vong trong đại dịch Covid-19 vừa qua được tái sinh về cảnh giới an lành. Nguyện cầu Tam bảo gia hộ cho thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh và tất cả chúng sanh đều được an vui hạnh phúc.

Kính chúc chư liệt vị thân tâm an lạc, thành tựu viên mãn mọi hoạt động Phật sự, cũng như thế sự, đoàn kết, đại đoàn kết chung tay xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ tát ma ha tát tác đại chứng minh.

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 304
  • Khách viếng thăm: 291
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 81542
  • Tháng hiện tại: 2801123
  • Tổng lượt truy cập: 88605726
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012