Khổ đau, sinh tử cũng từ tâm

Đăng lúc: Thứ bảy - 05/03/2016 07:30 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Nhà văn Nga N.Ostrovski đã khẳng định: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”.
Thông thường, mỗi khi có một người trong gia đình lìa xa trần thế thì chúng ta không tránh được sự tiếc thương, đau buồn. Trước kia, tôi thấy cái chết là thứ kinh khủng nhất cuộc đời này. Bởi nhà có người chết thì rất lạnh lẽo. Nhất là nhà có người mất trẻ thì sẽ bị nói là vô phúc. 

Ngày còn nhỏ, khi nội mất tôi đã khóc lóc thảm thiết. Khóc vì thương, vì buồn sao nội mất sớm thế, dù lúc đấy nội tôi đã tám mươi rồi. Tôi trách ông trời bất công sao không cho nội sống đến một trăm tuổi. Vì lúc ấy trong suy nghĩ của tôi thì ai cũng được sống đến tuổi ấy mới phải chết.

Khóc nhiều cũng mệt, tôi lại ra chơi với anh chị. Trẻ con nhanh buồn nhanh vui. Lúc đó, tôi vẫn nhớ vì mải chơi “quên” khóc mà bị mọi người ra nhắc: “Bà mất mà vui thế à? Phải khóc đi chứ?” Thế rồi, tôi lại ngồi vào trong góc nhà, nghe tiếng gào khóc vật vã của mọi người trong gia đình rồi cũng khóc theo.

Học Phật rồi tôi mới biết về sinh tử vô thường và cũng hiểu ai cũng có số mạng, kể cả sự chết. Tôi thấy chết không còn đáng sợ như suy nghĩ hồi nhỏ nữa bởi ai rồi cũng phải trải qua. Đó là chuyện đương nhiên giống như việc chúng ta ai rồi cũng trưởng thành. Điều quan trọng là bao giờ chúng ta chết và chuẩn bị cái chết như thế nào mà thôi.

Đọc giáo lý của đức Phật giúp tôi ngộ ra nhiều điều. Hiểu rằng khóc lóc nào có đem lại được gì, người chết cũng đâu sống dậy được. Tôi bắt đầu thắc mắc: “Sao chết lại phải kèn trống thê lương? Con cháu sao phải khóc vật khóc vã? Đúng kiểu khóc khi nhà có người chết? Rồi còn dịch vụ khóc thuê, kêu thuê “Ông ơi, bà ơi, mẹ ơi, bố ơi, sao người đi nhanh thế?” 

Có một điều tôi vẫn luôn băn khoăn, không hiểu vì sao con cái không được buộc tóc khi phụ mẫu mất. Tôi có hỏi thì mọi người chỉ nói hồi xưa các cụ bảo vậy thì làm theo. Tôi vẫn luôn quan niệm làm gì cũng phải gọn gàng. Việc tóc tai rũ rượi rồi nước mắt tèm nhèm chỉ khiến không khí thêm phần tang thương mà thôi.

Có người còn nói nhà có tang, con cháu khóc nhiều mới chứng tỏ nhà đó có phúc. Tôi thì không nghĩ vậy. Khóc nhiều quá dẫn đến việc mất nước khiến cơ thể mệt mỏi, không làm được việc gì. Mà sau khi đi nhiều đám ma của cả gia đình mình cũng như nhà người khác thì tôi mới thấy khóc cũng là một hiệu ứng lan truyền. Một người khóc là người khác sẽ khóc theo. Sau cùng là cả nhà cùng khóc. 

May mắn được biết đến đạo Phật nên tôi đã đi tìm hiểu về tang lễ được làm theo phương thức nhà Phật. Khác với sự tang tóc, lạnh đến gai người toát ra từ những tấm khăn trắng là một không khí yên lặng và đầy sự kính trọng với người mất khi không có một tiếng khóc và không kèn trống. Quanh nhà được treo ảnh Phật Di Đà và trải khăn vàng tạo một sự ấm áp đến kì lạ. Không gian tĩnh mịch, chỉ có tiếng niệm Phật cất lên đều đều như một lời cảm tạ của con cháu tới người đã khuất.

Cát bụi rồi cũng trở về với cát bụi. Mọi chuyện xảy ra trên đời này đều bình thường nếu mình nhìn nó bình thường. Còn mình làm nó lớn chuyện thì nó thành lớn chuyện. Nhưng để hiểu được những điều đó phải mất nhiều thời gian.

Tôi muốn chia sẻ tới các bạn câu chuyện khi đức Phật còn tại thế:

“Một thời Phật ở nước Xá – vệ, rừng Kỳ - đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

- Thế nào, Tỳ kheo các thầy lưu chuyển sinh tử trải qua bao khổ não, trong đó buồn khóc nước mắt rơi là nhiều chăng? Hay nước sông Hằng nhiều?

Các Tỳ kheo đến trước bạch Phật:

- Chúng con khi quan sát ý nghĩa câu nói của Như Lai, trải qua sinh tử, nước mắt rơi khi buồn khóc nhiều hơn nước sông Hằng.

Phật bảo các Tỳ kheo:

- Lành thay, lành thay! Các Tỳ kheo! Như các thầy nói không khác. Các thầy ở trong sinh tử, nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng. Vì sao thế? Ở trong sinh tử, cũng vì phụ mẫu mạng chung, khi ấy khóc lóc không thể tính kể. Lâu dài cha con, chị em, vợ con, ngũ thân và các quyến thuộc ân ái thương nhớ khóc lóc không thể tính kể.

Cho nên, các Tỳ kheo nên chán họa sinh tử, xa lìa pháp ấy. Như thế, này các Tỳ kheo, nên học điều này!”

Trong các pháp thoại của Thế Tôn, những hình ảnh trực quan luôn được vận dụng để minh hoa cho thính chúng dễ hiểu, dễ liên hệ, nhận rõ ý nghĩa những lời dạy của Người. Nước sông Hằng đã được Thế Tôn dùng để chỉ cho nước mắt của chúng sanh khóc thương nhau trong những lần tử biệt sinh ly, chuyển lưu sanh tử trong nhiều đời kiếp.

Thế Tôn nói một cách cụ thể về sự “thương nhớ khóc lóc không thể tính kể”, về “nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng” để chỉ cho chúng ta thấy rằng, mình đã trôi lăn trong luân hồi nhiều kiếp, mình đã trải qua vô lượng khóc than tiễn biệt nhau, nay được làm thân người “nên chán họa sanh tử” mà hướng đến vô sanh.

Biết rằng rồi đây mình sẽ chết, sẽ kết thúc một đời vốn nhiều khổ đau và giả tạm này nhưng sau cái chung cuộc ấy thì cánh cửa nào sẽ mở ra.

Tam giới, lục đạo hay Cực Lạc, Niết bàn hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức, cách sống và cách tu dưỡng của chính mình trong hiện tại. Nếu muốn sinh lên, muốn hướng thượng và thăng hoa thì cần buông xả. Buông được chừng nào thì càng nhẹ nhàng chừng nấy. Còn nắm giữ, dính mắc càng nhiều thì càng bị kẹt và nặng nề thêm, không thể thoát được.

Người con Phật phải nhận rõ khổ đau lớn nhất của kiếp người là mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử. Giải thoát tối hậu là ra khỏi luân hồi, chứng đắc Niết Bàn hay ít ra là thành tựu vãng sinh Cực Lạc. Giải thoát từng phần chính là sự thực hành xả buông ngay trong đời sống hàng ngày.

Chán ngán cuộc luân hồi tử sinh vô tận (cuộc hồng trần xoay vần quá ngán) là tuệ giác đầu tiên, là nền tảng cho nguyện lực quyết buông bỏ những dính mắc và trói buộc thế thường để cất bước ra đi tìm đường thoát khỏi sinh già bệnh chết. Như Đức Phật xưa kia, sau khi dạo bốn cửa thành thấy chán ngán tất cả mới đủ nguyện lực xả buông, nửa đêm vượt thành xuất gia tầm đạo.

Chúng ta ngày nay bước chân vào chùa, vào đạo là nguyện theo dấu chân xưa. Dẫu sống trong cuộc đời như bao người nhưng quyết không bị kẹt, không chìm đắm. Dẫu cũng tử sinh như bao người nhưng nguyện đó là lần sau cùng. Dẫu biết rằng giải thoát tử sinh là vượt sang bờ kia nhưng kỳ thực làm gì có bờ để sang, có tử sanh để vượt thoát.

Khổ đau, sinh tử cũng từ tâm mà ra và cũng ngay nơi tâm mà diệt. Xả buông đến tận cùng, không chấp thủ bất cứ vật hay việc gì thì ngay đây, ngay nơi tử sinh mà giải thoát. Ngay nơi cuộc đời “nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng” này chính là Cực Lạc, Niết bàn.

Nhà văn Nga N.Ostrovski đã khẳng định: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”.

Mỗi con người sinh ra trên đời đều trải qua các giai đoạn khác nhau của “sinh, lão, bệnh, tử”. Đến cuối cùng rồi ai cũng phải đi đến kêt thúc. Cuộc đời mỗi người cũng giống như một cuốn truyện về một cuộc hành trình. Mà “kết thúc” có hậu hay không tùy thuộc tất cả vào những “tình tiết, cốt truyện” do mỗi người tự tạo ra. 

 
Tác giả bài viết: Nguyễn Linh Chi
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 428
  • Khách viếng thăm: 417
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 71058
  • Tháng hiện tại: 1789087
  • Tổng lượt truy cập: 90680660
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012