Vui buồn lì xì ngày xuân

Đăng lúc: Thứ bảy - 17/02/2018 17:46 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Lì xì ngày tết là mỹ tục tốt đẹp ngàn đời của dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ đáng được duy trì. Tuy nhiên ngày nay đã có những “biến tướng” trong nếp nghĩ, cách làm từ người lớn đến trẻ em, dẫn đến tục lệ này mất đi ý nghĩa nhân văn cần được chấn chỉnh, để nỗi lo lì xì ngày tết sẽ không còn.
Đến nay chưa có cơ sở nào xác định được tục lệ lì xì ngày tết có tự bao giờ. Nhiều bậc cao niên cho rằng tục lì xì xuất phát từ Trung Quốc rồi du nhập sang Việt Nam. Hai từ “lì xì” có nghĩa là sự may mắn (?).

Ngày xưa nội tôi kể: cứ vào dịp giao thừa, dịp các vị thần tiên canh gác cho con người đều phải trở về trời, để nhận công việc, một loài yêu quái xuất hiện hù dọa trẻ con giật mình khóc thét rồi bị sốt hoặc trở nên ngớ ngẩn. Một hôm, mấy vị tiên đi ngang biết chuyện liền hóa thành những đồng tiền nằm trong các bao vải đỏ. Khi yêu quái đến, những đồng tiền trong tấm vải đỏ liền lóe sáng khiến yêu quái sợ hãi bỏ chạy. Từ đó các bao vải đỏ trở thành những phong bao lì xì ngày tết.
 
Nếu ngày xưa lì xì chỉ xuất hiện ở dịp tết cổ truyền dân tộc và chỉ có người lớn lì xì cho trẻ con xem như là món quà xuân, thì nay lì xì xuất hiện ở nhiều dịp khác nhau như: mừng thọ người cao tuổi, thi đậu, người ở xa về… và người nhỏ cũng có thể lì xì cho người lớn để làm quà.
 
Ngày xưa, vào dịp mùng một tết, con cháu tề tựu đầy đủ trước mặt ông bà và bàn thờ tổ tiên để chúc phúc, chúc thọ người lớn, sau đó nhận các phong bao lì xì xem như là lộc may mắn đầu năm. Ngược lại người lớn cũng lì xì lại cho con cháu, chủ yếu là trẻ con. Tiền trong bao phải là tiền mới đã được người lớn chuẩn bị sẳn. Trẻ con vui mừng và cất cẩn thận các phong bao, thường sau tết mới mang ra tiêu xài. Riêng lũ con trai như chúng tôi tranh thủ “ móc ruột” bao rồi tiêu khiển bằng nhiều trò chơi như: bầu cua cá cọp, lô tô, đánh bài, ăn theo mấy trận đá gà….
 
Hồi đó chúng tôi thường “canh me” những vị khách đến nhà, nhất là các vị khách sang trọng để có được những bao lì xì hậu hỉ. Ngược lại chúng tôi phải học thuộc lòng mấy câu chúc “kinh điển” như: chúc làm ăn phát tài, phát lộc, sống lâu trăm tuổi, tiền vô như nước… Nếu khách đến nhà có dẫn theo trẻ nhỏ thì chủ nhà phải lì xì lại theo phương châm: bánh ít đi thì bánh qui lại cho vui vẻ hai bên chủ và khách. Chữ viết trên phong bao lì xì cũng đóng vai trò quan trọng nên thường có chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Hiếu, Thuận, Tài… 
 

 
Nhiều người lo lắng khi kinh tế khó khăn nhưng phải chuẩn bị khoản lì xì cho con cháu ngày tết nên thường chọn biện pháp “né tránh” đến chúc tết họ hàng, bạn bè, thân quyến. Ngược lại cũng có những người “cơ hội” tranh thủ dịp tết đến chúc tết thủ trưởng cơ quan hay các quan chức mà mình đang cậy nhờ kèm theo những phong bao lì xì “đặc biệt” cho con cháu vị khách quý ấy kèm theo những quà vật đắt tiền khác và tất nhiên không thiếu những lời chúc tết sáo rỗng, hình thức.
 
Một quan ngại khác đang diễn ra và đang có xu hướng phát triển là trẻ con bây giờ chỉ quan tâm đến số tiền trong các phong bao nhiều hay ít mà không xem đây là món quà xuân tinh thần. Nhiều người lớn đã quá bất ngờ với thái độ các cháu nhỏ rất bực bội, bất bình khi nhận lấy những số tiền mang tính tượng trưng, chưa kể có trường hợp trẻ con sau khi “rút ruột” phong bì rồi xé toạc phong bao ném xuống đất trước mặt khách bất chấp sự ngỡ ngàng của khách đến nhà ngày tết.
 
Chưa dừng lại ở đó, nhiều trẻ em còn lấy số tiền được lì xì dịp tết xem đây là món quà thách đố nhau về sự giàu có của gia đình, bạn bè, người thân gia đình mình với thái độ kênh kiệu không đáng có.
 
Lì xì ngày tết là mỹ tục tốt đẹp ngàn đời của dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ đáng được duy trì. Tuy nhiên ngày nay đã có những “biến tướng” trong nếp nghĩ, cách làm từ người lớn đến trẻ em, dẫn đến tục lệ này mất đi ý nghĩa nhân văn cần được chấn chỉnh, để nỗi lo lì xì ngày tết sẽ không còn.
 
Thời buổi @ như bây giờ chuyện lì xì ngày tết có lắm chuyện đáng bàn.
 
 
 
Tác giả bài viết: Phan Thị Anh Thư
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 200
  • Khách viếng thăm: 185
  • Thành viên online: 1
  • Máy chủ tìm kiếm: 14
  • Hôm nay: 88562
  • Tháng hiện tại: 2837604
  • Tổng lượt truy cập: 88642207
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012