Chất lượng

Đăng lúc: Thứ sáu - 04/11/2016 18:53 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Đức Phật dạy các Tỷ-kheo nên tu học thế nào để có được kết quả xứng đáng hay đạt chất lượng tốt nhất. Phải học từ từ, thực tập từ từ, từng bước một, bắt đầu từ những việc nhỏ nhiệm như sửa thân ngay thẳng, sửa lời ngay thẳng, sửa tâm ngay thẳng, không để thân, khẩu, ý rơi vào khuyết điểm dẫn đến hư hỏng.
Kiên trì tu học như thế thì dần dần thân trở nên đoan chính ngay thẳng, lời trở nên đoan chính ngay thẳng, tâm trở nên đoan chính ngay thẳng, không còn khiếm khuyết hay hư hỏng.

Vị Tỷ-kheo nào nỗ lực tu học đạt kết quả như vậy thì được xem là đã an trú vững chắc trong Phật pháp, xứng danh là người xuất gia tu đạo giác ngộ, xứng đáng làm chỗ nương tựa lớn cho cuộc đời.

Để bảo đảm việc tu học đạt kết quả lợi lạc, Phật khuyên các Tỷ-kheo không nên vội vàng, thiếu cẩn trọng trong đời sống tu tập, vì việc sửa thân khuyết điểm, sửa lời khuyết điểm, sửa tâm khuyết điểm đòi hỏi thời gian và công phu rất lớn.

Tựa như một sản phẩm, nếu làm vội làm dối thì chất lượng không bảo đảm, không thể sử dụng, dễ gây tai hại; nhưng nếu được đầu tư đúng mức về thời gian và công sức thì chất lượng được bảo đảm, có thể sử dụng an toàn như ý muốn.

Câu chuyện về kinh nghiệm người làm bánh xe do Đức Phật kể sau đây lưu ý với chúng ta về tầm quan trọng của việc đầu tư sản xuất, sao cho chất lượng sản phẩm được bảo đảm tối ưu, tương tự là việc tu học, cần phải nỗ lực thế nào để có được kết quả mỹ mãn: 
  

 
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị vua tên là Pacetana. Rồi, này các Tỷ-kheo, vua Pacetana cho gọi người thợ đóng xe:

- “Này người đóng xe, sau sáu tháng, sẽ có trận chiến. Này người đóng xe, ông có thể làm cho ta một cặp bánh xe mới được không?”

- “Thưa Đại Vương, có thể được”.

Người đóng xe trả lời cho vua Pacetana.

Rồi này các Tỷ-kheo, người đóng xe, sau sáu tháng trừ sáu ngày, làm xong một bánh xe. Rồi vua Pacetana bảo người đóng xe:

- “Sau sáu ngày, này người đóng xe, sẽ có trận chiến. Đôi bánh xe mới có thể làm xong được không?”

- “Thưa Đại vương, sau sáu tháng trừ sáu ngày, một bánh xe đã làm xong”.

- “Này người đóng xe, ông có thể, với sáu ngày (còn lại) này, làm xong bánh xe thứ hai?”

- “Thưa Đại vương, con có thể làm được”.

Người đóng xe trả lời cho vua Pacetana.

Rồi này các Tỷ-kheo, người đóng xe trong sáu ngày, sau khi làm xong bánh xe thứ hai, cầm cặp bánh xe mới, đi đến vua Pacetana; sau khi đến, thưa với vua Pacetana:
- “Thưa Đại vương, cặp bánh xe mới này đã làm xong cho Ngài”.

- “Này người đóng xe, cái bánh xe này làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày và cái bánh xe này làm xong trong sáu ngày, có cái gì sai khác giữa hai cái này, ta không thấy có các gì sai khác hết”.

- “Có sự sai khác giữa hai cái này, thưa Đại vương. Thưa Đại vương, hãy nhìn sự sai khác”.

Rồi, này các Tỷ-kheo, người đóng xe đẩy cho chạy bánh xe được làm xong trong sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy ban đầu còn tồn tại rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Rồi nó đẩy cho chạy bánh xe được làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy ban đầu còn tồn tại, rồi nó đứng lại như đang mắc vào trong trục xe.

- “Do nhân gì, này người đóng xe, do duyên gì cái bánh xe được làm trong sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy ban đầu còn tồn tại, rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Do nhân gì, này người đóng xe, do duyên gì cái bánh xe được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy ban đầu còn tồn tại, rồi nó đứng lại như mắc vào trục xe ?”

- “Thưa Đại vương, cái bánh xe này được làm xong sau sáu ngày, vành xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm, trục xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm. Vì rằng vành xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; vì rằng các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; vì rằng trục xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm, nên bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy ban đầu còn tồn tại, rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Còn bánh kia, thưa Đại Vương, được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày, vành xe ấy không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; các căm xe không cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; trục xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm. Vì rằng vành xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; vì rằng các căm xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; vì rằng trục xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm nên bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy ban đầu còn tồn tại, nó đứng lại như đang mắc vào ở trong trục xe.

Rất có thể, này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ rằng trong thời ấy, người đóng xe ấy là một người khác. Này các Tỷ-kheo, chớ có nghĩ như vậy. Trong thời ấy, ta chính là người đóng xe. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, ta khéo léo về chỗ cong của gỗ, về chỗ hỏng của gỗ, về khuyết điểm của gỗ. Nay, này các Tỷ-kheo, ta là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, khéo léo về chỗ cong của thân, về chỗ hỏng của thân, về khuyết điểm của thân; khéo léo về chỗ cong của lời nói, về chỗ hỏng của lời nói, về khuyết điểm của lời nói; khéo léo về chỗ cong của ý, về chỗ hỏng của ý, về khuyết điểm của ý.

Đối với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, thân cong không có đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm không có đoạn tận, lời nói cong không có đoạn tận, lời nói hư hỏng, lời nói khuyết điểm không có đoạn tận, ý cong không có đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết điểm không có đoạn tận, như vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy rơi khỏi Pháp Luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong trong sáu ngày.

Đối với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, thân cong được đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm được đoạn tận, lời nói cong … ý cong được đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết điểm được đoạn tận, như vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy an trú vững chắc trong Pháp Luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: “Chúng tôi sẽ đoạn tận thân cong, thân hư hỏng, thân khuyết điểm, chúng tôi sẽ đoạn tận lời nói cong, lời nói hư hỏng, lời nói khuyết điểm, chúng tôi sẽ đoạn tận ý cong, ý hư hỏng, ý khuyết điểm”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.



                                           
Tác giả bài viết: Huệ Minh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 423
  • Khách viếng thăm: 410
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 60838
  • Tháng hiện tại: 2780419
  • Tổng lượt truy cập: 88585022
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012