Lời Phật dạy sâu sắc về “Bạn”

Đăng lúc: Thứ tư - 21/08/2019 08:08 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Bạn bè là sự thể hiện sinh động cho mối quan hệ đặc thù giữa người với người. Mối quan hệ đó được thiết lập căn bản trên sự đồng đẳng hoặc bất đồng đẳng về giới tính, tuổi tác, chí nguyện, đam mê, sở thích… là tiêu chí quan trọng để khẳng định nhân cách hoặc quan điểm sống của một con người.
Có những mối quan hệ với một số người mà bạn không thật sự biết được là vì sao – hoặc chỉ do thói quen. Những người bạn chân chính mang đến cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp. Họ là chỗ dựa, là điểm tựa những khi chúng ta phải vật lộn với khổ đau phiền não. Những khi ta lúng túng, mất phương hướng, lần mò trong bóng tối, người bạn thấu hiểu sẽ soi đường chỉ lối cho chúng ta. Bạn hữu giúp ta cân bằng, họ khơi dậy tiềm năng tốt đẹp nhất trong ta, giúp chúng ta đến gần tự tính tâm mình và chân hạnh phúc.
 
Đức Phật dạy cách kết bạn
 
Theo Lời Phật dạy, gặp được thiện tri thức là chúng ta phải gieo nhân duyên phước báu từ nhiều đời kiếp trước. Vậy thế nào là một tình bạn chân chính, và làm thế nào để chúng ta có thể tìm thấy người bạn đúng nghĩa.
 
Trong kinh Hiền Nhân, Đức Phật dạy có bốn cách kết bạn đó là: kết bạn như hoa, kết bạn như cân, kết bạn như núi và kết bạn như đất.
 
Chúng ta nên học cách phân loại tình bạn và chỉ nên tập trung vào mối quan hệ mang lại cho ta những điều tốt lành.
 
Kết bạn như hoa: Đây là kiểu tình bạn chạy theo vật chất chỉ lợi dụng lẫn nhau. Khi giàu sang thì quen dựa dẫm nhưng khi nghèo khó thì sẽ bỏ mặc như người xa lạ.
 
Theo lời Đức Phật: “Khi một bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu nâng niu yêu quý, còn khô héo rồi thì vứt bỏ đi”.
 
Tình bạn này chỉ nhất thời, không thể bền lâu, họ chỉ chạy theo vật chất, lợi dụng lẫn nhau. Hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ.
 
Kinh Hiền Nhân cũng đã dạy: “Ở đời, có thịnh ắt có suy, có hội họp ắt có ly tán, lành dữ vô thường, họa phúc tự mình chuốc lấy. Kết bạn mà không bền chắc thì không nên thân. Thân mà không có chừng độ, thân lâu sẽ có khinh lờn. Ví như múc nước giếng, múc sâu thì nổi cặn. Gần người hiền được thêm trí tuệ, ở với kẻ dốt càng thêm ngu si. Thường thấy thì hay khinh lờn, xa nhau thì sanh oán giận. Giao tiếp người lành nên qua lại có chừng độ, thân mà có cung kỉnh thì thân lâu ngày càng có hậu. Giao thiệp với kẻ bất lương, họ ăn ở không thực thà, lời ngon tiếng ngọt chẳng qua là để lợi dụng mình, dù cho có kết hợp cũng không nên tin…” .
 
Trong cuộc sống, kiểu kết bạn này dường như không hiếm. Cho nên, trong cơn hoạn nạn mới có thể nhận thấy được đâu là tình bạn thủy chung, đích thực.
 
Kết bạn như cân: Đây chính là một kiểu tình bạn đòi hỏi phải có sự qua lại. Khi quyền lực, giàu có thì được trọng vọng, thăm hỏi. Nhưng khi bạn thất thế, sa cơ thì lại rất đỗi coi thường.
 
Cân là vật dùng để đo lường - cho thấy tình bạn này được cân đo, đong đếm, tình bạn đòi hỏi phải qua lại. Cân có lúc nâng lên cao, khi lại bị đẩy xuống xa, tình bạn kiểu này cũng vậy khi cung kính nhau, lúc lại khi dễ, xem thường nhau.
 
Nhất là khi ta còn đương chức đương quyền, có biết bao người đến thăm hỏi, quà cáp; khi ta thất thế hay về hưu thì tất cả những bạn bè trước đây đều không còn lui tới, qua lại.
 
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
 
“Chia sẻ và có tấm lòng
 
Chớ thân cận bạn ác
 
Chớ thân kẻ tiểu nhân
 
Hãy thân người bạn lành
 
Hãy thân bậc thượng nhân” (Kinh Pháp Cú, câu78)
 
Kết bạn như núi:
 
Núi là nơi chim thú tụ về do có dồi dào nguồn thức ăn. Núi và chim nhờ vào nhau để làm cho sự sống thêm đa dạng và phong phú hơn. Kết bạn như núi cũng được hiểu như thế, là tình bạn san sẻ, bồi đắp, bổ khuyết cho nhau. Khi giàu sang thì giúp đỡ lẫn nhau, khi nghèo khó thì cùng nhau vượt qua. Đây là một tình bạn có sự san sẻ và bồi đáp cho nhau.
 
Việt Nam chúng ta có câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Quý thay những người có thể hy sinh cả sự nghiệp cho bạn như chuyện Lưu Bình – Dương Lễ… Bên cạnh đó, dường như ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện Bá Nha – Tử Kỳ. Câu chuyện đã tạo nên một giai thoại, và cũng qua câu chuyện này, người đời có câu “tri âm tri kỷ” để chỉ cho kiểu tình bạn cảm thông, thấu hiểu, không phân biệt sang hèn.
 
Kết bạn như đất: Đất là nơi dung chứa sự sống, vạn vật đều dựa vào đất mà sinh trưởng và phát triển. Làm bạn như đất để nuôi dưỡng, ủng hộ, ân hậu không quên…
 
Kết bạn như đất là mối quan hệ bạn bè nương tựa nhau để cùng tiến bộ, là tấm gương bạn bè chân tình, cao quý – một trong những yếu tố tạo nên tinh thần tùy hỷ trong đạo Phật. Không ghen tị khi thấy bạn có những tiến bộ, khi thấy bạn gặp cảnh ngộ thiệt thòi, kém sút, mình cũng không sinh tâm bỏ bê, rẫy ruồng.
 
Sự vận hành tất bật của dòng sống sinh động đã đưa con người đến với nhau. Có những mối gặp gỡ và liên hệ thoáng qua, có những mối gặp gỡ và liên hệ vững bền. Trong sự phong phú của các mối liên hệ và quan hệ đó, tình bạn xuất hiện. Do bởi đặc tính riêng của từng mối quan hệ và liên hệ nêu trên, tình bạn cũng được thể hiện với nhiều dạng thức phong phú và sinh động.
 
Kinh Hiền Nhân có ghi: “Kẻ trí giả nhìn thấy rõ ràng đời là một sự biến đổi tang thương; trẻ trung rồi sẽ già nua, cường tráng rồi sẽ suy nhược, có sống thì sẽ có chết; giàu sang như mây nổi, đều là vô thường cả. Cho nên, lúc an ổn phải nghĩ đến khi nguy ngập, khi hưng thạnh thì nghĩ đến lúc vô thường, người lành thì kính mến, người ác thì phải lánh xa. Có giận hờn ai thì nên trừ bỏ, đừng vì thế mà gây ác hại người. Nhu hòa mà khó xâm phạm, yếu đuối mà người khó thắng. Người trí như vậy đó, ta không nên khinh thường…”
 
Đức Phật nói về bạn xấu
 
Họ đến tay không và khi đi thì trong tay phải có:
 
Đó là những kẻ: Họ đến chơi với chúng ta là có mục đích nhận về điều gì đó; Tặng chúng ta ít thôi và mong muốn nhận lại nhiều. Những người này thật ra là kẻ cừu địch giả vờ làm bạn đó thôi; Họ chỉ giúp chúng ta trong suy nghĩ sau này sẽ được ta giúp lại sớm thôi.
 
Loại bạn đầu môi chót lưỡi:
 
Niềm nở rồi hoang phí thời gian của chúng ta bằng những câu chuyện về quá khứ; Niềm nở rồi hoang phí thời gian của chúng ta bằng những câu chuyện về tương lai; Lúc chúng ta không cần họ cứ giả vờ như muốn giúp để ta nghĩ họ là người tốt; Những khi chúng ta cần giúp đỡ thì họ nêu lên nhiều lý do để thoái thác và không chịu ra tay.
 
Nịnh hót và giả vờ quan tâm:
 
Đó là những kẻ: Khích lệ chúng ta khi chúng ta làm những điều không tốt và dẫn ta vào chỗ mê lầm, không lối thoát; Nếu chúng ta làm điều tốt chúng lại ngăn cả và cố gắng phân bua rằng chúng ta đang làm sai;  Bạn xấu khiến chúng ta tin tưởng nhầm bởi trước mặt thì khen ngợi nhưng ngay sau lưng thì chỉ trích chúng ta.
 
Đưa chúng ta đến chỗ sa đọa:
 
Đó là những kẻ: Làm người đồng hành với chúng ta trong các buổi ăn chơi, hút sách; Lang thang ngoài phố với chúng ta trong đêm hôm tăm tối; Cùng đi xem với chúng ta những buổi biểu diễn không lành mạnh; Đi chơi cờ bạc với chúng ta.
 
Đức Phật nói về bạn tốt
 
Người bạn giúp đỡ chúng ta:
 
Có những khi ta cẩu thả, không chú ý tiểu tiết, họ hiểu và đưa ra lời nhắc nhở; Giúp ta bảo bệ tài sản: Sẽ có lúc chúng ta lâm vào tình cảnh yếu đuối, mất kiểm soát bản thân cũng như tài sản. Họ có thể che chở, giúp đỡ thật nhiều khi bạn túng thiếu; Là nơi nương tựa khi ta sợ hãi. Tuổi trẻ, trung niên và lão niên đều có những mối lo âu thường trực, gắn liền với từng chặng đường tuổi tác. Một người bạn chân tình sẽ là chỗ dựa tin cậy, lắng nghe và sẻ chia, giúp bạn vượt qua trong từng nỗi sợ cụ thể.
 
Người bạn chung thủy:
 
Tình bạn tốt là tình bạn được thử thách qua hoàn cảnh và thời gian. Thủy chung, như nhất với bạn, trước sao sau vậy là đức tính cần có của một tấm chân tình; Giữ điều bí mật cho người cũng là đức tính mà người bạn tốt cần phải kiện toàn. Vì giữ bí mật cũng đồng nghĩa với việc bảo hộ thanh danh, tiếng tốt cho bạn; Bạn ở bên khi ta lâm nạn. Nếu bạn gặp khó khăn, ta phải ra tay cứu giúp. Nếu bạn bị sa cơ thất thế, ta cần phải lân mẫn quan tâm, không được coi thường hay khinh rẻ bạn; Có thể hy sinh thân mạng cho chúng ta. Đức hy sinh không chỉ được ca ngợi trong kinh Phật mà trong lịch sử phát triển của nhân loại, Đông cũng như Tây, ở quá khứ cũng như hiện tại, việc này luôn được tôn vinh.
 
Người bạn khích lệ chúng ta đi theo đường chánh đạo:
 
Theo Lời Phật dạy về tình bạn, một người bạn tốt phải là người có chí nguyện hướng thượng, thanh cao và cùng đưa bạn vươn lên thực hiện chí nguyện đó.
 
“Không thân cận kẻ ngu
 
Nhưng gần gũi bậc trí
 
Đảnh lễ người đáng lễ
 
Là điềm lành tối thượng”.
 
Kinh Tiểu Bộ, kinh Tập, kinh Điềm lành lớn (kinh Đại hạnh phúc - Maha Mangala Sutta)
 
Phản đối khi chúng ta làm những việc quấy ác. Có thể, sự khuyên răn của ta đôi khi làm bạn bực dọc, chán ngán, nhưng một khi đời sống của bạn có sự chuyển hóa thật sự từ sự khuyên răn kia, tất sự hàm ơn sẽ xuất hiện trong tâm của bạn; Khích lệ khi chúng ta làm những việc lành thiện. iết khuyến khích bạn làm điếu tốt, ngăn chặn bạn làm điều xấu ác, chỉ bày bạn những điều bạn chưa hiểu, chia sẻ và đưa ra những lời khuyên bổ ích, hướng bạn vươn lên những cõi thiện, lành; Tạo điều kiện cho chúng ta nghe những lời dạy hữu ích. Một lời khuyên kịp thời và bổ ích đôi khi cứu được sinh mạng của một con người hoặc có khả năng chuyển hóa một tâm trạng bế tắc, cùng quẫn; Chỉ cho chúng ta con đường đi đến hạnh phúc.
 
Người bạn có lòng bi mẫn và cảm thông:
 
Họ biết cảm thông khi ta sa cơ, là người lấy khổ đau và hạnh phúc của bạn làm khổ đau hay hạnh phúc của mình; Hân hoan đối với những thành công và phát đạt của chúng ta mà không ganh tỵ. Đức Phật nói: “Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn”;
 
Phản bác những ai nói xấu chúng ta, ngăn chặn những ai nói xấu và nhìn về mặt tích cực, tán thán những ai ca ngợi bạn.
 
Tuy nhiên, trước khi mong muốn những phẩm chất tốt đẹp từ bạn mình mà trước hết chính ta hãy luôn tu sửa, trau dồi phẩm hạnh để trở thành một người có nhân cách, xứng đáng là một người bạn tốt. Khi đó ta có thể sẽ là tấm gương cho bạn và giúp chính mình ngày một hoàn thiện hơn.
 
Trong  Kinh Tiểu Bộ, kinh Tập, phẩm Rắn, kinh Con tê ngưu một sừng, Đức Phật dạy khi nào thì ta không cần có bạn:
 
“Nếu không được bạn lành
 
Thận trọng và sáng suốt
 
Bạn đồng hành chung sống
 
Bạn thiện trú hiền trí
 
Hãy như vua từ bỏ
 
Đất nước bị bại vong
 
Hãy sống riêng một mình
 
Như tê ngưu một sừng”
 
Sống một mình tuy cũng buồn và bất tiện về nhiều mặt, nhưng thực ra vẫn còn tốt hơn khi sống chung với người không tốt.
 
Cuộc đời có bao nhiêu mối quan hệ thì có bấy nhiêu dạng bạn bè. Mặc dù trong mỗi mối quan hệ bạn bè hiện hữu nhiều tính chất khác nhau. Thế nhưng hai tính chất căn bản và then chốt, có mặt hầu hết trong các mối quan hệ bạn bè, đó là bạn tốt và bạn xấu. Bạn xấu thì phong phú đa dạng và hầu như khó có thể liệt kê ra hết. Bạn tốt thì ít và khó phát hiện.
 
Trong thời đại ngày nay, khi những giá trị đạo đức căn bản của đời sống con người đang rung lên những hồi chuông báo động, thì những chất liệu biểu trưng cho một tình bạn tốt vẫn mang tính thời sự hơn bao giờ hết.
 
Từ thực tế đó, có thể khẳng định những chân lý trong giáo pháp của Đức Phật khi đưa vào cuộc sống con người thì tất cả đều chiếu sáng rực rỡ, làm cho con người giác ngộ, thoát mọi sự khổ.
 
Minh Chính
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 285
  • Khách viếng thăm: 274
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 88562
  • Tháng hiện tại: 2812678
  • Tổng lượt truy cập: 88617281
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012