Nhớ ơn HT. Thích Minh Châu

Đăng lúc: Thứ tư - 03/10/2012 11:31 - Người đăng bài viết: Ban quản trị
Được biết Hòa thượng Trưởng lão Thích Minh Châu đã bịnh nặng từ lâu, nên khi hay tin Hòa thượng viên tịch tưởng chừng như chuyện bình thường của sinh tử.
Nhớ ơn HT. Thích Minh Châu

Nhớ ơn HT. Thích Minh Châu

Nhưng ôn lại kỷ niệm xưa, Hòa thượng là nhà Giáo dục, nhà phiên dịch kinh tạng pali, nhà lãnh đạo cấp cao của GHPGVN, Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Khi suy tư như vậy, tôi không cầm được nước mắt. Giọt nước mắt không phải để bi lụy, giọt nước mắt vì rung động công đức của Hòa thượng hy sinh quá lớn cho đạo pháp và dân tộc.

Lặng người trong giây lát, chúng ta còn lại phải làm gì tiếp nối cho nền đạo pháp và dân tộc Việt Nam. 

Khi Hòa thượng viên tịch, có rất nhiều bài viết, thơ văn tôn vinh công đức của Hòa thượng. Càng đọc càng thương, quý mến, kính trọng Hòa thượng nhiều hơn nữa.

Dự tính là sẽ đọc tất cả những bài viết về Hòa thượng thôi, chứ không viết về ngài, lý do những gì nghĩ và biết về Hòa thượng người ta nói hết rồi. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định viết đôi dòng NHỚ ƠN  HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU với mục đích để tỏ lòng nhớ ơn bậc thầy, nhà phiên dịch kinh tạng pali, nhà lãnh đạo cao cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong bài này, chúng tôi chỉ viết những dòng suy nghĩ cao thượng về bậc ân sư vô tiền khoáng hậu.

1. Xuất Xứ Chiếc Y Nam Tông Của Hòa thượng Thích Minh Châu 

Vào năm 1987, nhận dịp Hòa thượng Thích Thiện Châu viện chủ Trúc Lâm Thiền viện Pari về thăm Việt Nam, Hòa thượng Siêu Việt Phó chủ tịch HĐTS. GHPGVN, Tăng trưởng Phật giáo Nam Tông có thỉnh mời Hòa thượng Thích Minh Châu và Hòa thượng Thích Thiện Châu dùng cơm ở chùa Kỳ Viên, Q.3, Tp. HCM.

Dùng cơm xong, chư vị Hòa thượng dùng trà đàm đạo rất thân mật.

Hôm đó chúng tôi được diễm phúc ngồi hầu và pha trà. Chúng tôi vẫn  còn nhớ mãi câu hỏi của Cố Hòa thượng Thích Siêu Việt, Hòa thượng hỏi: duyên nào Hòa thượng Minh Châu mặc chiếc y Nam Tông?

HT. Minh Châu trả lời: “Tôi mặc chiếc y này vào năm 1953 tại Tích Lan do Hòa thượng Kassapa và Thượng tọa Sumangala (hai vị này dạy tôi tiếng Pali và tiếng Anh) trao tặng và làm lễ xuất gia theo nghi thức Tích Lan, có 12 vị Tỳ kheo là giáo sư nổi tiếng của trường Đại học Tích Lan tham dự.”

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Siêu Việt có mời Hòa thượng Thích Thiện Châu giảng 1 thời pháp với chủ đề Sống và Chết tại chùa Kỳ Viên, Phật tử tham dự hôm đó vào một buổi chiều khá đông.

Năm 1995, chúng tôi hướng dẫn một vị Hòa thượng Tích Lan (Giáo sư Đại học Áo - Châu Âu) lên thăm Hòa thượng Minh Châu. Trong cuộc nói chuyện, Hòa thượng cũng xác nhận 1 lần nữa, Hòa thượng có duyên học và tu ở Tích Lan.

2. Huyền Trang Việt Nam

Ở Trung Quốc, có Huyền Trang thời nhà Đường du học ở Ấn Độ và về nước phiên dịch Tam tạng để làm phong phú văn hóa Phật giáo Trung quốc tồn tại cho đến tận hôm nay.

Ở Việt Nam, Hòa thượng Thích Minh Châu du học Ấn Độ, trở về nước thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh trước năm 1975 và Học viện Phật giáo Việt Nam sau năm 1975. Đào tạo rất nhiều trí thức, thạc sĩ, tiến sĩ để phục vụ đạo pháp và dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, Hòa thượng còn phiên dịch kinh tạng Pali Việt để giới thiệu cho giới Phật giáo những lời dạy gần gũi và trung thành nhất của đức Phật.

Kinh tạng Pali, hòa thượng đã giảng dạy cho sinh viên các khóa ở Học viện Phật giáo Việt Nam. Kinh tạng Pali còn được hòa thượng cho in trong chương trình Đại tạng kinh Việt Nam.

Nhờ công đức Hòa thượng Minh Châu, nên Phật giáo Việt Nam có đủ tài liệu nghiên cứu Phật học toàn diện, Hán tạng và Pali tạng làm phong phú và đa dạng Phật giáo Việt Nam.

Trước năm 1975, có một số bản dịch Trung bộ kinh và Trường bộ kinh của Hòa thượng Thích Minh Châu được in dạng Song ngữ Pali - Việt theo dạng Tam tạng của những nước Phật giáo Nam Tông trên thế giới như Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia.

Điều đáng tiếc sau này hình thức in ấn đó không còn tồn tại nữa.

Tiếp nối công trình trên của Hòa thượng, hiện nay Thượng tọa Indachanda - Nguyệt Thiên đã dịch và in toàn bộ Luật tạng và một số quyển Tiểu bộ kinh dưới dạng Pali Việt.

Công trình phiên dịch Pali của Hòa thượng quả thật vô tiền khoáng hậu để lại một di sản văn hóa phật giáo vô cùng quý giá, chỉ có những nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu, giảng sư, giảng viên v.v… thì mới thấy quý giá của công trình phiên dịch của Hòa thượng.

Trong lời tựa của quyển Trung bộ kinh và Trường bộ mới thấy công trình của Hòa thượng 20 năm, 30 năm trôi qua mới thấy giá trị của nó, chứ thời gian đầu người đọc kinh tạng pali khen thì ít còn dèm pha thì nhiều. Nên hòa thượng thường an ủi câu: “Thị phi gát bỏ ngoài tai, chăm lo giáo dục tương lai đạo vàng.”

3. Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Tham gia trong Quốc hội phải là những người có uy tính hàng đầu trong giới phật giáo. Hòa thượng đã tham gia liên tục 4 khóa, khóa 7,8,9,10 của Quốc hội. Điều đó cho thấy uy tính và đức độ của Hòa thượng đối với Dân tộc quá cao.

Những người tham gia trong quốc hội là để tham mưu chánh sách, luật pháp, chủ trương, định hướng cho sự phát triển đất nước Việt Nam. Thời xưa, Việt Nam có quốc sư Khuông Việt, Quốc sư Vạn Hạnh v.v… cố vấn cho các triều đại của Việt Nam, hình ảnh những vị quốc sư đã gắn bó mãi mãi với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, Hòa thượng Thích Minh Châu và những vị Hòa thượng khác tham gia trong Quốc hội cũng là dạng quốc sư Khuông Việt ngày xưa.

Sự xuất hiện của người xuất gia trong Quốc hội là biểu tượng đạo đức, nhân bản, đoàn kết.

4. Vị Thiền Sư Phật Giáo Việt Nam

Hòa thượng Trưởng Thích Minh Châu có nhiều chức danh quý giá được Giáo hội và nhà nước phong tặng, nhưng ngài còn là một vị Thiền sư Phật Giáo Việt Nam. Bốn năm chúng tôi học ở Học viện Phật giáo Việt Nam khóa III (1993-1997), mỗi tuần có 1 giờ Hòa thượng dạy thiền cho sinh viên. Đây cũng là môn học chính trong học viện.

Hòa thượng dạy: “Pháp học phải có pháp hành”. Ngoài việc dạy thiền cho sinh viên, sáng chủ nhật hằng tuần Hòa thượng tổ chức dạy thiền cho Phật tử.

Sau này sức khỏe của Hòa thượng kém, Hòa thượng có ủy quyền cho Thượng tọa Tăng Định thay Hòa thượng phụ trách Thiền ở Học viện Phật giáo Việt Nam và Thiền viện Vạn Hạnh hơn 15 năm qua.

Hòa thượng Thích Minh Châu có tác phong rất thiền sư. Mặc dù Phật sự vô cùng đa đoan, nhưng ngài vẫn thản nhiên; Rất uy quyền trong Giáo hội, như Phó chủ Tịch kiêm Tổng thư ký GHPGVN (1981-1997), nhưng vẫn vui vẻ và gần gũi với Tăng Ni; Viện trưởng học viện Phật giáo Việt Nam- Viện Trưởng viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, nhưng ngài biết chiêu hiền đãi sĩ, thu hút nhân tài để phục vụ đạo pháp.

Quả thật, Hòa thượng vừa có Tâm và có Tầm. Người đạt đến đỉnh cao này phải là vị Thiền sư đích thực.

5. Thư Ký Đoàn Phật Giáo Việt Nam Phục Hồi Tăng Tướng 7 Sư Sãi Campuchia Vào Năm 1979

Phật giáo Campuchia bị Pônpốt diệt chủng vào năm 1979, nhận lời mời của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Campuchia, đoàn Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Trưởng lão Bửu Chơn làm trưởng đoàn sang thăm phật giáo Campuchia và phục hồi tăng tướng của 7 sư sãi cao cấp của Phật giáo Campuchia bị Pônpốt bắt hoàn tục.

Vì Phật giáo Campuchia theo hệ phái Nam Tông nên chủ trì buổi lễ phục hồi tăng tướng do Chư tăng Nam Tông thực hiện. Do sức khỏe và bịnh duyên nên Hòa thượng Bửu Chơn ủy quyền Hòa thượng Giới Nghiêm làm Hòa thượng bổn sư; Hòa thượng Siêu Việt và Hòa thượng Thiện Tâm làm Yết Ma sư.

Ai có ngờ buổi lễ hôm ấy chỉ có 7 vị sự sãi mà đến hôm nay phật giáo Campuchia có tới 60.000 vị Chư tăng. Hòa thượng Thích Minh Châu là thư ký của đoàn nên ghi chép khá chi tiết của chuyến đi.

Năm 1996, chúng tôi viết tiểu luận Phật Giáo Nam Tông có lên phòng Hòa thượng để phóng vấn chuyến đi Campuchia vào năm 1979, trong lần gặp đó, Hòa thượng có nói là quyển nhật ký chuyến đi bị thất lạc.

Tóm lại Hòa thượng Trưởng lão Thích Minh Châu giờ đã ngàn thu vĩnh biệt, không còn gặp ngài trên dương thế này nữa, tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam mãi mãi còn in đậm tên tuổi ngài qua các chức danh: Huyền Trang Việt Nam, Nhà giáo dục lỗi lạc, Quốc sư Thích Minh Châu, Thiền sư Việt Nam, Lãnh đạo cao cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nhà ngoại giao Phật giáo đại tài, Nhà phiên dịch kinh tạng Pali v.v..

Vài dòng tưởng niệm giác linh Hòa thượng. Vô vàn nhớ ơn bậc ân sư. Nguyện noi theo tấm gương của người.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Sáu - Sinh viên Học viện Phật giáo Việt Nam khóa III
Nguồn tin: Phật tử Việt Nam
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 386
  • Khách viếng thăm: 380
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 124012
  • Tháng hiện tại: 2004067
  • Tổng lượt truy cập: 90895640
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012