Phương cách có được nụ cười Di-lặc

Đăng lúc: Thứ tư - 30/10/2019 07:06 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Muốn hướng thượng chúng ta phải dẹp bỏ cái ta, tức là phải vô ngã. Có được như vậy, chúng ta mới khiêm cung, vị tha, sống vì lợi ích của mọi người. Quên thân mình, không nghĩ đến mình, chúng ta mới dám hy sinh, xả thân vì lợi ích của người khác.

 
Để có được nụ cười hỷ xả của đức Phật Di-lặc. Thứ nhất, chúng ta phải có tấm lòng từ bi, hoan hỷ, bao dung, tha thứ. Tấm lòng đó cũng giống như tình thương của người mẹ đối với đứa con thơ của mình, dù nó có làm gì thì người mẹ vẫn hoan hỷ, tha thứ, bởi vì biết rằng con mình còn ngây thơ, dại khờ, chưa biết gì hết. Đó là tình thương không ranh giới, là biểu hiện của đức tính hỷ xả.
 
Thứ hai là không chấp trước vào sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì chúng ta chỉ nhận biết chúng; khi sáu trần đi, chúng ta để chúng đi mà không để vương vấn trong lòng, đó gọi là không chấp trước. Có một bài thơ rất hay nói về tính không chấp trước này:
 
Phong lai sơ trúc,
 
Phong khứ nhi trúc bất lưu thinh.
 
Nhạn độ hàn đàm,
 
Nhạn quá nhi đàm vô lưu ảnh.
 
Thị cố quân tử,
 
Sự lai tắc tâm thỉ hiện,
 
Sự khứ tắc tâm tùy không.
 
“Phong lai sơ trúc” nghĩa là gió đến làm bụi trúc lay động. “Phong khứ nhi trúc bất lưu thinh” nghĩa là gió đi rồi, bụi trúc không giữ lại âm thanh. “Nhạn độ hàn đàm” nghĩa là chim nhạn bay qua đầm lạnh. “Nhạn quá nhi đàm vô lưu ảnh” nghĩa là chim nhạn bay qua rồi, đầm không lưu giữ lại hình bóng của nó. “Thị cố quân tử, sự lai tắc tâm thỉ hiện, sự khứ tắc tâm tùy không” nghĩa là, người quân tử, khi sự việc đến thì giải quyết, ứng phó, khi sự việc đi rồi thì tâm không còn dính mắc vào nó nữa.
 
Trong kinh Trung Bộ có đoạn:
 
Quá khứ không truy tìm,
 
Tương lai không ước vọng.
 
Quá khứ đã đoạn tận,
 
Tương lai lại chưa đến.
 
Chỉ có pháp hiện tại,
 
Tuệ quán chính là đây.
 
Chúng ta phải có tâm như vậy. Không truy tìm quá khứ, không ước vọng tương lai, chỉ lưu giữ hiện tại, không chấp trước vào những gì đã xảy ra. Sở dĩ chúng ta chấp trước là vì thấy có cái ta, từ đó mới phiền não, đau khổ.
 
Thí dụ, nghe người khác chửi ông A, ông B, ông C nào đó, chúng ta không cảm thấy gì. Nhưng khi họ đem tên của mình ra chửi thì ta bắt đầu buồn giận. Tại sao lại như vậy? Vì mình chấp cái ta là thật. Nếu không chấp cái ta, tức là nếu vô ngã, mình sẽ được tự tại, an vui. Chẳng hạn, một ông vua có mắng chửi một người hầu như thế nào thì người đó vẫn cứ nghĩ rằng thân phận mình là người hầu, bị mắng, bị chửi cũng không sao; người đó chấp nhận và không sinh ra phiền não. Ngược lại, một ông vua bị một người hầu mắng chửi thì chắc chắn sẽ nổi tam bành lục tặc lên; bởi ông vua chấp mình là người trên, là người cao quý, là người có quyền sinh quyền sát. Rõ ràng, người nào cái ta càng lớn thì phiền não càng nhiều, đau khổ càng nặng, sa đọa càng sâu.
 
Có nhiều vị đi đến chùa vẫn đem theo cái ngã: “Ta ở ngoài là Bác sĩ, là Giám đốc, là Thủ trưởng, là ông nọ bà kia”. Cho nên, vào trong chùa, khi phải tuân theo sự sắp xếp của một chú tiểu, hoặc phải nghe theo lời quý thầy nói, hoặc bị ai đụng chạm đến, những vị đó liền sinh phiền não. Bởi thế, người nào dẹp bớt cái ta thì dù có ai nói gì hay làm gì cũng đều hoan hỷ mà không chấp trước.
 
Đức Phật dạy rằng, thân của chúng ta là do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành. Bây giờ, nếu thịt trả về đất, máu trả về nước, hơi thở trả về gió, hơi ấm trả về lửa thì thân của chúng ta không còn nữa. Ví như chiếc xe đạp được tạo nên từ nhiều thành phần như khung xe, bánh xe, tay lái, căm xe, ghi đông, bàn đạp, yên xe… Những thứ đó kết hợp lại mới hình thành nên chiếc xe, nếu chúng ta bỏ rời ra hết thì chiếc xe không còn nữa. Hay ví như cây chuối được tạo thành từ các bẹ chuối, nếu chúng ta lột hết các bẹ chuối đó ra thì cây chuối cũng không thể tồn tại. Thân của chúng ta cũng vậy, do tứ đại kết hợp với nhau tạo thành, chỉ tồn tại một cách tạm thời, không có thực thể. Thế mà, hễ ai nói tới hay đụng tới một chút là chúng ta phiền não.
 
Khi tâm đã có phiền não, chúng ta không thể có được nụ cười như đức Phật Di-lặc. Sở dĩ đức Phật Di-lặc có được nụ cười rất tươi là do Ngài luôn hoan hỷ xả bỏ, không chấp trước, sống vô ngã, không thấy cái ta. Nhờ đó, người ta có chửi Ngài thì Ngài nói tốt, đánh Ngài thì Ngài nằm ngủ khì, nhổ nước miếng lên mặt Ngài thì Ngài để cho nó tự khô.
 
Chúng ta phải học theo đức Phật Di-lặc, tu hạnh vô ngã giống như Ngài. Khi đạt được tâm vô ngã, chúng ta mới quên cái thân của mình, lúc nào cũng khiêm cung, hạ mình, gặp ai cũng kính trọng, lễ phép. Có vô ngã mới tự tại, có vô ngã mới vị tha. Còn nếu vẫn chấp ngã thì lúc nào chúng ta cũng kênh mặt lên, coi mình là hơn, là giỏi, đâu dễ gì mà cung kính, xá chào người khác.
 
Trong kinh Pháp Hoa có một vị Bồ-tát tên là Thường Bất Khinh tu theo hạnh cung kính, gặp ai Ngài cũng lạy và nói: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều thành Phật”. Dù người ta có chửi, có đánh, Ngài cũng vẫn làm như thế. Bởi vì, Ngài đã vô ngã rồi, không còn có cái ta nữa.
 
Có một câu chuyện như sau: Một linh hồn sau khi chết, đi lên trời, gõ cửa cung điện của Thượng đế. Thượng đế hỏi:
 
- Ai đó?
 
Linh hồn này trả lời:
 
- Tôi.
 
- Tôi là ai?
 
- Tôi là tôi.
 
- Ở đây không có tôi và ta, ngươi đi chỗ khác đi.
 
Thế là, linh hồn này trở về tu tập một thời gian, rồi quay trở lại. Thượng đế hỏi:
 
- Ai đó?
 
 Linh hồn này trả lời:
 
- Dạ, tôi.
 
- Tôi là ai?
 
- Tôi là ngài.
 
Nghe vậy, Thượng đế nói: “Ừ, được rồi” và mở cửa cho linh hồn này vào.
 
Câu chuyện nói lên rằng muốn hướng thượng chúng ta phải dẹp bỏ cái ta, tức là phải vô ngã. Có được như vậy, chúng ta mới khiêm cung, vị tha, sống vì lợi ích của mọi người. Quên thân mình, không nghĩ đến mình, chúng ta mới dám hy sinh, xả thân vì lợi ích của người khác. Nếu còn chấp ngã, khi làm bất cứ một việc gì, chúng ta cũng đều sợ mệt, sợ cực, sợ khổ. Có nhiều vị Phật tử đã thể hiện được tinh thần vô ngã, vị tha. Ví dụ như các vị ở trong ban hộ niệm đi giúp cho những người hấp hối. Họ đã quên mình vì người. Không kể ngày giờ, hoàn cảnh của bản thân, dù ban đêm, dù bận rộn, dù khó khăn… cứ có người cần là họ cố gắng đến giúp đỡ. Chúng ta có quên mình thì mới hết lòng với mọi người được. Nếu bản thân còn cái ta thì chắc chắn tinh thần vị tha sẽ bị hạn chế
 
Sau khi thành đạo, đức Phật đã đi gần khắp Ấn Độ thuyết pháp suốt 45 năm trời cho đến khi Ngài nhập Niết-bàn. Ngài đã quên mình vì người nên mới làm được như vậy. Còn chúng ta vì có cái ngã nên sợ nắng, sợ mưa, sợ khổ, sợ cực… không thể hết lòng vì người khác. Có vô ngã mới thảnh thơi, không bị ngũ dục, lục trần lôi kéo. Sở dĩ chúng ta không tự tại là do chúng ta bị mắc kẹt vào ngũ dục: tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ. Nếu còn tham hưởng thụ năm thứ đó thì chắc chắn chúng ta không thể tự tại và có nụ cười hỷ xả như đức Phật Di-lặc được.
 
Trích từ: Nụ cười Di lặc
 
Thượng tọa Thích Chân Tính

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 254
  • Khách viếng thăm: 232
  • Máy chủ tìm kiếm: 22
  • Hôm nay: 12502
  • Tháng hiện tại: 2820645
  • Tổng lượt truy cập: 88625248
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012