Xuân về hãy học hạnh hỉ xả của Bồ tát Di Lặc

Đăng lúc: Thứ tư - 03/02/2021 23:43 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Xã hội ngày nay, phần đông mọi người chú trọng vật chất, xem nhẹ tinh thần; họ chạy đua với thời gian lao vào kiếm tiền. Vì lòng tham của con người không đáy nên khổ não là điều tất nhiên.

 
Trong kinh điển Phật giáo, mỗi danh hiệu Phật, Bồ-tát đều biểu thị ý nghĩa hạnh nguyện sâu sắc. Từ Đức Phật Thích-ca biểu thị hạnh tịch tĩnh, cho đến bồ-tát Văn-thù biểu thị cho Phật trí; bồ-tát Phổ Hiền biểu thị cho Phật huệ; bồ-tát Quán Thế Âm biểu thị hạnh nguyện cứu khổ chúng sinh; bồ-tát Di-lặc biểu thị hạnh nguyện hỉ xả, giải thoát, an lạc khiến nhiều người thích chiêm ngưỡng Ngài như để tìm một niềm an lạc ngay trong cuộc sống đầy dẫy khổ đau này:
 
Đức Di-lặc ngồi trơ bụng đá
Mặc bụi trần bám đã rồi rơi
Dẫu cho trần thế đầy vơi
Dửng dưng như một nụ cười vô duyên.
 
Đúng thế! Con người sinh ra ở cõi Tà-bà này chịu rất nhiều đau khổ. Khổ vì sinh, già, bệnh, chết; khổ vì cầu không được toại nguyện; khổ vì oán ghét lại gặp nhau, cho đến người nghèo thì vất vả bươn chải lo cơm ăn, áo mặc vẫn thiếu trước hụt sau, vợ chồng sinh ra bực tức tranh cãi. Người giàu vẫn khổ, có người không biết đủ vẫn lao vào kiếm tiền, tranh danh đoạt lợi, ngày đêm nặn óc tìm mưu kế hạ gục người khác để mình mau thăng quan tiến chức, bỏ mặc gia đình, con cái sẵn có tiền ăn chơi trác táng, không chịu học hành tử tế, đến khi gia đình tan vỡ, con cái tù tội thì nỗi khổ càng thêm chồng chất.
 
Xã hội ngày nay, phần đông mọi người chú trọng vật chất, xem nhẹ tinh thần; họ chạy đua với thời gian lao vào kiếm tiền. Vì lòng tham của con người không đáy nên khổ não là điều tất nhiên.
 
Khi nào đó, chúng ta hãy một lần dừng lại ngắm nhìn hình ảnh bồ-tát Di-lặc ngồi cười thật là thoải mái, nhìn nụ cười của Ngài sẽ làm cho chúng ta quên đi những ưu tư buồn rầu. Chúng ta hãy ngắm kĩ đôi mắt hoan hỷ của Ngài như chưa hề biết đau khổ là gì, sẽ làm cho chúng ta quên đi bao oán giận ai đó gây cho mình đau khổ. Đặc biệt Ngài phanh cái bụng to đùng phơi trần ra cho cả Tam thiên đại thiên thế giới cùng ngắm, như để dung chứa tất cả những thói hư tật xấu của chúng sinh mà sẵn sàng bao dung, tha thứ cho họ. Vì thế, người xưa từng ca ngợi Ngài:
 
“Bụng to, má núng đồng tiền
Vây quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò”.
 
Trong cuộc sống hàng ngày, đôi lúc gặp ai đó có nụ cười hoan hỷ, vui vẻ; hay gặp người nào có tấm lòng rộng lượng, bao dung tha thứ lỗi lầm của người khác thì tôi chợt nghĩ họ là hiện thân của bồ-tát Di-lặc. Mỗi lần đứng trước tượng Ngài, tôi thầm cầu nguyện Ngài gia hộ cho tôi thực hành chút mảy may hạnh nguyện hỉ xả của Ngài. Bởi vì, cõi này khổ nhiều, vui ít, biết bao điều thị phi oan ức không đâu ập đến.
 
Năm cũ sắp qua, năm mới lại sắp đến, mùng một tết là ngày vía của Ngài. Tôi  thầm mong mọi người hãy cùng nhau học theo hạnh nguyện hỉ xả của Ngài để chúng ta bên nhau cùng cảm thông, thứ tha cho nhau những lỗi lầm năm cũ, những thói quen tật xấu, đừng vì cái tôi quá lớn mà làm khổ mình, khổ người; chẳng những đời này mình sống không được an lạc mà còn gây oan gia trái chủ đến đời sau. Cuộc sống vốn mong manh vô thường, chúng ta hãy cố gắng sống sao để mai ngày không còn gặp nhau nữa vẫn còn chút gì để nhớ, để thương.
 
Tôi xin mượn bốn câu thơ của Huệ Thành - Mang Viên Long để kết thúc bào viết này. Chúc quí độc giả một mùa xuân vô lượng an lạc, cát tường như ý.
 
Gặp nhau một thoáng cuộc đời
Xin đừng oán trách, nặng lời khổ đau!
Mai kia dầu tóc bạc màu
Cũng còn một chút trước sau cõi này!
 
 
Tác giả bài viết: Viên Thắng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 260
  • Khách viếng thăm: 227
  • Máy chủ tìm kiếm: 33
  • Hôm nay: 86760
  • Tháng hiện tại: 2806341
  • Tổng lượt truy cập: 88610944
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012