Cảm nhận về chuyến đi thiện nguyện đầu tiên của tôi

Đăng lúc: Thứ ba - 20/01/2015 16:08 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Trước mặt tôi là những con người chân chất, bình dị, thật thà chịu thương chịu khó, bám núi bám rừng để sống. Tôi nghĩ rằng có lẽ họ chỉ sống qua ngày, được ngày nào thì hay ngày đó. Thật vậy, sau khi tìm hiểu qua các chiến sĩ Đồn Biên phòng 629, tôi biết được ở đây cơ sở vật chất: điện, đường, trường, trạm và nước…thiếu thốn, thậm chí là không có. Cuộc sống của đồng bào nơi đây dường như gắn liền với tự nhiên, chỉ đơn giản như măng rừng, rau, quả, sắn, củi...giúp họ sống qua từng ngày. H
Công tác thiện nguyện đã không còn xa lạ với những người con Việt, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” của ông cha ta từ ngàn đời xưa. Nhưng đối với tôi, đây là lần đầu tiên, tôi có duyên được trực tiếp tham gia một chuyến đi từ thiện ở bản A Rốc, A Bả huyện A KLùm, tỉnh Sê Kông thuộc nước bạn Lào, giáp ranh vùng cao huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với quý chư Tôn đức, Đạo hữu Phật tử trong BTS GHPGVN huyện A Lưới và đoàn từ thiện chùa Bửu Nghiêm thành phố Đà Nẵng do Đại đức Thích Hạnh Toàn làm trưởng đoàn. Hơn nữa, tôi đã có một chuyến đi đầy ý nghĩa, lắng đọng, khắc sâu trong tâm trí và khi đã trở về với cuộc sống thường nhật với nhiều nỗi lo toan nhưng tôi vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc về chuyến đi ấy.

Đêm đó tôi ở lại tại chùa Tường Vân để cùng khởi hành với đoàn. Nhớ lại lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây, khi tôi chạy xe vào sân thấy hai con đường nhỏ dẫn vào chùa, tự nhiên trong tôi lại hiện lên ý nghĩ “Sao mình chưa vào lần nào mà thấy quen quen vậy ta? Hình như đã thấy cái căn nhà bên trái này ở đâu rồi nhỉ?”. Tôi thầm mỉm cười và chợt nghĩ "Chắc chùa giống chùa thôi, quen là bình thường, mình hay nghĩ vớ vẩn". Và tôi nhớ đến hai câu thơ của Thiền sư Mãn Giác:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”


Tôi cảm thấy sự yên bình, lắng đọng trong tâm hồn. Nó trái ngược hoàn toàn với những sự lo toan bộn bề, tranh giành hơn thua, giành giật lẫn nhau trong đời sống hằng ngày của biết bao nhiêu người.

Chiếc xe lăn bánh từ sáng sớm với hành trang là ổ bánh mì ăn tạm để kịp chuyến đi. Tôi tạm xa xứ Huế mộng mơ cùng với nhịp sống hối hả giữa những bộn bề lo toan trong công việc và cuộc sống. Và giờ đây tôi thực sự cảm nhận được nét hiền hòa, thanh bình của một vùng núi với những con đường đèo mộc mạc uốn lượn cùng những hàng cây xanh mát. Xa xa là những áng mây ẩn hiện sau những vách núi tạo nên một bức tranh thiên nhiên rất sống động, thơ mộng. Cuộc sống người dân nơi đây rất bình dị trong những căn nhà lá đơn sơ và chẳng ai nghĩ đó là nơi họ sống. Sắn có lẽ là nguồn lương thực chính của họ vì tôi thấy sắn được tập kết bên đường từ trên những ngọn đồi đất cằn cỗi đổ xuống.

Tôi chợt nghĩ có lẽ ở đây họ sẽ không biết thế nào gọi là tết Nguyên Đán. Nhưng khi xe chạy qua, tôi đều bắt gặp những nụ cười nở trên môi những em bé lem luốt cho đến những người lớn lam lũ. Thật vậy, cuộc sống vất vả như thế nhưng họ luôn lạc quan yêu đời. Tôi thầm nghĩ đến cuộc sống của nhiều người ở trong cái xã hội đầy phức tạp này với những toan tính, thủ đoạn, tranh giành hơn thua thì liệu rằng họ có thật sự cảm thấy hạnh phúc với những gì đang có khi mà ở đời con người luôn bị sai khiến bởi lòng tham vô đáy, như một hố sâu nào có đo được đâu??? .
 

 
Để đến nơi từ thiện, sau khi vượt qua những đường đèo quanh co khúc khuỷu nhưng bằng phẳng, “điệp khúc anh em một, hai, ba … đẩy” được chúng tôi lặp đi lặp lại nhiều lần để đoàn xe có thể vượt qua những đoạn đường lầy lội, gồ ghề, nhấp nhô, hết đoạn này đến đoạn khác thật không phải chuyện dễ chút nào. Đến nỗi thầy Tín Nhơn, Phó Ban Trị sự cũng phải thốt lên: "ôi ... lạy Phật... lại nữa rồi…"; “ôi, tưởng đâu sự nghiệp đẩy xe đã chấm dứt rồi chứ...”; “Người có thể ở lại nhưng xe chở hàng thì phải đi” … làm cả đoàn bỗng bật cười một cách vui vẻ. Nhờ liều thuốc tinh thần đó mà mặc dù cả thầy lẫn trò đều chân lấm tay bùn, quần ống cao ống thấp, mồ hôi ướt đẫm dù trước đó ai cũng khăn quàng cổ, áo dày hai ba lớp … như quên đi mệt mỏi. Những giọt mồ hôi đầy ý nghĩa, chứa đựng sự nhiệt huyết, sự cố gắng, đồng sức đồng lòng của tất cả thành viên trong đoàn.

Hình ảnh Thầy Trưởng Ban Trị sự cởi luôn áo tràng xiên, cuốc đất làm đường cho đoàn xe chạy qua làm tôi liên tưởng đến hình ảnh những thanh niên xung phong san đất lấp đường, góp phần to lớn cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Và tôi thầm cười bởi sự so sánh ngộ nghĩnh của chính mình. Chính bởi sự khích lệ đó của quý Thầy, quý Cô làm tăng sức mạnh đoàn kết của tất cả thành viên trong đoàn. Mỗi người mỗi việc, từ lượm đá lấp đường, sang chuyển hàng hóa, đẩy xe, chặt cây lót đường ….chỉ với mong muốn làm sao đoàn xe có thể đến nơi đúng giờ để còn kịp trao quà cho các em, các hộ gia đình nhằm chia sẻ phần nào khó khăn cho đồng bào ở đó. Tuy gian nan, vất vả là thế nhưng không một ai phàn nàn hay than thở.

Còn tôi bệnh say xe "kinh niên" lại thêm cơn đau bụng hành hạ nên trên suốt chuyến đi, tôi cố gắng hành thiền theo như hướng dẫn của Sư phụ Tâm Phương “hít thật sâu, tập trung vào việc đếm hơi thở” và trong lòng cố gắng tự nhủ cố lên, gần tới rồi. "Nam mô Đại bi Quán Thế Âm bồ tát giúp cho con gắng tới đích". Kỳ lạ thay, một đoạn đường khá dài nhưng cơn đau bụng, choáng cùng với cơn buồn nôn nó dịu đi, tôi cứ nghĩ là chắc không sao rồi nên tôi không thiền nữa thì lần cuối nó lại tái phát dữ dội. Cuối cùng, tôi chịu hết nổi xin tài xế dừng xe cho giải quyết, dù trong lòng tôi cũng ngại sợ ảnh hưởng chung đến tập thể, thì may thay mọi người bảo tới rồi, chỉ còn vài trăm mét nữa thôi là đến nơi. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đến nơi cần phải đến, đó là một miền núi thuộc Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào.

Trước mặt tôi là những con người chân chất, bình dị, thật thà chịu thương chịu khó, bám núi bám rừng để sống. Tôi nghĩ rằng có lẽ họ chỉ sống qua ngày, được ngày nào thì hay ngày đó. Thật vậy, sau khi tìm hiểu qua các chiến sĩ Đồn Biên phòng 629, tôi biết được ở đây cơ sở vật chất: điện, đường, trường, trạm và nước…thiếu thốn, thậm chí là không có. Cuộc sống của đồng bào nơi đây dường như gắn liền với tự nhiên, chỉ đơn giản như măng rừng, rau, quả, sắn, củi...giúp họ sống qua từng ngày. Họ vừa lạnh, vừa đói, trình độ văn hoá thì rất thấp nếu không muốn nói là không có trình độ. Họ sinh con rất đông và rất sớm nhưng cuộc sống lại tạm bợ như vậy đó. Thiếu cái ăn, cái mặc luôn chờ chực và bao quanh cuộc sống thường ngày của họ. Chính vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng bản thân mình và tất cả chúng ta thật may mắn, cho nên phải quý trọng những gì mình đang có, sống thật có ý nghĩa, hãy nhớ rằng cuộc sống còn có nhiều số phận thật bất hạnh và éo le hơn mình rất nhiều.

Bởi thế, chúng tôi liền nhanh chóng tham gia dốc sức chuyển hàng hóa một cách nhanh nhất để trao gửi những phần quà đến cho đồng bào, góp phần cải thiện cuộc sống, giúp họ đỡ chật vật lam lũ hơn. Những phần quà ấy tuy không lớn về mặt vật chất nhưng lại mang giá trị tinh thần rất cao. Vì dường như mọi khoảng cách đều tan biến, chỉ còn lại những nụ cười hạnh phúc trên gương mặt của họ, đặc biệt là nụ cười các em nhỏ khi nhận đựợc quà và hi vọng những nụ cười hồn nhiên ấy sẽ mãi theo các em trên con đường đời lắm chông gai phía trước. Tôi tin rằng, các em đó nói riêng và những số phận ở đó nói chung, họ có đủ sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh và trở thành những con người có ích cho xã hội. Mong rằng, họ sẽ có một cuộc sống tốt hơn về vật chất lẫn tinh thần và đó là ước nguyện lớn nhất của những người con Phật.
 

 
Thế rồi, chúng tôi phải chia tay với họ, trả lại sự yên tĩnh vốn có của chốn này. Chiếc xe lại lăn bánh, nhưng lần về này suôn sẻ hơn trước rất nhiều. Trên đường trở về, dường như mọi người đều trở nên im lặng hơn, có lẽ đó là sự mệt mỏi - kết quả của một ngày nhiều hoạt động vất vả, nhưng sự tĩnh lặng ấy còn ẩn chứa nhiều nỗi niềm, đặc biệt là nỗi trăn trở của Sư phụ Tâm Phương và thầy Tín Nhơn vì còn 30 xuất quà nữa chưa kịp trao tận tay cho những người còn lại. Sự trăn trở hiện rõ trên mặt từng thành viên. Tuy nhiên, bởi có những khoảng lặng như vậy, ta mới đúc kết lại những kinh nghiệm, ta mới thấy cuộc sống còn nhiều điều phải suy nghĩ và xung quanh ta còn biết bao những mảnh đời cần sự quan tâm, sẻ chia. Để rồi, ta biết trân trọng, yêu thương cuộc đời mà ta được ban tặng; để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, là một người con Phật cần phải dấn thân như Đức Đạt Lai Lạt Ma từng dạy "Mục đích của cuộc đời này là giúp đỡ người khác, nếu không giúp người thì ít ra đừng hại họ"!

Có thể những món quà mà chúng tôi mang đến cho họ không thấm thía là bao so với nhu cầu thiết yếu. Nhưng tôi tin rằng, nó sẽ là nguồn động viên, khích lệ để họ cố gắng vươn lên vì bên họ luôn có những người con Phật và cả xã hội quan tâm. Tôi cũng cảm ơn họ vì nhờ họ mà tôi biết tôi là người may mắn, ít ra tôi may mắn hơn họ rất nhiều về vật chất lẫn tinh thần.

Sẽ có những chuyến đi như vậy nữa của những người con Phật đến với những con người, những số phận cần sự sẻ chia. Những người con Phật phải không ngừng cống hiến, dấn thân, không vì một lợi ích cá nhân hay tổ chức nào cả. Chỉ đơn giản, đó là niềm hạnh phúc của người Phật tử khi được giúp đỡ người khác, thể hiện tinh thần từ bi mà Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn đã dạy. Tôi nghĩ kiếp người ngắn ngủi, nói 100 năm nhưng mấy ai sống được 100 năm.

Chúng ta cứ mãi chạy theo ngũ dục, tiền tài danh vọng, nhưng có biết vô thường đến khi nào? Tất cả rồi cũng sẽ trở về với cát bụi mà thôi, “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”, ta mang theo được gì không? Tất nhiên là không, chỉ có nghiệp mới theo ta mà thôi. Do đó, những việc làm như vậy là bước đầu giúp chúng ta gieo nhân lành về sau. Đời nó vô thường lắm, biết ngày mai vô thường đến với ta hay không??? Dân gian hay có câu: “Trời kêu ai nấy dạ" là vậy đó, sanh mạng con người như hạt sương mai, chính người bạn của tôi mới còn gặp nhau, kể nhau nghe biết bao ước mơ, hoài bão: có việc làm ổn định, có bạn gái xinh đẹp, định năm sau làm đám cưới, bỗng đùng một cái … chắc giờ mộ cậu ấy cỏ đã phủ xanh. Bởi thế: Tất cả chỉ là vô thường!!!


Hoàng Minh Thắng

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Minh anh - Đăng lúc: 22/01/2015 09:47
Bài viết rất hay, người đọc sẻ khắc ghi ở phần kết, nó mang mát một lẻ sống, một cái thoáng vô thường ... vô định

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 460
  • Khách viếng thăm: 455
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 88562
  • Tháng hiện tại: 2826491
  • Tổng lượt truy cập: 88631094
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012