Giáo dục về Nhân - Quả theo quan điểm Phật giáo

Đăng lúc: Thứ hai - 28/10/2019 19:00 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Nền tảng an vui tự thân, phúc lạc hòa thuận trong gia đình xã hội phải bắt nguồn từ việc thực hành năm chuẩn mực đạo đức mà hiện tại ta không là nô lệ cho chủ nghĩa hưởng thụ chi phối và xa hơn nữa là cơ hội tái sanh trở lại làm người ở kiếp sau có đầy đủ phước báu, trí tuệ.
Một trong những chân lý căn bản mà Đức Phật thường đề cập đến trong hệ thống giáo lý đồ sộ do Ngài chứng ngộ không nằm ngoài hai chữ nhân - quả. Nhân - quả được hiểu nôm na là nguyên nhân và hậu quả, nói khác đi “nhân” là hạt giống, “quả” là hoa trái. Dù đức Phật có ra đời hay không thì nhân - quả vẫn hiện hữu như một quy luật của tự nhiên và không một ai có đủ khả năng thay đổi được nó. Nhân - quả có từ bao giờ điều đó không quan trọng, quan trọng là sự tác động, ảnh hưởng của nó đến vạn vật trong vũ trụ, đặc biệt là con người.
 
Trên bình diện khoa học, nhân - quả được đa số các nhà khoa học đồng tình, chấp nhận như một sự thật không thể phủ định. Tuy nhiên, khi bàn sâu về quá trình vận hành của nhân - quả ở ba phương diện thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai thì vấn đề trở nên phức tạp. Sở dĩ có sự phức tạp bởi hai lý do, thứ nhất nhân - quả ở hiện tại được xác quyết và kiểm định thông qua quá trình nghiên cứu và được công bố khi hội đủ bằng chứng xác thực. Đây là công việc dễ làm hơn nhiều so với việc nghiên cứu nó dưới góc độ thời gian, vì thời gian của những gì đã đi qua và thời gian của những gì chưa tới thì lấy đâu ra dữ liệu khách quan để nhận định. Thứ hai, trong vũ trụ có rất nhiều sự thật, tuy chúng ta không thể đưa ra những chứng cứ để chứng minh, nhưng đừng vì thế mà ta phủ định sự tồn tại của nó. Hơn nữa nhân sinh vũ trụ bao la vô cùng vô tận, chúng ta không dễ dàng thấy biết hết được.
 
Nhìn hướng Đông thì không thấy hướng Tây; nhìn mặt đất bằng mắt thường thì không tài nào biết trong lòng đất có gì; nhìn mặt biển nhưng không thấy được những gì dưới lòng đại đương, đơn giản vì mắt ta không thấy biết.
 
Cũng như thế, có rất nhiều vấn đề đang tồn tại quanh ta mà khoa học ngày nay chưa tìm ra hoặc phải bó tay, điều đó nói lên sự hạn chế của khoa học hiện đại. Do đó, quá trình vận hành của nhân - quả không thể dùng ngôn ngữ, văn tự hay sự hiểu biết cạn cợt mà miêu tả hết được.
 
Vì lẽ, sự thấy biết của con người có giới hạn so với Bậc giác ngộ giải thoát, mà ở đây là Đức Phật. Tầm hạn chế của tri kiến khiến ta không đủ khả năng để nhìn nhận những gì đã xảy ra ở một quá khứ xa xôi vì nó đã đi qua rồi và càng khó khăn hơn khi phải tìm hiểu nó, trong khi nó chưa xảy ra bao giờ, có chăng là sự phán đoán, mà phán đoán thì thiếu độ chuẩn xác, thậm chí có thể sai lệch hoàn toàn so với thực tại và dưới góc độ này một lần nữa khẳng định sự hạn chế của khoa học. Vì nhân - quả là dòng chảy tương tục vượt không gian lẫn thời gian, thế nên để hiểu một cách tường tận về nó ta phải dựa vào các yếu tố nhân duyên khác nhau, đặc biệt là trong ba kỳ thời gian vừa nêu trên.
 
Điều đó lý giải vì sao một người sống hiền lương cũng chịu quả báo đau khổ, ngược lại một người làm việc bấc thiện lại có đủ phước báu và gặp nhiều may mắn trong cuộc đời. Thật ra quá trình vận hành của nhân - quả có chậm mau và còn tùy thuộc vào các duyên khác nhau. Một người sống thiện lành chịu quả báo xấu ở hiện tại vì quá khứ họ đã không làm được nhiều việc tốt nhưng bù lại việc thiện họ làm hôm nay sẽ là kết quả để gặt hái một tương lai tốt đẹp. Trường hợp một người ăn ở bất thiện lại có kết cục hạnh phúc, bình an ở hiện tại, vì người này trong quá khứ biết tu nhân tích đức, tuy nhiên những việc xấu ác tạo ra ở hiện tại chắc chắn phải gánh lấy trách nhiệm trong tương lai. Cũng có trường hợp tạo nhân lúc trẻ và về già thọ quả báo, đó là nhân - quả xảy ra nhanh ở hiện tại vì đã hội đủ các yếu tố nhân duyên.
 
Đứng về phương diện tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo độc Thần và các vị Thần linh trong hệ thống đa Thần, vấn đề nhân - quả hầu như không được đề cập đến. Giáo lý của họ chỉ đưa ra hai giả thuyết thuận - nghịch bằng niềm tin và không được đặt vấn đề, hoặc sinh thiên đàng nếu tin theo Thượng đế hoặc đọa hỏa ngục mãi mãi nếu lúc sống không phải là một tín đồ. Đối với Phật giáo niềm tin được xây dựng trên nền tẳng của sự thấy biết chân chánh phù hợp với nhân - quả. Nhân - quả là vô thỉ vô chung, không có điểm khởi đầu thì điểm kết thúc cũng không. Con gà đẻ ra quả trứng và quả trứng lại nở ra con gà, không có cái nào trước cái nào sau, cứ vận hành xuyên suốt tương tục. Nếu nói con gà là “nhân” thì trứng phải là “quả” và ngược lại, thật ra con gà và quả trứng vừa là nhân và cũng chính là quả.
 
Ở một góc độ khác, Đức Phật khích lệ chúng ta nên nhìn nhận nhân - quả thông qua quá trình luân chuyển của sự vật hiện tượng. Nước được đun nóng, bốc hơi bay lên gặp không khí lạnh tạo thành nước mưa, rơi xuống thấm vào lòng đất trở thành mạch nước ngầm cung cấp cho mọi sinh hoạt của con người. Nước ở bắc cực được cấu tạo dưới dạng băng tuyết, nước ở không trung được định hình dưới dạng mây. Do đó, nước chỉ thay đổi hình dạng chứ không mất đi bản chất thật của nó. Con người cũng thế, đến với cuộc đời này từ một thế giới khác mà ở đó ngôn ngữ, hình tướng, môi trường sống hoàn toàn khác hẳn thế giới của ta và khi lìa đời cũng tùy theo nhân - quả, tội - phước mà đầu thai vào các cảnh giới cao - thấp, vui - khổ khác nhau. Có sáu cảnh giới khác nhau, các cõi Trời là nơi tái sanh của những người chuyên hành thiện, có tấm lòng và sự cống hiến chân chánh cho nhân loại. A Tu La, có phước ngang cõi trời nhưng người nam thì hình thù xấu xí, hung dữ vì tâm nhiều sân hận, ngược lại người nữa rất xinh đẹp. Thế giới loài người nơi hội đủ nhiều cấp độ khổ đau và hạnh phúc, phước báu và các loại tội nghiệp. Bàng Sanh là tập hợp các loài động vật có cấu trúc xương sống ngang, thiếu trí tuệ, thiếu nhân tính và che mắt Phật tính, mặc dù nhân tính và Phật tính có tồn tại, Một số loài chất sám rất phát triển, thậm chí là phát triển hơn con người như loài cá Heo nhưng chúng không phát huy được các khả năng như loài người do chịu quả báo từ một quá khứ mang thân phận con người nhưng tạo tội sát hại sinh linh và sống nặng về thú tính. Ngạ Quỷ là loại hình chúng sanh chịu quả báo đói khát về nhiều phương diện, đói khát thực phẩm, nước uống, đói khát tình dục, đói khát về cảm xúc…thân hình xấu xí vì kiếp quá khứ sống quá ích kỷ, tham lam, bỏn xẻn, thiếu phước báu và trí tuệ. Địa Ngục là cảnh giới nơi chúng sanh chịu quả báo hoàn toàn thống khổ vì lúc làm người hành sử tàn ác, không tin nhân - quả, tội - phước, luân - hồi, tà kiến, hại người, sát vật.
 
Đức phật khuyến khích mỗi người nên suy ngẫm về hậu quả mà mình đang thọ lãnh. Phá rừng, tàn hoại môi sinh, sát sanh hại vật, lối sống xa xỉ, phung phí, băng hoại đạo đức bằng những tệ nạn hiện hành là nguyên nhân dẫn đến thiên tai, chiến tranh, khủng bố, tật bệnh, nghèo đói và nhiều hệ lụy khác. Nếu tiếp diễn đời sống như thế, trong tương lai mức độ tàn họa từ thiên tai, nhân tai sẽ rất lớn, thậm chí hậu quả của nó được các nhà khoa học cảnh báo bằng các thông số hiểm họa hết sức nguy hiểm. Tình trạng hâm nóng toàn cầu được cảnh báo như một thử thách cho quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở những nước đang phát triển. Liên hợp quốc cảnh báo các thành phố lớn trên thế giới đang có nguy cơ trở thành chiến trường trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các thành phố trên thế giới chỉ chiếm 2% diện tích trái đất nhưng thải ra tới 70% lượng khí thải toàn cầu. Xu hướng đô thị hóa vẫn đang gia tăng ước tính đến năm 2030, khoảng 59% dân số trẻ sống tại thành phố và điều đó có tác hại không nhỏ đến môi trường, nguy hại đến đời sống con người. Hệ quả là mất cân bằng dân số, môi trường ngày một nhiễm ô. Nhu cầu học tập, nhà ở, công ăn việc làm, giao thông, giải trí, …trở nên cấp bách hơn lúc nào hết và nếu các nhu cầu vừa nêu trên không được đáp ứng thì sẽ nảy sinh nhiều vấn nạn thời đại và các loại hình tệ nạn xã hội.
 
Đối với phương diện đạo đức, Thế tôn khuyến tấn người theo Ngài học đạo sống trung thành với năm chuẩn mực đạo đức, bao gồm: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không sử dụng các chất say nghiện.
 
Bản chất con người có ba đặc tính căn bản là Phật tính, nhân tính và thú tính. Những ai mang nhiều hạt giống Phật tính người đó có đủ trí tuệ và khả năng làm chủ cũng như chuyển hóa xúc cảm là rất lớn. Người có hạt giống nhân tính nổi trội sẽ trở thành những nhà giáo dục, nhà đạo đức và nhà tu hành mẫu mực. Người mạnh về thú tính có lối suy nghĩ, hành động, nói năng thường sai đạo lý và mang nhiều nỗi bất hạnh đến cho bản thân và những người xung quanh.
 
Đức Phật khích lệ chúng ta nên nuôi dưỡng, phát triển Phật tính và Nhân tính bằng cách không sát sinh hại vật. Một mặt để tôn trọng sự sống bảo vệ tính công bằng, mặt còn lại để tránh quả báo đau khổ trong tương lai vì khi giết hại một chúng sanh đồng nghĩa với việc giết chết một vị Phật tương lai. Đức Phật từng khẳng định: “Ta là Phật đã thành, Chúng sanh là Phật sẽ thành”. Tại sao ta có thể hại người, sát vật trong khi ta không hề mong muốn điều đó xảy ra với mình, do đó sát sanh là vô lý và bất nhân. Con người sanh ra không có nanh vuốt, các bộ phận tiêu hóa chỉ thích hợp khi làm việc với các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật hơn là động vật. Do đó, sát sanh hại vật để ăn thịt là hành động thú tính không phù hợp với con người chút nào.
 
Hãy suy ngẫm về quả báo xấu có thể xảy ra trong tương lai nếu ta sát sanh, vì một chúng sanh khi có mặt tại thế gian trước đó đã trải qua vô số đời sống khác nhau với nhiều hình tướng khác nhau, môi trường sống khác nhau và tương lai sẽ tiếp diễn như thế theo dòng chảy bất tận của thời gian. Điều đó khẳng định rằng, tất cả mọi loài, bao gồm con người đều có mối tương quan mật thiết với nhau và việc cướp đi mạng sống một con vật đồng nghĩa với việc giết chết cha mẹ hay người thân của mình trong quá khứ.
 
Sát hại một con vật dù nguyên nhân đó là chính đáng đi chăng nữa thì hậu quả về bệnh tật, chết yểu và bị kẻ thù giết lại là điều khó tránh trong tương lai, suy ngẫm sâu sắc như thế để ta dừng ngay hành động sát hại.
 
Tiêu chuẩn đạo đức thứ hai mà Đức Phật đề cập đến, đó là không trộm cắp. Trộm cắp được xem như là một căn bệnh phổ biến của loài người. Trộm cắp, tùy theo đối tượng hoàn cảnh mà được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau từ thô đến tế, hoặc cướp giật công khai hoặc buôn bán gian lận hoặc lạm dụng chức quyền thâu tóm của cải từ mọi nguồn lực về mình. Nếu trộm cắp chưa được pháp luật phát hiện thì tòa án lương tâm cũng không buông, theo đó ta luôn có tâm lý lo sợ bất an. Ngược lại, phải vào tù và điều đó không có gì tốt đẹp cho một kiếp người, bởi lẽ không một xã hội nào chấp nhận người trộm cắp. Lòng tham là nguồn gốc sinh khởi trộm cắp trong khi đó “ít muốn, biết đủ” là phương pháp đưa đến an vui hạnh phúc với những gì mình đang có và ý thức sâu sắc rằng việc có thêm nhiều vật chất cũng chẳng có ích gì nếu đời sống cứ trôi qua trong toan tính, giành giật và bất an, hơn nữa ta không tài nào mang theo được mọi thứ khi thần chết gõ cửa. Đức Phật khuyên ta nên bố thí thông qua 3 nguồn lực, bao gồm: của cải vật chất, những phương pháp chuyển hóa khổ đau và đem lại niềm tin, sự bình yên cho những ai đang trong cơn thất vọng, sợ hãi.
 
Tiêu chuẩn đạo đức thứ ba là không tà dâm được Đức Phật đề cập riêng cho người cư sĩ tại gia. Đảm bảo hạnh phúc trước và sau khi lập gia đình thông qua việc sống chung thủy một vợ một chồng và không thử trái cấm trước khi kết hôn. Quan hệ tình dục bừa bãi trước hôn nhân, có thể ta không thấy được hậu quả về lâu về dài vì cảm thọ từ các giác quan mang lại là hết sức hưng phấn, đê mê và theo đó ta mất hết tự chủ. Cảm xúc đó được ví như một bữa cơm trưa, nếu lén ăn trước bữa ta như được giải phóng khỏi cơn đói nhưng giá trị của nó chắc chắn không bằng ăn đúng 11 giờ, vì ăn đúng giờ thì khả năng hấp thụ thức ăn và chất dinh dưỡng có từ bữa ăn là cao nhất. Thử trái cấm trước hôn nhân là nguyên nhân căn bản của nạn phá thai vì mang thai ngoài ý muốn và vấn đề này phần lớn khiến cho chị em phụ nữ bị tổn thương về thể chất lẫn tinh thần, một số trường hợp sau khi lập gia đình có thể vô sinh. Vấn đề lây nhiễm các căn bệnh thế kỷ cũng không ngoại lệ và như thế việc thỏa mãn sự thèm khát thân xác trong vài chục phút phải trả một cái giá khá đắt, và suốt cuộc đời còn lại ta sống trong ân hận, đau khổ.
 
Tiêu chuẩn đạo đức thứ tư là không nói dối, gồm có: không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác, không nói thêu dệt. Ông Bà ta thường dạy: “Sự thật thì mất lòng” hoặc “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Người xưa đã đúc kết đạo lý trên thông qua đời sống đạo đức và có lẽ họ cũng đã từng sống như thế vì xã hội xưa rất trọng chữ tín, nếu ăn nói không thật thà sẽ bị quần chúng lên án, tẩy chay, một số nơi còn áp dụng những hình thức xử phạt, răn đe mang tính giáo dục rất nghiêm khắc. Bởi lẽ nói dối thể hiện tấm lòng không trong sáng và điều đó không mấy tốt đẹp cho những thế hệ con cháu chúng ta sau này.
 
Đức Phật khuyên ta nên nói những gì lợi mình tốt người và phải nói đúng sự thật, không cần thêm bớt trong lúc nói với mục đích đảm bảo chữ tín trong các lĩnh vực làm ăn, xã giao cũng như thiết lập tính hòa hợp giữa các thành viên trong gia đình và xây dựng tính đoàn kết cho xã hội.
 
Tiêu chuẩn đạo đức cuối cùng mà Đức Phật đề cập đến cách đây gần 26 thế kỷ và mang tính chất như một lời cảnh báo, đó là không sử dụng các chất say nghiện. Trước khi đưa rượu vào dạ dày ta có thể tưởng tượng đến tình trạng say xỉn, lời nói thô lỗ, hành động bất chính, đó là chưa kể đến việc hao tổn tài sản, sức khỏe và trí tuệ, gây đau khổ bất an cho bản thân, gia đình và xã hội….
 
Sử dụng ma túy là một vấn nạn lớn của toàn cầu, giới trẻ là đối tượng dễ trở thành nô lệ cho các loại thuốc gây nghiện như morphin, pethidin, heroin, cần sa, thuốc lắc... Trốn học, trộm cắp tài sản của gia đình hoặc của người khác để chơi game, nhiều trường hợp chết ngay trên bàn game là hậu quả đáng thương tâm của các cậu bé nghiện “game online”. Các con nghiện “game online” thường có tâm lý bất ổn, dễ kích động, tính khí hung dữ vì bị tiêm nhiễm vào tâm thức các hành động bạo lực, khi gặp chuyện bất như ý một cậu bé 10 tuổi cũng có thể cầu dao giết người như các cảnh đâm chém trong game mà hằng ngày em chơi.
 
Do đó, nhà trường, người thân đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân – quả, tội – phước cho thế hệ trẻ, muốn làm được điều đó người lớn phải là tấm gương đạo đức cho con em mình noi theo. Với hiệu dụng bảo vệ sức khỏe, trí tuệ và tài sản, không sử dụng các chất say nghiện là góp phần gìn giữ an ninh, trật tự xã hội một cách lâu dài.
 
Nền tảng an vui tự thân, phúc lạc hòa thuận trong gia đình, an ninh cho xã hội phải bắt nguồn từ việc thực hành năm chuẩn mực đạo đức vừa nêu trên mà hiện tại ta không là nô lệ cho chủ nghĩa hưởng thụ chi phối và xa hơn nữa là cơ hội tái sanh trở lại làm người ở kiếp sau có đầy đủ phước báu, trí tuệ và hưởng đủ mọi quyền lợi của kiếp người nói chung. Những ai không đủ trình độ nhận thức hoặc thiếu khả năng làm chủ xúc cảm sẽ có nguy cơ phá hoại năm căn bản đạo đức này và cơ hội không được tái sanh trở lại làm người ở kiếp tiếp theo là một sự thật. Khoan nói đến tương lai, nhìn ngay hiện tại, số phận con người bị định đoạt bằng những trận động đất, sóng thần, bão lũ, dịch bệnh, chiến tranh, bạo động, khủng bố, nạn phá thai, bạo lực học đường, bạo hành gia đình, và các tệ nạn khác mà thủ phạm không ai khác ngoài chúng ta. Cho nên, đức Phật nhắc khéo chúng ta rằng “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Vì sợ quả báo đau khổ nên Bồ Tát (Người trí) nhất quyết không gây nhân xấu, trong khi đó phàm phu lo sợ, bất an khi thọ lãnh báo ứng mà quên đi những việc làm bất thiện trước đó. Thái độ than trời trách người mỗi khi tai họa ập đến cho thấy trình độ hiểu biết nhân – quả là rất thấp, ở một số người là không tin. Thật ra đó chỉ là quá trình tự làm tự chịu và ta nên học cách chấp nhận để chuyển hóa tai họa khổ đau, tốt hơn hết là tự làm mới thân tâm theo chiều hướng tích cực.
 
Giá mà ta có thể sợ nhân như Bồ tát thì quả báo đã không đến nỗi nào và những thảm họa cho ta một nhận thức sâu sắc rằng: “hạnh phúc hay khổ đau đều do ta quyết định”. Hãy luôn suy ngẫm về hậu quả trước khi bắt tay vào công việc, vì chỉ có như thế mới hy vọng một đời sống tốt đẹp đến trong tương lai.

 
Tác giả bài viết: Tâm Tường
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 305
  • Khách viếng thăm: 280
  • Máy chủ tìm kiếm: 25
  • Hôm nay: 53
  • Tháng hiện tại: 2808196
  • Tổng lượt truy cập: 88612799
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012