Về làng xây toàn nhà lầu nhờ làm ‘sư giả’

Đăng lúc: Chủ nhật - 29/12/2013 09:57 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Nghe nhiều đồn đoán về việc làng Vũ Dương xã Bồng Lai (Quế Võ- Bắc Ninh) chuyên "giả sư" để đi bán nhang, tăm và xin tiền quyên góp ủng hộ nhà chùa, PV đã về đây tìm hiểu thông tin.

Trên con đường liên xã đang được làm mới, một người dân xã Mộ Đạo gần xã Bồng Lai bảo: "Các chú hỏi về làng sư giả ấy hả, thế thì cứ đi thẳng, khi nào thấy nhiều nhà cao tầng là đến".

Làng "sư giả"

 



Những ngôi nhà khang trang được xây dựng cách đây vài năm ở Vũ Dương.

Theo thông tin từ công an xã Bồng Lai cung cấp, việc người dân làng Vũ Dương và một số làng khác của xã Bồng Lai "giả sư" đi bán nhang, tăm đã tồn tại cách đây hơn chục năm. Hiện số người tham gia vào hoạt động này đã giảm đáng kể.

Chia sẻ thông tin về việc người dân làng Vũ Dương ùn ùn "giả sư bán nhang" trong những năm qua, ông Phan Bá Đỗ- Phó trưởng công an xã Bồng Lai cho biết, vào năm 2000 có bà Hoàng Thị Xuân (SN 1966) người làng Vũ Dương vào Nam lập nghiệp, sau khi trở ra ngoài Bắc đã cùng anh chồng miền Nam mang nghề "giả sư bán nhang" về Vũ Dương.

Thấy bà Xuân "ăn nên làm ra" nên nhiều bạn bè và người thân của bà Xuân tham gia. "Những năm 2000 khi chưa xuất hiện tình trạng "giả sư" để đi bán nhang, công an xã Bồng Lai cũng đã đóng dấu xác nhận cho nhiều người làng Vũ Dương đi bán nhang, tăm. Tuy nhiên, thấy dư luận phản ánh nhiều người dân Vũ Dương lợi dụng giấy xác nhận để đi lừa người dân các tỉnh thành khác nên chính quyền xã đã ngưng việc này", ông Đỗ cho biết.

Theo tìm hiểu, những năm trước đây khi "vấn nạn" sư giả chưa được "phanh phui", mỗi ngày làng Vũ Dương có hàng trăm người tỏa đi khắp nơi để "hành nghề". Từ sáng sớm, các xe máy chở 3, kẹp 4 ùn ùn từ làng Vũ Dương đi ra hướng thị trấn Mới để từ đó bắt xe khách, xe buýt, xe ôm xuống Hà Nội, qua TP. Bắc Ninh, hay ra Quảng Ninh… để hóa thân thành sư đi kiếm tiền. Ban đầu, chỉ có bà Xuân và một vài người họ hàng tham gia và vấp phải sự phản đối kịch liệt của những người trong làng. Nhưng không bao lâu sau, thấy sự "thay đổi" từng ngày của những người "giả sư" nên nhiều người đã tặc lưỡi "học nghề" khiến Vũ Dương được mệnh danh là làng "giả sư" lớn nhất  miền Bắc.

Ông Nguyễn Văn Hà- một người dân xã Vũ Dương  bức xúc cho biết: "Sư giả ở xã Bồng Lai nhiều lắm. Phần lớn họ dựa vào nghề “giả sư” để làm ăn kiếm sống thay nghề nông, thậm chí là làm giàu. Nạn "giả sư" không chỉ gây ảnh hưởng đến xã hội, tín ngưỡng, mà những biến tướng của nó đã bước vào ngưỡng vi phạm pháp luật như làm giả con dấu, giấy tờ, các hành vi lừa đảo có tổ chức. Nhiều sư giả đã bị "phát giác" như "sư Chương, sư Hường, sư Cường".

Một sự việc cũng được nhiều người dân nhắc đến là câu chuyện tiếp tay làm giấy tờ giả cho các "sư" đi bán nhang của Phan Bá Cường, vốn là thợ ảnh trong làng. Năm 2004 UBND xã Bồng Lai quyết định chấm dứt việc xác nhận cho công dân trong xã mang danh nghĩa nhà chùa đi bán hương, khiến nhiều “sư giả”... mất chỗ dựa. Cường đã câu kết với một số đối tượng dùng máy tính chế tác ra con dấu của Ủy ban xã. Vụ việc đã bị công an tỉnh Thái Bình phát giác, Cường phải lĩnh án 3 năm tù vì tội làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức.

Trao đổi với PV về vấn đề "giả sư" tại địa phương, ông Đỗ cho biết: "Công an xã cũng khó quản lý được những người hành nghề này vì họ không "giả sư bán nhang" ở địa phương mà toàn đi bán ở tận đâu, ngoài ra cũng không thấy quy định nào cấm người dân mặc áo nhà sư nên chính quyền không quản lý được. Hiện tại công an xã cũng đã đi vận động và bắt làm cam kết với gần 30 người nghi vẫn còn hoạt động "giả sư" tại các địa phương khác".

Bóc mẽ chiêu trò "làm ăn" của sư giả

Để tìm hiểu thêm về "nội tình" của hoạt động "giả sư" ở làng Vũ Dương, chúng tôi đã gặp một người phụ nữ tên Dầu (56 tuổi) người làng Vũ Dương nhà gần trường tiểu học Bồng Lai. Thấy chúng tôi hỏi về chuyện "giả sư" của làng mình, sau một hồi ngần ngừ, bà Dầu cũng đã chia sẻ những thông tin "trong nghề".

Bà Dầu cho biết, "đi sư" không theo mùa mà rảnh là đi. Ở làng này cũng nhiều người đi lắm, có gia đình hai vợ chồng, có dòng họ thì hàng chục người. Chỉ sau thời gian ngắn, nhiều người đã kiếm được bộn tiền. Chính vì cái "lộc" đến nhanh và dễ nên đã có nhiều người "học" để theo nghề.

Theo chia sẻ của bà Dầu, đồ nghề giả sư cũng không quá cầu kỳ. Thứ nhất phải có giấy chứng nhận hay giấy giới thiệu của một chùa nào đó cử đi bán nhang, tăm. Cái này toàn là đồ giả, dễ mua. Ngoài ra cần chứng minh thư, bộ quần áo nhà sư, tay nải, khăn quấn đầu, tràng hạt và trang bị một ít kiến thức về phật giáo. Đặc biệt, phải thuộc "bài" nói chuyện như nhà sư thật khi giao tiếp với đệ tử và phật tử.

Trước khi "tác nghiệp", các vị "sư giả" cũng lê la hỏi chuyện người dân để biết gia cảnh thân thế của "gia chủ" để tiện bề "chém".  Nhưng chung quy lại, khi đã qua được khâu "giới thiệu bản thân" và "hót" để gia chủ tin mình, các "sư giả" sẽ mời gia chủ mua nhang, tăm còn giá cả "tùy tâm". Khi gia chủ phân vân không biết mặc cả thế nào thì một cuốn sổ ghi danh những người đã mua với những con số cụ thể từ một vài trăm đến một vài triệu đồng. Chính vì có niềm tin như vậy nên nhiều chủ nhà không tiếc hầu bao để "ủng hộ" nhà chùa.

Cũng theo bà Dầu tiết lộ, chủ yếu những người làm "sư giả" ở đây đánh vào niềm tin và sự thành kính đối với đạo phật. Ngoài ra, các sư giả này nhiều khi không chỉ đi bán hương xin tiền từ thiện của thiên hạ mà còn kiêm luôn vai trò của thầy xem tướng. Gặp gia chủ nào "yếu bóng vía" họ sẽ phán rằng nhà đó bị "động", cần phải "làm lễ giải hạn" mới qua khỏi. Nếu gia đình nào nhẹå dạ cả tin thì nghe và nhờ luôn vị "sư" kia cúng lễ. Các vị "sư" này sẽ giúp gia chủ giải hạn. Tiền công cho "sư" nhà ít cũng đôi ba triệu, nhà nhiều lên đến hàng chục triệu đồng và đây là nguồn thu chính của các "sư".

Còn theo chia sẻ của "sư" Tùng đã giải nghệ về với nghề buôn chuối, để có thể "hành nghề" được, các sư giả thậm chí lập nên một nhóm có người đứng đầu. Nhóm này thường làm giấy tờ giả cho các "sư giả", ghi rõ địa chỉ, số điện thoại. Mỗi khi "bị vặn" các "nhà sư" ung dung giới thiệu mình ở chùa này, chùa nọ và sẵn sàng đưa số điện thoại cho cơ quan chức năng gọi tới xác minh.

Tất nhiên, kịch bản đã dựng sẵn. Đầu dây bên kia sẽ nhận "sư giả" là đệ tử của nhà chùa.Với chiêu trò này không ít lần nhà sư đã "lách" được. Thời gian gần đây cũng nhiều người dân tố cáo có "sư giả" còn sử dụng "thuật thôi miên" để trộm cắp tài sản, thế nhưng chưa có trường hợp nào bị bắt nên không biết là người của địa phương nào.Tuy nhiên, nhiều người đồn đoán đó đều là "sư giả" của làng Vũ Dương.

Không nên “giỡn mặt” với vấn đề tôn giáo, tâm linh

Ông Phan Bá Đỗ - Phó trưởng công an xã Bồng Lai cho biết, người "mang nghề sư giả" Hoàng Thị Xuân đến làng Vũ Dương hiện đã chuyển vào Nam sinh sống. Cách đây vài năm, cậu con trai cũng là một "sư giả" xin tiền mẹ không được đã nhảy lầu tự tử. Một " sư giả" tên  Phan Thanh Chương người làng Vũ Dương cũng bị chết do tai nạn giao thông ở Quảng Ninh cách đây 2 năm. Những cái chết đều rõ nguyên nhân nhưng nhiều người dân Bồng Lai đồn đoán người làng Vũ Dương đã phải trả giá cho những việc làm sai trái của mình.

“Giả sư” bị phạt 18 tháng tù treo

Tìm tới gia đình bà Nguyễn Thị Bắc (SN 1968) ở làng Vũ Dương, một "sư giả " bị bắt phải chịu mức án 18 tháng tù cho hưởng án treo, chỉ có ông Phan Bá Mạnh chồng bà Bắc ở nhà. Chia sẻ với PV về vụ việc của vợ, ông Mạnh cho biết, vợ ông vừa chấp hành án phạt tù xong, sự việc xảy ra ông cũng thấy xấu hổ với làng xóm. Hiện hai vợ chồng ông cũng chỉ loanh quanh với vài sào ruộng, nuôi thêm con gà con lợn, trồng thêm mấy luống rau, cuộc sống cũng không đến nỗi quá khó khăn.

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 232
  • Khách viếng thăm: 218
  • Máy chủ tìm kiếm: 14
  • Hôm nay: 67841
  • Tháng hiện tại: 2787422
  • Tổng lượt truy cập: 88592025
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012