Nhà Phật có cấm đánh ghen không?

Đăng lúc: Thứ hai - 08/10/2018 21:07 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
“Tinh tinh”... tiếng chuông tin nhắn vang lên. “Nhà Phật có cấm đánh ghen không mày?”, đọc tin cô bạn thân gửi mà tôi vừa thấy buồn cười lại vừa lo lắng. Tôi vội nhấc điện thoại hẹn gặp bạn ngay để hỏi thăm tình hình, phòng trường hợp bạn “giận quá mất khôn”.

 
Đánh ghen để làm gì? 
 
Bạn tôi vừa sinh một bé trai kháu khỉnh sau khi lấy chồng được 1 năm. Hai gia đình đều khá giả, môn đăng hộ đối. Đám cưới của cặp trai tài gái sắc ngày ấy khiến bao người ghen tị, ngưỡng mộ, ai cũng nghĩ mối tình 8 năm với một cái kết viên mãn sẽ kéo dài mãi mãi. Nếu không có việc bạn tôi tình cờ đọc được tin nhắn trong máy điện thoại của chồng. Bạn kể chồng mới gặp lại tình đầu thuở học cấp 2 sau ngày họp lớp. Mới đầu chỉ là những tin nhắn xã giao hỏi thăm sức khỏe, gia đình, nhưng dần dà tình cảm bắt đầu nảy sinh giữa hai người bạn cũ. Bạn tôi có thể nhận ra sự thay đổi trong lời nói cũng như ánh mắt của chồng dành cho mình. Có chút hững hờ, xa cách.
 
Mệt mỏi sau khi sinh, bạn tôi từ một cô gái nền nã, dịu dàng nay trở nên cáu gắt và dễ kích động. Bạn hỏi tôi có nên theo dõi rồi đánh ghen một trận cho bõ tức không? Nhưng đánh ghen thì giải quyết được vấn đề gì?
 
Vài năm trở lại đây, đánh ghen dường như đã trở thành một vấn đề nóng trong xã hội. Cứ một thời gian, trên báo chí lại xuất hiện tin tức hay clip về một cuộc “hỗn chiến” khởi nguồn từ những cơn ghen. Nhẹ thì công bằng 1:1 đấu với nhau, nặng thì cả gia đình đi đánh một người gọi là “kẻ thứ 3”. Hết giật tóc, lấy mũ bảo hiểm đập vào đầu rồi “nâng cấp” thành “chiêu” xé áo, đổ mắm tôm, muối ớt lên “tình địch” và cuối cùng là lột trần giữa phố đông người.
 
Một phút “xao lòng”
 
Kể lại câu chuyện “tình đầu của chồng” với giọng điệu chua chát, tôi đoán bạn tôi phải đau lòng và buồn nhiều lắm. Chuyện đánh ghen trước đây chỉ là tin tức trên báo chí, là chuyện của người đời, là vấn đề tôi không quan tâm. Nhưng khi biết bạn mình đang có “nguy cơ” sắp trở thành nhân vật “người vợ đáng thương” trong một clip đánh ghen sẽ được phán tán khắp mạng xã hội, tôi đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Có lẽ đây không chỉ là tình cảnh của riêng bạn tôi mà nó còn là nỗi lòng chung của những người vợ khác.
 
Phải làm như thế nào là tốt nhất? Đánh ghen liệu có nên hay không? Khi đang mông lung chưa tìm được cách giải quyết phù hợp, tôi nhớ lại câu hỏi của bạn: “Nhà Phật có cấm đánh ghen không?”. Đúng vậy, mọi câu chuyện đời hãy nhìn bằng con mắt trí tuệ, triết lý nhân quả của đạo Phật, chắc chắn sẽ có câu trả lời.
 
Sở dĩ bạn tôi đặt ra câu hỏi nghe khá buồn cười ấy là vì bạn đã làm lễ Hằng thuận và quy y ở chùa, được các thầy giảng về ngũ giới, về cách gìn giữ hạnh phúc gia đình. Nên bạn sợ nếu làm điều đức Phật cấm sẽ phạm giới, phải gánh chịu tội nghiệp. Nhưng nhớ đi nhớ lại bạn khẳng định chắc nịch: “Các thầy chưa dạy về việc đánh ghen” nên quyết định nhắn tin cho tôi để nhờ tư vấn.
 
Với vốn kiến thức nông cạn của mình, tôi nhớ trong các kinh điển đã đọc chưa nhắc về giới cấm đánh ghen. Nhưng tư tưởng cốt lõi của đạo Phật hàng nghìn năm qua là nuôi dưỡng lòng từ bi, bởi vậy đánh ghen chắc chắn là việc không nên làm. Những ai đang có nỗi lòng như bạn tôi xin hãy dành vài giây bình tâm suy xét, đừng nóng vội mà làm tổn thương chính mình.
 
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, các bạn cũng nên bình tĩnh sẽ tốt hơn cho cuộc hôn nhân của mình. Bởi vì đời sống vợ chồng không phải là điều tự nhiên có được. Các bạn chắc cũng từng trải qua một thời yêu nhau, đến với nhau, rồi ràng buộc đời nhau qua tình nghĩa vợ chồng. Sự xuất hiện của những đứa con càng khiến mối quan hệ đó thêm sâu nặng và khó tách rời. Nếu như cả hai không cố gắng để hun đúc tình yêu đang dần nhạt nhòa thì cuộc hôn nhân sẽ đổ vỡ trước gánh nặng cuộc đời, cơm áo gạo tiền, con cái đa mang. 
 
Đây là giai đoạn dễ dẫn đến những rạn nứt, bất hòa nếu không có sự bao dung và một cái nhìn quán chiếu đâu là thật, đâu là giả trong những mối quan hệ. Tình yêu của các bạn là thật, tình nghĩa vợ chồng là thật, tình cha con, tình mẫu tử là thật. Còn những tình cảm đột biến khác chỉ là cái giả tạm, nhất thời đang che lấp hạnh phúc của một gia đình. Vì sao bạn lại muốn biến cái thật thành giả với suy nghĩ hủy hoại cuộc sống hôn nhân của chính mình?
 

 
Có một nhà thơ, sau những giây phút “xao lòng”, đã viết những lời hối lỗi rất dễ thương, xin trích một đoạn chia sẻ cho bạn đọc:
 
“...Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng
Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được
Nghĩ về cái đã qua nhiều khi nuối tiếc
Mình cũng chẳng nói ra vì sợ vợ buồn
 
Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn
Và cảm thấy mình như người có lỗi
(Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói
Cô ấy cũng thương yêu và chăm chút mình hơn)
 
Mà có trách chi những phút xao lòng
Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Đừng có trách chi những phút xao lòng”.
 
Tuổi trẻ và hôn nhân
 
Là con người ai cũng khao khát nhận được tình yêu thương và sự quan tâm từ người khác. Đôi khi vì những phút “xao lòng” mà người vợ hay người chồng dễ dàng đánh mất tổ ấm của mình. Có thể nhận thấy, rất nhiều gia đình trẻ hiện nay đang ở trong tình trạng “ngoài ấm trong lạnh”. Tuổi trẻ thời đại đang đối mặt với sự khủng hoảng về đời sống hôn nhân với số lượng các vụ đánh ghen và tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng.
 
Các bạn dễ dàng nói lời yêu nhau, dễ dàng thề ước những điều tốt đẹp, hoa mỹ, nhưng khi một khúc mắc nhỏ xảy đến thì các bạn cũng dễ dàng trách móc, thù oán và cuối cùng buông tay nhau. Còn đâu những lời hứa mặn nồng “Dù có gặp khó khăn, trở ngại nào đi chăng nữa cũng sẽ nắm chặt tay nhau đi đến cuối cuộc đời”? Có những cặp đôi chỉ vừa cưới nhau 2 tuần đã quyết định ly hôn với lý do “không hợp”.
 
Hôn nhân giống như việc hai người cùng ngồi trên một chiếc xe đạp đôi, đi lên một con dốc. Nếu chỉ có một người đạp thì chiếc xe sẽ đi chậm lại, khó tiến về phía trước, đôi khi còn bị tụt hậu. Ngược lại, khi cả hai người biết động viên nhau cùng cố gắng thì chắc chắn sẽ tới được đỉnh dốc và cùng ngắm ánh bình minh ấm áp. Hạnh phúc thật sự chỉ có mặt khi nó đến từ cảm xúc của con tim, từ sự cảm thông sâu sắc giữa hai người. 
 

 
Có ý kiến cho rằng ngày trước ông bà, cha mẹ sống hạnh phúc đến “đầu bạc răng long” là do người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục, cộng thêm chế độ “trọng nam khinh nữ” nên không dám định đoạt cuộc sống của mình. Còn bây giờ, người phụ nữ đã ở vị thế khác, độc lập suy nghĩ, độc lập tài chính nên cũng độc lập về cuộc đời. Khi thấy không còn hợp nhau nữa thì sẽ nghĩ ngay đến việc chia tay, không cần ủy mị níu kéo.
 
Theo suy nghĩ của tôi, quan điểm này có phần chưa đúng. Một trong những lý do quan trọng làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc thời “ông bà chúng ta” chính là nghệ thuật đối thoại. Khi được hỏi bí quyết để xây dựng hạnh phúc gia đình, một cụ bà đã nói với tôi: “Ông bà thường nói thẳng những điều bất đồng và tìm cách giải quyết ngay, thay vì để chúng thành mây giông bão tố”, “trước những khó khăn của cuộc sống, ông bà đều mạnh mẽ cùng nhau vượt qua”.
 
Có lẽ, đây là điều khác biệt so với ở các cặp vợ chồng hiện đại ngày nay. Trước các khó khăn, các bạn luôn muốn giải quyết mọi việc một cách mau lẹ và dễ dàng bằng hành động như việc đánh ghen chẳng hạn. Các bạn ít khi dành thời gian ngồi lại và thật tâm lắng nghe nỗi lòng của nhau. Tuổi trẻ chúng ta dường như chưa đủ kinh nghiệm để bước vào đời sống vợ chồng và có lẽ những điều được trao truyền từ bậc cha mẹ và từ văn hóa truyền thống đang dần phai nhạt, không phù hợp với lối sống mới.
 
Xây dựng hôn nhân bằng lời ái ngữ
 
Sống chung lâu ngày, vợ chồng dễ dàng bộc lộ những thói hư tật xấu, kết quả sinh ra nhàm chán và cảm thấy bạn đời thật đáng ghét. Đúng như trong Kinh Vô Lượng Thọ có viết: “Thói tà hiện ra, vợ mình đáng ghét, đi lại ngoại tình”. Kinh Ngọc Da Nữ cũng nói: “Thấy chồng là không thích”. Những “vết nứt” nghi ngờ, khúc mắc và chán ghét sẽ khiến giọt nước “hạnh phúc” trong chiếc bình “hôn nhân” ngày càng chảy tràn. Nếu không tìm cách vá lại thì sớm hay muộn chiếc bình cũng sẽ vỡ tan.
 
Vậy nên làm thế nào để có thể giữ được hạnh phúc trong gia đình. Căn cứ theo những điều Phật, Bồ Tát dạy có hai điểm cần chú ý để các bạn sửa đổi cho tốt đẹp:
 
- Nói lời dịu dàng, nét mặt vui tươi.
 
- Nhẫn nại.
 
Đức Phật dạy: “Người nói lời dịu dàng, nét mặt tươi vui sẽ không xảy ra bất hòa”. Đây là yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của vợ chồng. Nếu như vợ chồng luôn nói lời dịu dàng, nét mặt thường tươi vui thì tình cảm có xảy ra rạn nứt không? Sự cảm thông là điều rất quan trọng trong đời sống vợ chồng. Nếu như cả hai không có sự cảm thông mà luôn chỉ trích, phê bình lẫn nhau, sắc mặt luôn hiện vẻ giận dữ, thì chúng sẽ là viên đá ngầm làm rạn nứt tình cảm.
 

 
Tông Thiên Thai có câu ngạn ngữ: “Tai thích nghe lời hay”. Phê bình sẽ gây ác cảm cho đối phương, họ nghĩ rằng chúng ta xem thường, cười chê họ; do đó mà họ mỉa mai lại, hoặc tức quá hóa giận. Khi cả hai đều nổi giận, có phải tự mình chuốc lấy khổ? Nếu như bạn đời có sai lầm, khi chúng ta muốn góp ý với họ phải tế nhị, đừng nói thẳng, nên nhẹ nhàng trao đổi với nhau, đưa ra ý kiến thì họ mới khâm phục. Còn như bạn đời có ưu điểm thì mình phải tán thưởng và khen ngợi một cách chân thành. 
 
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Người thường nói lời nhẹ nhàng, dịu dàng, nói lời người nghe thích thú, nói lời hay đi vào lòng người, nói lời tao nhã có phép tắc”. Không được nói: “Lời cộc cằn, lời mỉa mai, cố ý nói làm cho người khác tức giận, lời nói như thiêu đốt lòng người, lời nói tự hại mình và người khác”. Khi chúng ta nói điều gì lúc nào cũng phải suy nghĩ kỹ, điều đáng nói thì nói, điều không đáng nói thì im lặng.
 
Vợ chồng có lúc do sự thay đổi tâm, sinh lý, nên tính tình có lúc thay đổi bất thường; hoặc do hoàn cảnh xảy ra những điều không hài lòng nên thể hiện lời nói, hành động sơ suất là chuyện bình thường. Nếu như cả hai không giữ được giới nhẫn theo đức Phật dạy thì cho dù việc nhỏ mà không nhường nhịn nhau cũng dẫn đến tranh cãi, ai cũng muốn người khác làm theo ý mình; như thế dễ xảy ra đổ vỡ. Chúng ta làm cho bạn đời tức giận thì bản thân mình cũng không tránh khỏi bực bội; đây là hành động hại mình, hại người. Vì sao chúng ta lại gây ra mối bất hòa như thế?
 
Nếu chúng ta muốn nhẫn nại thì phải tu tập. Khi chồng nổi giận cho dù vợ có lý do chính đáng cũng phải tạm thời nhường chồng, không nên tranh luận. Bất đắc dĩ thì tạm lánh ra ngoài, đợi sau khi chồng bình tĩnh rồi, vợ mới dịu dàng nói cho chồng biết. Vợ nhường nhịn không phải là vì yếu thế khuất phục mà sự thật là muốn cho gia đình yên ổn. Đây là nghệ thuật sống trong đời sống vợ chồng giữa cương với nhu.
 
Trong hôn nhân đích thực, người này thường nghĩ tới người kia, hơn là nghĩ tới chính mình. Chồng hay vợ không ai trên ai - người này bổ sung, bù đắp cho người kia vì hôn nhân là một sự hợp tác bình đẳng, biểu lộ sự hòa nhã, rộng lượng và quan trọng hơn hết là sự hy sinh. Sống trong hoàn cảnh đầy đủ vật chất vợ chồng dễ dàng cư xử với nhau. Không may gặp hoàn cảnh khó khăn bị bức bách chuyện cơm áo, gạo tiền thì cả hai dễ cãi vã với nhau, đặc biệt bản tính người phụ nữ hay than thở, cho nên dễ mắc phải sai lầm về lời nói và hành động, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra chiến tranh. 
 
Bởi vậy, cuộc sống càng khó khăn thì chúng ta càng nỗ lực phấn đấu vươn lên làm cho gia đình càng ấm êm hạnh phúc. Vợ chồng từ cảnh cơ hàn phấn đấu làm cho tiền đồ sáng lạn thì mới có ý nghĩa. Trong gia đình chỉ nên nuôi dưỡng tình yêu thương, sự tôn trọng. Đừng để những xung đột âm ỉ và lời nói làm đắng lòng nhau tồn tại.
 
Nuôi dưỡng hôn nhân bằng tình yêu thương
 
Nếu nói rằng ghen tuông là sai thì thật sự không đúng. Nếu nói ghen tuông là không sai, cũng chưa hẳn là đúng. Đó là cảm xúc khó điều khiển khi chúng ta yêu thật lòng một ai đó. Không yêu sẽ không ghen. Song ghen thế nào để nó trở thành gia vị của tình yêu, để nó trở nên đẹp đẽ, đáng yêu và cần thiết, đó là phụ thuộc vào lý trí của mỗi người. Hơn hết, đừng biến cơn ghen thành mồ chôn của tình yêu.
 
Quay trở lại câu chuyện của bạn tôi, nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh ấy thì đừng bao giờ nghĩ tới việc đánh ghen. Là một người phụ nữ hiện đại, chắc chắn các bạn không bao giờ muốn hình ảnh của mình bị ảnh hưởng trong mắt mọi người xung quanh, nhất là khi mạng xã hội đang có ảnh hưởng lớn như bây giờ. Nhiều bạn nghĩ rằng đi đánh ghen rồi quay clip đưa lên mạng là hủy hoại thanh danh cô bồ của chồng mình. Nhưng các bạn lầm rồi, có thể hôm nay người ta sẽ cho nhau xem clip đó nhưng ngày mai dân tình sẽ quên ngay vì họ sẽ lại có mối quan tâm khác. Việc đó không hề đọng lại trong tâm trí người xem, nó chỉ để lại nỗi bực dọc trong đầu các bạn mà thôi. Tốt nhất là đừng nên mất thời gian với những thứ không đáng.
 
Điều quan trọng các bạn cần làm ngay lúc này là gỡ bỏ những mối nghi hoặc, dù lớn hay nhỏ đang chất chứa trong lòng. Đừng tìm cách trút giận bằng lời nói hay hành động tiêu cực lên đối phương. Bởi người tổn thương sâu sắc nhất chính là bạn mà thôi. Hãy để tâm chăm sóc cho con cái nhiều hơn, kiên nhẫn hơn một chút và tìm cơ hội đối thoại với chồng. 
 
Đừng cố gắng tranh luận gay gắt xem ai đúng ai sai. Vấn đề chính để làm nên hạnh phúc trong hoàn cảnh hiện tại của gia đình bạn là sự nhẫn nại, mềm mỏng và vô ngã. Chính nó sẽ giúp bạn sẽ cảnh tỉnh được chồng, cứu nguy cho gia đình không đổ vỡ bởi lối sống thiếu chuẩn mực, tư duy lệch lạc của chồng bạn (nếu có). Học cảm thông và tha thứ, bạn sẽ tìm thấy sự bình an khi giải quyết nhiều vấn đề đằng sau cánh cửa kết hoa của đời sống hôn nhân.
 
Hãy chia sẻ với chồng nỗi lòng của bạn bằng lời nói ái ngữ, tâm sự về những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống gia đình, trong những mối quan hệ bạn bè và cả những phút giây “xao lòng” của anh ấy. Hãy cảm hóa chồng bạn bằng trái tim yêu thương, giúp anh ấy cảm nhận được hơi ấm của tình thân và hiểu được một điều quý giá: Gia đình chính là chỗ nương tựa bình yên nhất trong cuộc đời. 
 

 
Cuộc sống hôn nhân không phải là một con đường trải đầy hoa hồng. Vẫn có những gian truân trên con đường ấy để thử thách tình cảm của mỗi người, giống như phút giây “xao lòng” của vợ hoặc chồng. Quan trọng là bạn có đủ mạnh mẽ và ý chí để vượt qua chúng hay không. Muốn có một ngôi nhà kiên cố, bạn phải dành thời gian và tâm sức để tạo nên bộ móng vững chắc. Không có thứ gì tốt đẹp có thể đến một cách dễ dàng.
 
 “Nếu chẳng một phen sương thấm lạnh
Hoa mai đâu dễ tỏa mùi hương”.
 
Khi đã nỗ lực hết sức nhưng tình cảm gia đình không thể hàn gắn được nữa, bạn cũng đừng quá đau buồn hay bi lụy. Bởi con người gặp nhau bởi chữ “duyên”, yêu nhau bởi chữ “nợ” và chia ly bởi chữ “phận”. Khi chưa hết duyên, dù có chia tay thì cuối cùng cũng sẽ quay về bên nhau. Ngược lại, nếu duyên đã hết, nợ cũng đã trả thì muốn ở bên nhau cũng không thể được. Hôn nhân không bao giờ vững bền nếu chỉ có sự cố gắng từ một phía. Vậy nên, bạn hãy an nhiên trước mọi nghịch cảnh, đừng nói “giá như” khi bản thân mình đã cố gắng hết sức rồi.
 
Tuệ An
----------
Tham khảo:
https://www.vienchuyentu.com/la-bo-de-so-27/
https://kilopad.com/Ton-giao-Tu-tuong-c40/doc-sach-truc-tuyen-cac-van-de-cua-xa-hoi-hom-nay-b3012/chuong-13-the-che-hon-nhan-ti13
http://www.tuvienquangduc.com.au/Nepsong/86phathoagiadinh.html
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 465
  • Khách viếng thăm: 445
  • Máy chủ tìm kiếm: 20
  • Hôm nay: 127643
  • Tháng hiện tại: 2217664
  • Tổng lượt truy cập: 91109237
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012