Khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật

Đăng lúc: Thứ hai - 09/10/2017 15:32 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Nhân mùa Vu-lan báo hiếu PL. 2558, thay mặt chư Tăng Thiền viện Vạn Hạnh, chúng tôi xin có lời kính chào mừng quý vị đến tham dự Đại lễ tại Thiền viện; kính chúc quý vị cùng quý gia quyến luôn luôn được nhiều sức khỏe và phúc lành trong nếp sống hiền thiện của người con Phật. Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin kính nguyện hương linh chư vị mẹ cha, ông bà tổ tiên cùng thân bằng quyến thuộc nhiều đời của quý vị nương nhờ hồng ân Tam bảo và nghĩa cử hiếu hạnh của quý vị mà được siêu sanh vào các cảnh giới an lành của Phật pháp. (1)

 
Kính thưa toàn thể Phật tử và Thân hữu Vạn Hạnh,
 
Nhân mùa Vu-lan báo hiếu PL. 2558, thay mặt chư Tăng Thiền viện Vạn Hạnh, chúng tôi xin có lời kính chào mừng quý vị đến tham dự Đại lễ tại Thiền viện; kính chúc quý vị cùng quý gia quyến luôn luôn được nhiều sức khỏe và phúc lành trong nếp sống hiền thiện của người con Phật. Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin kính nguyện hương linh chư vị mẹ cha, ông bà tổ tiên cùng thân bằng quyến thuộc nhiều đời của quý vị nương nhờ hồng ân Tam bảo và nghĩa cử hiếu hạnh của quý vị mà được siêu sanh vào các cảnh giới an lành của Phật pháp.
 
Vu-lan là dịp gợi nhắc cho chúng ta về nguồn cội, về phúc ấm của ông bà tổ tiên, về ân cha nghĩa mẹ mà nhờ đó chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng lớn lên và được trưởng thành. Theo cái nhìn trí tuệ của đạo Phật thì sự hiện hữu của bất kỳ sự vật nào đều mang trong nó hình bóng của nhiều sự vật khác. Sự hiện diện và trưởng thành của con người cũng vậy, vốn bao hàm trong đó muôn vàn ân đức và nghĩa tình tưởng không thể nghĩ bàn. Chúng ta không thể thấy hết ý nghĩa huyền nhiệm về nhân duyên hiện hữu và trưởng thành của chúng ta trên cuộc đời này. Không biết bao nhiêu là bàn tay từ ái đã đỡ đần, nâng niu, chăm sóc, giúp cho chúng ta hiện hữu và trưởng thành. Chúng ta chỉ có thể hiểu rằng chúng ta không thể tự có mặt và lớn lên được, nếu không có các ân đức và nghĩa tình giữa cuộc đời, và vì vậy chúng ta cần phải sống với tâm niệm mãi mãi nhớ ân cuộc đời.
 
Gần hơn cả là ân cha nghĩa mẹ, đã “cưu mang trứng nước những ngày còn thơ”, đã “nuôi con khó nhọc đến giờ”. Vì vậy “trưởng thành con phải biết thờ song thân”. Đó là cảm thức thương mẹ kính cha, là ý nghĩa nhớ ân và báo ân cha mẹ mà chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu và nhắc nhủ nhau nhân ngày Vu-lan báo hiếu hôm nay, qua đề tài: “Khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”.
 
Chúng ta biết rằng hiếu hạnh là đạo lý quan trọng đối với người Việt Nam nói riêng và các dân tộc khác ở châu Á nói chung, vốn thiên nặng đời sống tình cảm gia đình và quý trọng đạo lý làm người. Tình cảm và đạo lý ấy đã ăn sâu vào lòng người, đi vào ca dao tục ngữ, trở thành quan niệm sống của các thế hệ người Việt. Hầu như người Việt Nam nào cũng thuộc nằm lòng các câu như:
 
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là cù lao.
 
Hay:
 
Công cha đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.
 
Đạo Phật đến đất Việt rất sớm và đã nhanh chóng đã đi sâu vào đời sống của người Việt, thể hiện qua các câu nói và cảm thức như:
 
Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt.
Lên chùa lạy Phật quy y,
Cầu cho kẻ ở người đi an lành.
Đêm đêm khấn nguyện Phật trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
 
Hay:
 
Lên chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền.
 
Đó là cảm thức khá phổ biến của người Phật tử Việt Nam, biểu lộ trong đời sống hàng ngày, trong dòng chảy của lịch sử văn hóa dân tộc. Là cư dân nông nghiệp hiền hòa, yêu thiên nhiên, trọng nhân nghĩa, chuộng hòa bình, người Việt vốn sở hữu một tâm hồn thật chất phác hiền lành. Đạo Phật giảng điều chân thật hiền thiện nên dễ đi vào tâm hồn trong sáng hiền lương của người Việt. Cái hiền gặp cái lành thì quyện chặt lấy nhau, thương quý nhau, cùng nhau dựng tổ ấm phúc lành cho muôn đời con cháu gọi chung một tiếng là quê hương. Quê hương đó là thế nào? Ai đó đã phác họa rất sinh động:
 
Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
 
Một xứ sở mà có chùa quanh năm - có nghĩa là dân chúng ngày đêm hướng thiện, ăn ở hiền lành, nỗ lực tu nhân tích đức - thì càng hiền lương thanh bình. Đạo Phật đến đất Việt càng khiến cho tâm hồn người Việt trong sáng và hiền thiện hơn. Tình thương người, thương vật, thương quê hương đất nước càng thêm sâu đậm. Tâm hồn ấy hướng lên thì mến Phật, ngoảnh lại thì thương mẹ. Vì vậy mà “lên chùa thấy Phật muốn tu, về nhà thấy mẹ công phu chùa đền”. Thấy Phật thì mến Phật quá, muốn đi theo con đường của Phật liền, nhưng ngoảnh lại thì thấy thương mẹ quá, còn bao ân nghĩa chưa đáp đền. Cho nên đa phần người Việt chọn đường tu Phật như vầy:
 
Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
 
Người Phật tử Việt chọn lối học tu theo Phật mà đấng Giác ngộ từng hết lòng ngợi ca, xem đó là sự thể hiện tâm thương mẹ kính cha, là cách báo hiếu báo ân cha mẹ trọn vẹn nhất. Người ta nghe bậc Giác ngộ khuyên dạy các học trò mình như thế này: “Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này.
 
Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”. (2)
 
Trên đây là lời Phật nhấn mạnh về công đức báo ân cha mẹ trong tinh thần “khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”. Phật là đấng Đại giác cao cả mà hết thảy chúng sinh đều ngưỡng vọng và tôn thờ. Nhưng Phật là bậc đã giác ngộ, đã vượt ra ngoài quy luật sinh tử, không cần đến bất cứ thứ gì nữa; vì vậy mà Ngài không cần ai phải chăm lo phụng thờ Ngài. Ngài không cần ai chăm lo phụng thờ Ngài; Ngài chỉ muốn mọi người nhận ra lẽ sống giác ngộ mà Ngài đã giảng dạy để tự chăm lo cho mình và chăm lo cho người thân yêu của mình. Vì vậy mà Ngài nhắc nhở mọi người cần phải khéo chăm lo hiếu dưỡng cha mẹ mình như là một cách tôn thờ Ngài vậy. Nói khác đi, Phật khuyên mọi người có lòng tôn kính Phật thì cần phải thương kính cha mẹ mình, phải biết nhớ ân và báo ân cha mẹ mình đúng như lời Ngài đã dạy.

Người Phật tử học tu theo đạo lý giác ngộ của Phật thì trước hết phải có tấm lòng thương mẹ kính cha, phải biết nhớ ân và báo ân cha mẹ. Đó là đạo lý làm con (của cha mẹ) trước khi làm Phật tử (con của Phật). Đó cũng là đạo lý làm người trước khi muốn làm Phật. Nói cách khác, thương kính cha mẹ, nhớ ân và báo ân cha mẹ, chính là đạo lý tu Phật, một đạo lý căn bản, một nếp tu thiết thực mà người Phật tử cần phải thực hiện trước nhất. Đạo Phật gọi đó là hạnh bố thí (dàna), sự khai tâm để đi vào đạo, tức mở tâm thương quý người khác, (cũng đồng nghĩa là mở tâm giác ngộ trong chính mình), thể hiện qua ba hình thức chia sẻ gọi là tài thí (àmisadàna), Pháp thí (Dhammadàna) và vô úy thí (abhayadàna).

Tài thí là chia sẻ về mặt vật chất hay tạo điều kiện sinh sống, giúp cho người khác thoát khỏi sự khó khăn vất vả trong đời sống hàng ngày. Pháp thí là hỗ trợ về mặt tinh thần, giúp cho người khác biết cách nuôi dưỡng và phát huy các phẩm chất giác ngộ -giới đức, tâm đức, tuệ đức - để cho họ xây dựng hạnh phúc an lạc lâu dài. Vô úy thí là giúp cho người khác có đủ tin tưởng và yên tâm về lẽ sống chân chánh, hiền thiện, thoát khỏi mọi lo lắng, ưu tư, sợ hãi về cái xấu ác, bất thiện. Muốn tu theo đạo giác ngộ của Phật thì trước hết cần phải mở tâm thương quý người khác bằng công hạnh bố thí. Phật đã làm và dạy như thế. Vì mở tâm thương quý người khác, nỗ lực giúp cho người khác bớt khổ hay thoát khổ, chính là pháp tu căn bản của người Phật tử, một pháp tu rất thiết thực, vừa đem lại lợi lạc cho mình vừa đem lại lợi lạc cho người. Lợi người thì đã rõ vì giúp cho người khác được thoải mái an lạc, thoát khỏi lo lắng khổ đau; còn lợi mình thì bố thí chính là cách giúp cho mình nhiếp phục và loại bỏ lòng tham, gốc rễ của phiền não khổ đau, phát triển tâm giác ngộ, nuôi lớn tâm từ bi.

Người Phật tử mà không biết mở tâm cúng dường bố thí thì chưa phải là Phật tử, vì chưa biết cách khắc phục và vượt qua lòng tham, chưa biết cách giúp cho mình và giúp cho người thoát khổ, chưa biết thương mình và thương người. Chưa nói chi đến việc cúng dường hay bố thí rộng rãi cho mọi người khác, hãy biết mở tâm cúng dường cho cha mẹ mình trước. Phật dạy gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ chính là thờ Phật. Chẳng phải tìm đâu xa, cha mẹ chính là đối tượng để cho mình tu tập, tích lũy công đức cúng dường bố thí, nuôi lớn tâm giác ngộ mỗi ngày. Những lời Phật nhấn mạnh về cách thức báo hiếu báo ân cha mẹ không gì khác là những lời khuyên về phương pháp tích lũy công đức cúng dường bố thí, nuôi dưỡng tâm giác ngộ. Thử ngẫm lại lời Phật: Cha mẹ một đời tận tụy vì con nay đến thời già yếu đau ốm rồi thì cần nơi nương tựa giúp đỡ. Trông chờ ở đâu? Con cái là thân thương nhất. Vậy nên con cái là chỗ dựa yên tâm nhất cho cha mẹ. Phật dạy phận làm con phải quan tâm hầu hạ, chăm lo, săn sóc cho cha mẹ lúc cha mẹ già yếu đau ốm, phải hết lòng nâng cha cõng mẹ, đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, dọn vệ sinh cho cha mẹ, phải biết dâng hiến các tiện nghi vật chất đầy đủ cho cha mẹ. Làm được như thế thì gọi là thực hành tài thí (àmisadàna) và vô úy thí (abhayadàna), tức là giúp cho cha mẹ có được sự thoải mái, an lạc tuổi già (tài thí), không rơi vào cảnh khốn khó, vất vả, cô đơn, lo buồn, sợ hãi (vô úy thí).
 
Nhưng Phật xem việc báo hiếu báo ân cha mẹ như vậy vẫn chưa đủ, vì chỉ mới giúp cho cha mẹ thoát khỏi cảnh khó khăn khổ đau trong đời sống hiện tại. Vì vậy mà Phật dạy tiếp nghĩa cử báo hiếu thứ hai, quan trọng hơn, đó là giúp cho cha mẹ tiếp tục có được sự thanh thản an lạc ở đời sau, đặc biệt là giúp cho cha mẹ nuôi dưỡng trí tuệ giác ngộ để cha mẹ dần dần đi ra khỏi khổ đau sinh tử luân hồi. Nghĩa cử này được gọi là Pháp thí (Dhammadàna), tức là phận làm con có học tu theo pháp giác ngộ của Phật thì ngoài việc hầu hạ, săn sóc, chăm lo cho cuộc sống của cha mẹ một cách thoải mái đầy đủ, con cái cần phải thể hiện lòng thương kính cha mẹ bằng cách giới thiệu đạo lý giác ngộ cho cha mẹ, phải tìm cách giãi bày, khuyên can cha mẹ rời bỏ ác nghiệp, tạo điều kiện cho cha mẹ gieo trồng thiện nghiệp để cho cha mẹ tiếp tục an hưởng quả báo phước lành trong các đời sau, đặc biệt phải tìm cách giúp cho cha mẹ nuôi dưỡng trí tuệ giác ngộ để đoạn tận khổ đau. Đây chính là nghĩa cử báo hiếu báo ân cha mẹ hết sức có ý nghĩa mà Đức Phật khuyên người Phật tử cần phải dốc tâm thực hành, bên cạnh các phận sự hiếu đạo mang tính thế gian mà vị ấy phải làm tròn giống như bao người khác. Người Phật tử thương kính cha mẹ, nhớ đến ân cha nghĩa mẹ, mong muốn đền đáp công ơn trời biển của cha mẹ, thì không chỉ có chăm lo cho hạnh phúc hiện tại của cha mẹ mà còn phải biết cách chăm lo an lạc cho cha mẹ ở đời sau, đặc biệt là phải biết cách sửa soạn hành trang giác ngộ cho cha mẹ. Chính vì công năng báo đáp thiết thực và sáng suốt như vậy mà Đức Phật đánh giá cao những gia đình có con cái chuyên tâm thực thi hiếu đạo, xem những gia đình ấy là phúc đức ngang hàng với Phạm thiên, ngang hàng với các Đạo sư, xứng đáng được tôn trọng, cung kính, cúng dường. (3)
 
Nhìn chung, có hai phận sự mà Đức Phật khuyên người Phật tử cần phải nỗ lực thực hiện trong quan niệm báo hiếu báo ân đối với cha mẹ. Thứ nhất là “phụng dưỡng cha mẹ”, tức là hết lòng chăm lo, săn sóc, hầu hạ, phụng dưỡng cha mẹ một cách tận tâm tận lực, khiến cho cha mẹ có được cuộc sống thoải mái, an nhàn, hoan hỷ trong lúc sinh tiền. Thứ hai là “sửa soạn hậu sự cho cha mẹ”, nghĩa là an trí cha mẹ vào con đường giác ngộ bằng cách hướng dẫn và khuyến khích cha mẹ nuôi dưỡng lòng tin đối với Tam bảo, thực hành thiện pháp, mở tâm bố thí cúng dường và phát triển trí tuệ đưa đến giác ngộ, đưa đến chấm dứt sinh tử khổ đau. Đây là nghĩa cử báo hiếu báo ân cha mẹ một cách tốt đẹp và đầy đủ nhất theo lời dạy của Đức Phật.
 
Như vậy, cứ theo lời bậc Giác ngộ đã ân cần dạy bảo thì việc báo hiếu báo ân cha mẹ không ở đâu xa mà nằm ngay trong đời sống tu học hàng ngày của người con Phật.

Đó không gì khác là nếp sống tự mình nỗ lực xây dựng lòng tin (đối với Tam bảo) và khuyến khích người khác xây dựng lòng tin, nỗ lực thực hành giới đức và khuyến khích người khác thực hành giới đức, nỗ lực bố thí cúng dường và khuyến khích người khác mở tâm bố thí cúng dường, nỗ lực phát triển trí tuệ và khuyến khích người khác phát triển trí tuệ được nhấn mạnh trong đạo Phật. (4) Người con Phật sống đúng với lời Phật dạy thì có thể đền đáp ân cha nghĩa mẹ, có thể giúp cho cha mẹ mình xây dựng cuộc sống hạnh phúc an lạc lâu dài, xa lìa phiền não, chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau. Nói cách khác, những ai thương kính cha mẹ bằng cách chuyên tâm hành trì giáo pháp giác ngộ của Phật thì đều có khả năng báo đáp công ơn cha mẹ một cách đầy đủ, vì hiếu đạo được nói đến trong đạo Phật chính là sự thể hiện một cách trọn vẹn nếp sống tu học sáng suốt mang tính tự lợi và lợi tha của người Phật tử.
 
Đến đây, chúng ta lắng nghe lại mẩu chuyện đạo dễ thương nói về người thợ gốm Ghatìkàra có tấm lòng thương kính cha mẹ già mù lòa, khéo thực thi nếp sống báo hiếu báo ân cha mẹ đúng với Chánh pháp, đúng như lời Đức Phật đã dạy. Chuyện do Đức Phật Ca Diếp (Kassapa) kể cho nhà vua Kiki xứ Kàsi (5):
 
“Đại vương, có một thị trấn tên là Vebhalinga. Tại đấy có thợ gốm tên là Ghatìkàra. Người ấy là đàn tín hộ trì của Ta, một đàn tín hộ trì tối thượng... Này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, từ bỏ rượu men, rượu nấu. Này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra thành tựu lòng tin bất thối chuyển đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, thành tựu các giới được bậc Thánh ái lạc. Này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra không có nghi ngờ đối với Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, không có nghi ngờ đối với Con đường đưa đến khổ diệt. Này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra, ăn một ngày một bữa, sống Phạm hạnh, có giới hạnh, theo thiện pháp. Này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra từ bỏ vàng và bạc. Này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra không có tự tay đào đất hay đào với cái cuốc. Vị này vui lòng làm thành ghè bát với đất lấy từ bờ đê bị sập xuống hay do chuột và chó đào lên, và nói như sau: “Ở đây, nếu ai muốn, hãy bỏ vào từng nhúm các loại gạo có vỏ, từng nhúm các loại đậu que, từng nhúm các loại đậu hột, và có thể lấy cái gì mình muốn”.
 
Này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra nuôi dưỡng cha mẹ già và mù lòa.
 
Này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết- bàn từ chỗ ấy, không phải trở lui đời này nữa (6).

Một thời, này Đại vương, Ta ở tại thị trấn Vebhalinga. Rồi này Đại vương, Ta vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến cha mẹ của thợ gốm Ghatìkàra, sau khi đến, nói với cha mẹ thợ gốm Ghatìkàra:
 
“Người thợ làm đồ gốm đi đâu?”
 
“Bạch Thế Tôn, người đàn tín hộ trì cho Thế Tôn đã đi khỏi và có dặn như sau: Hãy lấy cháo từ nơi nồi, hãy lấy đồ ăn từ nơi chảo mà dùng”.
 
Rồi ta, này Đại vương, sau khi lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ nơi chảo, ăn xong từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi. Rồi này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra đi đến cha mẹ, sau khi đến, thưa với cha mẹ:
“Thưa cha mẹ, ai đã lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ nơi chảo, ăn xong từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi?”
 
“Này con, Thế Tôn Kassapa, sau khi lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ nơi chảo, ăn xong từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi”.
 
Rồi này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra suy nghĩ như sau: “Thật là lợi ích cho ta, thật là khéo lợi ích cho ta, đã được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la- hán, Chánh Đẳng Giác tin tưởng ta như vậy”. Rồi này Đại vương, cho đến nửa tháng, hỷ lạc không rời khỏi thợ gốm Ghatìkàra, cho đến một tuần, hỷ lạc không rời khỏi cha mẹ người thợ gốm.
 
Một thời, này Đại Vương. Ta trú ở thị trấn Vebhalinga, lúc bấy giờ, các cốc bị mưa dột, rồi Ta gọi các Tỷ-kheo:
 
“Hãy đi, này các Tỷ-kheo, và xem tại nhà của thợ gốm Ghatìkàra có cỏ hay không?”
 
Khi được nghe nói vậy, này Đại vương, các Tỷ-kheo thưa với Ta:
 
“Bạch Thế Tôn, tại nhà của thợ gốm Ghatìkàra không có cỏ, nhưng nhà người ấy có mái cỏ”.
 
“Này các Tỷ-kheo, hãy đi và rút cỏ từ ngôi nhà thợ gốm Ghatìkàra”.
 
Rồi này Đại vương, các Tỷ-kheo ấy rút cỏ từ ngôi nhà thợ gốm Ghatìkàra. Này Đại vương, cha mẹ thợ gốm Ghatìkàra nói với các Tỷ-kheo ấy:
 
“Quý vị là ai lại rút cỏ ngôi nhà?”
 
“Này Đại tỷ, ngôi nhà của Thế Tôn Kassapa bị mưa dột”.
 
“Hãy lấy đi, chư Hiền giả. Hãy lấy đi, chư Hiền giả”.
 
Rồi này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra đi đến cha mẹ, sau khi đến, thưa với cha mẹ:
 
“Thưa cha mẹ, những ai đã rút cỏ khỏi ngôi nhà?”
 
“Này con, các Tỷ-kheo có nói: Ngôi nhà của Thế Tôn Kassapa bị mưa dột”.
 
Rồi này Đại vương, thợ gốm Ghatìkàra suy nghĩ như sau: “Thật là lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, đã được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la- hán, Chánh Đẳng Giác tin tưởng ta như vậy”. Rồi này Đại vương, cho đến nửa tháng hỷ lạc không rời khỏi thợ gốm Ghatìkàra, cho đến một tuần, hỷ lạc không rời khỏi cha mẹ thợ gốm. Rồi suốt cả ba tháng trời, ngôi nhà đứng lấy bầu trời làm mái, nhưng không có mưa rơi vào. Và như vậy, này Đại vương, là người thợ gốm, Ghatìkàra”.
 
Thợ gốm Ghatìkàra là người học Phật tu Phật, có tấm lòng chí hiếu đối với cha mẹ, khéo vận dụng pháp giác ngộ của Phật trong đời sống hàng ngày. Với Chánh nghiệp, thợ gốm Ghatìkàra nuôi sống bản thân, phụng dưỡng cha mẹ già mùa lòa, hộ trì Tam bảo và dốc tâm báo hiếu báo ân cha mẹ mình một cách chân chánh đúng pháp, khiến cho mình được hạnh phúc an lạc, khiến cho cha mẹ có được đời sống thoải mái an lạc, có tín tâm, có giới đức, có bố thí, vui hưởng công đức an lạc lớn từ nếp sống thực hành Phật pháp.
 
Hiếu hạnh đối với cha mẹ là đạo lý căn bản và quan trọng của người học Phật và tu Phật. Đó không gì khác là nếp sống trí tuệ và từ bi mà người
 
con Phật cần phải nỗ lực thực tập và thể hiện trên cuộc đời, một nếp sống sáng suốt mang tính tự lợi và lợi tha, vừa đem lại lợi lạc cho mình vừa đem lại lợi lạc cho cha mẹ mình.
 
Là người con Phật hiểu rõ đạo lý nhân quả nghiệp báo, chúng ta thực sự an tâm và vui mừng khi biết rằng cha mẹ hay những người thân yêu nỗ lực của mình hiện hữu trên cuộc đời này với một nếp sống có tín tâm, có giới đức, có bố thí, có trí tuệ; trái lại, chúng ta sẽ cảm thấy đầy lo buồn và hối tiếc khi cha mẹ hay những người thân yêu của mình không may đi lạc vào tà đạo. Sở dĩ như vậy là bởi chúng ta hiểu rõ rằng hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người là hoàn toàn do nghiệp lực của người ấy tạo ra. Cái chuỗi hiện hữu là vô cùng vô tận; đời sống của mỗi chúng sinh, vui hay buồn, lạc hay khổ, là hoàn toàn tùy thuộc vào lối sống thiện hay bất thiện mà chúng sinh ấy đã tích tập. Hiểu được đạo lý nhân quả ấy, chúng ta mới dốc tâm học tu theo Phật, mới nỗ lực làm điều lành tránh điều ác, mới biết cách tốt đẹp nhất để báo hiếu báo ân cha mẹ, mới có thể tạo nhân duyên tốt lành giúp cho cha mẹ xây dựng đời sống hạnh phúc an lạc lâu dài.
 
Làm người thì ai cũng sẽ có lúc trải qua tâm trạng “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”, cũng có lúc chạnh lòng nhớ đến ân cha nghĩa mẹ đã “cưu mang trứng nước những ngày còn thơ”.

Thế nên, để cho sự ngậm ngùi nhớ thương ấy không làm nặng lòng chúng ta do sự thiếu hiểu biết và vô tâm của mình, mỗi người chúng ta hãy nỗ lực sống theo lời Phật dạy và hãy thương kính cha mẹ chúng ta đúng như lời Đức Phật đã dạy. Có như thế thì sự thương nhớ cha mẹ mới nhẹ nhàng, nguôi ngoai; chúng ta vẫn có những lúc ngậm ngùi nhớ thương đến cha mẹ, nhưng cảm giác nhớ thương ấy chỉ làm cho chúng ta hân hoan, không làm cho chúng ta buồn phiền, chỉ làm cho tâm chúng ta thanh thản an lạc, không làm cho tâm chúng ta u buồn hối tiếc.
 
Nhân mùa Vu-lan báo hiếu, mỗi người con Phật chúng ta hãy lắng tâm tưởng nhớ đến ân đức cao dày của cha mẹ và hãy thể hiện tâm thương kính cha mẹ mình một cách đúng pháp, như Đức Phật đã dạy, ngõ hầu đền đáp một phần nào công ơn sinh thành dưỡng dục trời biển của cha mẹ mà phận làm con nhớ thương đến cha mẹ chúng ta mong muốn được thể hiện và cũng chỉ có thể làm được như thế.

----------------------------
1. Bài thuyết trình Đại lễ Vu-lan PL. 2558 tại Thiền viện Vạn Hạnh.
2. Kinh Đất, Tăng Chi Bộ.
3. Kinh Ngang bằng với Phạm thiên, Tăng Chi Bộ.
4. Kinh Bốn nghiệp công đức, Tăng Chi Bộ.
5. Kinh Ghtìkàra, Trung Bộ.
6. Ngụ ý sự chứng đắc quả Bất lai, Thánh quả thứ ba trong tứ Thánh quả giác ngộ theo quan niệm của đạo Phật.

Tác giả bài viết: Thích Tâm Minh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 676
  • Khách viếng thăm: 669
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 81698
  • Tháng hiện tại: 2889841
  • Tổng lượt truy cập: 88694444
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012