Phật nói gì với người lãnh đạo đất nước?

Đăng lúc: Thứ sáu - 10/04/2020 23:09 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Có một số Phật tử mới nhập môn nghĩ rằng, đức Phật chỉ dạy con người những phương pháp tu tập chuyển hóa khổ đau, hướng đến giác ngộ giải thoát. Còn những việc thế gian liên quan đến cuộc sống vợ chồng, bạn bè, gia đình, kinh tế, xã hội, chính trị,… đức Phật không bàn đến.

 
Vừa qua, có những Phật tử được nghe bài nói chuyện của tôi về đề tài: “Đức Phật có biểu tình bất bạo động không?”, họ mới hiểu rõ đức Phật cũng rất quan tâm đến sự an lạc, hạnh phúc của con người ngay trong đời sống hằng ngày. Trong một số bài kinh thuyết cho đối tượng thính chúng là Phật tử tại gia hay vua chúa, ngài chỉ dạy về những vấn đề ứng xử trong gia đình, xã hội, phương pháp làm kinh tế, ngay cả lĩnh vực chính trị… tôi đã giới thiệu một số bài kinh để ai muốn biết thêm lời dạy của đức Phật về những vấn đề đó thì có thể tìm đọc.
 

Tuy nhiên, mặc dù họ rất muốn tìm hiểu nhưng do cuộc sống gia đình chi phối, họ phải làm việc nên không có thời gian tra cứu. Các Phật tử đề nghị tôi trích dẫn những lời dạy của đức Phật dành cho các vị lãnh đạo đất nước để họ được hiểu rõ hơn. Thông cảm với hoàn cảnh của họ và tán thán tinh thần cầu pháp của mọi người, hôm nay, tôi tiếp tục gửi đến quý vị bài nói chuyện này. Tôi sẽ trích dẫn ra đây những bài kinh liên quan đến người lãnh đạo đất nước.

Bài kinh đầu tiên mà tôi muốn trích dẫn là kinh Hiền Nhân, do Hòa thượng Thích Hành Trụ dịch từ chữ Hán ra chữ Việt. Cuốn kinh này chỉ có 80 trang khổ 14x20cm. Một cuốn kinh dạy về việc đối nhân xử thế rất hay, có thể nói là tuyệt vời. Từng lời dạy trong kinh là khuôn vàng thước ngọc để chúng ta học tập, thực hành.

Trong bài kinh này, đức Phật dạy cách cầu người và dùng người, làm sao để thân cận với các bậc hiền trí, từ đó có được những hiểu biết đúng đắn. Phật tử nào chưa đọc thì nên tìm đọc. Người lãnh đạo đất nước thì càng phải đọc hơn nữa, để hoàn thiện việc trị nước an dân của mình.

Tôi xin tóm tắt nội dung bài kinh như sau:

“Sau khi thành tựu đạo quả, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chuyển bánh xe pháp và độ cho rất nhiều người. Từ vua quan, trưởng giả, Bà-la-môn đến thứ dân đều quay về nương tựa Tam Bảo. Các đạo sĩ thời đó thấy mình bị mất dần đệ tử và quyền lợi nên tìm cách hãm hại đức Phật và Tăng đoàn. Họ liền giết cô Tôn-đà-lỵ, đem chôn xác gần hương thất của Phật rồi vu khống cho Phật và chư Tăng đã hãm hiếp, giết người để phi tang. Sau đó, họ đi tuyên truyền khắp nơi nhằm hạ uy tín đức Phật và Tăng đoàn.

Vua Ty-tiên-nặc là người rất kính trọng đạo hạnh của đức Phật. Vua tin chắc việc giết người là do mưu đồ xấu, nên đã cho quân lính theo dõi và phát hiện các vị đạo sĩ tổ chức giết người rồi vu khống cho Phật. Vua Ty-tiên-nặc đến hỏi Phật vì nhân duyên gì mà những đạo sĩ đã hành động độc ác như thế. Phật dạy, những sự vu khống ấy đều do lòng tham lam, tật đố mà ra. Tuy nhiên, việc này cũng đã có nguyên nhân sâu xa từ quá khứ. Vua Ty-tiên-nặc nghe vậy bèn xin Phật kể lại câu chuyện tiền kiếp đó. Đức Phật đồng ý, nội dung câu chuyện như sau:

Về quá khứ lâu xa, có một vị Sa-môn tên là Hiền Nhân, tài đức song toàn. Vua Lâm Đạt và nhân dân trong nước kế cận rất tôn kính Hiền Nhân. Vua mời Hiền Nhân ở lại một tinh xá tại đất nước mình và hằng ngày thỉnh vào cung để cúng dường. Sau đó, vua còn thỉnh Hiền Nhân cùng chăm lo việc nước. Từ khi có Hiền Nhân tham gia chính trị, nước nhà yên ổn, mưa gió thuận hòa, mọi người đều trở nên hiền lương.

Trong triều có bốn ông quan gian tham độc ác, từ khi có Hiền Nhân, họ không còn dám nhiễu hại dân chúng và bị mất quyền lợi, nên sinh ra oán thù. Họ cấu kết với nhau lập mưu hại Hiền Nhân, đem vàng bạc đút lót cho hoàng hậu để vu khống Hiền Nhân có ý đồ chiếm ngôi vua. Vua nghe lời vợ, nên cũng tìm cách đuổi Hiền Nhân ra khỏi nước. Hiền Nhân biết được âm mưu này nên xin vua ra đi. Lúc đó, vua nhận ra mình đã hiểu lầm người tài, vua sám hối và cầu thỉnh Hiền Nhân ở lại giúp nước giúp dân, nhưng ông vẫn nhất quyết ra đi.

Từ khi Hiền Nhân ra đi, bốn ông quan cùng với những kẻ gian tham trong triều tha hồ làm việc bất chính, bóc lột dân chúng. Đất nước rơi vào loạn lạc bất an, tiếng than oán khắp nơi. Bị nhân dân oán trách kêu than, vua tỉnh ngộ và quyết định đi thỉnh Hiền Nhân trở về giúp nước, giúp dân một lần nữa. Hiền Nhân vì thương dân lầm than, trăm họ khốn cùng, nên đã nhận lời trở về. Hiền Nhân nói: “Từ nay về sau, vua phải thuận theo phép Đạo, giao phó nhiệm vụ cho người hiền, phó thác việc làm cho kẻ tài trí, ban thưởng người lành, trừng phạt người gian ác. Bánh xe lăn tròn không ngừng, hành nghiệp cứ tùy theo đấy thọ sinh về nơi lành nơi dữ. Phải tin chắc có tội phước, đừng làm điều gian dối.

………………………………..

- Như câu chuyện thuở xưa, vua Cẩu Lạp có một cái ao, trong ấy nuôi nhiều thứ “cá ngọt”. Vì cá ngọt ít xương mà lại ngon nên nhà Vua cử một quan giám ngư - quan xem cá - để giữ gìn ao cá. Mỗi ngày dâng Vua tám con, nhưng quan giám ngư mỗi ngày cũng ăn lén mất tám con nên cá mất nhiều. Vua biết được bèn cử ra tám vị quan trông coi, cùng nhau giữ gìn ao cá. Song tám vị giám ngư lại cấu kết với nhau, mỗi ngày mỗi người đều ăn lén tám con - té ra người giữ cá nhiều chừng nào thì cá lại mất nhiều chừng ấy.

- Nay bệ hạ đây cũng vậy, giao nhiệm vụ cho nhiều người thì nước nhà lại càng thêm rối loạn. Cũng như kẻ hái trái non, ăn đã không có mùi vị gì mà lại làm mất giống, trị nước không dùng kẻ hiền, không những thiệt hại cho dân mà sau này tiếng tăm cũng mất, và phước phần đều không. Trị nước bất chính làm cho thiên hạ có tâm tranh đoạt, cũng như khi muốn sửa sang và hưng nghiệp gia sản mà không chịu để tâm dụng trí thì của cải sẽ ngày một hao bớt đi.

- Nước có tướng giỏi binh nhiều mà không chịu tập việc chiến trận, không lo lắng kiến thiết nước nhà, thì nước ấy sẽ bị hèn yếu. Làm Vua không kính đạo đức, không tôn thờ bực cao minh, thì hiện tại không người giúp đỡ và tương lai không được gặp phước lành. Hằng ngày giết hại, muôn họ kêu ca, thì tai họa thường xảy ra tới tấp, chết đi để lại tiếng xấu muôn đời.

- Theo chính pháp trị dân thì được lòng người, kính thờ bực tôn trưởng, yêu mến trẻ thơ, hiếu thuận cha mẹ, vâng làm việc lành thì hiện tại an ổn và lại sinh thọ phước.

- Làm việc trung chánh cũng như đi thẳng đường, lấy việc trung chánh làm cội gốc thì mọi người đều khâm phục. Như thế, sẽ gây được hạnh phúc thái bình. Lại phải sáng suốt, lượm lặt những lời xưa để làm kinh nghiệm cho đời nay, động tịnh phải biết thời, ân oán cho có lý, ban bố ân huệ cho nhân dân, bố thí nên bình đẳng. Được như thế thì đời nay an ổn vui vẻ, sau này sẽ quyết tu chứng đạo giác ngộ”.

………………………………………………

Hiền Nhân nói xong, nhà vua mừng lắm, bèn nói:

“Nay trẫm được nghe lời ngài dạy cũng như cơn gió mạnh thổi tan mây mù. Vậy xin ngài mở lòng từ bi, nghĩ đến quốc gia, dạy bảo quốc dân và giúp đỡ trẫm trị dân như trước”.

Về sau nhờ tài đức của Hiền Nhân mà nhân dân được an lạc, hạnh phúc, bốn biển một nhà, trên dưới hòa thuận, chung sức gây dựng lại một nước thái bình thịnh trị”.

Theo tôi suy nghĩ, nếu một vị lãnh đạo đất nước mà biết đọc và học theo cuốn kinh này thì sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc cho bản thân, gia đình, xã hội, đất nước biết bao. Những lời dạy vàng ngọc trong bài kinh rất nhiều, rất quý giá, tôi không thể dẫn chứng ra hết được. Quý vị cố gắng tìm đọc, tôi bảo đảm sau khi xem xong quý vị sẽ hoan hỷ còn hơn tìm được châu báu ngọc ngà.

Bài kinh thứ hai tôi muốn trích dẫn ra đây là kinh Phi Pháp, một bài kinh nằm trong quyển Tăng Chi Bộ I, Bốn Pháp, Phẩm Nghiệp Công Đức. Trong kinh này, đức Phật nói về quan điểm và tầm nhìn của người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với sự thịnh suy của quốc gia, dân tộc.

“- Khi nào, này các Tỳ-kheo, vua phi pháp có mặt, khi ấy, các đại thần phi pháp của vua có mặt. Khi nào các đại thần phi pháp của vua có mặt, khi ấy các gia chủ Bà-la-môn phi pháp có mặt. Khi nào các gia chủ Bà-la-môn phi pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng đều trở thành phi pháp.

Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là phi pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo. Khi nào mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo, khi ấy các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo. Khi nào các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo, khi ấy ngày đêm đi sai quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi sai quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi sai quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi sai quỹ đạo, khi ấy gió thổi sai lạc trái mùa. Khi nào gió thổi sai lạc trái mùa, khi ấy chư Thiên bực mình. Khi nào chư Thiên bực mình, khi ấy trời mưa không có điều hòa. Khi nào trời mưa không có điều hòa, khi ấy lúa chín trái mùa. Này các Tỳ-kheo, khi nào lúa chín trái mùa, khi ấy loài Người nuôi sống với loại lúa ấy, thì thọ mạng sẽ ngắn, dung sắc xấu, yếu sức và nhiều bệnh.

- Khi nào, này các Tỳ-kheo, vua đúng pháp có mặt, thì khi ấy các vị đại thần đúng pháp có mặt. Khi nào các vị đại thần đúng pháp của vua có mặt, khi ấy các gia chủ Bà-la-môn đúng pháp có mặt. Khi nào các gia chủ Bà-la-môn đúng pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành đúng pháp.

Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là đúng pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi đúng quỹ đạo. Khi nào mặt trăng, mặt trời đi đúng quỹ đạo, khi ấy các dãy ngân hà, các loại sao đi đúng quỹ đạo. Khi nào các dãy ngân hà, các loại sao đi đúng quỹ đạo, khi ấy ngày đêm đi đúng quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi đúng quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi đúng quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi đúng quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi đúng quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi đúng quỹ đạo, khi ấy gió thổi đúng mùa. Khi nào gió thổi đúng mùa, khi ấy chư Thiên hoan hỉ. Khi nào chư Thiên hoan hỉ, khi ấy trời mưa điều hòa. Khi nào trời trở mưa điều hòa, khi ấy, lúa chín đúng mùa. Này các Tỳ-kheo, khi nào lúa chín đúng mùa, khi ấy loài Người nuôi sống với loại lúa ấy, thọ mạng sẽ lâu dài, dung sắc đẹp đẽ, có sức mạnh và không có nhiều bệnh.

Khi đàn bò lội sông, 
Ðầu đàn đi sai lạc, 

Cả đàn đều đi sai, 
Vì hướng dẫn sai lạc. 
Cũng vậy, trong loài Người, 
Vị được xem tối thắng, 
Nếu sở hành phi pháp, 
Còn nói gì người khác, 
Cả nước bị đau khổ,

Nếu vua sống phi pháp.

Khi đàn bò lội sông, 
Ðầu đàn đi đúng hướng, 
Cả đàn đều đúng hướng, 
Vì hướng dẫn đúng đường. 
Cũng vậy, trong loài Người, 
Vị được xem tối thắng, 
Nếu sở hành đúng pháp, 
Còn nói gì người khác, 
Cả nước được an vui, 
Nếu vua sống đúng pháp.”

Tôi thấy bài kinh rất hay, bởi nếu một vị lãnh đạo đất nước mà sống phi pháp thì sẽ kéo theo những quan thân cận phi pháp, kéo theo cả dân chúng trong nước phi pháp, dẫn đến đất nước rơi vào loạn lạc. Vì sao? Vì vua phi pháp mà cận thần, người dân có chánh pháp thì làm sao mà sống yên cho được. Vua sẽ kết tội là phản động, đi ngược lại đường lối chính sách của mình, có thể bị tù đày, xử tử.

Hiện nay trên thế giới có Bắc Triều Tiên, người lãnh đạo đất nước này phát động chế tạo vũ khí hạt nhân. Các quan chức làm việc cho ông, muốn sống yên ổn thì cũng phải tuân theo chính sách của ông, nhân dân trong nước bị tuyên truyền nhồi sọ cũng tán đồng. Mặc dù phải hy sinh, sống một cuộc sống đói khổ, cơ cực để lấy tiền chế tạo vũ khí hạt nhân; mặc dù cũng có những người biết rằng điều đó là sai, có thể sẽ đưa đất nước đến nghèo khổ, tang thương, chết chóc khi chiến tranh xảy ra, nhưng họ không có con đường nào khác, vì nếu trái ngược với ý của người lãnh đạo độc tài tàn ác thì chỉ có rước họa vào thân mà thôi. Như đàn bò lội sông, con đầu đi sai kéo theo cả đàn trôi sông hết.

Bài kinh thứ ba nằm trong kinh Tăng Nhất A Hàm tập 2, Phẩm Đẳng Pháp, bài kinh Bảy Pháp Bậc Thánh Vương Trị Nước. Trong bài kinh ngắn này, đức Phật dạy về bảy pháp mà các bậc trị nước nên thành tựu để bảo vệ nền hòa bình, an ninh cho đất nước của mình.

“Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Bậc Thánh vương trị nước, nếu thành tựu bảy pháp thì chẳng bị oan gia, giặc cướp bắt bớ, khiến cho bên ngoài không thể đến xâm phạm.

Thế nào là bảy? Thành quách cao lớn, sửa sang tề chỉnh; đó là pháp thành tựu thứ nhất. Cửa thành lại kiên cố; đó là pháp thành tựu thứ hai. Ngoài thành hào lũy rất sâu rộng; đó là pháp thành tựu thứ ba. Trong thành lại chứa nhiều lúa thóc, kho lẫm tràn đầy; đó là pháp thành tựu thứ tư. Thành ấy lại có nhiều củi, cỏ; đó là pháp thành tựu thứ năm. Thành lại có nhiều binh khí, đầy đủ các chiến cụ; đó là pháp thành tựu thứ sáu. Người chủ thành kia lại thông minh tài cao, dự biết lòng người, đáng phạt thì đánh phạt, đáng trị thì trị; đó là pháp thành tựu thứ bảy, khiến cho bên ngoài không thể đến xâm phạm.”

Như vậy, nếu người trị nước xây dựng được đất nước kiên cố, vững bền; nhân dân được ấm no; quân đội và binh khí đầy đủ; người lãnh đạo lại công minh, có tài năng, có tầm nhìn và các chính sách đưa ra hợp lòng dân thì đất nước đó sẽ vững mạnh, chẳng lo bị giặc ngoài xâm phạm.

Trong bài kinh tiếp theo tôi trích ra sau đây, đức Phật lại dạy về những phẩm chất mà một người đứng đầu đất nước nên có và không nên có. Nếu người lãnh đạo thành tựu được những phẩm chất tốt đẹp được nêu ra trong bài kinh, đất nước và thể chế ấy mới có thể tồn tại lâu dài; và ngược lại, nếu người lãnh đạo còn có những đặc điểm không nên có được nêu ra sau đây, thì đất nước và thể chế ấy sẽ chóng lụi tàn. Đó là bài Mười Pháp Vua Không Tồn Tại, thuộc kinh Tăng Nhất A Hàm tập 3, phẩm Kết Cấm.

“Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu vị vua nào thành tựu mười pháp này thì không thể tồn tại lâu, trong nước sinh nhiều đạo tặc.

Thế nào là mười? Khi nhà vua tham lam keo kiệt, chỉ do chút việc nhỏ bèn sân giận, không xem xét nghĩa lý. Ðây là pháp đầu tiên, khiến không tồn tại lâu.

Lại nữa, nhà vua tham đắm tài vật, không chịu kém. Ðây là pháp thứ hai, khiến không tồn tại lâu.

Lại nữa, nhà vua không nghe lời can gián, là người bạo ngược không có lòng từ. Ðây là pháp thứ ba, khiến không tồn tại lâu.

Lại nữa, nhà vua bắt người oan uổng, trói buộc giam cầm trong ngục không có ngày ra. Ðây là pháp thứ tư, khiến không tồn tại lâu.

Lại nữa, nhà vua dùng điều phi pháp trị nước, không theo lệnh hạnh chánh. Ðây là pháp thứ năm, khiến không tồn tại lâu.

Lại nữa, nhà vua tham đắm sắc đẹp người khác, xa lánh vợ mình. Ðây là pháp thứ sáu, khiến không tồn tại lâu.

Lại nữa, nhà vua ưa uống rượu, không màng đến việc triều đình. Ðây là pháp thứ bảy, khiến không tồn tại lâu.

Lại nữa, nhà vua ưa ca múa vui chơi, không tham dự triều chính. Ðây là pháp thứ tám, khiến không tồn tại lâu.

Lại nữa, nhà vua thường đau ốm, không có ngày khỏe mạnh. Ðây là pháp thứ chín, khiến không tồn tại lâu.

Lại nữa, nhà vua không tin đại thần trung hiếu, người phụ tá hiếm hoi, không có bầy tôi mạnh. Ðây là pháp thứ mười, khiến không tồn tại lâu.

- Nếu nhà vua thành tựu mười pháp sau, bèn được ở ngôi báu lâu dài. Thế nào là mười? Ở đây, nhà vua không tham đắm tài vật, không khởi sân hận, lại không vì chuyện nhỏ mà khởi tâm oán hại. Ðây là pháp thứ nhất, khiến được bền lâu.

Lại nữa, nhà vua nghe lời quần thần can ngăn, không trái ngược các quan. Ðây là pháp thứ hai, khiến được bền lâu.

Lại nữa, nhà vua thường thích bố thí, nhân dân đồng ca ngợi. Ðây là pháp thứ ba, khiến được bền lâu.

Lại nữa, nhà vua đúng pháp thâu tài vật, không phi pháp. Ðây là pháp thứ tư, khiến được bền lâu.

Lại nữa, nhà vua không đam mê sắc đẹp người khác, thường bảo hộ vợ mình. Ðây là pháp thứ năm, khiến được bền lâu.

Lại nữa, nhà vua không uống rượu, tâm không mê loạn. Ðây là pháp thứ sáu, khiến được bền lâu.

Lại nữa, nhà vua không thích vui chơi hay hàng phục quân địch. Ðây là pháp thứ bảy, khiến được bền lâu.

Lại nữa, nhà vua trị dân đúng pháp, trọn không cong vạy. Ðây là pháp thứ tám, khiến được bền lâu.

Lại nữa, nhà vua hòa hợp với quần thần không chống đối. Ðây là pháp thứ chín, khiến được bền lâu.

Lại nữa, nhà vua không bệnh hoạn, khí lực cường thạnh. Ðây là pháp thứ mười, khiến được bền lâu

Nếu nhà vua thành tựu mười pháp này, ngôi báu được lâu dài không lo ngại.”

Cuối cùng, tôi sẽ trích dẫn thêm hai bài kinh thuộc cuốn Kho Tàng Pháp Học, của Tỳ-kheo Giác Giới, nói về bốn điều một người lãnh đạo cần phải học tập, phải làm được để thu phục lòng người và mười đức hạnh mà một người lãnh đạo cần có được.

- Thứ nhất là bài Bốn nhiếp pháp của vị vua (Rājasaṅgahavatthu), bốn pháp của vị vua thu phục nhân tâm:

“1. Thông hiểu thời vụ (Sassamedha). Vị vua phải hiểu biết môi trường đất đai, hoàn cảnh thời tiết, mùa màng, để có chủ trương thích hợp làm phát triển đất nước.

2. Thông hiểu nhân tâm (Purisamedha). Vị vua phải biết rõ dân tình trong nước, người sở trường sở đoản thế nào, để dùng nhân tài và đào tạo quan chức.

3. Có sách lược quốc phòng (Sammāpāsa). Vị vua phải có đường lối cai trị dân, luật lệ nghiêm minh nhưng không hà khắc, chính sách khoan nhượng nhưng không nhu nhược, biết quan tâm nâng đỡ đời sống người dân.

4. Ngôn ngữ ôn hòa (Vācāpeyya). Vị vua phải có lời nói tốt đẹp mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, nói hòa nhã, khiêm tốn, nói điều hữu ích, nói có tính thuyết phục.

Bốn nhiếp pháp này Phật giáo đã chủ trương nhằm dạy các hàng vua chúa tín đồ Phật giáo; những điều này đối lập lại với những chủ trương vương pháp của Bà-la-môn giáo. Trong Bà-la-môn giáo, vị vương cần biết:

a) Assamedha, giết ngựa cúng tế.
b) Purisamedha, giết người cúng tế.
c) Sammāpāsa, làm lễ cầu đảo.
d) Vajāpeya, lễ uống nước mừng thắng trận.
e) Sabbamedha, lễ tế càn khôn.

Vì chủ trương vương pháp của Bà-la-môn có khuynh hướng vô nhân đạo và tà kiến nên Phật giáo không chấp nhận.”

- Thứ hai là Mười vương pháp, đức độ của một vị vua (Rājadhamma):

“1. Bố thí (Dāna), có tâm xả tài, bố thí chẩn bần, giúp đỡ dân chúng.

2. Có giới hạnh (Sīla), sống chế ngự điều ác, thu thúc thân khẩu theo thiện hạnh.

3. Xả kỷ (Pariccāga), dứt bỏ tư lợi, biết hy sinh vì lợi ích cho dân chúng.

4. Chánh trực (Ajjava), công tâm liêm chính, không sách nhiễu, không thiên vị.

5. Nhu hòa (Maddava), tính tình hòa nhã, lời nói từ tốn hiền từ.

6. Khắc chế (Tapa), tự biết chế ngự tâm, khắc phục lỗi lầm, nghiêm khắc với chính mình, không buông thả phóng túng.

7. Không nóng giận (Akkodha), không để khởi sân tâm, không hành động bằng sự thịnh nộ.

8. Không não hại (Avihiṃsā), không có tâm tàn ác, không tư thù hại người.

9. Kham nhẫn (Khanti), có tâm nhẫn nại, chịu đựng mọi nghịch cảnh, không nản chí dù gặp thất bại.

10. Không sai lệch (Avirodhana), giữ vững truyền thống tốt đẹp, không làm sai lệch đạo đức một người lãnh đạo, không vì lời khen chê, hay danh lợi mà đánh mất bản sắc.”

Qua một vài bài kinh tôi vừa trích dẫn ở trên, có lẽ quý vị cũng đã thấy được đức Phật rất quan tâm đến sự an lạc và hạnh phúc của con người ngay trong đời sống. Đặc biệt là Ngài luôn hướng dẫn các vị vua sống có đạo đức, thực hành chính pháp, chỉ dạy họ rất kỹ các phương pháp nhằm đem lại hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân cũng như cho đất nước.

Chắc chắn sẽ còn rất nhiều bài kinh liên quan đến việc trị nước an dân, vì khả năng có hạn nên tôi chỉ cống hiến cho quý vị một số bài kinh nêu trên. Điều mà tôi mong muốn nhất khi làm việc này là hy vọng những người lãnh đạo đất nước ta nghe được những lời dạy của đức Phật, thực hành đúng theo chánh pháp để trị nước an dân, thì đó là điều hạnh phúc nhất không chỉ của riêng tôi mà của cả toàn dân tộc Việt Nam.

Để kết thúc bài nói chuyện này, tôi xin trích dẫn một câu trong kinh Tăng Nhất A-hàm, bài Kinh Phẩm Cao Tràng III mà tôi rất tâm đắc là:

“Người lãnh đạo đất nước không nên lấy sự vinh quang của một đời để tạo tội muôn đời”. Từ ý của câu nói đó, tôi đã chuyển thành một câu lục bát là:

Một đời độc ác vinh quang

Muôn đời tiếng xấu thế gian lưu truyền.

 
Tác giả bài viết: Thích Chân Tính
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 321
  • Khách viếng thăm: 314
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 66243
  • Tháng hiện tại: 2874386
  • Tổng lượt truy cập: 88678989
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012