Tim hiểu về bài Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)

Đăng lúc: Thứ ba - 07/09/2021 16:47 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Ratanasutta là một trong những bài Kinh có oai lực lớn; nếu được tụng đọc và lắng nghe một cách đúng đắn thì sẽ tránh khỏi tất cả mọi nguy hiểm và mang lại kết quả tốt.

 
Bài kinh Ratanasutta được tụng lên để cầu nguyện cho chúng sinh dứt khỏi các sự nguy hiểm do bệnh tật (roga), phi nhân (amanussa) và sự đói khát (dubbhikkha). Điều quan trọng là bài Kinh này được tụng đọc hay lắng nghe một cách đúng đắn.

Có một vài điều kiện để thành tựu cả việc tụng đọc và lắng nghe nhằm mang lại những lợi ích của Kinh Ratanasutta. Thật vậy, về người tụng đọc cần phải đầy đủ ba điều kiện và về người lắng nghe cũng có ba điều kiện sau:

I. Ba điều kiện cho người tụng đọc là:

Họ phải được học và tụng đọc bài Kinh Hộ Trì Ratanasutta này một cách chính xác và đầy đủ mà không bỏ sót.

Họ phải hiểu được ý nghĩa của bài Kinh Hộ Trì Ratanasutta khi được tụng lên.

Họ phải tụng đọc với tất cả trái tim đầy hoan hỷ và với từ tâm.

II. Ba điều kiện cho người lắng nghe Kinh là:

Là người không phạm một trong năm trọng tội:

- Giết mẹ (Mātughātaka);

- Giết cha (Pitughātaka);

- Giết bậc A-la-hán (Arahantaghātaka),

- Làm chảy máu Phật (Lohituppādaka).

- Và chia rẽ Tăng chúng (Saṅghabhedaka).

Là người không có “Tà Kiến - Micchādiṭṭhi” như việc không tin Nghiệp (Kamma) và Nghiệp quả (Kammavipāka).
 
Là người lắng nghe những bài Kinh bằng sự tự tin ở kết quả từ việc nghe Kinh, thì sẽ tránh khỏi các sự nguy hiểm và mang lại kết quả tốt.

Chỉ khi những điều kiện này được đầy đủ, thì người này mới thành tựu những lợi ích của Kinh Hộ Trì Ratanasutta.

Do vậy, điều quan trọng là khi Kinh Ratanasutta được tụng đọc và mọi người nên lắng nghe với niềm tin, sự kính trọng và bằng sự chú tâm.

Hơn nữa, việc tụng Kinh Ratanasutta được phát sinh 2 lợi ích.

Những ai tụng đọc như những người cho một cái gì đó; và những người lắng nghe giống như những người tiếp nhận một điều gì đó đã được cho.

Nếu họ không nhận lĩnh những gì đã được cho thì họ không nhận được gì.

Nói rõ hơn, nếu người nào không lắng nghe việc tụng đọc, mặc cho những người khác tụng lên và người này làm các việc khác; thì họ chắc chắn không nhận những gì đã được cho, do vậy họ sẽ không thành tựu được từ những lợi ích của việc nghe kinh.

Nguồn gốc của bài Kinh hộ trì Ratanasutta được kể lại như sau:

Thuở đức Phật còn tại thế, năm nọ, mạn phía Nam sông Gaṅgā trời đổ mưa liên tục từ ngày này sang ngày khác; nhưng suốt bốn năm tháng đó, mạn phía Bắc lại không có một giọt mưa.

Một thảm họa từ đó đã phát sinh với các tiểu quốc ở vùng này, nhất là kinh thành Vesāli. Đất đai thì nứt nẻ, đồng ruộng, nương vườn khô cháy; mùa màng thất bát, lúa gạo dự trữ không đủ sức cầm hơi, rau cỏ không có mà ăn…

Thế là đói khát trầm trọng (dubbhikkhan-tarakappa) đã xảy ra. Đó là nạn thứ nhất. Vì đói nên người chết rất nhiều, người sống không còn đủ sức mang xác ra nghĩa địa hoặc hỏa thiêu; họ chỉ việc quăng xác ra ngoại thành, mùi hôi thối tỏa khắp mọi nơi.

Ác dạ-xoa lộng hành quậy phá làm khổ dân chúng. Đó là nạn thứ hai. Vì xác chết, vì hôi thối nên dịch bệnh lan tràn càng làm cho người chết nhiều thêm nữa.

Đó là nạn thứ ba!

Các vị vua khẩn trương hội họp, đề cử một viên đại thần, tên là Mahāli - làm trưởng đoàn sứ giả, mang lễ phẩm trọng hậu đến Rājagaha, nhờ đức vua Bimbisāra giúp đỡ, trình lên đức Phật, mong ngài đến vùng Licchavī, kinh thành Vesāli để cứu khổ cho đại chúng.

Đức vua không dám nhận hậu tình, bảo rằng đoàn sứ giả nên đến đảnh lễ đức Phật, dâng lễ phẩm và tường trình mọi sự lên ngài, hiện ngài đang an cư ở Veḷuvana với đại chúng tỳ-khưu!
Tôn giả Moggallāna đứng một bên, sau khi nghe viên đại thần Mahāli trình bày ba thảm nạn tại Vesāli, rồi khẩn cầu đức Phật giải họa, tự nghĩ: “Trong con mắt của thế gian, đức Thế Tôn không những thuyết giáo con đường giác ngộ, giải thoát - mà bây giờ ngài còn là một bậc Đại Siêu Nhân (Mahāpurisa), có thể có khả năng điều động thiên nhiên, kêu gió gọi mưa như các bà-la-môn phù thủy!

Tuy nhiên, không những đức Tôn Sư làm được, mà các vị thượng thủ A-ra-hán cũng làm được. Đấy chỉ là sự vận hành tâm-sinh-vật lý tương quan, tương tác lẫn nhau! Trong trường hợp này, năng lực của tâm là tăng thượng – có thể dẫn dắt, điều động các năng lực khác!”

Lúc phái đoàn sứ giả ra về rồi, Đức Phật nói với vị đại đệ tử:

- Này Moggallāna! Con nghĩ đúng đấy! Tuy nhiên, ba thảm nạn của Vesāli xảy ra là do ba nguyên nhân tương tác lẫn nhau mà không phải ai cũng thấy rõ, biết rõ:

Thứ nhất là do nắng nóng khô hạn, thứ hai là do ác pháp phát sanh từ các người lãnh đạo, thứ ba là do chư thiên, thiện thần, thiện dạ-xoa bỏ đi. Bây giờ, con hãy gọi Ānanda đến đây!

Sau đó, đức Phật dạy cho ngài Ānanda bài kinh hộ trì an lành có tên Ratanasutta; rồi ngài Ānanda lựa chọn thêm năm trăm vị tỳ-khưu trẻ có tri nhớ tốt cùng học thuộc…

Đúng ngày, khi đức Phật vừa đặt chân lên bờ Đông của tiểu quốc Licchavī thì một trận mưa rất lớn, tối trời tối đất như tự cổng trời mở ra, xối xả đổ xuống vùng đất đại hạn như đã chờ đợi đâu từ lâu lắm! (Tại nhân gian không biết, chứ lúc ấy, thiên chủ Sakka đã huy động Tứ đại thiên vương, thiên binh, thiên tướng, hội chúng rồng, hội chúng dạ-xoa cùng theo hầu đức Phật.

Ác thần, ác dạ-xoa sợ hãi trốn đi nơi khác; các thiện thần, thiện dạ-xoa đồng loạt tìm về!) Trận mưa lớn kéo dài nửa ngày, bao nhiêu xú uế tan mất.

Nhân dân khắp nơi tràn ra đường, vui mừng hò reo, hát ca, nhảy múa… Các đức vua, hội đồng tướng lãnh, quý tộc đến sụp lạy bên chân đức Phật, nghẹn ngào tri ân, chảy nước mắt, không nói được nên lời!

Đêm ấy, bài kinh Paritta được đọc lên…

Ôi! Bài kinh với âm giọng của năm trăm vị tỳ-khưu đồng cất lên suốt đêm trường, thật là trầm hùng khôn tả. Cả không gian rung rinh, chao đảo.

Cả đất trời Vesāli như chìm ngập giữa biển âm thanh thẳm sâu, cao diệu… Chư thiên vân tập đầy đặc cả không gian, thành kính lắng nghe kinh rồi cất lên lời đại nguyện hộ trì Tam Bảo và hộ trì quốc độ - nếu các đức vua và hội đồng quan cận thần bỏ ác pháp mà sống theo chánh pháp.

Ngày hôm sau, rất nhiều người không hiểu chư Tăng đọc mật chú gì mà có uy lực kinh khiếp như vậy? Nó làm cho toàn bộ dân chúng kinh thành Vesāli phải kính cẩn lắng nghe, tất thảy lo âu, sợ hãi đều tiêu tan. Không những trong lòng người mà cả không gian xung quanh cũng cảm giác cả một bầu khí thanh bình và an lạc!

Các vị trưởng lão và các vị A-ra-hán với trí tuệ thâm sâu phải giải thích:

Chẳng phải là huyền chú, mật chú gì đâu. Đấy là bài kinh nói lên uy lực của Tam Bảo, ân đức của Phật, của Pháp, của Tăng làm cho chư thiên hoan hỷ, lòng người hoan hỷ. Uy lực ấy lại còn được hội tụ bởi uy lực của năm trăm vị tỳ-khưu đọc tụng, tạo thành năng lực của Tăng thượng tâm, có thể tác động toàn bộ nội tâm và ngoại giới đem đến sự bình yên và mát mẻ cho quốc độ này…

Ba thảm nạn tại kinh thành Vesāli được chấm dứt cũng do như vậy đó. Chính là do năng lực Tăng thượng tâm.
 
Bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu:
KINH CHÂU BÁU (Sn 2.1, Khp 6)

1. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không
Mong rằng mọi sanh linh,
Ðược đẹp ý vui lòng,
Vậy, hãy nên cẩn thận,
Lắng nghe lời dạy này.

2. Do vậy các sanh linh,
Tất cả hãy chú tâm,
Khởi lên lòng từ mẫn,
Ðối với mọi loài, người.
Ban ngày và ban đêm,
Họ đem vật cúng dường,
Do vậy không phóng dật,
Hãy giúp hộ trì họ.

3. Phàm có tài sản gì,
Ðời này hay đời sau,
Hay ở tại thiên giới,
Có châu báu thù thắng,
Không gì sánh bằng được,
Với Như Lai, Thiện Thệ
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

4. Ðoạn diệt và ly tham,
Bất tử và thù diệu,
Phật Thích Ca Mâu-Ni,
Chứng pháp ấy trong thiền.
Không gì sánh bằng được,
Với pháp thù diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

5. Phật Thế Tôn thù thắng,
Nói lên lời tán thán,
Pháp thiền định trong sạch,
Liên tục không gián đoạn,
Không gì sánh bằng được,
Pháp thiền vi diệu ấy,
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

6. Tám vị bốn đôi này,
Ðược bậc thiện tán thán,
Chúng đệ tử Thiện Thệ,
Xứng đáng được cúng dường.
Bố thí các vị ấy,
Ðược kết quả to lớn.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

7. Các vị lòng ít dục,
Với ý thật kiên trì,
Khéo liên hệ mật thiết,
Lời dạy Gotama!.
Họ đạt được quả vị,
Họ thể nhập bất tử,
Họ chứng đắc dễ dàng,
Hưởng thọ sự tịch tịnh,
Như vậy, nơi tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

8. Như vậy cột trụ đá,
Khéo y tựa lòng đất,
Dầu có gió bốn phương,
Cũng không thể dao động,
Ta nói bậc chơn nhân,
Giống như ví dụ này.
Vị thể nhập với tuệ,
Thấy được những Thánh đế,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

9. Những vị khéo giải thích,
Những sự thật Thánh đế,
Những vị khéo thuyết giảng,
Với trí tuệ thâm sâu,
Dầu họ có hết sức,
Phóng dật không tự chế,
Họ cũng không đến nỗi,
Sanh hữu lần thứ tám.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

10. Vị ấy nhờ đầy đủ,
Với chánh kiến sáng suốt,
Do vậy, có ba pháp,
Ðược hoàn toàn từ bỏ.
Thân kiến và nghi hoặc,
Giới cấm thủ cũng không;
Ðối với bốn đọa xứ,
Hoàn toàn được giải thoát;
Vị ấy không thể làm,
Sáu điều ác căn bản.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

11. Dầu vị ấy có làm
Ðiều ác gì đi nữa,
Với thân hay với lời,
Kể cả với tâm ý,
Vị ấy không có thể
Che đậy việc làm ấy,
Vị ấy được nói rằng,
Không thể thấy ác đạo.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

12. Ðẹp là những cây rừng
Có bông hoa đầu ngọn,
Trong tháng ba nóng bức,
Những ngày hạ đầu tiên,
Pháp thù thắng thuyết giảng,
Ðược ví dụ như vậy,
Pháp đưa đến Niết-bàn,
Pháp hạnh phúc tối thượng.
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

13. Cao thượng, biết cao thượng,
Cho, đem lại cao thượng,
Bậc vô thượng thuyết giảng,
Pháp cao thượng thù thắng.
Như vậy, nơi đức Phật,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

14. Nghiệp cũ đã đoạn tận,
Nghiệp mới không tạo nên,
Với tâm tư từ bỏ,
Trong sanh hữu tương lai.
Các hột giống đoạn tận,
Ước muốn không tăng trưởng,
Bậc trí chứng Niết-bàn,
Ví như ngọn đèn này.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

15. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ đức Phật,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.

16. Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ Chánh pháp,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.

17. Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ chúng Tăng
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
 


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 301
  • Khách viếng thăm: 289
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 86192
  • Tháng hiện tại: 2805773
  • Tổng lượt truy cập: 88610376
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012