Viết cho người hoang mang

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/03/2020 19:18 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Những ngày này, dịch Covid-19 tràn lan khắp chốn, từ trong nước ra đến quốc tế, từ người dân bé mọn đến lãnh đạo quốc gia, tất cả đều chìm ngập trong nỗi lo âu. Bởi, biến thể của virus thật hết sức khó lường, mọi hoạt động thường nhật của xã hội gần như tê liệt, kinh tế ngột ngạt đang bắt đầu dần lộ rõ...
Sáng nay, một Phật tử đứng tuổi đến lễ ngài Quan Âm với nét lo toan nặng trĩu. Người ta đã thoáng thấy đôi mắt Phật tử khẽ nhíu lại trầm ngâm. Vì sao vậy? Không ai biết! Nhưng có thể Phật tử ấy đang trầm ngâm với cái phi lý (the Absurd).
 

Trong sân chùa, nắng đã lên cao. Người đi nhẹ, người ngồi yên - Ảnh minh họa
 
Cuốn Le Malentendu (Ngộ nhận, 1944) của Albert Camus (1913-1960) thuật lại: Hai mẹ con cô Martha là chủ nhà trọ ở một miền quê xa vắng nọ. Một hôm, có một hành khách sang trọng ghé lại lữ quán. Hai mẹ con cho ông này uống một chất thuốc ngủ, lấy hết tài sản rồi liệng ông xuống sông. Không lâu sau, Jan, con trai chủ quán, vốn bỏ nhà đi xa trên 20 năm, nay trở về gõ cửa. Vì xa cách đã lâu, nên mẹ không nhận lại được mặt con. Và cũng vì một lý do riêng, Jan chưa tiện nói thật tên tuổi mình cho mẹ nghe. Thế rồi, như bao khách trọ trước, Jan cũng bị một liều thuốc ngủ, rồi xác cũng bị vứt xuống sông.
 
“Ngộ nhận” là ở chỗ người đi đường, sau hành trình mệt mỏi, đói lả, tưởng đến một nơi được nghỉ khỏe, ăn uống cho lại sức thì lại là chỗ chết. Mẹ giết con mà tưởng giết khách hàng. Cái nhà trọ sát nhân kia là cái thế giới phi lý đến vô nghĩa mà hiện chúng ta đang sống.
 
Có lẽ Phật tử đứng tuổi đang trầm ngâm trong sân chùa cũng suy tư về cái phi lý trong mùa dịch Covid-19 này. Phật tử biết mình phải chết nhưng vẫn phải cố gắng sống. Phật tử biết sinh mạng là vô thường nhưng vẫn phải đánh giá cao đời sống và sự hiện hữu. Kẻ trầm ngâm phải sống với nghịch lý “Đời này rất quan trọng nhưng lại là vô nghĩa". Đó là “nghịch lý của phi lý” (the Paradox of the Absurd).
 
Đang thiền hành trong sân chùa, thấy chú ngồi sát bờ sông, tôi hỏi: “Chú có điều gì trầm ngâm?”.
 
Chú trả lời: “Bạch thầy, dịch cúm Corona này bất chợt làm con người thấy gần với lời dạy vô thường của Đức Phật; nhưng nói thật, con không thể nào thoát ra được sự hoang mang, nhất là khi không thể nào lý giải nổi mối quan hệ giữa sự chết và sự sống. Tại sao con người phải hiện hữu với cái phi lý sống-chết mà không có lối thoát?”.
 
Tôi mỉm cười, vì cũng lâu rồi mới thấy có người suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống như vậy. Gió từ bờ sông thổi lên nhè nhẹ, tôi hướng mắt ra sông: “Sông Sài Gòn hôm nay êm đềm quá chú nhỉ?”.
 
“Dạ, nhưng con sông này thì có liên quan gì đến mệnh đề phi lý sống-chết ạ!?”.
 
“À… tại vì sông Sài Gòn này làm tôi liên tưởng đến sông Hằng trong câu chuyện ‘Hiển kiến bất diệt’ mà Đức Phật dạy vua Ba-tư-nặc ở kinh Lăng nghiêm ấy mà!”.
 
Câu chuyện như thế này: Có một bữa, Phật hỏi vua Ba-tư-nặc: “Thân của vua thường trụ hay sẽ chết và tan rã?”.
 
Vua thưa: “Dạ, rốt cuộc sẽ chết và tan rã”.
 
“Sao vua biết?”.
 
“Vì niệm niệm dời đổi ạ!”.
 
“Đúng vậy!” - Phật hỏi tiếp: “Gương mặt của vua bây giờ so với lúc trẻ thì như thế nào?”.
 
“Dạ, tóc bạc, mặt nhăn ạ!”.
 
“Vua vì thấy thay đổi mà nhận ra rằng chắc chắn phải chết và tan rã. Nhưng vua có biết trong cơ thể và tâm lý có cái gì bất diệt không?”.
 
“Dạ, con không biết”.
 
“Vậy tôi sẽ chỉ cho vua cái tánh chẳng sanh diệt. Vua thấy sông Hằng lúc mấy tuổi?”.
“Dạ, ba tuổi”.
 
“Lúc mười tuổi, hai mươi tuổi, ba mươi tuổi…, vua thấy sông Hằng thế nào?”.
 
“Thấy vẫn giống như khi ba tuổi, thậm chí, bây giờ đã sáu mươi hai tuổi cũng vẫn thấy sông Hằng như vậy”.
 
“Tuổi trẻ thì tóc xanh mặt láng, tuổi già thì tóc bạc mặt nhăn, còn tánh thấy lúc trẻ đến lúc già có thay đổi gì không?”.
 
“Dạ, thưa không ạ!”.
 
“Mặt vua dù nhăn nhưng tánh thấy chưa từng nhăn. Hễ cái gì nhăn thì cái đó là sự thay đổi, không nhăn là không thay đổi. Mà có thay đổi thì có diệt, không thay đổi là không diệt. Mà không diệt thì không có sanh tử”.
 
Tôi kể đến đó rồi dừng lại, để chú Phật tử cảm nhận cái “tánh thấy” trong câu chuyện. Hồi lâu sau, chú mới nói: “Bạch thầy, con cảm thấy mình còn vướng một chút xíu. Thầy có thể giúp con tháo gỡ được không?”.
 
“Chú vướng cái gì?”.
 
“Thú thật, con chỉ có cảm giác ngờ ngợ như vậy thôi, chứ không biết vướng cái gì ạ!”
Tôi mỉm cười, ôn tồn nói: “Cái vướng mắc của chú là ở chỗ không biết làm sao phân biệt được cái tâm lý và cái tánh thấy”.
 
“Ồ… dạ, đúng rồi ạ!”.
 
“Thật ra, chú không hề biết rằng đó không phải là cái vướng mắc của riêng chú, mà là cái vướng mắc của tất cả các thiền sinh khi mới bắt đầu thực tập Thiền định ly tham. Và cũng chính vì không tách bạch được ranh giới rõ ràng đó, cho nên, chú phải hiện hữu trong cái phi lý sống-chết mà không có lối thoát, nhất là trong thời điểm dịch bệnh virus Corona như thế này”.
 
Tôi nói tiếp: “Cái tâm lý được kinh Lăng nghiêm gọi là ‘tâm phan duyên’. Tuy nó cũng thay đổi, sanh diệt giống như cơ thể, nhưng kỳ thật, lại tồn tại trong cái bất sanh diệt (tánh thấy, chân tánh). Con người vì mê lầm cái tâm lý và cơ thể là mình nên mới hoang mang lo sợ trước cái chết, nếu thấy được cái tánh thấy hay chân tánh bất sanh diệt thì không còn nỗi sợ hãi đó. Vì không ‘ngộ’ như vậy, con người mới hoang mang trong đầy dẫy nghịch lý của phi lý. Dĩ nhiên, ngộ được điều đó, tất yếu phải bằng con đường thiền định. Thành ra, mai mốt, chú có về chùa Diệu Pháp thực hành Thiền định ly tham, thế nào cũng sẽ ‘ghé thăm’ tư tưởng này của kinh Lăng nghiêm”.
 
Tôi chào chú và tiếp tục thiền hành… Chú ngồi đó, nhìn nghiêng ra sông Sài Gòn, có thể chú đang mỉm cười.
 
Trong sân chùa, nắng đã lên cao. Người đi nhẹ, người ngồi yên. “Đi” và “ngồi” tự thân khác nhau, nhưng, có kẻ với cái thấy “đi” và “ngồi” như nhau…
 

Tạp bút của Đinh Thiện (Giác Ngộ số 1040)
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 486
  • Khách viếng thăm: 478
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 95479
  • Tháng hiện tại: 2903622
  • Tổng lượt truy cập: 88708225
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012