Phật giáo: Con đường phục hưng văn hóa Việt

Đăng lúc: Thứ hai - 12/05/2014 22:32 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Có tự tôn vinh không trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi chúng ta chứng kiến sự giao lưu và giao thoa nhiều luồng tư tưởng Tây phương và Đông phương, cổ xưa và hiện đại, nhiều tôn giáo lớn của nhân loại, chúng ta lại khẳng định Phật giáo là con đường phục hưng văn hóa Việt Nam. Thử đi sâu vào tìm hiểu, phân tích để thấy rằng đạo Phật có thể là một giải pháp khả dĩ vực dậy nền tảng đạo đức, tâm linh và chống lại mọi bệnh thái của thời đại hay không?
Phật giáo nhập thế và Việt hóa

Chúng ta có may mắn đón nhận việc truyền bá Phật giáo cả từ Ấn Độ lẫn Trung Hoa, lại hội nhập với nhiều tôn giáo khác nên văn hóa cũng mang nhiều nét đặc trưng phong phú. Nhưng riêng Phật giáo, có người vẫn cho rằng Phật giáo Đại thừa vẫn là tư tưởng chủ đạo và còn mang đậm dấu ấn của Hán học, theo ảnh hưởng trong suốt chiều dài lịch sử. Nhưng phải nhìn nhận rằng một số cao tăng từ trước đến nay đang cố gắng Việt hóa kinh tụng hàng ngày cũng như nghi lễ. 

phat giao.jpg

Đạo Phật dù với tư cách là một tôn giáo hay là một  hệ thống tư tưởng, một lối sống sẽ giúp mở ra con đường chấn hưng văn hóa với những giá trị nền tảng bền vững – Tranh: nghethuatphatgiao

Chúng ta biết rằng từ xưa, cha ông đã dung hòa và điều hợp đạo Phật với đạo Nho và đạo Lão, Phật giáo Việt Nam đã trở thành tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt. Phật giáo Việt Nam chẳng phải Phật giáo Ấn Độ hay Trung Hoa, mà là tất cả những khuynh hướng tâm linh của người dân Việt cùng hướng về một đích “hộ quốc an dân”.

Phật giáo Việt Nam từ xa xưa trong lịch sử đã chủ trương nhập thế, nổi bật nhất là các thời Đinh, Lê, Lý, Trần, qua việc làm dấn thân tích cực của các vị cao tăng có học thức, giới hạnh. Thời vua Đinh Tiên Hoàng đã phong cho Thiền sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống, thời Tiền Lê có ngài Vạn Hạnh, ngài Đỗ Pháp Thuận, ngài Khuông Việt, đặc biệt Thiền sư Vạn Hạnh đã có công xây dựng triều đại, xây dựng nhà Lý khi đưa Lý Công Uẩn lên làm vua; thời nhà Trần có các Thiền sư Đa Bảo, Thiền sư Viên Thông… Tinh thần nhập thế và Việt hóa Phật giáo luôn được đề cao khi có rất nhiều kinh được dịch, giảng và phổ biến từ giáo lý nguyên thủy… Thời hiện đại, Phật giáo Việt Nam cũng góp phần trong phong trào đấu tranh 1963 và những năm sau đó… Chưa lúc nào đạo Phật ngừng  gắn bó với vận mệnh dân tộc, luôn xây dựng và phổ biến Phật pháp trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, mọi nơi nếu có thể thực hiện được.

Phật giáo trước sự xuống cấp về đạo đức và tha hóa lý tưởng sống

Qua các thông tin được báo chí phản ánh, chưa bao giờ chúng ta lại chứng kiến sự xuống cấp, tha hóa tâm hồn con người ở mức đáng báo động đến như thế như hiện nay. Ngày càng nhiều các vụ án mạng xảy ra trong gia đình, ngoài xã hội… Người ta sử dụng bạo lực như một phương tiện hành xử phổ biến để giải quyết mâu thuẫn, hiềm khích từ nợ nần trong kinh doanh, gây gổ ngẫu nhiên trên phố, xích mích cha con, anh em, chồng vợ… đều có thể kết thúc bằng… các hành vi bạo lực tiêu cực, đôi khi phi nhân tính. Chúng ta phải làm gì nếu con người không còn đức hiếu sinh, lòng từ bi, hay mất niềm tin vào nhân quả? Dù giáo lý nghiệp báo hay luật  nhân quả báo ứng của Đạo Phật đã được truyền vào nước ta rất sớm và đã trở thành nếp sống tín ngưỡng với người Việt Nam có hiểu biết, có suy nghĩ từ bao thế kỷ trước. Người ta luôn nhắc nhở nhau “ở hiền gặp lành” – kết quả tự nhiên của lý nghiệp báo, trong tư duy giới bình dân cũng như tầng lớp trí thức, lãnh đạo. Có thể nói mọi người dân Việt đều ảnh hưởng ít nhiều qua các chuyện cổ tích, ngụ ngôn, những câu chuyện dân gian dẫn dắt bao thế hệ tin vào lý nhân quả nghiệp báo mà hành động sao cho phù hợp với sự sống và công bình cho mọi người.

Mặt khác, chúng ta hiểu rằng nghiệp thiện hay ác không phải là định nghiệp mà có thể thay đổi, nếu biết sửa chữa, tu tập. Nếu ta nắm vững nguyên tắc nhân quả nghiệp báo, thì chúng ta có thể chuyển nghiệp ngay trong hiện kiếp. Khởi đầu của việc chuyển nghiệp là chuyển ác thành thiện từ ba nghiệp thân, khẩu và ý nơi mỗi con người và sau đó chuyển hóa “cộng nghiệp” toàn xã hội. Nền tảng của nhân quả là đạo lý Duyên khởi – một cái nhìn khoa học và khách quan về thế giới hiện tại. Duyên khởi nghĩa là sự nương tựa lẫn nhau mà sinh tồn và tồn tại. Không những các sự kiện thuộc thế giới con người như thành, bại, thịnh, suy mà tất cả những hiện tượng về thế giới tự nhiên như cỏ, cây, hoa, lá cũng đều vâng theo luật duyên khởi mà sinh thành, tồn tại và tiêu hoại.

Nếu không hướng về thiện nghiệp, người ta không thể thấm nhuần đức Từ bi. Tình thương yêu với mọi người bắt đầu từ gần đến xa, từ cha mẹ, đến bạn bè, thầy cô, rồi đồng bào, tổ quốc, sau cùng là tất cả chúng sanh…

Nói gì đến Tứ vô lượng tâm hay Bát chánh đạo nếu văn hóa không đặt nền tảng trên tình yêu thương… Mọi lý tưởng, ý thức hệ hay chủ nghĩa không lấy con người làm trọng tâm đều không thể tồn tại, sẽ sớm tàn lụi. Lúc  đó con người sẽ bơ vơ, lạc lối trong định hướng hành động và cuộc đời mình.

Phật giáo đối diện tình trạng mê tín và những bệnh thái tâm linh

Có một hiện tượng đang diễn ra rầm rộ gây ngộ nhận là người ta đang hướng về đạo pháp, về tâm linh: việc đi chùa sám hối vào ngày rằm, mùng một, viếng chùa, lễ Phật vào những ngày hội lớn như ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (lễ Vu lan)… Đây là  một tập tục, một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống người Việt. Vào những ngày này, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội đều quy tụ đến chùa chiền. Nhưng người ta không chỉ chứng kiến  những khuôn mặt trang nghiêm trong khói hương trầm tạo nên bầu không khí ấm cúng, linh thiêng, thể hiện tấm lòng thành kính của mọi người đối với Đức Phật và các bậc Thánh hiền mà người ta còn thấy bao nhiêu người chen chúc hỗn độn huyên náo, đặc biệt tại các lễ hội ở miền Bắc, như “dúi’ tiền vào tay các thánh tượng, rải tiền vô tội vạ… Những hình ảnh đó hết sức phản cảm, đánh mất bản sắc và nét đẹp văn hóa Việt. Đường lên chùa, chẳng hạn như ở chùa Hương vào mùa trẩy hội, một số người đã ngang nhiên bày bán ngoài nhang đèn còn có các quán bán thịt rừng. Qua cách cúng bái, tín ngưỡng và những hành vi ấy, chúng ta hiểu  rằng người ta đang mặc cả với thánh thần về những cơ hội may mắn phát tài phát lộc. Trong khi đó, thực chất tinh thần đạo Phật lại khuyến tấn mọi người hãy tỉnh thức, siêng năng làm lành, lánh dữ và luôn nỗ lực sửa đổi thân tâm để ngày một tốt hơn.

Chưa hết, gần đây rộ nhiều phong trào cầu đảo, ngoại cảm gây sự hoang mang. Đức Phật chưa bao giờ tuyên bố “Hãy tin Ta, các người sẽ được cứu rỗi!” mà Ngài đã dạy: “Ðừng tin tưởng vào những gì kinh sách đạo mình nói. Ðừng tin tưởng điều gì vì dựa vào một tập quán lưu truyền. Ðừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vịn vào uy tín và thẩm quyền của một người nào đó. Ðừng tin tưởng điều gì vì có được nhiều người nói đi nhắc lại. Hãy tin tưởng vào những gì mà người ta đã từng trải, kinh nghiệm, thấy là đúng, thấy có lợi cho mình và người khác”(Kinh Kalama).

Ðó là một thái độ rất khoa học mà người ta có thể tiếp nhận được, trong đó mọi người đều thấy rõ quyền tự do suy nghĩ cho chính mình. Và đó cũng chính là giáo lý, nguyên tắc đã mang đến cho Phật giáo tính chất vượt thời gian; và chính đặc tính này đem lại sự thích hợp của Phật giáo với mọi thời đại khi con người phát triển tâm linh.

Nhiều người thường tự hỏi rằng tại sao Phật giáo lại được gọi là “Akàlika”, nghĩa là “không thời gian” (timeless) với Chánh pháp đã hiện hữu trong nhiều thế kỷ qua. Càng thấy những thay đổi xảy ra trong Phật giáo, chúng ta càng thấy rõ Phật giáo đã luôn tự điều chỉnh đáp ứng mọi đòi hỏi của những thời đại khác nhau, với các dân tộc và mọi cá nhân với những dị biệt và tính cách riêng. Nếu Phật giáo tồn tại và được ứng dụng trong thực tiễn ngày nay, đó là vì tính phi thời gian bao gồm một hệ thống những giá trị vĩnh cửu.

F.L. Woodword, một trong những dịch giả nổi tiếng về những lời dạy của Ðức Phật, đã từng nói Phật giáo là “tôn giáo tự thân vận động” (a do-it-yourself religion). Ðiều đó giải thích có hàng trăm ngàn hay hàng triệu người chưa bao giờ nghĩ rằng mình theo đạo Phật, hay vào một ngôi chùa Phật giáo nào, cũng như  chưa bao giờ thọ giới, quy y, hay có pháp danh, hoặc chỉ tự nhủ mình theo “đạo ông bà”, vô tình đã nhận biết trong tâm họ ý nghĩa của “tứ ân” theo quan điểm nhà Phật, và đã sống theo triết lý ấy.

Lối sống mà Ðức Phật đã dạy rất đơn giản, đối với bất kỳ ai sống tuân thủ năm nguyên tắc đạo đức: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu – những yêu cầu căn bản về giới luật nền tảng của Phật giáo, dù con đường mà Ðức Phật đã mô tả không chỉ ngừng lại ở luật tắc này. Lời dạy đó được đơn giản hóa theo một cách mà ai cũng có thể hiểu được và làm được nếu cố gắng là: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục và thiền định. Trong đó Phật nhấn mạnh việc rèn luyện, tu tập TÂM vì  “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác”.

Chúng ta luôn nhớ rằng bạo lực xuất phát từ tâm, từ ý nghiệp trước khi là thân nghiệp. Mọi bệnh thái tâm linh đều có thể kiểm soát từ tâm. Những khóa tu cho người tại gia ngắn ngày hay những giáo lý hoặc tư tưởng nhân văn truyền bá sâu rộng trong xã hội thông qua nhóm, hội đoàn, tổ chức tôn giáo hay phi tôn giáo đều hữu ích cho việc xây dựng nền tảng văn hóa nhân chủ cho cộng đồng…

Khi Ðức Phật nói rằng mỗi người là chủ nhân của chính mình, Ngài tuyên bố một nguyên tắc căn bản là con người phải tự kiểm soát bản thân trước khi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tâm lý học hành vi hay ứng xử ghi nhận thực nghiệm tác động tích cực đối với tổ chức xã hội khi cá nhân con người tự điều chỉnh hành vi của mình theo tinh thần hướng thượng, hướng thiện, có trách nhiệm và luôn tôn trọng chân lý của cuộc sống. Dù theo triết thuyết nào, những người hành xử trong chiều hướng ấy tự trong tâm thức chính họ đã là Phật tử theo những giá trị nhân bản đã nêu trên.

Đạo Phật dù với tư cách là một tôn giáo hay là một  hệ thống tư tưởng, một lối sống sẽ giúp mở ra con đường chấn hưng văn hóa với những giá trị nền tảng bền vững.

Nguyên Cẩn (GNO)

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 270
  • Khách viếng thăm: 263
  • Thành viên online: 1
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 72782
  • Tháng hiện tại: 2792363
  • Tổng lượt truy cập: 88596966
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012