Phật giữa đời thường

Đăng lúc: Thứ tư - 14/01/2015 22:06 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Vừa rồi nhân dịp sửa sang lại nhà mới, hai vợ chồng đứa cháu họ đã thỉnh được tượng Bồ-tát Quán Thế Âm về thờ, lòng chúng vui tràn trên khóe mắt. Tình cờ tôi nghe được câu chuyện giữa hai vợ chồng người cháu họ mà quên việc mình tới nhà cháu để mừng nhà mới.

Lòng từ Quán Thế Âm

Chồng đang trang hoàng bàn thờ, tắm Phật, vợ lúp xúp chạy ra chạy vô chưng dọn hương hoa trà quả, rồi hai vợ chồng thắp nhang cung kính đảnh lễ. Hương trầm ngan ngát trong gian phòng ấm cúng.

Bỗng, vợ đố chồng chứ Bồ-tát Quán Thế Âm là đàn ông hay đàn bà. Chồng nói Ngài là đàn ông. Vợ mới bảo, là đàn ông sao mà ai cũng gọi là “Mẹ hiền Quán Thế Âm”. Chồng gãi tai, vò đầu lại nhìn tượng rồi ồ, chắc do lòng từ bi của Quan Âm ban rải khắp chúng sanh nên mọi người mới nghĩ Ngài là phụ nữ. Vợ mới trích một câu trong kinh Pháp hoa: “Bồ-tát Quán Thế Âm thành tựu những công đức như vậy, hóa hiện ra đủ loại hình tướng ở khắp các cõi nước mà độ thoát cho chúng sanh”. 

Chồng trầm trồ khen vợ thuộc kinh nhưng lại vội cắt ngang, vậy sao ở chùa mình chỉ thấy tượng Quan Âm đều là phụ nữ mà không có hình tượng khác. Vợ mới nói rằng lòng của Bồ-tát từ bi vô kể nên có thể ví như hình ảnh mẹ trong tình mẫu tử. Người mẹ ấy che chở cho chúng con. Người mẹ ấy chỉ dẫn chúng con qua khỏi bờ mê, vượt qua những tai ách. Chồng chống chế, vậy tình cha không thiêng liêng bằng sao? Cha biểu trưng cho sức mạnh, tình thương che giấu. Mẹ thì ngọt ngào hơn, dễ gần hơn, con cái dễ vòi vĩnh hơn. Chồng đuối lý, bằng lòng im lặng.

Tôi không nỡ cắt ngang câu chuyện của đôi vợ chồng son ấy. Tôi không đành. Vợ chồng cháu làm ăn buôn bán quanh năm, mở mắt thấy cơm, nhắm mắt thấy chén dĩa. Bán cơm tấm buổi sáng, cơm bình dân buổi trưa mà! Thế nhưng tụi cháu còn nghĩ, còn vui vẻ luận bàn chuyện từ bi và biết Phật, Bồ-tát. Có lần, hai cháu nói: “Thịt cá người ta giao đã làm sẵn, mình chỉ rửa sạch và chế biến thôi. Càng hạn chế sát sanh chừng nào thì lòng thanh thản nhiều chừng nấy, phải hôn chú?!”. Tôi im lặng.

Mây ngoài kia trong xanh lững lờ trôi, dường như có tiếng gió nào vừa réo ngang cửa sổ. Vợ cháu nói mông lung mà tôi nghe như cháu đang nói với mình. Quán sát âm thanh của thế gian để tường minh giả thật, để biết chuộng thật, sống hài hòa, làm điều tốt, có vậy hột giống Bồ-đề và lòng từ bi của Bồ-tát mới gieo hạt trong mình. Niệm Phật, thắp nhang mà chỉ làm có lệ, làm cho giống với người ta thì biết tới khi nào ngộ. À, mà chuẩn bị sửa soạn lại đồ đạc coi mai bán cho xôm tụ nghen anh ơi! Chồng của cháu mới nói: Mai tui khuyến mãi một trái chuối cho mỗi dĩa cơm đây…

Sau đó thì hàng tuần vào mỗi thứ Bảy tôi lại thấy vợ chồng cháu khuyến mãi cho khách một trái chuối và đồ ăn đầy đặn hơn ngày thường. Tôi nghe trong gió có tiếng kinh A Di Đà, tôi nghe trong nắng có giọt nước từ bi tâm từ bình tịnh thủy của Bồ-tát Quán Thế Âm. 

Niệm Phật thành Phật

Chồng cháu hay nói với tôi lúc vãn khách: “Có bà chị thường chở con đi học mỗi sáng đi ngang quán cơm lúc nào cũng mua một hộp cho con ăn và hay nói với con rằng vừa nướng thịt vừa niệm Phật thì cũng tốt, chắc chắn làm gì cũng mang lại điều tốt lành hết đó em”. Thằng cháu hay lẩm nhẩm, chắc bà chị đó ăn chay hay sao đó, chưa từng ghé quán ăn, chỉ mua cơm hộp cho con ăn đi học.

Bữa nọ tình cờ tôi nghe được họ nói chuyện với nhau trong lúc chồng cháu nướng thịt, vợ cháu bán cơm, còn bà chị kia thì đậu xe mé lộ chờ cơm mang về. Bà chị nói: “Em mấy nay có niệm Phật thường xuyên lúc làm việc hôn?”. “Cũng có mà không đều chị ơi! Cái đầu nó ngổn ngang làm sao mà niệm”. “Em cứ niệm riết sẽ quen và thuần thục, rồi sẽ tịnh. À, mà em niệm Phật biết đâu sẽ thành Phật à nghen!”. “Trời đất! Em tội lỗi quá chừng sao mà thành Phật được hả chị?”. “Cứ nhất tâm niệm Phật A Di Đà. Bất kể đi, đứng, nằm, ngồi hay những lúc đi giao cơm”. 

“Mà nhất tâm bất loạn là sao hả chị?”. “Là em chỉ nghĩ tới ông Phật mà mình đang niệm danh hiệu đó thôi. Hãy nghĩ về vóc dáng, về sự trang nghiêm và cõi nước của Ngài đang hiện thuyết pháp thì em sẽ thấy an nhiên. Miệng niệm, tai nghe, ý nghĩ và thân làm điều thiện thì còn gì mà sợ không thành Phật. Nếu không thành Phật thì chí ít cũng đã là người tốt, bởi lời nói nở hoa, lời nói đó đáng cần, đáng quý trong buôn bán mần ăn mà, phải hôn em?!”. Rồi họ cười xòa trong sớm mai tấp nập bụi khói xe cộ qua lại giữa chốn náo thị.

Nghĩ vậy thôi, ai dè thằng cháu lúc nào cũng chuyên trì Phật hiệu. Sau này còn thỉnh xâu chuỗi đeo tay, hễ lúc rảnh rang là lần chuỗi niệm Phật. Thỉnh thoảng vợ chồng nhà cháu lại ăn chay và rủ nhau đi viếng chùa mỗi ngày Chủ nhật. Tôi nghe Phật đã hiện diện trong tâm hồn họ từ bấy lâu. Tôi nghe Phật giữa đời thường và gần gụi biết nhường nào. 

Trần Huy Minh Phương (GNO)

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 337
  • Khách viếng thăm: 326
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 104012
  • Tháng hiện tại: 2837209
  • Tổng lượt truy cập: 91728782
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012