Tại sao “Oan ức mà không cần biện bạch”?

Đăng lúc: Thứ tư - 08/01/2014 03:26 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
HỎI: Tôi kính nghe: “Oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài”. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật, tôi phải tiếp xúc với biết bao người, những người này đối xứ tốt với tôi cũng nhiều và gây phiền toái cho tôi cũng không ít. Mặc dù tôi cố chiêm nghiệm lời dạy trên nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bất an khôn tả. Vậy tôi có nên áp dụng theo lời dạy trên hay không và khi gặp những chuyện phiền não bức bách, tôi phải giải quyết như thế nào?

Phat va quan niem thuong yeu muon loai
 
ĐÁP:
“Oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài” là điều tâm niệm sau cùng của Mười điều tâm niệm trong Luận Bảo Vương Tam Muội. Người Phật tử phát Bồ đề tâm, thực hành Bồ tát đạo, dấn thân vào chướng nạn, đối diện với nghịch cảnh, phải thường xuyên nhớ nghĩ điều ấy trong lòng để soi sáng cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động ngỏ hầu viên thành bi nguyện độ sanh, vô ngã, vị tha nhằm thành tựu giác ngộ.Đây là cốt tủy, tinh túy, là đỉnh cao của pháp hành trên lộ trình Bồ tát đạo. Một người chưa phát Bồ đề tâm, chưa đạt đến vô ngã, thiếu bi nguyện độ sanh thì khó làm được. Do đó, “dù cố gắng chiêm nghiệm lời dạy trên nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bất an” là chuyện bình thường đối với chúng sanh. Nguyên nhân của sự bất an này không phải lời dạy trên không có tác dụng tích cực khi ứng dụng vào cuộc sống mà chính ở chỗ tu tập và quán chiếu của tự thân chưa thấu đáo, chưa đạt được tuệ giác để vượt qua cái tôi của cá nhân.

Thói thường, khi cái tôi bị đe doạ, bị mất an ninh, lập tức tự ngã có một phản ứng để tự tồn. Sự tự vệ của cái tôi rất dữ dội, thậm chí rất ngoan cố bảo vệ cả những điều lầm lỗi. Vì vậy, “oan ức không cần biện bạch” là điều khó có thể chấp nhận. Do đó, chấp nhận sự sai lầm của bản thân là một nổ lực mạnh mẻ, xứng đáng để nhân loại ca ngợi, khâm phục. Vượt lên một bước, chấp nhận cả điều oan ức là lối hành xử cao thượng, là lẽ sống của Bồ tát. Và điều này, chỉ duy nhất những vị mang trong mình tâm niệm Bồ tát mới làm được. Bồ tát nương vào sự tu tập, quán chiếu ngũ uẩn giai không, phát triển tuệ quán và thành tựu tuệ giác vô ngã. Khi đạt đến một nhận thức về tính không của tự ngã thì lúc ấy những rác rưởi đeo bám trên tự ngã tức khắc rơi rụng. Nhờ vậy, dù không cần biện bạch khi gặp những điều oan ức nhưng tâm của Bồ tát vẫn an nhiên.

Bạn đã từng chiêm nghiệm lời dạy trên mà vẫn bất an vì bạn chưa thực sự phát Bồ đề tâm, chưa nổ lực quán chiếu để nhận thức sâu sắc về tính không của tự ngã. Cái gọi là tự ngã, là tôi thực chất chỉ là một tổ hợp bao gồm năm yếu tố: Thân thể (Sắc), cảm thọ (Thọ), tri giác (Tưởng), tư duy (Hành) và nhận thức (Thức). Năm yếu tố này hòa quyện vào nhau để hình thành tự ngã. Đặc tính cơ bản của tự ngã là duyên sinh, đã duyên sinh thì cố nhiên không có tự tính, không thật thể và hoàn toàn vô ngã. Nổ lực quán chiếu về vô ngã tính sẽ làm cho cái tôi cá nhân ngày càng thu hẹp lại cho đến đến triệt tiêu thì tự khắc tình yêu thương không phân biệt sẽ hiện ra. Chính tình yêu thương không phân biệt ấy mới đủ sức dung nhiếp, tha thứ và hoá giải tất cả mọi oan ức và thù hận.

Trong cuộc sống, nếu chưa đủ sức phát khởi Bồ đề tâm, tu tập phát huy tuệ giác vô ngã thì bạn nên biện bạch. Vì biện bạch để làm sáng tỏ vấn đề, đem lại công bằng cho tự thân và mọi người là điều mà những người bình thường vẫn làm. Dù việc làm này không giải quyết triệt để vấn đề nhưng hơn hẵn sự chịu đựng trong bất an, đau khổ. Tuy nhiên, sự biện bạch để giải tỏa oan ức chỉ có tính chất tạm thời. Vì rằng, nếu còn bóng dáng tự ngã thì nổi oan này qua đi, nổi oan khác lại kéo đến và như thế cuộc đời là một chuổi biện bạch. Tự thân của sự biện minh là biểu hiện của tự ngã và đó là vòng luẩn quẩn của thân phận chúng sinh.

Mỗi khi gặp những chuyện phiền não bức bách, bạn nên bình tâm ngồi lại để chiêm nghiệm vấn đề. Hãy đối diện với chính mình, lắng nghe tiếng lòng tâm sự để thấy được căn nguyên của phiền não, bất an. Bạn sẽ thấy rằng phiền não chỉ là những đợt sóng lao xao nô đùa trên tự tâm bình lặng. Không cần xua đuổi hay hàng phục, chỉ quan sát chúng đến và đi một cách rõ ràng. Bạn sẽ mĩm cười khi phát hiện ra chúng tuy có đấy nhưng không thật. Không những phiền não mà ngay cả niềm vui, sự hạnh phúc tất cả đều là hoa đốm trong hư không.

Đạo Phật là đạo của trí tuệ, đỉnh cao là tuệ giác vô ngã. Vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống nhờ sự soi sáng của trí tuệ là chủ trương của Đạo Phật. Nếu chỉ dồn nén và chịu đựng những điều oan ức mà không hoá giải thì đó không phải là sự hành xử của người Phật tử tu học theo lời Phật dạy. Sức chịu đựng và dung chứa của tâm có giới hạn, khi vượt qua ngưỡng thì sẽ bùng vỡ và đem đến hậu quả khôn lường. Do đó, bạn phải tu tập và ứng dụng lời dạy trên trong cuộc sống bằng cách phát huy tuệ giác vô ngã. Sự tu tập để từng bước thành tựu trí tuệ vô ngã sẽ giúp bạn hoá giải, vượt qua tất cả mọi trở ngại đồng thời đem lại cho bạn sự bình an, giải thoát.

Huyền Ngu – Thích Quảng Tánh
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 293
  • Khách viếng thăm: 282
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 87818
  • Tháng hiện tại: 2807399
  • Tổng lượt truy cập: 88612002
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012