Tâm sự với người mới xuất gia

Đăng lúc: Thứ hai - 23/09/2013 02:43 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Để nuôi dưỡng cái tâm cao đẹp ban đầu và thắp sáng ngọn đèn trí tuệ thì mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ của mình đều phải có sự định tĩnh và sáng suốt. Dù bất cứ làm việc gì, sư em cũng phải nhớ quan sát thân tâm và hoàn cảnh hiện tại một cách rõ ràng, trung thực với chính nó.

Sư em là người mới xuất gia, tuổi đời có thể lớn hơn tôi, nhưng theo nguyên tắc của đạo thì sư em vẫn là đệ của tôi thôi. Khi còn chung sống với gia đình, có thể sư em rất khôn ngoan, khéo léo và nhiều tài năng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Có thể sư em từng làm giáo viên dạy học hay là người bác sĩ tài giỏi hoặc làm giám đốc của một công ty lớn…Tuy có nhiều tài năng như vậy nhưng đối với việc học đạo thì sư em vẫn còn ngây ngô, khờ dại như một đứa bé.


 
 Ảnh minh họa
Người mới xuất gia cũng giống như một em bé mới sinh ra vậy. Em bé cần phải tập bò, tập ngồi, đi đứng, ăn uống, nói năng, tập lắng nghe, tập nhìn v.v… Nhờ vào sự trau dồi đó, nên phong thái uy nghi của người xuất gia dần được định hình và toát lên trong nếp sống giản dị, thanh lương. Sư em đừng cho rằng, đi đứng nói năng là việc bình thường chẳng có gì quan trọng.
 
Tại vì sư em chưa hiểu đó thôi, chứ những việc bình thường như thế đôi khi chúng ta thực hành suốt cả cuộc đời vẫn chưa chắc đã xong. Bởi thường thì ta đi đứng, ăn uống, nói năng và hành xử chỉ theo thói quen. Mọi sinh hoạt hàng ngày hầu như ta đều thiếu sự chú tâm, không rõ biết từng cử chỉ, trạng thái hoạt động của thân tâm như thế nào cả, thậm chí những lúc niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền, lạy Phật… mà đôi khi ta cũng hờ hững và không trọn vẹn.
 
Hàng ngày, chúng ta thường sống trong ảo mộng và lãng quên thực tại nhiều hơn là trở về với chính mình. Thân ta ngồi ở đây, còn tâm thì bỏ thân đi đến một nơi khác. Thân đang ăn cơm, nhưng tâm cứ rong ruổi truy tìm về quá khứ hoặc lo lắng và mơ tưởng tới những gì ở tương lai. Tâm không có mặt với thân để tiếp xúc trọn vẹn từng miếng thức ăn, và tỏ lòng biết ơn đến muôn loài đã tạo ra thực phẩm cho ta dùng, nên trong mỗi bữa cơm thiếu vắng niềm hân hoan và trân quý.
 
Do đó, sư em chỉ cần thực tập ăn cơm cho đàng hoàng thôi cũng được gọi là tu hành rồi, chứ không hẳn phải chờ đợi đến khi tụng kinh hay niệm Phật. Người xuất gia ở trong chùa cũng làm mọi công việc giống như bao nhiêu người khác; vẫn nấu ăn, quét nhà, tưới cây, tắm giặt, rửa chén bát... Tuy nhiên, nhờ ta biết cách thực tập ngay trong khi làm, nên niềm an lạc luôn luôn có mặt.
 
Sư em phải biết rằng, khi mới tu học thì con người của mình còn nhiều tạp nhiễm, thô tháo như mảnh vườn hoang phế không có ai chăm sóc. Trong mảnh vườn tâm ấy có nhiều hạt giống lẫn lộn khác nhau. Biết cảm thông và chia sẻ niềm an vui với huynh đệ, lắng nghe và chấp nhận yếu kém của người khác để cùng nhau tinh tiến tu học, đó là những hạt giống thiện lành. Nhưng trong tâm tư của mình cũng có nhiều hạt giống tiêu cực như đố kỵ, giận hờn, trách móc, giải đãi, lười biếng, cống cao ngã mạn…
 
Những hạt giống tốt và xấu ấy đều có đầy đủ ở trong tâm. Khi tiếp xúc với những điều kiện tốt đẹp, công việc suôn sẻ, người đối diện dễ thương thì hạt giống thiện lành trong ta sinh trưởng. Còn khi gặp hoàn cảnh trái ý nghịch lòng thì tâm thức sẽ biểu hiện ra với mọi hành xử thô tháo và nặng nề. Đó là lẽ thường tình mà người vừa mới xuất gia chưa gạn lọc được tâm ý tạp nhiễm, nên dễ bị mắc phải.
 
Vì thế, sư em cần phải tìm hiểu, học hỏi các phương pháp để chăm sóc, nuôi dưỡng thân tâm tạo ra nhiều hoa trái dễ thương nhằm hiến tặng cho cuộc đời. Sư em nên biết rằng, trong tâm thức của mỗi người được ví như cái kho cất chứa đồ đạc, nó có khả năng tiếp nhận tất cả mọi thứ cho dù xấu hay tốt, khi ta đưa vào thì sẽ được lưu lại trong đó.
 
Cũng vậy, nếu sư em tùy tiện tiếp xúc với các loại âm thanh, phim ảnh, sách báo và chuyện trò có chứa đựng nội dung không lành mạnh thì một ngày nào đó, tâm hồn sẽ đầy dẫy phiền não và khổ đau. Vì thế, sư em phải biết khéo léo học hỏi và chỉ tiếp nhận những gì cần thiết cho đời sống tu tập.
 
Bước đầu học đạo, sư em phải nhờ thầy hướng dẫn tuần tự từ thấp đến cao, chứ không nên tự ý thích học cái gì cũng được, nguy lắm! Bởi có những người mới vào chùa chưa học hỏi các phương pháp thực tập căn bản mà tùy tiện xem kinh sách rồi đem những tư tưởng ấy ra để đối chiếu với những ai tu tập chưa đúng như trong sách. Thế là họ khởi niệm chê trách, xem thường.
 
Trong khi đó bản thân người ấy chỉ mới học hỏi được một ít giáo lý thôi, chứ thời gian hành trì chưa tới đâu cả. Khi gặp những bế tắc, khó khăn xảy ra trong cuộc sống, họ không đủ khả năng để tháo gỡ và hóa giải. Trong tâm vẫn còn đầy dẫy những nhiễm ô tham muốn. Thế mà, khi họ trông thấy các vị khác đôi lúc có những sơ suất gì đó thì tỏ vẻ xem thường và cao ngạo. Có thể nói rằng, đây là căn bệnh khá nguy hiểm mà người mới bước đầu học đạo cần phải chiêm nghiệm, để tự ngăn ngừa.
 
Sư em mới xuất gia chưa được bao lâu thì phước đức vẫn còn mỏng manh và non kém. Vì vậy, những vật dụng của thường trụ Tam bảo sư em chỉ nên dùng đúng mức cho phép, chứ không nên tiêu xài một cách phung phí. Có những người vào chùa học đạo nhưng có lẽ chưa được thầy dạy rõ về nhân quả tội phước nên họ sử dụng của Tam bảo không đúng với nếp sống của người xuất gia.
 
Cũng có thể vì người ấy thiếu phước duyên, nên không gặp được bậc minh sư dạy bảo. Sư em phải biết rằng, người xuất gia muốn sớm thành tựu sự nghiệp giác ngộ giải thoát thì đời sống sinh hoạt hàng ngày phải thật đơn giản, gọi là “thiểu dục tri túc”. Bởi khi có quá nhiều tiện nghi sang trọng thì rất dễ dàng làm cho tâm bị vướng bận, gìn giữ và ích kỷ. Từ đó, ta không có nhiều thời gian để đầu tư vào việc học đạo.
 
Mỗi ngày sư em nên dành một ít thì giờ để ngồi yên và nhìn lại xem mọi hành động, nói năng và suy nghĩ của mình từ lúc mới vào chùa cho đến ngày nay đã chuyển hóa được gì chưa? Thân mình có đi đứng nhẹ nhàng và thận trọng hơn lúc trước không? Những lời mình nói ra, có thể hiện được sự nhẹ nhàng, thân thương và hòa nhã hơn trước không? Còn về sự hiểu biết và lòng thương yêu, mình đã phát huy được bao nhiêu rồi? Đó là những câu hỏi rất thiết thực, mà mỗi ngày chúng ta cần phải quán chiếu.
 
Để nuôi dưỡng cái tâm cao đẹp ban đầu và thắp sáng ngọn đèn trí tuệ thì mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ của mình đều phảsi có sự định tĩnh và sáng suốt. Dù bất cứ làm việc gì, sư em cũng phải nhớ quan sát thân tâm và hoàn cảnh hiện tại một cách rõ ràng, trung thực với chính nó.
 
Rõ biết được những diễn biến đang xảy ra ở nơi thân tâm mình và mọi hoạt động chung quanh, đó chính là công phu tu tập đích thực của những người học Phật. Những lời chia sẻ này đã có sẵn ở trong kinh Tứ Niệm Xứ, sư em nên học hỏi và thực hành thì chắc chắn một ngày không xa sẽ thành tựu sự nghiệp giải thoát, đem lại niềm an lạc cho cuộc đời.
 
Được như vậy mới đúng với hoài bảo của người xuất gia cũng như đáp đền công ơn thầy tổ đã dày công giáo dưỡng và xứng đáng với lòng thành kính cúng dường của đàn na thí chủ mà mỗi ngày chúng ta đều thọ nhận.
 
Viên Ngộ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 240
  • Khách viếng thăm: 231
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 76683
  • Tháng hiện tại: 2796264
  • Tổng lượt truy cập: 88600867
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012