Ba hạng người rất “đáng thương”

Đăng lúc: Chủ nhật - 06/03/2016 16:41 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Có một điều tưởng như là phổ quát đối với các tôn giáo đó là tín điều, tín lý và đức tin. Tín điều, tín lý và đức tin có thể hiểu như là sự bắt buộc tin tưởng vào những điều của các đấng sáng lập các tôn giáo đã truyền dạy và coi đó như là chân lý tuyệt đối. Bởi lẽ theo nhiều tôn giáo, các vị sáng lập chính là những bậc siêu việt.
Hơn nữa họ có đặc sủng của đấng tối cao (thậm chí họ thay mặt đấng tối cao) nên dĩ nhiên các bậc đó không thể sai. Và nếu suy diễn một cách logic thì các tín đồ cứ suy nghĩ và hành động như lời dạy là hoàn thành sứ mệnh của mình và tất nhiên sẽ được ban thưởng theo cách riêng của từng tôn giáo.

Đức Thích Ca không như vậy. Ngài đã khẳng định: “Ta thuyết pháp trong khoảng 49 năm mà chưa từng nói một lời nào…Ta, từ đêm đạt Chánh Giác đến đêm nhập Niết Bàn, trong khoảng đó ta chưa từng nói một chữ”. 
 
Tại sao vậy? 

Có lẽ chỉ có thể giải thích đức Phật không muốn chúng ta trở thành nô lệ cho những điều Người đã nói ra. Người muốn chúng ta phải tự giải phóng mình ngay trong suy nghĩ, phải có sự hoài nghi, phải có sự trăn trở, phải có sự tìm tòi và đức tin chỉ đến khi chính chúng ta thấu hiểu mọi vấn đề Người muốn chuyển tải. Không ai, kể cả Người có thể thay thế chúng ta tìm đến chân lý giải thoát bằng cách vượt qua vô minh, dục vọng. 

Thời mạt pháp, Phật dạy chúng sinh phải theo “Tứ y pháp để tu” thì mới được thiện lợi. Tứ Y pháp là “Y Pháp bất Y nhân, Y nghĩa bất Y ngữ, Y liễu nghĩa bất Y bất liễu nghĩa, Y trí bất Y thức”. 

Trong bốn điều y cứ này, chúng ta nên tập trung vào điều đầu tiên: “Y Pháp bất Y Nhân”. Nghĩa là, nhất định phải y theo kinh điển tu hành, không được nghe theo bất cứ ai cả. Xin chư vị đồng tu nhớ lấy điểm này. 

Thời nay, có ba hạng người rất “đáng thương” và chúng ta cần phải giúp đỡ. 

Thứ nhất là người không biết đạo Phật nhưng lại phỉ báng Phật giáo và những người theo Phật. 

Thứ hai là người thường sinh tâm cống cao ngạo mạn, thường khinh thị người ít tu hành, thường hay tự cho mình là hiền lương, chánh đạo. Còn người khác là xấu ác, tà đạo.

Thứ ba là người tự cho mình tu hành chứng đắc, được cảm ứng tốt, được thần thông đạo lực, được công năng đặc biệt, được trí huệ, sắp thành Phật rồi, được Phật thọ ký, là sứ giả của bề trên, tự cho mình có đủ năng lực cứu độ chúng sanh…

Với hạng người thứ nhất, vì nghiệp chướng quá sâu dày nên không thể nhìn thấy ánh sáng trí tuệ của Đức Phật. Thế mới hiểu vì sao sau ngày đắc đạo, ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, Phật Thích Ca thầm nghĩ: “Ta đã ngộ ra chân lý vi diệu, khó mà nhận ra được, khó mà hiểu được đối với hạng tầm thường…Những kẻ chìm đắm trong dục vọng, bị vô minh che lấp… không làm gì nghe thấu giáo lý của ta”.

Chỉ vì dục vọng và vô minh mà họ không thể giác ngộ được chân lý của đức Phật. Đáng thương hơn cả, khi họ cho rằng Phật giáo là mê tín và những người theo Phật là những kẻ cuồng tín. Họ phủ nhận những chân lý trong kinh Phật. Mà nói lời sai là tạo khẩu nghiệp. Huống chí khẩu nghiệp này còn trái nghịch pháp Phật thì trở thành lời đại vọng ngữ, phỉ báng pháp Phật. 

Xin nhớ cho, tội phỉ báng Phật pháp thuộc về “Ngũ vô gián tội”, nghĩa là năm tội bị đọa vào địa ngục A – tỳ, thuộc Vô gián địa ngục, vô cùng kinh khủng!

Phỉ báng pháp Phật là ý nghiệp. Ý tưởng không thuận theo pháp của Phật, không y giáo phụng hành, đây thuộc về tâm cuồng ngạo, dẫn đến tội bất kính, bất kính thuộc về thân nghiệp. Từ một điều sơ suất là lời nói thôi mà ba nghiệp thân, khẩu, ý đã sai phạm cả rồi!

Với hạng người thứ hai thường sinh tâm cống cao ngạo mạn, thường khinh thị người ít tu hành, thường hay tự cho mình là hiền lương, chánh đạo. Còn người khác là xấu ác, tà đạo thì Phật có dạy, pháp giới mông huân, nghĩa là rộng lớn vô tận, hão huyền vô cùng, chúng sanh mê mờ như chúng ta khó lòng phân định. Nếu vội vã lấy cái suy nghĩ cạn cợt của mình cho là đúng, chấp vào đó rồi tự quyết định đường đi, thì tự mình lầm lũi bước thẳng vào chốn hiểm nguy vậy!

Người tu hành mà không chịu giữ tâm hồn khiêm nhường, chắc rằng không trước thì sau cũng bị cái tội tăng thượng mạn này. Một khi tâm hồn cao ngạo nổi lên thì liền bị vướng nạn của oán thân liền. 

Với hạng người thứ ba là do tu không chuyên nhất, phạm phải tội “xen tạp”, là một trong những điều kỵ với người tu học. Vì xen tạp thành ra nghiên cứu tùm lum. Hơn nữa lại không nghiên cứu chánh pháp, không chịu ngày đêm đọc tụng kinh Phật, suy nghiệm lời Phật trong kinh điển để thực hành cho chính xác, mà cứ để tâm chạy theo thế trí biện thông, những luận giải vô căn cứ, thành ra lời Phật dạy thì quên mất, còn lời chúng sanh dạy thì để trong tâm. 

Chính vì thế mà họ nói lên toàn là luận điệu sai trái, hoàn toàn không có trong kinh Phật. Vậy mà vẫn cứ yên chí làm theo, tin là mình đắc đạo không một chút giật mình, sợ hãi! Nếu không mau mau sám hối, chắc chắn sẽ tự dẫn độ tới chỗ tai họa. Bởi tu hành xen tạp quyết định khó phần thoát ly sanh tử luân hồi, nhất định đời này sẽ bị kẹt lại trong tam đồ lục đạo. Thật đáng thương thay!

Chúng sinh ai mà không mê mờ! Nếu nhận rõ, chính ta cũng là một chúng sanh thì cũng bị mê mờ. Vì mê mờ nên tạo nghiệp. Tạo nghiệp nên phải tu để chuyển nghiệp, tiêu nghiêp, phá nghiệp. Tu hành là bước đi thẳng tới chỗ phá nghiệp. Hãy mau mau sám hối lỗi lầm kẻo trễ. 

Còn nếu cố chấp, không chịu sửa sai thì cũng đành tùy duyên thôi. Tội ai nấy lo, trong đời này dù dưới hình thức nào thì giữa chúng ta cũng có duyên với nhau. Có duyên thì cố gắng khuyên, nhiều lắm cũng chỉ là dám mạnh lời khuyên nhắc nhau thôi.

Khuyên rằng, phải tự thương lấy tương lai của mình, phải cố tránh những bước chân đi thẳng vào cảnh đọa lạc mà bị khổ đau, chịu tối tăm nhiều kiếp. Đừng nên để cái tội này trở nên quá lớn, quá nặng nữa. Vì lúc đó, dù cho, giả như chư Phật mười phương muốn xuống cứu cũng cứu không nổi. Xin chớ xem thường!

Những ai đã lỡ nói Phật pháp mà sai với chánh pháp của Phật, hãy mau mau sám hối. Thành tâm sám hối, kiệt lòng sám hối chắc rằng vẫn còn kịp để chuộc tội.

“Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết”! Nói sai kinh Phật tội lỗi vô cùng lớn, xin đừng vọng ngôn!

Chúng ta, phàm phu tu học nhất định phải lấy kinh Phật làm tiêu chuẩn, chớ ly một ý, chớ đổi một từ thì mới mong thoát khỏi hiểm nạn của thời mạt pháp này.

Khi nghe một người nào nói điều gì liên quan đến Phật pháp, thì phải xét lại cho thật kỹ điều này có đúng theo kinh hay không? Hễ đúng thì theo, không đúng thì nhất định không làm theo, dù người nói đó có là ai. Quyết định vững chắc như vậy, ta mới tránh khỏi lạc vào đường Tà, tránh tai họa vào thân, tránh điều khổ nạn cho vạn kiếp về sau.

 
Tác giả bài viết: Nguyễn Linh Chi
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 610
  • Khách viếng thăm: 607
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 57852
  • Tháng hiện tại: 2865995
  • Tổng lượt truy cập: 88670598
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012