Bồ tát Hạnh

Đăng lúc: Thứ bảy - 03/08/2013 07:54 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Còn nhớ ngày thầy Tâm mới về, cả xóm tôi không ai có thiện cảm với thầy. Bởi xóm tôi là cái xóm đã quen ăn nói lỗ mãng, lắm lúc cũng “hạ cẳng tay, thượng cẳng chân”, mỗi khi nghe một ai nói chuyện đạo lý là chúng tôi ghét lắm. Trong làng chúng tôi có duy nhất chùa Huệ Đăng này, nhưng người ở đây ít ai lui tới. Thế rồi thầy Tâm về, thầy chỉ ở tám tháng thôi mà mọi điều như thay đổi hẳn.

Từ ngày thầy Tâm đi, xóm tôi cứ như thiếu vắng hẳn một cái gì đó. Tiếng chuông  chùa khi trễ khi sớm, khi có khi không làm cho đời sống tinh thần người dân trở nên hụt hẫng: mấy đứa trẻ không còn phấn khởi ôn giáo lý ríu rít như học bài vở ở trường, mấy bà mấy cô không còn siêng năng đến chùa tụng  kinh mỗi tối, còn bọn đàn ông chúng  tôi thì không có người “đàm đạo” sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Còn nhớ ngày thầy Tâm mới về, cả xóm tôi không ai có thiện cảm với thầy. Bởi xóm tôi là cái xóm đã quen ăn nói lỗ mãng, lắm lúc cũng “hạ cẳng tay, thượng  cẳng chân”, mỗi khi nghe một ai nói chuyện đạo lý là chúng tôi ghét lắm. Trong làng chúng tôi có duy nhất chùa Huệ Đăng này, nhưng người ở đây ít ai lui tới. Thế rồi thầy Tâm về, thầy chỉ ở tám tháng thôi mà mọi điều như thay đổi hẳn.

Lần đầu gặp thầy Tâm đang nhổ cỏ trước sân chùa, tôi không khỏi có cái nhìn khinh thị: “Người gì ốm tong như cây củi, nếu không vào chùa gõ mõ tụng kinh thì có thể làm gì cho xã hội”. Tôi đã nghĩ về thầy như thế, còn xóm tôi ai cũng khinh khỉnh: “Nuôi ông thầy chùa này chỉ tổ tốn gạo mà thôi”. Thầy Tâm cũng biết người trong xóm coi thường thầy nhưng thầy vẫn giữ thái độ điềm nhiên, mỗi khi tiếp xúc với chúng  tôi thầy luôn giữ trên  môi nụ cười và câu “A-di-đà  Phật”. Tôi nghĩ bụng: “Người gì đâu như cục đất, ai đá cũng lăn”.

Nhiều lần bọn trẻ con trong xóm vào phá vườn chùa, khi bắt được thầy đều ôn tồn khuyên bảo: “Các em có cần chi thì hỏi, thầy sẽ cho, đừng ăn cắp sẽ thành thói quen không bỏ được. Phải biết tôn trọng của cải do người khác làm ra. Người ta quý tài sản của người ta cũng như mình quý tài sản của mình làm ra vậy”. Có lẽ đây là lần đầu tiên lũ trẻ phá phách xóm tôi được nghe những  lời khuyên như thế. Vì từ trước tới giờ chúng phá chỗ nào thì ở đó cũng đều bị nghe chửi mắng hoặc bị đuổi đánh mà thôi, khiến cho chúng càng căm ghét hơn. Nhưng thầy Tâm thì dạy cho chúng biết lý lẽ; thái độ hiền hòa và bao dung độ lượng của thầy đã làm cho chúng cảm kích. Thỉnh thoảng vườn cây có vài buồng chuối chín bói, thầy hái trái cúng Phật, còn dư đem cho lũ trẻ, chúng thích lắm. Có buồng thầy giữ nguyên  trên cây cho chim ăn, vì thế mà vườn chùa không bao giờ ngớt tiếng chim ríu ra ríu rít. Vườn tược nhà chùa cây cối um tùm từ lâu không ai chăm sóc, sáng nào cũng vậy, thầy Tâm làm cỏ, rong cây (chặt bỏ đi những cành lá không cần thiết, bị sâu bệnh, chỉ giữ lại những cành to, khỏe, giúp cho cây gọn gàng và phát triển tốt), rồi thầy tưới nước, bón phân. Thầy làm việc miệt mài như con ong chăm chỉ.

Có một hôm tôi mon men đến hỏi vì sao thầy biết chăm sóc vườn cây ăn trái như một người làm vườn chuyên nghiệp trong khi tôi thấy dáng thầy giống như một thư sinh. Thầy mỉm cười rồi bảo: “Có gì đâu anh, nhờ chịu khó học hỏi thôi mà. Ngày trước tôi làm nghề giáo, chỉ cầm giấy bút thôi nên tay chân mảnh  khảnh. Bây giờ cầm cái leng cái cuốc có phần nặng nhọc, nhưng rồi cũng quen”.

Nhìn vườn chùa mênh  mông, rậm rạp rồi nhìn lại thầy, tôi tỏ ra ái ngại: “Liệu thầy có làm nổi mảnh vườn này không?”. Thầy cười, vẫn nụ cười tươi tắn: “Quả tình cải tạo mảnh vườn rộng lớn như thế này là việc làm quá sức tôi. Nhưng tôi nghĩ không gì bằng kiên trì và cố gắng, cứ ngày làm một ít rồi cũng sẽ xong thôi”.

Thầy nhìn tôi cười vui vẻ rồi nói tiếp: “Dù sao làm vườn cũng dễ hơn tu hành thành Phật. Mà tu để làm Phật còn dám, chẳng lẽ lại ngại chuyện làm vườn!”.

Thấy thầy nói chuyện dễ mến, từ đó tôi hay lân la đến chơi. Tôi hỏi thầy nhiều câu hỏi mà từ lâu tôi thắc mắc, câu nào thầy cũng vui vẻ trả lời và trả lời trôi chảy. Trước giờ tôi cứ nghĩ mấy thầy trong chùa chỉ biết gõ mõ tụng kinh thôi, nào ngờ thầy Tâm lại có kiến thức uyên thâm quá, tôi bắt đầu cảm thấy mến phục thầy và đến chùa thường xuyên hơn.

Một hôm  tôi đang  cùng  thầy nói chuyện  sau hậu liêu thì bé Hoa con tôi chạy vào lắc tay tôi gọi:

“Ba ơi, mẹ đau đầu lắm. Ba đưa mẹ đi khám bệnh đi!”. Tôi định chào thầy ra về để đưa mẹ con bé đi bác sĩ thì thầy hỏi tôi: “Chị nhà bệnh đau đầu lâu chưa vậy anh?”. “Dạ, bà xã tôi bị đau đầu mấy ngày nay, người nhức mỏi ê ẩm, sợ nước không dám tắm…”.

Thầy bảo: “Không sao đâu, để tôi qua bên ấy xem”. Tôi không biết phải làm sao, đành chiều theo ý của thầy. Qua nhà tôi, thầy xem mạch cho vợ tôi rồi nói: “Chị ấy bị cảm hàn. Bây giờ anh đi cắt cho chị ấy một nồi xông, bảo mấy đứa cháu nấu cho chị một bát cháo hành ăn giải cảm, rồi tôi chỉ thuốc uống sẽ khỏi thôi”.

Trước giờ tôi nào có biết nấu nồi xông ra sao đâu, tôi ấp a ấp úng: “Dạ, nấu xông… gồm những thứ gì vậy thầy?”. “Anh tìm cắt một nắm lá tía tô, sả, lá chanh hay lá bưởi, lá ổi, é tía…”. Thầy trả lời như một  thầy thuốc Đông y thực thụ.

Sau khi xông hơi xong, vợ tôi ăn bát cháo giải cảm, liền thấy trong  người nhẹ  nhõm, đầu cũng  bớt đau. Thầy trấn an: “Bệnh này cũng thường  thôi, uống  thuốc  Nam cũng khỏi. Để tôi tìm cho chị một số thuốc Nam để sắc uống…”.

Vợ chồng tôi cảm ơn rối rít rồi mời thầy lên nhà trên uống nước, tôi thắc mắc hỏi thầy: “Không ngờ  thầy lại biết trị bệnh,  vậy là thầy có học Đông y?”.

Thầy mỉm cười đáp: “Hồi trước tôi có học Đông y với mong muốn giúp đỡ bà con nghèo”. Tôi mừng vui nói: “Vậy là từ nay người dân ở đây khỏi phải lo vấn đề bệnh hoạn. Vùng này xa xôi hẻo lánh, mỗi lần đi bác sĩ vất vả lắm, có thầy ở đây may phước biết chừng nào!”.

Từ đó, mỗi khi trong xóm có người bệnh, họ đều đến tìm thầy. Những bệnh thông thường như cảm sốt, sổ mũi, nhức đầu, thầy cho thuốc uống đều khỏi, khi nào cần thiết lắm mới đến bệnh viện. Thầy đã trở thành ân nhân của người dân xóm tôi. Thỉnh thoảng  chúng tôi đem gạo nếp, bánh trái lên chùa, trước là cúng Phật, sau để thầy dùng. Chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy. Mỗi lần như thế, thầy đều khuyên chúng tôi làm lành lánh dữ, có thời gian rảnh rỗi nên đi chùa nghe pháp, học giáo lý, tập ăn chay, ngồi thiền, niệm Phật. Thầy giải thích cho chúng tôi biết ý nghĩa và lợi ích của những việc làm đó. Được sự giảng dạy của thầy, hiểu được ý nghĩa của việc làm, chúng tôi cảm thấy thích đi chùa, thích học giáo lý. Để cho chúng tôi có những hiểu biết cơ bản về đạo Phật, thầy cho mở lớp giáo lý tại chùa. Lớp giáo lý ban đầu không đông lắm, nhưng dần dần thu hút được nhiều người đủ mọi lứa tuổi, ai cũng thích học và học rất chăm. Ngày đầu tiên bé Hoa con tôi đi học lớp giáo lý về, nó tỏ ra ngoan hơn, biết khoanh tay thưa tôi và mẹ nó, nói chuyện cũng lễ độ, dịu dàng. Nó bảo, thầy Tâm dạy cho nó biết cách cư xử với mọi người. Lũ trẻ xóm tôi từ ngày đến học lớp giáo lý thì không còn phá phách nữa, có lẽ chúng biết việc nào chúng nên làm, việc nào thì không nên, chúng biết được điều tốt xấu, dở hay mà từ lâu không ai tận tường chỉ dạy.

Thế rồi thầy Tâm lại ra đi. Thầy cho chúng tôi biết thầy chỉ xin về đây tám tháng để giúp đỡ thầy trụ trì lo việc chùa rồi thầy sẽ đến hỗ trợ cho một ngôi chùa ở vùng cao. Sự việc thầy đi thật quá bất ngờ đối với chúng tôi, ai cũng buồn và thương cảm không muốn phải xa thầy. Chúng tôi làm một bữa tiệc nhỏ để chia tay với thầy. Tôi xúc động cầm tay thầy nói: “Chúng con thật sự không nghĩ là một ngày nào đó thầy sẽ đi. Vậy còn những gì thầy đã làm ở đây…”.

Thầy mỉm cười siết chặt tay tôi rồi nói: “Cuộc đời có hợp ắt có tan. Tôi không nghĩ những gì tôi làm được trong tám tháng qua là của tôi đâu. Tôi chỉ muốn làm kẻ mở đường cho người sau, quý thầy sau này về đây sẽ làm tốt hơn tôi nữa. Bà con ở đây hãy cố gắng học và tu thật tốt, hãy ủng hộ các vị thầy khác sẽ đến sau này”.

Thầy nói đó là tâm nguyện của thầy, thầy cũng đã từng đến nhiều nơi để thực hiện tâm nguyện của mình rồi thầy ra đi như thế. Còn rất nhiều nơi đang cần thầy đến, do đó thầy không thể ở đây lâu. Tôi chẳng hiểu được bao nhiêu về tâm nguyện cao cả của thầy, chỉ biết việc làm của thầy đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân xóm tôi. Và dù thầy có ra đi, chúng tôi cũng vẫn luôn ghi nhớ ơn nghĩa của thầy. Người mà ngày xưa tôi cho là hiền như cục đất ai đá cũng lăn, thì bây giờ “cục đất” đó đã lăn đi, nhưng lại hướng chúng tôi theo một quỹ đạo an lành. „

PHAN  MINH  ĐỨC – Ảnh: Phạm Văn Phúc


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 449
  • Khách viếng thăm: 432
  • Máy chủ tìm kiếm: 17
  • Hôm nay: 73069
  • Tháng hiện tại: 2671522
  • Tổng lượt truy cập: 91563095
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012