Cảm niệm ân đức Cha Mẹ

Đăng lúc: Thứ sáu - 21/08/2015 19:53 - Người đăng bài viết: Quảng Hoàng
Nếu là người may mắn vẫn còn cha mẹ, bạn hãy hãnh diện, hãy chăm sóc ân cần, nhất là khi cha yếu, mẹ già, khi làn da mẹ trở nên nhăn nheo, khi cha mình đã bạc phơ mái đầu, khi vẻ đẹp lộng lẫy kiêu sa của mẹ không còn nữa. Bạn hãy thành tâm dâng lên cha mẹ những đóa hoa lòng rực rỡ, ngạt ngào hương thơm của tình thương và lòng tri ân thắm thiết. Được cài lên ngực một bông hồng, lòng người con bỗng trào dâng một nỗi niềm hỷ lạc vô biên và người con bỗng cảm nhận được tình thương ngọt ngào tha thiết của mẹ hiền kính yêu :
Cảm niệm ân đức Cha Mẹ

Cảm niệm ân đức Cha Mẹ

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi chúng ta có biết bao những tình cảm cao đẹp, đáng trân trọng và tôn vinh, những tình cảm mà chúng ta hằng khát khao, mơ ước. Một trong những tình cảm thiêng liêng, sáng ngời nhưng vô cùng thâm thúy mà mỗi người con người khắc ghi trong lòng đó là tình thương của cha mẹ.

Khi con ra đời, con là một niềm vui của mẹ. Mẹ nâng niu, chìu chuộng, ấp ủ và che chở cho con. Có bao nhiêu nhọc nhằn gian nan, mẹ sẵn sàng đón nhận miễn sao con mình được lớn khôn trong bình an, hạnh phúc. Dòng sữa mẹ là một chất liệu ngọt ngào diệu vợi được kết tinh bởi bao tâm huyết, ước vọng của mẹ hiền, dòng sữa ấy chứa đựng bao tinh túy kỳ diệu của mẹ hiền đối với con thơ. Con là tác phẩm tuyệt hảo của mẹ, là vật báu thiêng liêng mà mẹ vẫn không hiểu làm sao mà mình đủ khả năng tạo thành. Khi con cười, lòng mẹ chan hoà hỉ lạc và lòng mẹ lại quặn đau khi con bật khóc giữa những đêm trường cô liêu tĩnh mịch.

Mẹ thức khuya, dậy sớm, âm thầm, kiên nhẫn như một vị Bồ tát vô danh luôn chăm lo hạnh phúc của con thơ ngây dại. Khi con chập chững biết đi, mẹ nhìn con không nói, nhưng từ trong sâu thẳm nơi ánh mắt của mẹ hiền hai dòng lệ long lanh đang lăn đều trên đôi gò má xanh xao của mẹ hiền. Rồi bất chợt, mẹ thốt lên trong niềm vui sướng: “Ôi, con tôi !”. Suối nguồn tình thương của mẹ, nó dịu dàng, đầm ấm, âm thầm tuôn chảy không bao giờ dừng nghỉ. Mẹ ru con ngủ, tiếng ru của mẹ thiết tha đầm ấm đưa con vào giấc ngủ an lành giữa đêm thâu lạnh lẽo. Tình thương của mẹ luôn chất ngất miêm man, luôn un đúc, nuôi dưỡng con thơ lớn lên trong bầu trời hạnh phúc. Câu chuyện xử kiện của vua Salomon luôn làm ta xúc động về tấm lòng người mẹ: “Có hai người đàn bà cùng tranh nhau một đứa bé, ai cũng bảo nó là con của mình. Cuối cùng vua phán đem đứa bé xẻ làm đôi, mỗi người một nửa. Ngưòi đàn bà gian xảo thì vui vẻ chấp nhận, còn người mẹ thật thì đau xót thưa vua rằng bà xin nhường con cho người đàn bà nọ”.

Đối với con tình thương của cha luôn dấu kín trong lòng và đôi khi tình thương của cha tiềm ẩn trong lời nói nghiêm nghị mỗi khi dạy con. Cha giống như một thân cây vững chắc, bám rễ thật sâu dưới lòng đất để hút nhựa nuôi dưỡng cành, lá, hoa, quả. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ mềm lòng, cha phải giữ kỷ cương, mẹ chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực. Cuộc sống bắt cha hướng mắt ra ngoài đời, lăn lộn với đời.

Cha thẳng tay trừng phạt những đứa con thối chí, lùi bước trước nghịch cảnh, cha luôn muốn con mình phải đứng thẳng mà vũng bước đi đến tương lai sáng lạng. Tình thương của cha luôn được thể hiện qua sự giáo dục nghiêm cẩn, khắt khe. Tính cách cứng rắn, cao thượng của cha luôn tạo nên một ý thức tự chủ cần thiết cho con cái. Có được sự giáo dục của cha, người con mới có đủ điều kiện để trau dồi cho con mình một nhân cách kiên định, vững vàng, hầu có thể đối diện và vượt qua bao sóng gió của cuộc đời. Thường thì người con cảm nhận được tình thương của cha khi con bước vào cuộc đời đầy cam go, thách thức, hay khi bóng cha đã khuất cõi dương thế :

Thương cha lam lũ một đời
Tìm trong xa vắng những lời xa xưa
Bồng bềnh gió đẩy mây đưa
Bơ vơ con đứng bóng mưa ngập lòng.

(Nguyễn Ánh Hồng)

Dòng đời cứ lặng lẽ trôi qua, con càng khôn lớn thì cảm nhận ân đức của cha mẹ càng nhiều hơn. Khi đã đủ trí khôn mỗi ngưòi con sẽ thấu hiểu tình thương của cha mẹ biết dường nào, mỗi đứa con sẽ cảm thấy thương cha mẹ mình biết bao nhiêu. Cuộc đời của mẹ cha đã trải qua biết bao sóng gió thăng trầm. Khi con lớn, mái đầu của cha mẹ đã bạc phơ, đôi mắt sẽ mờ đi và tai không còn nghe rõ nữa, thân thể cha mẹ rời rã và lòng con lại trào dâng nỗi lo lắng, sợ hãi trước cảnh đổi thay của dâu bể tang thương. Truyện kể về một vị hiền giả nọ, một hôm phạm lỗi bị mẹ đánh, ông khóc tức tưởi hơn mọi lần. Mẹ ông hỏi: Lần này mẹ đánh ít mà sao con khóc nhiều thế?”. Ông thưa: “Thưa mẹ, những lần trước mẹ đánh con mạnh, con khóc vì đau. Lần này mẹ đánh con ít, ngọn roi nhẹ, tuy ít đau, nhưng con biết sức mẹ đã yếu nên nghĩ vậy mà con đau lòng”.

Đời con càng trở nên trống vắng lạc lõng vô cùng nếu như một ngày kia cha mẹ vĩnh viễn ra đi, bỏ lại thân xác trong nấm mồ cô đơn lạnh lẽo. Lúc đó, lòng con lại dâng trào một nỗi buồn mênh mông sâu lắng:

Thấy bơ lạc lõng dấy trong lòng
Khi chợt nhớ mẹ già không còn nữa.


Ân nghĩa sâu nặng của mẹ cha có thể kết thành những vần thơ tuyệt tác nhất. Và rồi hạnh hiếu được xem là một đức tính cao đẹp nhất để có thể thẩm định giá trị một con người trong lịch sử tồn sinh của nhân loại từ cổ chí kim từ Đông sang Tây. Đức Phật đã nhiều lần tuyên bố rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Ngài đã tự mình là một tấm gương hiếu hạnh sáng ngời và Ngài dạy rằng hạnh hiếu là cội rễ của mỗi điều thiện. Trong kinh Nhẫn Nhục, Phật dạy rằng: “Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cùng cực là bất hiếu”. Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng nói: “Phàm người phụng thờ qủy thần, không bằng phụng thờ cha mẹ, cha mẹ là vị thần tối thượng”. Lời dạy của Đức Phật về hạnh hiếu trong nhiều kinh tập trung về hai điều chính, nếu cha mẹ còn hiện đời thì con phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, khuyến hóa cha mẹ tu tập theo chính pháp để đạt được an lạc giải thoát. Nếu cha mẹ đã lìa đời, người con cần phải tu tập các thiện nghiệp để hồi hướng công đức cho hương linh cha mẹ. Trang Tử khi nhớ đến cha mẹ thì lòng ngậm ngùi. Khổng Tử có hơn ba ngàn đệ tử mà chỉ khen thầy Mẫn Tử: “Chí hiếu thay Mẫn Tử khiên”. Qua đây chúng ta thấy rằng chữ hiếu là một nguyên tắc đạo đức lâu đời của phương Đông.

Có nhiều người con khi vào tuổi trung niên cứ mải mê chạy theo cuộc sống quyền lực, danh vọng bên ngoài nên việc báo hiếu cha mẹ thường có vẻ hẹp hòi, hình thưc, họ xem việc báo hiếu như một gánh nặng trong đời họ:

Tình thương xuôi chảy một miền
Nhưng con nào biết giữ niềm kính yêu
Con nay hầu mẹ tuổi chiều
Nuôi cha dưỡng mẹ ít nhiều kể công.


Công ơn cha mẹ như trời cao thăm thẳm, như bể rộng bao la, dù cho con trọn đời phụng dưỡng song thân, con cũng chưa thể đền đáp đầy đủ thâm ân. Một người có thể thương đủ thứ, tình thương đó bao trùm muôn loài động vật, nhưng nếu người ấy không thương mẹ kính cha thì tình thương ấy e rằng trở thành giả dối. Nếu chưa thực hiện hiếu đạo ngay trong đời sống gia đình với cha và mẹ thì người con chưa xứng đáng là một con người.

Cổ nhân thường hay nhắc nhở con người sớm lo báo hiếu: “Tử dục dưỡng như thân bất đãi”, nghĩa là con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không chờ. Cuộc đời phút chốc cứ thoáng qua, lúc làm con tỉnh ngộ lại lỗi lầm bất hiếu thì hỡi ôi đã quá muộn màng. Sách xưa có dạy: “Thần hồn định tĩnh”. Tức là sớm viếng tối thăm. Cha mẹ rất cần đôi mắt và bàn tay của con yêu, cha mẹ không bao giờ muốn con nói những đường mật dối trá trên đầu môi chót lưỡi, mà cha mẹ chỉ muốn nghe những tiếng lòng chân thành, thổn thức lắng sâu từ trong tâm hồn tha thiết ân tình của đàn con yêu.

Lễ hội Bông Hồng cài áo trong ngày Vu Lan là một dịp để những người con nhớ đến công cha nghĩa mẹ. Áo em được cài hoa hồng nơ xanh, em cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì vẫn còn cha còn mẹ. Nếu áo em được cài một bông hồng nơ trắng thì em chỉ còn mẹ mà mất cha. Ngưòi ta cài lên áo em một bông hồng trắng, nơ xanh thì em vẫn còn cha mất mẹ, có một lần người ta cài lên áo một em nhỏ một bông hồng trắng nơ trắng em tủi thân, đau xót nhìn quanh rồi khóc, mọi người tham dự lễ cũnh khóc theo.  thiết của mẹ hiền kính yêu:

Mẹ ơi, trên vạn nẻo đường
Con đi mới hiểu tình thương mẹ hiền
Đời con xuôi ngược bao miền
Nhưng tình của mẹ là nguồn yêu thương
Vu Lan, kinh gọi ngàn phương
Hiếu ân con trẻ vấn vương trong lòng
Aùo con cài đóa hoa hồng
Thắm tươi tình mẹ như đồng lúa xanh


(Huyền Lan)
Tác giả bài viết: Đồng Thành
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 395
  • Khách viếng thăm: 382
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 91219
  • Tháng hiện tại: 2787396
  • Tổng lượt truy cập: 91678969
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012