Chuyện ít biết về vị "Phật sống" khống chế đại dịch bằng… nước lã

Đăng lúc: Thứ ba - 09/10/2012 19:27 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Phật thầy

Phật thầy

Danh tăng Đoàn Minh Huyên là một trong những vị đạo sĩ đầu tiên đến vùng Thất Sơn – An Giang để tu hành, truyền dạy đức tin, tránh dữ làm lành cho dân chúng.

Danh tăng Đoàn Minh Huyên là một trong những vị đạo sĩ đầu tiên đến vùng Thất Sơn – An Giang để tu hành, truyền dạy đức tin, tránh dữ làm lành cho dân chúng. Trong cơn đại dịch ở An Giang vào năm Kỷ Dậu 1849 người chết nhiều như rạ ngoài đồng, danh tăng Đoàn Minh Huyên đã xuất hiện cứu chữa cho dân khắp vùng.

Về sau ông lập ra phái Bửu Sơn Kỳ Hương do chính ông làm giáo chủ và được người dân tôn kính như một vị “Phật sống” gọi là Đức Phật Thầy Tây An.

Giai thoại “phật sống” khống chế đại dịch bằng… nước lã và khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương

Theo một số tài liệu ghi chép lại, Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên sinh năm 1807, nhưng thưở nhỏ đi tu hành ở đâu thì không rõ. Chỉ biết rằng ông quê ở làng Tòng Sơn (tỉnh Sa Đéc cũ) nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Làng Tòng Sơn xưa kia được xem là một trong những nơi có cảnh trí cực đẹp. Bốn mặt làng có sông nước. Làng nằm giữa như một cánh bèo vểnh tai phiêu bạt, có cá lội, cò bay thanh tú lắm. Nhưng Tòng Sơn cũng là cái vùng sông nước rất lạ.

Nơi đây giống như nơi hội tụ của những dòng nước chảy qua, nước rất sâu và xoáy mạnh như “lòng chảo”. Có lẽ trước đây ở cái làng này cũng không ai để ý đến cái tên Đoàn Minh Huyên.

Vào năm Kỷ Dậu 1849, khi đó đại dịch hoành hành khắp nơi của tỉnh An Giang, trong đó có cả làng Tòng Sơn quê ông. Một ngày mưa gió cuồng phong ập tới khiến cây đa già nằm ngay đầu ngõ vào làng Tòng Sơn bị bật gốc nằm chắn ngang đường.

Bao nhiêu trai tráng lực lưỡng trong làng đều được tập hợp tới để kéo cây đa về một phía, giải phóng lối đi. Nhưng cho dù hàng chục người cố sức vẫn không dịch chuyển được cây đa cổ thụ. Bỗng có một người trung niên, dáng gầy gộc bước đến đám đông kêu mọi người lấy cho ông một sợi dây vàm để ông kéo giúp.

Cả đám đông cười khẩy vì nhìn thấy thân hình ốm yếu của ông. Nhưng ông quả quyết sẽ kéo được cây đa nên mọi người cũng muốn xem thử. Quả thật, chỉ một mình ông kéo sợi dây cột vào thân cây đa già đã kéo được thân cây đồ sộ nằm gọn về một phía.

Mọi người chưa hết ngỡ ngàng và chưa kịp hỏi cao danh thì ông đã đi mất dạng. Về sau người ta mới biết người đàn ông đó chính là Đoàn Minh Huyên.

Vừa dẹp được gốc đa, ông liền vội vã đi cứu người dân đang mắc cơn đại dịch. Dịch tả lây lan, truyền nhiễm khắp nơi. Đầu trên, xóm dưới, đâu đâu cũng có người chết vì dịch tả, chết đến nỗi không kịp chôn. Thiên hạ hoảng sợ, làng xã giết heo bò để …“tống gió” nhưng vẫn không ăn thua.

Ngoài đường vắng người đi, ban đêm chó không dám sủa. Mà thi thoảng có vàì tiếng chó sủa càng làm cho cả làng thêm lạnh xương sống, bởi người ta tưởng tượng là có âm binh về. Hễ nghe tiếng lộp cộp là nhiều người lạnh da gà vì biết trong xóm vừa có một nắp quan tài vừa được … đậy lại.

1

Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên kéo cây đa già ở Tòng Sơn để dẹp đường cho dân đi.

Trong hoàn cảnh khốn khó đó của dân chúng, thầy Đoàn Minh Huyên đã xuất hiện chặn đứng được cơn bệnh. Có điều lạ là ông trị bệnh bằng… nước lã. Chỉ cho người bệnh uống nước lã, giấy vàng, nói pháp và kêu dân niệm Phật mà bệnh được trừ.

Ở đâu có bệnh là có mặt thầy. Trước tiên là ở Tòng Sơn, sau đó là đến Bà Trư, Xẻo Môn và lan ra tận vùng Long Kiến thuộc huyện Đông Xuyên. Chỉ bằng chiếc xuồng gỗ đã mục nát, thầy Đoàn Minh Huyên đi ngược dòng Tiền Giang đến vùng Cả Xoài (nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cất một trại nhỏ để chữa bệnh.

Bất cứ nơi nào thầy đến dân chúng cũng kéo đến đông kín, đến nỗi chính quyền khi đó phát sợ phải tìm cách “cầm chân thầy”. Nhưng hành động này của chính quyền đã gây phẫn nộ trong người dân. Sau một thời gian, nhà chức trách thấy thầy không gây nguy hại gì đến họ nên trả tự do.

Tuy vậy, để tiện việc kiểm soát và theo dõi, họ chỉ định cho thầy Đoàn Minh Huyên vào ở tại chùa Tây An ở Châu Đốc (nay là Tây An cổ tự - gần miếu bà chúa xứ Núi Sam – Châu Đốc – tỉnh An Giang).

Tại chùa, thầy Đoàn Minh Huyên đã cảm hóa được nhà sư già chủ trì chùa thời điểm đó. Nhờ vậy, ngôi chùa này đã thu hút hàng vạn thập phương thiện tín đến cúng viếng, qui y. Vì tôn kính cốt cách giản dị của một đạo sĩ chân tu, người ta nhìn thầy Đoàn Minh Huyên như một vị hoạt Phật (Phật sống) và tôn xưng là Phật Thầy Tây An.

Tuy nhiên, Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên chỉ ở lại chùa Tây An một thời gian ngắn rồi vân du hóa độ chúng sinh. Và cũng chính trong thời gian này ông đến vùng Thất Sơn. Tại đây đã khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, do chính ông làm giáo chủ, thâu nhận đệ tử, lập làng, mở trại làm ruộng và tu hành.

Được biết Bửu Sơn Kỳ Hương cũng có nguồn gốc từ đạo Phật nhưng lại chủ trương giản dị, không hình thức, tu hành là để trở về nguồn cội với bản lai thanh tịnh của Đức Phật. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cũng cất chùa nhưng không thờ cốt phật, chỉ thờ một tấm vải màu đỏ, tượng trưng cho tinh thần trầm mặc vô vi của Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên.

Chùa cũng không gõ mõ tụng kinh, không đầu tròn áo vuông, để tóc bới và vẫn có thể lấy vợ sinh con. Người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có thể tu tại gia, cốt là làm lành, tránh dữ, rửa lòng trong sạch và hằng thực 4 ân lớn: Ân tổ tiên – cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo (Phật, Pháp, Tông) và ân đồng bào – nhân loại.

Lập làng, mở trại ruộng tu hành, sản xuất

Những ngày đầu khi đến vùng Thất Sơn, Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên chọn một trong 7 ngọn núi đẹp trong vùng là Anh Vũ sơn (núi Két) dừng chân. Ngay trên đỉnh ngọn núi này, ông đã cho khai hoang, dở đá. Vì người dân vốn rất tôn kính sự chân tu của ngài nên khi dừng chân ở núi Két đã có hàng ngàn tín độ khắp nơi xin được theo đạo qui y.

Phật Thầy Tây An triết lý tự tu tự độ, tu nhưng vẫn phải lao động sản xuất để có cái ăn và phòng khi hữu sự. Vì thế ngài đã hướng dẫn môn đồ khai hoang nhiều nơi để làm ruộng rẫy. Đức Phật Thầy Tây An đã gieo vào lòng người một niềm tin vô biên.

1

Chân dung Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên – người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Qua huyền diệu của Đức Phật thầy và khả năng tu tĩnh của con người, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương không còn biết sợ một thế lực tà mị nào khác.

Chính vì vậy mà mặc dù trên đỉnh núi Két lúc bấy giờ còn rất hoang sơ với đầy rẫy ác thú, cọp beo và sơn lam chướng khí nhưng Đức Phật Thầy Tây An vẫn tập hợp được tín đồ để lập 2 làng Xuân Sơn và Hưng Thới (nay là xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Lúc mới về Thất Sơn, Đức Phật Thầy huy động nhân dân quanh vùng bày cách khai thác đá sỏi để làm đất bằng mà trồng khoai mì, cấy lúa, dùng nước suối mà tưới tiêu. Ông cho lập ra “3 trại” gọi là: trại ruộng, trại rẫy và trại cưa, để phục vụ canh nông và xây dựng làng mạc.

Tại đây ông lần lượt thu thập nhiều đệ tử, trong đó nổi tiếng có “thập nhị hiền thủ” là 12 vị đệ tử đầu tiên xin quy y với thầy. Công cuộc khai mở đất của đoàn bổn đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở cả hai vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.

Sau khi lập nên các nông trại khẩn đất hoang canh tác lúa nước, nhiều đoàn người được chỉ dụ của Đức Phật Thầy đi sang cánh Đồng Tháp Mười mở đất, truyền đạo. Ông Nguyễn Sơn Đào (Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang), người đang nắm giữ gần nửa ngọn núi Két, nơi Đức Phật Thầy từng lập ra 2 ngôi làng Xuân Sơn và Hưng Thới, cho biết:

“Đức Phật Thầy quan niệm “có làm thì mới có ăn”, mới có sức khỏe để phụng sự nhân dân, đất nước, làm người đương nhiên phải có đạo đức. Do vậy, ông dùng văn thơ để nói về cách sống của người có đạo đức. Sau này, người đời xem những lời thơ văn của Đức Phật Thầy Tây An như giáo lý và sấm truyền.

Nói đến đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thì không thể tách rời Trại Ruộng. Bởi mục đích lập nên các Trại Ruộng của Đức Phật Thầy Tây An là muốn “di dân” đến các vùng đất mới, nơi chưa có dấu chân người để các môn đồ vừa lao động sản xuất và tu tâm dưỡng tánh.

Theo chỉ dụ của Đức Phật Thầy các đệ tử của người dẫn theo các đoàn người chia ra các hướng. Trại Ruộng đầu tiên được lập tại 2 làng Hưng Thới và Xuân Sơn. Đoàn thứ 2 đến Láng Linh, một vùng bùn lầy, mùa lụt như biển cả, mùa hạn thì như bãi đất hoang.

Trại Ruộng tên Bửu Hương Các được cất lên để vừa ở tu, vừa chăm lo khai phá cánh đồng hoang (nay thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Trại Ruộng thứ 3 được dựng lên tại Trà Bồng, về miệt Cần Lố, vùng Đồng Tháp Mười, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Đoàn thứ 4 về miệt Cái Dầu (cũng thuộc huyện Châu Phú) sát hữu ngạn Hậu Giang, nơi có nhiều phù sa. Những người điều khiển nông trại Bửu Sơn Kỳ Hương là các vị đại đệ tử của Đức Phật Thầy như:

Trần Văn Thành (Quản cơ Trần Văn Thành), Đình Tây, Tăng Chủ... Họ là những người đạo đức gương mẫu, giỏi võ nghệ. Về sau các đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An cũng là những nhân vật lưu danh muôn đời.

Theo Lạc Vinh - PNTD

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 276
  • Khách viếng thăm: 267
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 88562
  • Tháng hiện tại: 2813428
  • Tổng lượt truy cập: 88618031
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012