Đảnh lễ Ngài Trí Thuyên – Tôi nhớ Ngài Quang Đạo

Đăng lúc: Thứ năm - 16/10/2014 07:00 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Lần này tôi nói, tôi kể không phải chỉ để cho anh nghe, để cho chị, cho em, cho quý vị nghe như tôi kể cái chết linh thiêng huy hoàng của Ngài Trí Thuyên nữa. Tôi kể để anh, chị, em và quý vị nghe, nghe rồi suy nghĩ, suy nghĩ để rồi hành động, hành động vì chúng ta là Phật tử, chúng ta thọ ơn Đức Phật, chúng ta mang ơn chúng sanh.
Ngài Trí Thuyên của thế kỉ 20 Hoằng Pháp bằng cái Tâm nên nhận được tín tâm và thành kính của Phật tử đối với Tam Bảo. Ngài Quang Đạo của thế kỉ 21 Hoằng Pháp bằng cái Tâm và cái Tầm nên cũng nhận được tín tâm và thành kính của Phật tử đối với Tam Bảo. Thời gian có thể thay đổi, thời thế có thể thay đổi, thân xác có thể thay đổi, nhưng cái Tâm của người Hoằng Pháp bao đời nay vẫn vậy, tín tâm và thành kính đối với Tam Bảo của Phật tử bao đời nay vẫn vậy. Nhưng đời nay, mấy ai tu và hoằng pháp như Ngài Trí Thuyên, Ngài Quang Đạo...?
 

Bảo tháp Ngài Trí Thuyên



Chùa Kim Sơn - Huế
 
Tôi sinh ra tại một vùng quê vắng vẻ. Năm tôi lên 9, tôi theo Ba Mẹ tôi di cư vào thành phố. Vùng quê tôi với truyền thống Đạo Mẫu lâu đời, người ta thờ đủ thứ vị thần nhưng tôi không thấy họ thờ Phật dù vẫn thường thấy họ mở đầu bài khấn vái bằng câu Nam mô A Di Đà Phật.

Có lẽ chăng, sự kiện vào thành phố của gia đình tôi đã mang lại cho tôi một cuộc đời mới hay chính là một sự may mắn, một phước đức lớn lao cho cuộc sống tâm linh của tôi bởi vì tôi được gặp Phật, được gặp Chánh Pháp.

Nhà tôi cách chùa Phước Viên (Biên Hòa) khoảng 5 cây số, những ngày Lễ Tết, Ba Mẹ tôi thường dắt tôi đi ngang qua ngôi chùa này để đến một ngôi chùa khác xa hơn vì ở đó có gieo quẻ và bốc lá số tử vi, còn Phước Viên thì không. Suốt mấy năm trời, trong tôi chỉ nghĩ đến việc “đi ngang qua” Phước Viên, mà không bao giờ nghĩ đến việc “đi đến” Phước Viên. Cho đến một ngày vào năm lớp 6, đứa bạn ngồi cạnh tôi trên lớp rủ tôi đi chùa. Tôi rất bất ngờ khi nghe bạn ấy kể rằng đến chùa được nghe Thầy giảng, được đọc kinh, được ăn cơm, được chơi bời với các bạn. Trước đó tôi chỉ nghĩ rằng đi chùa để thắp hương cầu xin Phật ban Phước cho gia đình ấm êm và cho tôi học giỏi, nghe vậy tôi háo hức lắm!
 

 
Và rồi sau ngày định mệnh ấy, cuộc đời tôi như được tưới tẩm bởi những giọt cam lồ tươi mát! Cho đến tận bây giờ, tức là 12 năm sau cái ngày đầu tiên bước vào Phước Viên, tôi dám quả quyết cho rằng cuộc đời tôi thật Phước Đức thay. Phước Đức cho tôi được làm thân người trọn vẹn, phước đức cho tôi được gặp chúng Tăng. Nhờ chúng Tăng tôi biết được Phật không phải là ông Thần ngồi một chỗ hưởng những hương hoa cúng dường rồi ban ơn, giáng họa. Nhờ chúng Tăng tôi biết được những giáo lý vi diệu của Đức Phật để làm cho cuộc đời tôi bớt khổ đau.

Năm tôi 18 tuổi, tôi xa nhà, xa Phước Viên để phát triển việc học tập ở Huế. Tôi xa Phước Viên 6 năm rồi, càng xa, càng lâu thì tôi lại càng nhớ hình ảnh Phước Viên, với ngôi chùa cổ kính, với Tăng chúng thiệt đông, với Sư Ông hiền từ.

Chiều nay, trong một chiều cuối thu, những cơn gió đầu đông lờn vờn làm cho thời tiết Huế trở nên khó chịu. Tôi lặng lẽ trong góc phòng trọ bé nhỏ, giở những trang Kỉ Yếu Hoằng Pháp Thừa Thiên Huế 2014 để ôn lại những kí ức tuyệt vời có bóng dáng cuộc đời tôi, và tôi được gặp Ngài Trí Thuyên!
 


Chùa Phước Viên - Đồng Nai
 
Tôi gặp Ngài trong từng câu chữ của Thầy Nguyên Tịnh: “Vốn là một ngôi chùa cổ, nên hẳn nhiên Kim Sơn cũng đi qua nhiều biến động lịch sử, thăng và trầm, rực rỡ và hoang tàn, đông đúc và lạnh lẽo... Với  tôi, cái giờ phút huy hoàng nhất của Kim Sơn chính là cái chết của Ngài Trí Thuyên”.

Tôi có duyên lên Kim Sơn một lần, duyên ngắn nên tôi chưa kịp thăm hết Kim Sơn. Tôi cũng từng nghe tên Kim Sơn lừng lẫy một thời, tôi cùng buồn khi thấy Kim Sơn không còn là một Phật học viện, một Đại Tòng Lâm nữa. Tôi nghe danh Kim Sơn, tôi thăm Kim Sơn, tôi buồn Kim Sơn nhưng Ngài Trí Thuyên thì đây là lần đầu tiên tôi “nghe”, tôi “gặp”. Lòng tôi nao nao lắm, tôi lại tiếp tục “theo” Thầy Nguyên Tịnh, để được gặp Ngài Trí Thuyên. Và rồi tôi cũng được gặp Ngài:

“...Kim Sơn mới hình thành là Đại tòng lâm, chưa trưởng thành, chưa vững mạnh thì chiến tranh Việt Nam leo thang với sự trở lại của Pháp, rồi nạn đói hoành hành khắp chốn Thần Kinh năm 1945. Vùng Lựu Bảo thành nơi xôi đậu.Kim Sơn đã trở nên bất an. Tất cả quý Ngài phải tạm rời Kim Sơn để tìm một nơi tu học thuận tiện hơn trong thời cuộc. Chỉ duy Ngài Trí Thuyên xin phép Tăng chúng được tiếp tục ở lại dưới mái chùa thân thương này..... Dẫu sao Trí Thuyên cũng một chết với Phật học viện Kim Sơn mà thôi. Và Ngài quyết định ở lại, chịu đựng, kiên nhẫn đương đầu với khó khăn, hiểm nguy...”

“...Buổi sáng hôm ấy, một toán lính Pháp mở trận càn quét lên Kim Sơn. Bằng lý do gì không ai hay, họ tuyên bố đã tìm thấy vũ khí cất giấu trong chùa.... Ngài phải chết...”

“...Đứng trước một nhóm người đang muốn giết mình, Ngài nhìn rõ từng mặt ngời, Ngài dùng tiếng Pháp để đối thoại. Ngài nói, các anh muốn bắn tôi cũng được, tôi không sợ bị bắn. Tôi chỉ muốn các anh thực hiện một chuyện. Ở truyền thống các anh có lễ cầu nguyện, ở truyền thống chúng tôi có ngồi Thiền, tụng kinh. Vậy trước khi chết, các anh hãy cho tôi ít phút để thực hiện nghi lễ của chúng tôi. Người Pháp khẽ gật đầu,và chờ đợi...”

“...Ngay tại vườn chùa, Ngài ngồi xuống tham thiền trong tư thế kiết già, trang nghiêm điềm nhiên như đây là lần cuối được ngồi xuống. Ngài ngồi thật yên và bình thản....

Người Pháp ngơ ngác nhìn Ngài...Ngài mở mắt thanh bình nhìn mọi người, chắc chắn Ngài có nụ cười hàm tiếu trên cả khuôn mặt hiền từ. Anh chỉ huy giụi điếu thuốc dưới gầm giày khi điếu thuốc cháy được hai phần... Anh nhìn Ngài như một hình bóng gì gắn bó và thân thiết, như tìm thấy tình đệ huynh. Phần người trong anh lên tiếng. Trước Ngài, có cái gì đó hoàn toàn thua trận của uy quyền và súng đạn. Cả không gian và thời gian bỗng trở nên ngưng đọng lại khi Ngài lên tiếng, bằng giọng đều đều, Ngài cười, tôi xong rồi, các anh muốn bắn thì cứ tự nhiên. Vì cái thứ mà người ta gọi là nhiệm vụ, súng phải nổ. Người Pháp hỏi, Ngài muốn chúng tôi bắn ở đâu? Ngài lại cười vô sự, ở đâu mà chẳng giống nhau với một người không còn sợ hãi.

Súng nổ, hai viên đạn đi vào thân xác Ngài, một ở thái dương, một ở phía tim được bắn từ sau lưng tới. Các anh đã không dám đối diện để bắn Ngài. Họ phải đứng một bên, đứng đằng sau, và cúi đầu.”

“Năm ấy Ngài chỉ mới 24 tuổi”.

 
 

 
Tôi vừa đảnh lễ Ngài trước khi viết tiếp những dòng này, tôi không có câu chữ nào để nói được cái chết ấy, cái chết của một vị tu sĩ, cái chết cao cả và linh thiêng, cái chết huy hoàng, huy hoàng như Phật học viện Kim Sơn vậy.

Nhưng điều tôi muốn nói không phải là cái chết của Ngài, cái chết huy hoàng, Kim Sơn huy hoàng. Tôi chỉ kể lại để anh biết, chị biết, em biết và quý vị biết mà thôi, biết rằng có một cái chết huy hoàng như thế! Điều tôi muốn nói đó là quá trình tu học và hoằng pháp của Ngài Trí Thuyên, cũng huy hoàng như cái chết của Ngài vậy.

“Ngày chư Tăng tạm rời Phật học việc Kim Sơn để tìm một nơi tu học thuận tiện hơn trong thời cuộc. Ngài cười trong vẻ nghiêm trang dũng liệt, nói, chúng ta đi hết, ai ở lại lo cho Kim Sơn, ai hướng dẫn cho những Phật tử hiền lành nơi đây tu học? Họ đã cưu mang mình, thì mình phải cưu mang đời sống tâm linh cho họ.”

“Hằng ngày, ngoài giờ tu học trên chánh điện, trên bàn sách, Ngài ra vườn cuốc đất trồng rau.... Nạn đói hoành hành khắp vùng An Ninh Lựu Bảo. Cơm độn khoai sắn rồi mà quý Ngài còn phát nguyện chỉ ăn ngày một bữa, tích góp gạo hằng tuần nấu một nồi háo lớn mang ra đình để phát chẩn cho dân nghèo. Tình cảm thấm sâu ấy không làm sao bà con nơi này qên được, Người quê, đáp lại cái tinh thần ấy bằng sự nỗ lực tu học, đi chùa tụng kinh, phát nương phát rẫy thêm củ sắn củ khoai dâng cúng cửa thiền. Nghèo mà tiếng chuông tiếng mõ vẫn dật dìu ngân vang. Ngày nào quý Ngài đi giảng dạy xa, và toàn là đi bộ, mà về chùa sau một giờ trưa, là ngày đó phải nhịn đói đến trưa hôm sau mới ăn. Quý Ngài phát nguyện và giữ lời nguyện thủy chung keo sơn ấy hết lòng.

Hằng đêm, quý Ngài thay nhau theo thứ tự từ nhà Phật từ này đến nhà đạo hữu khác, mỗi nhà quý Ngài đến tập hợp Phật tử để tụng kinh. Tiếng kinh không chỉ có ở chùa. Lời Đức Thế Tôn có mặt trong từng nhà tranh xóm nhỏ. Nếp văn hóa này mới đẹp biết bao nhiêu...

Cái giọng Quảng nhẹ nhàng của tư chất một giảng sư, hơn nửa thế kỉ sau, những người Phật tử già mỗi lần nghĩ về Kim Sơn, nghĩ về Ngài, vẫn còn nghe rõ ràng đâu đây trong không gian sâu lắng yên tĩnh.”


Tôi lại đảnh lễ Ngài Trí Thuyên lần nữa, tư tưởng Hoằng Pháp của Ngài thật là tuyệt vời. Mà tôi cũng không phải chỉ đảnh lễ riêng Ngài, quý Ngài cùng thế hệ với Ngài, gần như ai cũng thế! Dốc lòng phụng sự Đạo Pháp.

“Gặp” Ngài Trí Thuyên, “nhìn” Ngài Trí Thuyên hoằng pháp, tôi lại nhớ đến Hòa thượng Quang Đạo (viện chủ Tổ đình Phước Viên Đồng Nai). Hai Tỷ Khưu ở hai thế hệ, nhưng sao quý Ngài có những cái nhìn và việc làm hoằng pháp giống nhau quá!

Ngài Quang Đạo nhận chùa Phước Viên khi chùa chỉ là mười hai tấm tôn do mười hai góa phụ phát tâm cúng dường. Chùa nghèo nhưng Ngài vẫn tiếp Tăng, độ chúng và tổ chức tu học cho Phật tử. Thời buổi sơ khai, Ngài trồng sắn, trồng rau, làm mồ, phụ hồ để có tiền nuôi chúng và làm Phật sự.

Trong những năm thập niên 80, kinh tế khó khăn, không ai xây dựng chùa chiền. Nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, một lòng vì đại chúng, ngài phát nguyện xây chùa – ngôi chánh điện rộng rãi khang trang nay vẫn còn, làm nơi tu học cho chư Tăng và Phật tử. Chùa được khởi công đại trùng tu năm 1985 nhưng đến năm 2000, tức 15 năm sau mới làm lễ Hoàn nguyện.

Với thực trạng địa lý, xung quanh chùa được bao bọc bởi 2 vùng đạo Gia Viên và Hố Nai nổi tiếng, nhưng những khó khăn ấy không làm trở ngại tâm nguyện hoằng pháp của Ngài. Tính đến nay đệ tử xuất gia của Ngài đã hơn trăm vị, Ngài chủ trương định hướng: “Đào tạo chư Tăng Học Lý – Quán Chiếu – Tổ chức” để đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam. Sau khi theo học các chương trình Trung, Cao Phật học, nhiều vị đã phát nguyện trụ trì, hoằng pháp ở vùng cao, vùng xa. Những vị tiêu biểu trong công tác hoằng pháp nước nhà là Đệ tử của Ngài như Đại Đức Quảng Hiền, Đại Đức Chiếu Ý, Đại Đức Định Tuệ, Đại Đức Định Viên,...
 

 
Không chỉ chú trọng đào tạo Tăng tài, Ngài còn chú trọng đến Phật tử, đặc biệt là Phật tử trẻ. Ngài tổ chức mô hình Ban Nghi lễ trẻ dựa trên các sinh hoạt của Gia đình Phật tử nhưng không phân biệt cấp bậc và tập trung vào giáo dục những tư tưởng Phật giáo từ thấp đến cao.

Thuở mới thành lập, Ngài đã không ngại khó khăn về địa lý, cùng với nhiệt huyết của những Phật tử thân cận, Ngài đã tạo dựng hơn 40 nhóm Nghi lễ từ trung tâm Thành phố Biên Hòa, kéo dài tới vùng Hố Nai Trảng Bom, đa phần là tuổi trẻ và thanh niên.

Hằng tuần, vào tối thứ 7, các Phật tử tập trung tại một nhà trong nhóm, cùng với chư Tăng tụng kinh bái sám và vấn đáp Phật Pháp. Trong lòng những xứ Đạo, tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh vẫn đều đều của tinh thần Phước Viên, chẳng khác nào tiếng chuông mõ đều đặn của Tòng Lâm Kim Sơn giữa những mùa bom đạn vậy!

Sáng chủ nhật hằng tuần, là thời gian tập trung tất cả các nhóm về chùa, nhỏ thì theo lớp nhỏ, lớn thì theo lớp lớn, già thì theo lớp già, chẳng phân biệt đơn vị, đến chùa là huynh đệ là bà con, thân thiết nhau như nước với sữa. Được nghe giảng cùng nhau, được tu tập cùng nhau, được ăn cơm cùng nhau, được ngủ nghỉ cùng nhau. Mô hình đào tạo của Ngài quả thật tuyệt vời khi hướng đến sự kết nối nhau giữa các Phật tử. Hôm vừa rồi tôi về thăm Ôn, Ôn nói: “Chừ cứ đến chủ nhật là chùa mình như ngày hội”. Tôi chỉ biết mỉm cười hoan hỉ mà thôi.

Tôi vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên đến chùa, cùng các bạn ở các đơn vị khác nghe chị lớn kể về Lòng hiếu chim Oanh Vũ, nghe Thầy Giảng về Công ơn Cha Mẹ trong Kinh Vu Lan báo hiếu, nghe Ngài dạy hát bài Mầm măng. Ngài lúc ấy da ngăm đen, gầy nhưng không yếu, giọng Ngài dõng mãnh và trầm ấm, dáng dấp Ngài như vị La Hán, Ngài có đôi chân mày dựng ngược. Giữa chúng tôi và Ngài có khoảng cách bởi sự tôn kính nhưng không có xa cách về thế hệ. Ngài truyền lửa cho chúng tôi bằng tất cả tâm tình của một vị Thầy làm công tác hoằng pháp. Mỗi câu nói: “các con có rõ không!”, lũ chúng tôi đều đồng thanh: “Mô Phật dạ rõ”.
 

 
Chính bởi những tâm huyết ấy, Ngài không chỉ có những vị đệ tử Tăng tài, mà Ngài còn có những vị Phật tử giỏi và tâm huyết với Phật sự. Vậy nên, mỗi sự kiện của Tổ đình Phước viên, Tăng chúng và Phật tử cùng phối hợp tổ chức nên luôn tạo nên những thành tựu, những âm vang trong lòng đại chúng!

Tôi nhớ những ngày mưa mùa hạ, những ngày đẹp đầu xuân, Ngài lặng lẽ đến thăm các nhóm Nghi lễ, sách tấn và động viên các Phật tử. Chính lẽ đó mà khi nhắc đến Ngài, ai ai trong hàng Phật tử cũng khởi lên một lòng tôn kính.

Ngoài việc đào tạo chư Tăng và hướng dẫn Phật tử tại bổn tự, Ngài còn hướng đến đào tạo Tăng tài cho nước nhà, Ngài chính là vị Thầy, vị Giáo sư của bao thế hệ Tăng sinh Đồng Nai cũng như cả nước. Sau bao năm thành lập, trường Trung cấp Phật học Đồng Nai không có trụ sở riêng, Ngài đứng ra cùng các vị khác phát tâm xây dựng trường Trung cấp Phật học.

Khi trường Trung cấp Phật học Đồng Nai gần xong thì Ngài lâm trọng bệnh, ai ai cũng buồn bởi nghĩ Ngài sẽ quy Tây, nên làm lễ khánh thành sớm. Nhưng Ngài vẫn còn tại thế đến bây giờ và kể lại rằng: “Khi ấy Ôn nguyện với Phật để Ôn sống mà xây xong hai cái trường rồi Ôn đi”. Bây giờ trường TCPH Đồng Nai 2 cơ sở Tăng Ni riêng biệt, quy mô khang trang rộng rãi đã khánh thành 2 năm nay rồi, nhưng Ôn vẫn còn trụ thế và tham gia công tác Trưởng ban Hoằng Pháp kiêm Hiệu phó học vụ trường TCPH tỉnh nhà, vẫn thuyết pháp cho Tăng ni và Phật tử mặc dù tuổi đã cao sức đã yếu rồi. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy được cái Tâm và cái Tầm của Ngài.
 

 
Ngài Trí Thuyên, Ngài Quang Đạo, hai con người, hai thế hệ, nhưng đều chung một cái Tâm và cái Tầm. Chính nhờ cái Tâm và cái Tầm của quý Ngài nhất mực hết lòng truyền trao chánh Pháp, nên biết bao chúng sanh trong cõi Diêm Phù này từ ấy mà bớt khổ!

Lần này tôi nói, tôi kể không phải chỉ để cho anh nghe, để cho chị, cho em, cho quý vị nghe như tôi kể cái chết linh thiêng huy hoàng của Ngài Trí Thuyên nữa. Tôi kể để anh, chị, em và quý vị nghe, nghe rồi suy nghĩ, suy nghĩ để rồi hành động, hành động vì chúng ta là Phật tử, chúng ta mang ơn Đức Phật, chúng ta thọ ơn chúng sanh. Ngài Trí Thuyên của thế kỉ 20 Hoằng Pháp bằng cái Tâm nên nhận được tín tâm và thành kính của Phật tử đối với Tam Bảo. Ngài Quang Đạo của thế kỉ 21 Hoằng Pháp bằng cái Tâm và cái Tầm nên cũng nhận được tín tâm và thành kính của Phật tử đối với Tam Bảo. Thời gian có thể thay đổi, thời thế có thể thay đổi, thân xác có thể thay đổi, nhưng cái Tâm của người Hoằng Pháp bao đời nay vẫn vậy, tín tâm và thành kính đối với Tam Bảo của Phật tử bao đời nay vẫn vậy. Nhưng đời nay, mấy ai tu và hoằng pháp như Ngài Trí Thuyên, Ngài Quang Đạo...?
 


 
Tác giả bài viết: Tuệ Phương
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 591
  • Khách viếng thăm: 584
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 81559
  • Tháng hiện tại: 2044331
  • Tổng lượt truy cập: 90935904
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012