Đừng nói lời thị phi, đừng để thị phi làm phiền não

Đăng lúc: Thứ năm - 22/01/2015 21:41 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Cổ ngữ nói: “Việc thấy trước mắt còn e không đúng với sự thật, thì lời nói sau lưng đâu đáng để tin”.Cổ ngữ nói: “Kinh mục chi sự do khủng vị chân, bối hậu chi ngôn khởi túc thâm tín; nhĩ khả đắc văn, khẩu bất khả đắc ngôn dã”. Câu này có nghĩa: “Việc thấy trước mắt còn e không đúng với sự thật, thì lời nói sau lưng đâu đáng để tin”.

noi-xau

Cho nên sự thị phi tai có thể được nghe, nhưng miệng không nên nói. Tiếng thị phi lắm khi phát xuất từ sự nghi lầm, hiểu lầm, nghe lầm, rồi ở trong nhà nó là hình con chuột, khỏi cửa ngõ nó biến thành hình con dê, ra tới ngoài đường lại hóa thành hình con trâu.

Nguyên khởi thật không có chi, nhưng khi đồn đãi đến người thứ mười, thì người đồn lần thứ nhất nghe cũng phải kinh sợ! Nhiều khi tiếng chê bai lại có do lòng hơn thua ganh ghét, với sự cố tâm trả oán, hoặc dìm kẻ có nhiều phương diện hơn mình.

Tánh ưa nói nhiều và tâm tật đố kị thị phi, nhất là phái nữ, rất dễ khởi phạm; khi họ kính thương, thì người đó mau thành tiên Phật, lúc họ khinh ghét, kẻ ấy cũng dễ hóa yêu ma. Một sư cụ thuộc bậc tiền bối đã nói: “Mấy bà, mấy cô có nhiều đức tin hơn phái nam, việc hành đạo phần đông siêng năng tinh tấn. Nhưng công đức tu niệm được bao nhiêu, đều bị cái miệng nó đốt hết cả!”.

Với ý niệm ngăn những điều lầm lỗi của thị phi để giữ gìn cho công đức tu hành không bị hủy tổn và tránh những ác báo về sau, xin dẫn lời hay của người xưa, cho đến lời răn dạy của Phật tổ để cùng nhau khuyên nhắc.

Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới nói: “Nếu Phật tử nào, tự miệng rao nói tội lỗi của Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia, Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni; hoặc bảo người rao nói tội lỗi; hoặc từ nhân, từ duyên, từ cách thức, cho đến từ nghiệp, rao nói những tội lỗi trong Phật pháp; Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội”.

Lại nói: “Nếu Phật tử tự phô dương tài đức của mình mà dìm chê điều hay tốt của người, làm cho người bị khinh chê; Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội”. Lại nói: “Chúng sanh mỗi ngày ba nghiệp tạo vô lượng tội, nhứt là khẩu nghiệp” (đại lược). Đức Thế Tôn từ bi chỉ đường tội phước rõ ràng, mà hàng Phật tử chúng ta bởi quá si mê, nên có nhiều người đã lãng quên; vì lòng tật đố thị phi, gây biết bao khẩu nghiệp.

Cổ ngôn có câu: “Ngã khuy nhơn thị họa, nhơn khuy ngã thị phước”. Câu này hàm ý nghĩa: “Ta làm tổn người là họa, người làm tổn ta là phước”. Đối với người tu, khi bị kẻ khác thị phi khinh báng, nên sanh tâm nghĩ rằng: kẻ ấy là người đem phước đến cho mình.

Tại sao thế? Bởi chúng ta từ vô thỉ đến nay gây ra tội chướng vô biên, nếu bị một lời khinh chê, tất được giảm bớt một phần tội nghiệp. Đó chẳng phải là điều phước lợi cho mình ư? Còn kẻ khinh báng tất sẽ chịu quả khổ, ấy là lẽ dĩ nhiên; bởi họ mê lầm tự chuốc lấy tai họa.

Lại để chỉ rõ thế nào là chân tu, cùng tư cách của bậc chân tu, xin dẫn chứng thêm một đoạn trong bài kệ Vô Tướng, Kinh Pháp Bảo Đàn của đức Lục Tổ: “Nếu là bậc chân tu/ Không thấy lỗi của đời./ Nếu như thấy lỗi người/ Mình chê, là kém dở!/ Người quấy, ta đừng quấy/ Ta chê, tự có lỗi./ Muốn phá tan phiền não/ Hãy trừ tâm thị phi/ Thương ghét chẳng để lòng/ Nằm thẳng đôi chân nghỉ!” (Pháp Bảo Đàn Kinh, Vô Tướng kệ).

Những hàng con Phật, hoặc xuất gia hoặc tại gia, đều tự xem mình là người tu hành lo đạo. Nhưng làm thế nào biết được ai là chân tu, giả tu?

Về điều này, đức Lục Tổ đưa ra một cách giảo nghiệm rất đơn giản, Ngài bảo: “Nếu là bậc chân tu, không thấy lỗi của đời”. Mà thật thế, bậc chân tu luôn luôn tự nhìn để sửa lỗi, trụ nơi tịch định; dứt hẳn lòng ngã nhơn phân biệt, có tâm tư đâu nghĩ đến việc hay dở tốt xấu của người!

Kẻ giả tu trái lại, tâm nhơn ngã hơn thua ganh ghét dẫy đầy, mở miệng ra là phê bình chỉ trích, nói điều hay dở của thế gian; rất cách xa với đạo. Bởi thế, khi còn thấy lỗi người rồi khinh báng chê bai, tất nhiên tỏ ra mình đã kém dở trước nhất, vì tâm hãy còn vọng động phân biệt, thiếu đức trí huệ từ bi, sẽ chiêu cảm lấy tội báo về sau.

Người quấy mặc người, ta đừng quấy, nên học bậc trí nhơn, để lòng trong sáng như gương, việc sắp đến không đón trước, việc đã qua chẳng luyến mơ, tâm linh sáng suốt bình đẳng khắp mọi nơi, sẽ có sự diệu ứng vô cùng! Nếu động niệm ganh ghét, nói lời khinh chê, thì bên trong chân tánh đã bị nhiễm ô, bên ngoài lại chuốc lấy việc oán thù tranh chấp, sự sai lầm tội lỗi càng thêm.

Cho nên muốn được an nhàn khỏi phiền não, đừng phê luận việc phải quấy của người. “Nằm thẳng đôi chân nghỉ”, tức là cảnh giới đại giải thoát, chỉ cho sự tham học đã xong, đói thì ăn, mệt nằm ngủ.

Bậc chân tu luôn luôn có lập trường sáng suốt vững chắc, không quan tâm đến sự khen chê thương ghét bên ngoài. Như thuở xưa Nghĩa Thanh thiền sư, sau khi đắc pháp với ngài Phù Sơn, đến ngụ nơi chùa của Viên Thông Tú hòa thượng.

Tuy ở trong đại chúng nhưng sư không tham thiền hỏi đạo, mỗi ngày chỉ nằm ngủ. Vị tăng chấp sự đem việc ấy bạch lại. Ngài Viên Thông cầm tích trượng đến tăng đường, thấy sư đang nằm nhắm mắt liền quở: “Nơi đây không có thừa cơm gạo để cho thượng tọa ăn rồi nằm ngủ”.

Sư nói: “Thế thì hòa thượng bảo tôi phải làm gì?”. Thông hỏi: “Sao không đi tham thiền?”. Đáp: “Thức ngon chẳng giúp gì cho người đã ăn no”. Hòa thượng bảo: “Có nhiều người không bằng lòng thượng tọa.” Sư nói: “Giả sử bằng lòng, thì tôi sẽ được gì?”.

Thấy lời nói khác thường, ngài Viên Thông hỏi tiếp: “Thượng tọa đã từng tham kiến vị nào?”. Đáp: “Tôi từ nơi ngài Phù Sơn đến đây”. Hòa thượng nói: “Thảo nào ông lại chẳng cứng đầu”. Liền nắm tay nhau cả cười, rồi đi về phương trượng.

Sau Nghĩa Thanh thiền sư nối pháp cho ngài Đầu Tử Ngung. Vào hôm mùng bốn tháng năm, niên hiệu Nguyên Phong thứ sáu đời Tống, thiền sư tắm gội rồi lên pháp tòa từ biệt đại chúng, lưu bài kệ xong, liền buông bút tọa hóa.

Như Nghĩa Thanh thiền sư tác phong phóng khoáng, sống chết tự do dường ấy, có phải Ngài đã lãnh hội câu: “Thương ghét chẳng để lòng. Nằm thẳng đôi chân nghỉ” đó ư?

Niềm tôn trọng thương xót khiến thêm lớn phẩm lành, tâm khinh mạn chê bai, lại đi vạch nói việc thị phi của người, chỉ tổn phước đức mình và đa mang phần khổ lụy. Cho nên người biết tu, hằng thủ phận, lo xét ngó vào mình để tự sửa chữa. Trái lại, mình còn nhiều lầm lỗi mà không xét nghĩ, lại đi vạch nói chê bai người là kẻ chưa ý thức về việc tu.

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Sưu tầm
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 525
  • Khách viếng thăm: 517
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 73422
  • Tháng hiện tại: 2163443
  • Tổng lượt truy cập: 91055016
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012