Giàu hay nghèo đều có nỗi khổ riêng

Đăng lúc: Thứ bảy - 03/06/2017 07:34 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Hai giới giàu nghèo tuy có cuộc sống khác nhau, một bên có nhiều tiền bạc của cải, một bên thiếu thốn mọi bề; nhưng họ đều có chung một điều là sự khổ đau vì luôn bị sự giàu nghèo làm cho dính mắc. Thiếu thốn vật chất thì muốn có được đầy đủ, khi có rồi thì sợ hao hụt, mất mát nên bằng mọi cách cố gắng gìn giữ, do đó phát sinh tham lam, bỏn sẻn.
Những người giàu có ta đừng tưởng họ sung sướng, hạnh phúc. Có khi họ còn khổ sở hơn người nghèo bởi tiền bạc, của cải nhiều không mang lại cuộc sống an vui, hạnh phúc. Tâm người giàu luôn lo sợ bị mất mát của cải, vật chất họ đang có nên họ khổ. Cũng vậy, những người nghèo lại quá khó khăn nên cuộc sống luôn vất vả, nhọc nhằn mà không có một ngày no đủ. Chính vì vậy, nỗi khổ, niềm đau đối với họ là lẽ đương nhiên.
 
Trong hai hạng người giàu và nghèo thuộc giới cư sĩ tại gia chúng ta vẫn nhìn thấy nhiều gương người tốt, việc tốt với tinh thần dấn thân, đóng góp, phục vụ vì lợi ích cộng đồng xã hội. Họ có thể làm vua, làm thủ tướng, làm giám đốc, làm bác sĩ, làm luật sư, làm giáo viên, hay chỉ là những người dân bình thường với đủ thứ ngành nghề khác; nhưng nhìn kỹ vào việc làm của họ ta mới biết họ là những vị Bồ tát đem chất liệu bình an đến cho tha nhân, họ sống thương người, giúp đời một cách bình đẳng mà không bao giờ nghĩ đến quyền lợi riêng tư.
 
Đó là những vị Bồ tát theo tinh thần của Kinh Pháp Hoa mà chúng ta cần phải thấu suốt để cùng hợp tác trên bước đường tu học chuyển hóa tham-sân-si. Thế giới con người chúng ta luôn có những vị Bồ tát như vậy thì xã hội mới giảm bớt sự tối tăm, mờ mịt. Các vị Bồ tát luôn hiện thân ở đời với nhiều hình thức để ủng hộ, duy trì, gìn giữ Phật pháp; đem nước mát từ bi rưới khắp nhân gian nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.

Đối với hai hạng người tại gia giàu và nghèo Phật cũng tùy theo căn cơ mà hướng dẫn cho họ tu học để được lợi lạc. Người giàu có tượng trưng cho chư Thiên đã tạo quá nhiều phước ở đời trước nên đời này được hưởng phước báu đầy đủ tiện nghi vật chất.
 
Người nghèo vì không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia trong nhiều đời nên hiện tại phải chịu quả báo thiếu thốn, khó khăn. Nếu người giàu ỷ lại mình có nhiều phước báo mà vui chơi sa đọa thì đến khi phước hết họa đến cũng chịu nhiều bất hạnh, khổ đau. Cũng vậy, tuy nghèo trong hiện tại nhưng nhờ biết tin sâu nhân quả mà ta cố gắng làm lành, tránh dữ thì trong tương lai cũng có thể chuyển được kiếp nghèo khó và ngày càng hoàn thiện chính mình.
 
Nhưng cuộc sống của thế gian nếu có hạnh phúc lắm cũng chỉ là tạm bợ trong 3 cõi 6 đường luân hồi-sinh tử. Vì lòng từ bi vô hạn Phật chỉ ra những phương pháp cho người tại gia dù giàu hay nghèo đều được học hỏi và tu tập để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc lâu dài.
 
Xã hội ngày nay có rất nhiều vị Bồ tát ủng hộ xây chùa, in Kinh, đúc tượng, truyền bá Phật pháp và giúp đỡ người bất hạnh, khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Một phần nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền các cấp cho phép và nhất là các cư sĩ Bồ tát tại gia hoan hỷ, vui vẻ, hết lòng đóng góp, hỗ trợ nên mọi việc mới được thực hiện tương đối dễ dàng.
 
Đối với những Bồ tát chọn cuộc sống tại gia để hộ trì Tam bảo Đức Phật hướng dẫn con đường tu Nhân thừa siêu thoát. Đó là 5 giới pháp nhiệm mầu giúp chuyển hóa si mê, tối tăm, mời mịt thành trong sáng, hiện thực bằng tấm lòng từ bi rộng lớn.
 
Đức Phật thường quan tâm thương xót đến hai hạng người giàu và nghèo tại gia để tìm cách giúp đỡ họ vượt qua biển khổ sông mê, hướng họ đến đời sống thánh thiện bằng cách quy hướng Tam bảo và thọ trì 5 giới pháp.
 
Hai giới tại gia và xuất gia sống tốt đẹp như vậy nhờ biết kết hợp hài hoà làm cho đạo Phật được phát triển và hưng thịnh. Nếu chỉ có giới xuất gia tu học mà không có người tại gia ủng hộ tích cực về mọi phương diện thì đạo Phật sẽ không thể phát triển rộng rãi được.
 
Ngược lại, giới tại gia hết lòng hộ trì Phật pháp nhưng không có các bậc hiền Thánh Tăng tu học chân chính để hướng dẫn, chỉ dạy thì cũng không thể làm cho đạo Phật được duy trì lâu dài. Phật giáo thịnh hay suy là do ý thức tu học của mỗi người biết kết hợp hài hoà giữa đạo và đời để làm lớn mạnh thêm sự yêu thương bình đẳng bằng trái tim hiểu biết.
 
Việc thực hành 5 giới và 10 điều thiện lành giúp chúng ta sống có nhân cách đạo đức tốt mà hoàn thiện chính mình. Song, bên cạnh đó ta phải biết kết hợp hài hoà với Tam thừa giải thoát là Thanh văn (nhờ nghe Phật thuyết pháp mà tu tập pháp Tứ Đế khổ-tập-diệt-đạo và 37 phẩm Bồ đề mà được giải thoát), Duyên giác (còn gọi là Bích Chi Phật- Những bậc Thánh sinh vào thời không có Phật, nhờ tu pháp 12 nhân duyên vô minh-hành-thức-danh sắc-lục nhập-xúc-thọ-ái-thủ-hữu-sinh-lão-tử mà chứng đạo giải thoát ra khỏi sinh tử) và Bồ tát (bậc Thánh tu nhân-thiên đạo và giải thoát đạo, nghĩa là giải thoát khỏi sinh tử mà vẫn không lìa sinh tử để có thể hóa độ những chúng sinh có duyên).
 
Hàng Thanh văn, Duyên giác chỉ tu lợi ích cho mình nhiều hơn mà ít đi vào đời để dấn thân đóng góp và giúp đỡ, sẻ chia. Chính yếu vẫn là hàng Bồ tát xuất gia và Bồ tát tại gia với thân-miệng-ý thanh tịnh, trong sáng nhờ biết buông xả phiền não tham-sân-si mà làm lợi ích cho đời với tinh thần chia vui sớt khổ bằng tình người trong cuộc sống. Thế gian này nếu thiếu hai hạng Bồ tát vừa kể trên sẽ là bãi chiến trường đẫm máu vì sự tham lam, ích kỷ của con người.
 
Trong hàng Tam thừa Phật giáo Bồ tát vẫn hơn Thanh văn và Duyên giác về công hạnh độ tha bền bỉ, lâu dài; nhưng chúng ta lại thường nghĩ 2 giới người tại gia tu là Nhân thừa và Thiên thừa (tu giữ 5 giới và làm 10 điều lành để có thể tái sinh cõi người hay cõi trời) thấp hơn giới Tam thừa giải thoát (tu để giải thoát khỏi luân hồi sinh tử) của người xuất gia.
 
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, con người là quan trọng chính yếu vì tất cả sự thay đổi nơi thế gian để mở mang, phát triển nhằm phục vụ lợi ích cho nhân loại đều từ bàn tay, khối óc con người mà nên. Chúng ta có được an vui, hạnh phúc, được vật chất đầy đủ không phải để an hưởng cho riêng mình mà phải sẵn sàng chia vui sớt khổ vì lợi ích chúng sinh.
 
Phật dạy trong 6 đường luân hồi sống chết con người là một chúng sinh cao cấp hơn hẳn các loài khác nhờ biết suy nghĩ, tư duy sáng suốt mà phân biệt đúng-sai nên dễ thành tựu hạnh sẻ chia và buông xả viên mãn với nhiều hình thức độ sinh. Bồ tát Quán Thế Âm ứng hiện nhiều thân, nhất là ở Việt Nam đâu đâu cũng thờ Ngài dưới hình tướng một người nữ mà không thờ dưới hình thức thầy tu.
 
Ta tu theo hạnh Bồ tát lợi tha để thành tựu Phật đạo thì phải dấn thân chia sẻ và nâng đỡ mọi người vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời để sống bình yên, an vui và hạnh phúc. Cho nên, trong số người đời ta có thể biết được ai là Bồ tát hiện thân, tức là người có lòng từ bi, có trí tuệ và luôn đóng góp, giúp đỡ, sẻ chia, làm được những việc khó làm.
 
Chúng ta xuất gia có thực phẩm tiêu dùng hằng ngày và được yên ổn tu hành thì phải nhớ đến những người đã tạo ra thực phẩm, những người giữ an ninh trật tự, những đàn na tín thí hỗ trợ, đóng góp mà luôn cố gắng, nỗ lực tu hành chuyển hóa phiền não tham-sân-si, trên cầu quả Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh.
 
Các vị Bồ tát đi vào đời dưới nhiều hình thức xuất gia lẫn tại gia mà phát nguyện thành tựu Phật đạo bằng con đường hành Bồ tát đạo sẽ tái sinh trở lại để dấn thân đóng góp và làm việc phục vụ lợi ích tha nhân. Có vị là chân tu thạc đức, có vị làm vua, làm tướng, làm người nữ, người nam hay đủ mọi hình tướng, hoàn cảnh để phục vụ nhân loại. Hai chúng Bồ tát xuất gia và Bồ tát tại gia hợp tác với nhau mật thiết thì Phật sự dễ dàng thành tựu theo chiều hướng tốt đẹp.
 
Riêng Phật giáo Nam tông hay Phật giáo nguyên thủy của người Việt Nam thì không thọ giới Bồ tát. Giáo lý được phân làm hai truyền thống theo địa lý truyền thừa và được gọi là Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông. Phật Giáo Bắc tông theo khuynh hướng phát triển lời Phật, còn Phật Giáo Nam tông theo khuynh hướng bảo thủ nguyên xi lời Phật và các Thánh Tăng đệ tử thuyết trong 5 bộ Kinh truyền thống.
 
Truyền thống Bắc Tông và Nam Tông có những khác biệt. Tuy nhiên, những khác biệt ấy không cơ bản. Trái lại, những điểm tương đồng lại rất cơ bản. Cả hai đều nhìn nhận Ðức Phật Thích ca là bậc Ðạo sư, đều chấp nhận và hành trì giáo lý Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, Duyên khởi...; đều chấp nhận Tam pháp ấn Khổ-Không-Vô ngã; đều chấp nhận con đường tu tập Giới-Ðịnh-Tuệ.
 
Tuy nhiên, Nam tông có khuynh hướng giải thoát ngay tại kiếp này bằng cách đạt Niết Bàn ngay trong đời hoặc nếu tu chưa đạt thì tiếp tục tu trong các lần tái sinh kế tiếp cho tới khi viên mãn. Phái Bắc tông thì theo Bồ Tát Đạo, là đạo không đạt Niết Bàn ngay hiện tại mà tu các hạnh Ba La Mật cho đến vô số kiếp rồi mới thành Phật Chánh Đẳng Giác như Phật Thích Ca.
 
Chúng xuất gia chuyên học hỏi, tu tập, thuyết pháp giảng Kinh, xây dựng con người đạo đức, tâm linh. Chúng tại gia hộ trì Tam bảo và cùng chúng xuất gia tu tập chuyển hóa và hỗ trợ lẫn nhau. Hai chúng tại gia và xuất gia phải biết cách hợp tác để làm lợi ích cho đời, nhưng phải có tu tập mới chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Vì vậy, để tránh hai cực đoan trên các vị Bồ tát tùy theo tâm nguyện mà làm nhà sư, làm thủ tướng, làm kẻ trồng trọt hoa màu hay làm nhà kinh doanh… để hỗ trợ nhau cùng thành tựu Phật pháp.
 
Chúng xuất gia giữ gìn Chánh pháp của Phật và tu tập làm gương cho nhân thế, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn giúp mọi người thoát ra biển khổ sông mê mà làm người có ích. Tấm gương sáng của người xuất gia là không kẹt vào danh vọng, lợi dưỡng, tiền bạc và sự cung kính. Họ là người tu theo hạnh giác ngộ, giải thoát nên muốn ít biết đủ, sống đời đơn giản, đạm bạc. Giới cư sĩ tại gia thì hộ trì Chánh pháp, giúp Tam bảo trường tồn ở thế gian và duy trì giống nòi nhân loại. 
 
Tác giả bài viết: Thích Đạt Ma Phổ Giác
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 895
  • Khách viếng thăm: 883
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 97724
  • Tháng hiện tại: 2707818
  • Tổng lượt truy cập: 91599391
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012