Lên vùng cao A Lưới

Đăng lúc: Thứ bảy - 26/04/2014 04:41 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Từ một nơi hãi hùng thời chiến tranh, một nơi trắc trở bởi núi cao, vực sâu, đường đèo cheo leo, cứ mùa mưa bão là sạt lỡ, một nơi địa bàn dân cư nhiều dân tộc khó tiến triển đồng đều, dân thưa, canh tác khó khăn; bây giờ, trước mắt tôi là một A Lưới vào xuân, hứa hẹn một cuộc sống mới ấm bụng, ấm lòng, trong đó đạo Phật thực sự đem lại an lạc cho mỗi người, và an dân cho đất nước. Mong sao cho những mùa mưa bão sắp đến, quốc lộ 49 chịu đựng gan lỳ để đảm bảo huyết mạch lưu thông không bị đứt đoạn, và để cho những người xa lạ với chốn núi rừng được đến nơi chắc chắn là đẹp, là hùng vĩ, là dân tình dễ thương.
Cho đến gần đây, tôi mới đặt chân đến A Lưới, huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, dầu tôi ở Huế, chỉ cách A Lưới khoảng 70 cây số. A Lưới nằm biệt lập trên vùng cao, sát với nước Lào ở phía Tây, là nơi đầu nguồn của sông Hữu Trạch, chảy về ngã ba Bằng Lãng thì hợp lưu với sông Tả Trạch để thành Sông Hương. A Lưới thông thương với Huế bằng quốc lộ 49 cheo leo hiểm trở, chưa phải là địa danh để dân thành thị đi chơi. Nhưng càng ngày trong tôi càng dậy lên ước muốn đến đó cho được, nơi mà từ thời chiến tranh ác liệt là nổi ám ảnh hãi hùng, để xem bây giờ cuộc sống ra sao, và tôi cứ tin rằng, hiểm trở là tất nhiên rồi, nhưng chốn non cao ở đâu cũng đẹp, người cũng lành.
 
Quốc lộ 49 lên A Lưới thênh thang đường nhựa hơn tôi tưởng, càng lên cao thì rừng núi càng bát ngát cây xanh, nhiều đoạn đường đèo uốn lượn rất ngoạn mục. Qua các địa danh Bình Thành, Bình Điền – một thời là vùng kinh tế mới khó khăn, vùng mà cán bộ công nhân viên đi trồng khoai, sắn theo phong trào sau năm 1975 – bây giờ nhìn từ đường quốc lộ, nhà cửa khang trang, ẩn trong vườn cây xanh tốt. Vì đây là con đường huyết mạch của A Lưới nên Nhà nước đầu tư kỹ lưỡng, hiện nay những nơi bị sạt lỡ trong mùa mưa bão thì được làm kè gia cố, thậm chí có đoạn đường đèo phải chỉnh lại hoặc phải thay một đoạn đường mới cho an toàn hơn. Khi tôi đi vào mùa xuân Giáp Ngọ vừa qua, nơi đây là công trường dang dở, nhiều nơi còn ngổn ngang, nhưng bây giờ tôi nghe đường đã hoàn thành.

Xe qua khỏi Bình Điền thì quang cảnh thượng du rõ nét, không thấy phố, thưa dần bóng người. Hun hút con đường vào rừng cây, rồi đến đường đèo, núi cao, vực sâu. Phần còn lại của 70 cây số trông thăm thẳm, khiến ai đó trên xe nôn nao: “Răng mà lâu ri?” Không sao, chẳng qua vì mình đi lần đầu, hơi hãi một chút; nhưng kìa, Sơn Thủy đây rồi, cửa ngỏ của thị trấn A Lưới đây rồi, với đường nhựa rộng rãi, phong quang, chạy dài tít tắp, ở giữa có dải phân cách trồng cây. Đi mươi phút nữa là đến Sơn Nguyên, trung tâm của thị trấn A Lưới. Ngôi chợ bề thế, hàng hóa dồi dào, trường học, cơ quan đàng hoàng như ở thành phố, như phố huyện miền xuôi. Người các dân tộc Tà Ôi, Pa-cô, Cơ-tu, Pa-hy… ở các bản sâu, còn tại thị trấn, người dân tộc hòa lẫn vào người kinh, cùng đảm đương công việc như người kinh, nhiều nơi đã nắm vị trí lãnh đạo. Tôi không có điều kiện để tìm hiểu cuộc sống một cách rộng rãi, tôi chỉ có thiện duyên được đến A Lưới vào ngày rằm tháng Giêng để được sống trong không khí trang nghiêm và thân tình của buổi lễ cầu an đầu năm mới với đồng bào Phật tử, một nghi lễ vốn đã thiêng liêng với Phật tử Huế từ bao đời nay, lại càng có ý nghĩa đối với Phật tử tại nơi xa xôi này.
 


Phái đoàn Gia đình GS Cao Huy Thuần thăm Niệm Phật đường Sơn Thủy
 
Niềm hân hoan đầu tiên của chúng tôi là được ngắm ngôi chùa, khang trang, thanh tịnh, chánh điện khá rộng, tôn tượng Quán Thế Âm thanh thoát, tôn trí ngoài trời. Ngôi chùa, đồng thời cũng là Niệm Phật đường Sơn Thủy, có đạo tràng khá đông. Trong không khí ấm áp đầu xuân, chúng tôi được lạy Phật cùng với các bác, các anh chị đạo hữu, các em trong Gia đình Phật tử. Không chỉ dừng chân ở ngôi chùa này, chúng tôi còn được hướng dẫn thăm Niệm Phật đường và đạo tràng Sơn Nguyên, cũng trong không khí đầm ấm, trang nghiêm của lễ cầu an đầu năm. Niệm Phật đường ở đây đang mượn tạm nhà một Phật tử, một ngôi nhà mái tôn khiêm tốn.

Nơi xa, không ngờ chúng tôi gặp được người như là cố nhân, vốn đã dấn thân đấu tranh trong Pháp nạn 1963, đã tâm tình: “Đời tôi nay về già, nguyện vọng được thấy trên vùng cao này một ngôi Tam Bảo đàng hoàng đã đạt được, rứa là quá vui!” Trong các dịp đại lễ, không những Phật tử của huyện về dự, mà các cơ quan, ban, ngành, kể cả các quý vị chức sắc về hưu cũng đến dự, kinh cũng như thượng.

Hơn bất cứ nơi nào, ở đây, ngôi chùa duy nhất này là trái tim, các Niệm Phật đường phải là mạch máu lưu thông đến các bộ phận của cơ thể. Thế là sau Sơn Thủy ở cửa ngỏ A Lưới, Niệm Phật đường Sơn Nguyên ra đời ở trung tâm A Lưới, dầu trụ sở khó khăn. Cả hai nơi, đạo tràng đông đủ, trang nghiêm, thanh tịnh, đón thầy về làm lễ cầu an đầu năm. Quý biết bao Niệm Phật đường, nơi lan tỏa đạo pháp, ngôi nhà tâm linh, ngôi nhà thứ hai của các đạo hữu vùng cao!

Niệm Phật đường không chỉ lo cho các bác, các anh chị trong đạo tràng, lo nghi lễ thường xuyên, mà đã nghĩ đến môi trường vui chơi cho trẻ dưới ánh đạo vàng: Mỗi nơi đều có Gia đình Phật tử, có Đoàn quán hẵn hoi, đã sinh hoạt nền nếp như bất cứ Gia đình Phật tử đã có truyền thống, quy tụ nhiều em tham gia.

Thế còn đồng bào dân tộc có đến với đạo Phật hay không? Lẫn trong màu áo lam đạo tràng, có các khuôn mặt của các Phật tử người dân tộc, các bác khuôn hội cho biết như vậy. Tôi tin dần dần trong quá trình làm quen vào nếp sống đô thị, người dân tộc sẽ đến với đạo Phật, không phải ồ ạt theo phong trào, mà với ý thức rằng mình đến một cách tự do, không bị o ép, không bị mua chuộc, để họ bắt đầu có căn cơ hơn, có nền nếp hơn, nếu khuôn hội lan dần đến các vùng dân cư xa hơn, quý thầy cô thăm viếng nhiều hơn, hiểu văn hóa của họ nhiều hơn để biết cách sống với họ, song song với hoạt động nhân đạo và từ thiện. Đồng bào dân tộc giữ cho được vốn quý thật thà, không tham sở hữu, không nhận của không cho, nếu thấm nhuần hương đạo, niềm tin không bị lung lạc, thì tốt biết mấy!
 


Thăm Niệm Phật đường Sơn Nguyên
 
Ngôi chùa không chỉ là cơ sở tôn giáo mà còn là địa chỉ văn hóa, giáo dục, nhất là ở vùng đất mới, khó khăn. Tôi khâm phục Ban Trị sự Phật giáo huyện A Lưới đã thành lập thư viện và phòng đọc sách khang trang trong chùa, với khá nhiều sách. Ngày tôi đến thăm, đã 11 giờ, thế mà những em học sinh vẫn mượn sách và đọc sách tại chỗ. Mong sao thư viện tiếp nhận nhiều sách và tạp chí Phật giáo để làm món ăn tinh thần cho mọi người, cũng như tiếp nhận những sách cần thiết cho thanh thiếu niên, cho học sinh để hỗ trợ cho việc giáo dục và bồi dưỡng văn hóa cho lớp trẻ. Tôi được biết các ngày lễ lớn: ngày Tết, ngày Phật đản, Vu Lan báo ân cha mẹ,… chùa là nơi hội vui tập trung, nhờ thế đạo Phật càng gần hơn với dân. Trong niềm vui như thế, Phật tử ở nhiều xã muốn thiết trí lễ đài và cổng chào vào dịp Phật đản năm này.

Từ một nơi hãi hùng thời chiến tranh, một nơi trắc trở bởi núi cao, vực sâu, đường đèo cheo leo, cứ mùa mưa bão là sạt lỡ, một nơi địa bàn dân cư nhiều dân tộc khó tiến triển đồng đều, dân thưa, canh tác khó khăn; bây giờ, trước mắt tôi là một A Lưới vào xuân, hứa hẹn một cuộc sống mới ấm bụng, ấm lòng, trong đó đạo Phật thực sự đem lại an lạc cho mỗi người, và an dân cho đất nước. Mong sao cho những mùa mưa bão sắp đến, quốc lộ 49 chịu đựng gan lỳ để đảm bảo huyết mạch lưu thông không bị đứt đoạn, và để cho những người xa lạ với chốn núi rừng được đến nơi chắc chắn là đẹp, là hùng vĩ, là dân tình dễ thương.
 
Cao Huy Hóa
Tháng 3-2014
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 356
  • Khách viếng thăm: 287
  • Máy chủ tìm kiếm: 69
  • Hôm nay: 97724
  • Tháng hiện tại: 2711273
  • Tổng lượt truy cập: 91602846
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012