Ngục tù của đời sống

Đăng lúc: Thứ tư - 02/10/2013 03:38 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Bất cứ ở đâu có điều kiện (để ngục tù xuất hiện) và có dấu hiệu cho thấy ngục tù đang hiện hữu của thì ngay chỗ đó phải có mặt của dukkha. Bạn nên quan sát để thấy rằng bất cứ loại và hình thức dukkha nào cũng đều có đặc tính ngục tù ở trong đó. Bị bắt bớ, giam cầm, câu thúc, gặp những khó khăn và phiền muộn, đều là những đặc điểm của dukkha. Nếu bạn hiểu được điều này, bạn sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của những gì chúng ta gọi là "upadana" (dính mắc, chấp thủ). Bất cứ nơi đâu có upadana, ngay tại đó ngục tù. Chính "Upadana" tự thân nó đưa đến những điều kiện của ngục tù.

Hôm nay, tôi sẽ nói về cái được gọi là “ngục tù”.  Nó sẽ giúp cho chúng ta hiểu  cái được gọi là “cuộc sống” rõ hơn.  Rồi chúng ta sẽ hiểu về Pháp (Dhamma)  tốt hơn. 

Điều  này sẽ giúp cho chúng ta sống một cuộc sống không còn  dukkha, (bất toại nguyện, đau đớn , căng thẳng, khổ não) . Vì vậy, hôm nay  tôi sẽ nói về cái được gọi là "ngục tù." Các bạn hãy chuẩn bị tinh thần để lắng nghe cho kỹ. 

Bất cứ ở đâu có điều kiện (để ngục  tù xuất hiện) và có dấu hiệu cho thấy ngục tù đang hiện hữu của thì ngay chỗ đó phải có mặt của dukkha. Bạn nên quan sát để thấy rằng bất cứ loại và hình thức dukkha nào cũng đều  có  đặc tính ngục tù ở trong đó.  Bị bắt bớ,  giam cầm, câu thúc, gặp những khó khăn và phiền muộn, đều là những đặc điểm của dukkha. Nếu bạn hiểu được điều này,  bạn sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của những gì chúng ta gọi là "upadana" (dính mắc, chấp thủ). Bất cứ nơi đâu có upadana, ngay tại đó ngục tù. Chính "Upadana" tự thân nó đưa đến  những điều kiện của ngục tù. 

Bất cứ nơi nào có upadana, ngay tại đó có sự trói buộc. Sự trói buộc này có thể là tích cực hay tiêu cực, cả hai đều trói buộc như nhau. Bằng cách đánh giá sự vật và dính mắc vào chúng  như  là "tôi" và "của tôi," sự trói buộc xảy ra. Khi dính mắc với một cái gì đó, chúng ta bị  kẹt trong đó, giống như bị mắc kẹt trong nhà tù. 

Toàn bô Giáo pháp của Phật giáo có thể được tóm tắt: Upadana là nguyên nhân của khổ; khổ bắt nguồn từ upadana. Tất cả chúng ta phải nắm được vấn đề này của upadana. Để  cho dễ hiểu, chúng ta phải thấy  rõ nó giống hệt như một nhà tù - một nhà tù tinh thần, một nhà tù tâm linh. Chúng ta đến đây để nghiên cứu, học hỏi Giáo pháp và thực hành  thiền định (ổn định và thanh tịnh tâm ) và vipassanā (minh sát, nội quán) để  diệt upadana. Hoặc, nếu chúng ta nói theo lối ẩn dụ, chúng ta nghiên cứu, học hỏi Giáo pháp và phát triển tâm để tiêu diệt cái nhà tù tại đang giam hãm chúng ta. 
Chúng ta đang nói về một nhà tù tinh thần hay nhà tù tâm linh, nhưng nó có cùng nghĩa  như một ngôi nhà tù bằng bê tông. Nó giống như các nhà tù chắc chắn mà những tù nhân đang bị giam cầm trong đó ở khắp  nơi, nhưng bây giờ chúng ta đang nói về một nhà tù thuần về  mặt tinh thần. Nhà tù này khá là kỳ quặc hoặc khác thường vì  chúng ta không thể nhìn thấy chất liệu trong đó của nó với cặp mắt thường. Có gì lạ lùng hơn thế chứ khi người ta tình  nguyện để  được nhốt vào trong nhà tù này. Mọi người  thực sự vui mừng để đi vào và bị nhốt trong ngôi nhà tù tinh thần này. Đây chính là  việc vô cùng quái gỡ của ngôi  nhà tù tinh thần hay nhà tù tâm linh. 

Giải thoát là sự cứu rỗi khỏi ngục tù 

Các bạn phải nhớ  từ "sự cứu rỗi" hay "sự giải thoát" được sử dụng trong tất cả các tôn giáo. Mục tiêu cuối cùng của tất cả các tôn giáo là sự cứu rỗi, hoặc là sự  giải thoát, hoặc bất cứ từ gì thích hợp nhất trong mỗi ngôn ngữ. Nhưng tất cả những từ này đều mang nghĩa như nhau – được cứu. Tất cả các tôn giáo đều dạy về sự cứu rỗi. Tuy nhiên, chúng ta được cứu thoát khỏi cái gì? Chúng ta được cứu thoát khỏi nhà tù tinh thần. Điều mà tất  các bạn muốn và  thậm chí cần ngay lúc  này là cái được gọi là "tự do", đó là, nói một cách đơn giản, thoát khỏi nhà tù. Cho dẫu đó là một nhà tù vật lý, nhà tù vật chất hay  là một nhà tù tâm linh, nhà tù tinh thần;  ý nghĩa đều  như nhau. Trong mọi trường hợp, chúng ta muốn được tự do. 

Những người kém trí tuệ chỉ có thể thấy và sợ những nhà  tù vật lý, vật chất. Nhưng người có trí tuệ (pañña), có cái nhìn sâu sắc hơn sẽ thấy  cái ngục tù tâm linh còn nguy hiểm và khủng khiếp nhiều, nhiều hơn thế nữa .  Thực sự, chúng ta thấy rằng không phải ai cũng dễ dàng bị giam cầm trong các nhà tù thông thường, trong khi đó mọi người trên thế giới đều  đang bị  kẹt trong cái ngục tù tâm linh. Thí dụ, mỗi người đang ngồi tất cả đây,  không ai bị giam trong cái nhà tù thông thường, nhưng tất cả các bạn đều đang bị  giam hãm  trong cái nhà tù tâm linh. Điều thúc đẩy chúng ta  quan tâm đến  Dhamma (Pháp), đến việc  thực hành Dhamma và thực tập sự phát triển  tâm linh, chính là sự bức bách và bị buộc phải giam hãm trong cái nhà tù tâm linh này. Cho dẫu bạn có nhận biết  được điều này hay không  cũng chẳng quan trọng, nó  vẫn bắt  chúng ta, bất kể là ai,  phải  vùng vẫy và tìm  cách thoát khỏi cái nhà tù tâm linh này.  Nó đang buộc tất  cả các bạn - dầu cho  các bạn có nhận thức được hay không -  là phải đi tìm sự tự do về mặt tinh thần. Do đó mà  các bạn mới tìm đến đây cũng như  các nơi khác  tương tự như nơi đây. 

Mặc dầu cái đang giam cầm chúng ta đây chỉ có mỗi một thứ duy nhất, cụ thể  là upadana, nhưng ngục tù đó lại có nhiều dạng khác nhau. Có đến hàng chục kiểu và loại ngục tù . Nếu chúng ta bỏ thời gian để tìm hiểu về từng loại một, nó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ  hiện tượng này  hơn. Rồi chúng ta sẽ  hiểu upadana rõ hơn, và chúng ta cũng sẽ hiểu rõ  tanha (tham ái) và kisela (phiền não trong tâm) hơn, những thứ  mà theo lời dạy của  Đức Phật là  gây ra dukkha. Chúng  sẽ hiểu được vấn đề của dukkha  một khi chúng  ta hiểu rõ ràng và thông suốt  vấn đề của ngôi nhà tù (tâm linh). 

Tôi muốn khuyên các bạn nên dùng danh từ Pāli “Upadana” , thay vì dịch ra là sự chấp thủ, dính mắc.  Các danh từ được chuyển ngữ thường bị hiểu lầm. Lúc này các bạn có thể  chưa hiểu nó trọn vẹn , nhưng hãy cố gắng dùng từ Upadana này  để cho quen miệng, đồng thời cho  tâm và cảm xúc của  bạn cũng quen dần với nó.  

Chúng ta phải hiểu rằng cốt lõi của Phật giáo  là diệt tận upadana. Cốt lõi của Phật giáo là thoát khỏi  sự trói buộc upadana, hay làm giảm bớt nó.  Và rồi sẽ không còn ngục tù,  và cũng  chẳng còn  dukkha.  

Chúng ta tốt hơn nên dùng từ upadana.  Nghĩa của nó rộng hơn và sẽ giúp cho chúng ta nhìn vào vấn đề này sâu sắc hơn và rộng hơn.  

Tinh hoa duy nhất của Phật giáo 

Có thể  đó chỉ là một từ đơn giản, nhưng upadana là điều quan trọng nhất. Cốt lõi của Phật giáo  là  nhổ tận gốc  hoặc làm giảm bớt cái upadana này. Rồi thì đau khổ sẽ  chấm dứt. Hãy hiểu rằng đây là cốt lõi  của tất cả mọi hình thức Phật giáo, nó được tìm thấy trong mọi truyền thống  và tông phái. Phật Giáo Nguyên Thủy, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Thiền tông (Zen), Phật giáo Tây Tạng, bất kỳ hình thức Phật giáo nào  mà bạn thích, chúng chỉ  khác nhau về tên gọi hoặc khác nhau về mặt nghi lễ và cách thực hành-  xét về hình thức bên ngoài. Nhưng nội dung bên trong thì tất cả đều giống nhau : Cắt đứt upadana. 

Đừng buồn, đừng thất vọng hay lo âu, đừng tạo thêm rối rắm cho chính mình bằng cách  nghĩ rằng mình không thể để nghiên cứu tất cả các tông phái của Phật giáo. Đừng lo lắng nếu bạn đã không thể  nghiên cứu Phật giáo ở Tây Tạng, ở Sri Lanka, Miến Điện, Trung Quốc, hoặc ở bất cứ nơi nào. Đó là một sự lãng phí thời gian.  Tất cả các hình thức Phật giáo đều chỉ có một loại tinh hoa hoặc cốt lõi duy nhất , cụ thể là, diệt trừ upadana. Các nhãn mác Nguyên Thủy, Đại Thừa, Thiền tông, Phật giáoTây Tạng, và Trung Quốc chỉ phản ánh lớp vỏ bọc bên ngoài của cái làm cho chúng ta thấy dường như  có nhiều loại Phật giáo khác nhau.  Nếu có bất kỳ sự khác biệt nào, chúng  chỉ đơn thuần nằm trên bề mặt, chỉ là một số các nghi thức và nghi lễ khác nhau được tom góp lại . Cốt lõi thực sự của vấn đề, cốt lõi  của Phật giáo, ở đâu cũng giống nhau:  Diệt tận hoặc làm giảm bớt  upadana. 

Vậy thì, chỉ cần  nghiên cứu, học hỏi một điều này thôi. Đừng lãng phí thời gian buồn phiền hay nghĩ ngợi về việc  mình  chưa nghiên cứu, học hỏi  hết tất cả các hình thức Phật giáo khác nhau. Hãy nghiên cứu, học hỏi một việc duy nhất: Chặt đứt upadana, vậy là đủ. 

Nếu bạn thực sự muốn biết về Phật giáo Đại thừa như một nhà chuyên môn, bạn sẽ phải đi học tiếng Sanskrit.  Có thể bạn phải dành gần như trọn đời của mình để học tiếng Sanskrit và  thực sự vẫn chẳng biết  được điều gì.  Hoặc nếu bạn muốn biết rõ về Thiền tông (Zen), bạn sẽ phải học tiếng Trung Quốc.  Bạn bỏ ra cả đời để học tiếng Trung Quốc và cuối cùng bạn cũng chẳng biết gì về Zen cả.  Để biết Kim Cang thừa (Vajrayana) hay Phật giáo Tây Tạng, bạn sẽ phải học tiếng Tây Tạng.  Việc chỉ học các ngôn ngữ không thôi cũng đã khiến cho các bạn mất đi gần hết cuộc đời, tuy nhiên các bạn thực sự cũng chẳng học được gì. 

Bạn vẫn chưa đi vào cốt lõi của đạo Phật . Những điều kể trên chỉ là những mặt nổi được gợi  lên như  là những diễn biến mới (nếu các bạn  nghiên cứu, học hỏi Phật theo hướng bao quát) . Hãy hiểu thực chất của  tất cả các vấn đề đó  và chỉ cần học  mỗi một việc là chặt đứt upadana. Khi đó bạn sẽ hiểu được cốt tủy  của đạo Phật, cho dẫu nó được  dán  nhãn mác là  Đại thừa, Nguyên thủy, Thiền tông hoặc Kim cang thừa. Cho dầu nó đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc  ở từ bất cứ một nơi nào khác, tất cả chỉ tựu trung vào một điểm này thôi: Chặt  đứt upadana. 

Ngay cả  chỉ trong mỗi truyền thống  Phật giáo Nguyên thủy không thôi  cũng đã có nhiều hình thức thực hành khác nhau. Có rất nhiều phương pháp  tu tập. Chẳng hạn phương pháp hành thiền của  Miến Điện, nơi mà người ta quan sát bụng phồng lên và xẹp xuống. Có những phương pháp thực hành khác dựa trên các câu chú (mantra) như "Samma Araham" và "Buddho, Buddho", và nhiều phương pháp khác. Nhưng nếu đó là những phương pháp thực hành  đúng, cốt lõi của mỗi phương pháp  chính xác phải luôn luôn tựu trung vào một vấn đề: Sự cần thiết để diệt tận upadana. Nếu phương pháp đó chẳng dính dáng gì đến việc loại trừ upadana, thì đó không phải là một  phương pháp chân chính, và  nó cũng chẳng mang lại sự hữu ích hoặc  lợi lạc nào cả. Vậy thì  tại sao chúng ta  lại không quan tâm đến việc chặt đứt upadana;  hoặc, nếu chúng ta muốn nói theo lối ẩn dụ, là phá huỷ cái nhà tù (tâm linh) ? Do đó, tốt nhất  là chúng ta nên nói về  cái ngục tù này. 

Nhận ra nó từ bên trong 

Nói một cách chính xác nhất, chúng ta sự không thể học hỏi từ kinh điển, từ kỹ thuật, hoặc từ những lời dạy khác nhau nếu chúng ta muốn thực sự thành công. Để thực sự gặt hái được sự lợi lạc một cách thành công, chúng ta phải học  ngay trên chính tự thân của sự vật, cụ thể là  cái nhà tù thực - nghiên cứu, học hỏi ngay trên dukkha thực sự  hay ngay trên chính tự thân của cái nhà tù.  Vì vậy, chúng ta tốt hơn là nên kiếm  tìm ra cho được cái nhà tù này. 

Tại điểm này, chúng ta  phải đối mặt với hai sự lựa chọn: Các bạn sẽ nghiên cứu học hỏi từ bên ngoài hay bạn sẽ nghiên cứu, học hỏi từ bên trong? Sự khác biệt là rất quan trọng. Đức Phật dạy rằng chúng ta phải nghiên cứu, học hỏi từ bên trong. Việc nghiên cứu,  học hỏi từ bên ngoài là từ sách vở, nghi lễ, nghi thức, và đại loại những thứ như vậy. Tất cả mọi thứ mà chúng ta phải học, Đức Phật đã dạy, là từ cơ thể (thân) khi nó vẫn còn đang sống. Điều đó có nghĩa là một cơ thể sống, với một cái tâm đang sống, chứ không phải  là một cái thân, một cái tâm đã chết. Đó  chính là nơi mà sự nghiên cứu, học hỏi  thực sự diễn ra, vì vậy hãy học ở đó. Hãy tìm hiểu từ bên trong, có nghĩa là học bên trong con người của chính các bạn  khi  vẫn còn sống, trước các bạn khi chết. Các nghiên cứu, học hỏi từ bên ngoài, học hỏi từ sách vở,  từ  những nghi lễ và nghi thức  khác nhau ,thực sự chẳng giúp cho các bạn  đạt  được điều gì có giá trị. Vì vậy, chúng ta hãy nghiên cứu, học hỏi từ  ở bên trong. Hãy nhớ những từ này  "học ở bên trong." 

Huấn luyện tâm bằng thiền định (samadhi) và minh sát (vipassana), tức là phát triển chánh niệm với hơi thở (anapanasati bhavana) như chúng ta đang làm tại đây,  là sự học hỏi từ bên trong. Để thực hành sự nghiên cứu, học hỏi bên trong đó, cần phải có nhiều kiên trì và  nhẫn nại, nhưng cũng chẳng phải  là quá nhiều đâu.  Trong thực tế, so sánh với một số môn mà những người khác đang tập luyện, thí dụ như các môn thể thao cao cấp, thể dục dụng cụ, và nhào lộn, thì việc rèn luyện  thiền định và minh sát thì không khó bằng. Tuy nhiên, người ta vẫn có đủ sự nhẫn nại và bền chí để luyện tập những  môn như vậy. Chỉ cần có sự nhẫn nại vừa phải và chúng ta có thể  thực hành thiền định  và vipassanā  qua chánh niệm về hơi thở. Một số người đã không  chịu nổi, và đã chạy biến còn chúng ta thì đã có đủ sự nhẫn nại để đi được đến đây. Nếu chúng ta tiếp tục thêm một chút nữa, chúng ta sẽ thành công  và sẽ nhận được những sự lợi lạc  đích thực. Vậy,  các bạn áp dụng chính bản thân mình vào việc nghiên cứu, học hỏi  bên trong này và làm việc ấy với sự  kham nhẫn, nhẫn nại vừa đủ. 

Cuộc sống tự bản thân nó là ngục tù
 

Dùng lối nói  ẩn dụ sẽ  giúp cho chúng ta hiểu được vấn đề chúng ta đang thảo luận  dễ dàng hơn, vì vậy chúng tôi sẽ sử dụng chúng tại buổi pháp thoại này  trong ngày hôm nay.

Do đó, chúng tôi sẽ dùng  các ẩn dụ để nói chuyện trong ngày  hôm nay. Ngục tù thứ nhất mà các bạn phải tìm cho ra để quan sát đó chính là cuộc sống này. Nếu các bạn nhìn cuộc sống như một nhà tù, và nhìn nhà tù đó đúng như nó thực là, thì chúng tôi phải nói rằng các bạn đã biết được chân lý  thiên nhiên khá rõ. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều nhìn cuộc sống như là một cái gì đó thú vị,  như là một cơ hội để để vui chơi . Họ sẵn sàng sống để hưởng thụ cuộc sống. Thế rồi họ trở nên mê đắm  và bị cuốn hút vào  cuộc sống.  Điều  này làm cho cuộc sống trở thành  ngục tù. 

Nếu chúng ta thấy cuộc sống như một nhà tù, chúng ta chắc hẵn đã phải nhìn thấy upadana ( sự chấp thủ, dính mắc) với cuộc sống này. Nếu chúng ta  chưa nhìn thấy upadana với  cuộc sống, chúng ta sẽ không thấy được rằng cuộc sống này  là một nhà tù và chúng ta sẽ bằng lòng với ý nghĩ rằng cuộc sống này  là một thiên đường thay vì là  ngục tù . Điều này là do bởi  trong cuộc sống có rất nhiều thứ  làm cho chúng ta thỏa mãn , và chúng  đã lừa phỉnh  chúng ta và làm cho chúng ta mê đắm. Tuy nhiên,  bất cứ cái gì mà chúng ta thấy thỏa mãn, dễ chịu, hấp dẫn, và mê đắm   thì trong đó cũng đều có sự hiện diện  của upadana . Đây chính là ngục  tù của chúng ta. Chúng ta  yêu thích  một  thứ gì đó với một mức độ nào đó thì nó sẽ  trở thành  ngục  tù đối với chúng ta -  chí ít cũng bằng với mức độ  mà ta yêu thích-   vì upadana.  Đây là một loại upadana tích cực.  Khi chúng ta ghét một cái gì đó, hoặc không thích một cái gì đó, đó  sẽ là  một loại upadana tiêu cực -  cũng là một thứ ngục tù . Bị đánh lừa và bị làm mê muội  bởi upadana-  cho dẫu là upadana  tích cực hoặc tiêu cực- đều là ngục tù. Và ngục tù đó  biến cuộc sống thành dukkha.

Ngoài ra, chúng ta  có thể thấy  rằng khi có upadana trong cuộc sống,  cuộc sống sẽ trở thành ngục  tù. Và như vậy, khi không có upadana, cuộc sống sẽ không còn là một nhà tù nữa. Các bạn có thể thấy được  điều này ngay bây giờ, ở đây, cho dẫu có hay không có upadana trong cuộc sống của bạn.  "Cuộc sống của tôi là  ngục tù hay không phải là ngục tù ? Tôi  đang sống/ hay không đang sống  trong ngục từ của upadana?" Mỗi bạn phải xem xét một cách cẩn thận vào trong tự thân mình  và phải thấy thật  rõ ràng rằng cuộc sống có phải là ngục tù dành cho bạn hay không? Bạn có một nhà tù hay không? Bạn có đang sống trong nhà tù đó hay không? Nếu không, tại sao chúng ta đến đây để hành thiền, để tu dưỡng tâm trí? Về bản chất, mục tiêu và mục đích thực sự của việc phát triển tâm linh là sự  phá hủy  các nhà tù của chúng ta. Cho dẫu các nghiên cứu, học hỏi và việc thực hành của bạn có thành công hay không, cho dẫu  bạn có thể phá hủy được  nhà tù hay không, lại là một vấn đề khác.   Tuy nhiên, mục tiêu và mục đích thực sự của chúng ta  là để phá hủy cái ngục tù của cuộc sống này.

Hãy xem xét việc này một cách cẩn thận. Nếu chúng ta không nhận ra upadana, chúng ta  sẽ bị giam hãm  trong tù mà không hề nhận biết cái nhà tù. Chúng ta đang mắc kẹt trong nhà tù mà không hề biết cái nhà tù đó. Hơn nữa, chúng tôi hài lòng và mê đắm cái ngục  tù đó, cũng giống như chúng ta đang mê đắm  và hài lòng với cuộc sống. Vì chúng ta đang  mê đắm và hài lòng với cuộc sống, chúng ta bị giam hãm  trong nhà tù của cuộc sống. Chúng ta sẽ  làm gì để nó không  còn là một nhà tù nữa? Đây là câu hỏi mà chúng ta phải trả lời một cách cẩn thận, và chính xác nhất.

Làm thế nào để chúng ta có thể sống để cuộc sống không phải là một ngục tù? Điều này có nghĩa là bình thường, hoặc tự nhiên, cuộc sống không phải là ngục tù, mà do chúng ta tự  biến nó thành ngục tù  thông qua upadana. Do vì vô minh, vì mê muội, vì  thiếu hiểu biết đúng đắn của chúng ta, chúng ta mới có upadana với  cuộc sống. Cuộc sống sau đó sẽ  trở thành ngục tù đối với chúng ta. Ở  Thái , chúng tôi có một cụm từ vừa thô vừa mang tính chỉ trích, "som nam na man” đại loại có nghĩa là, "Đáng đời mày lắm" Cuộc sống không phải là ngục tù hay thứ gì đại loại như vậy , nhưng  qua sự mê muội của chính chúng ta , do vô minh (avijja)  chúng ta tạo ra upadana và rồi nhà tù hiện hữu. Chúng ta có thể nói gì ngoài  "som nam na man, đáng đời mày lắm."

Nếu các bạn thành công trong việc thực hành  định niệm hơi thở (Anapanasati-bhavana) bạn sẽ hiểu rõ cuộc sống, các bạn sẽ hiểu rõ  upadana  và các bạn sẽ không có bất kỳ upadana nào  trong cái  được gọi là "cuộc sống"  này. Sau đó thì cho dẫu  nhà tù đang diễn ra có hoại và diệt đi, nhà tù mới cũng sẽ chẳng còn sinh khởi. Cuộc sống này đây  mới có giá trị nhất, nhưng ai là kẻ  được nó hay không  lại là một vấn đề khác. Hãy cố gắng để hiểu  sự thật này, và các bạn  nên phải như vậy. Điều này sẽ là động lực để giúp các  bạn chuyên tâm vào việc phá hủy ngục tù với lòng nhiệt tâm và sự kiên nhẫn của mình.

Một cách để nhìn vào sự thật  này là quan sát để thấy rằng cuộc sống phải tiếp diễn theo các quy luật tự nhiên, hoặc thấy rằng  bản thân chúng ta phải sống phù hợp với quy luật tự nhiên. Chúng ta phải tìm kiếm thức ăn, phải rèn luyện, phải nghỉ ngơi và thư giãn, phải làm việc để duy trì cuộc sống của chúng ta: Chúng ta phải làm những việc này và tất cả những việc khác mà  chúng ta đã  biết quá rõ.  Các bạn không thể không làm chúng.  Chúng ta buộc phải làm chúng. Đây cũng là một loại ngục tù.  Việc mà chúng ta phải luôn luôn phải làm theo các quy luật tự nhiên là một loại ngục tù. Làm thế nào để  chúng ta trốn  thoát cái nhà tù đặc biệt này?

Tại sao chúng ta bị giam hãm trong cái nhà tù phải sống theo quy luật tự nhiên này? Nhà tù này đến từ upadana của chúng ta  liên quan đến chính chúng ta , hoặc liên quan đến cuộc sống của chúng ta.  Khi có upadana ( sự chấp thủ, dính mắc) với chính chúng ta , thì cái "tôi," hay tự ngã được sinh ra. Cái "tôi" này lo âu, lo lắng, hoảng sợ và sợ hãi về những nhiệm vụ, bổn phận theo quy luật  tự nhiên, và do đó bị chúng làm cho chúng ta đau khổ. Những khó khăn này đến từ upadana. Nếu chúng ta  không có upadana với  cái “ tôi", thì các nhiệm vụ, bổn phận  cần thiết sđối với chúng ta sẽ không giống như ngục tù. Chúng ta có thể để chăm lo cho các nhu cầu của chúng ta, kiếm sống, rèn luyện để  chăm sóc cho cơ thể mà không bị  khổ sở - nếu chúng ta không có bất kỳ upadana đối với cuộc sống. Điều này rất là vi tế, đó là một sự bí ẩn đối với hầu hết mọi người. Đây là sự vi tế của chân lý thiên nhiên. Làm thế nào để chúng ta có thể sống mà không có dukkha  đối với sự thật rằng mọi thứ trong cuộc sống này phải được thực hiện phù hợp với quy luật tự nhiên?
 

Bản năng là ngục  tù

Nhà tù  kế tiếp để xem xét là chúng ta sống dưới sự tác động  của bản năng. Chúng ta bị quyền lực của bản năng chi phối. Tất cả các sinh vật sống, cho dù  là người, động vật hay thực vật, đều có bản năng. Bản năng liên tục buộc chúng ta phải  làm theo những ham muốn và nhu cầu của chúng. Điều này đặc biệt đúng đối với các bản năng về  tình dục hay sinh sản. Nó kiểm soát,  quấy rầy,  kích động  và gây rối rằm cho  chúng ta nhiều như thế nào? Những cảm xúc về mặt  tình dục và  sự sinh sản không ngừng thôi thúc chúng ta, siết chặt chúng ta, đàn áp chúng ta, làm phiền chúng ta,  chúng bức bách chúng ta thông qua mọi loại khó khăn. Nhưng chúng ta lại không thể dừng lại. Đôi khi chúng ta lại thích nó như vậy. Con cái của chúng ta lớn lên và trưởng thành đến giai đoạn bản năng tình dục chín muồi và rồi đứa trẻ lại bị giam hãm trong ngôi nhà tù của bản năng tình dục này.

Cuối cùng, ngay cả những bản năng cùa sự khoe khoang, phô trương cũng điều khiển cuộc sống của chúng ta. Nhiều người không cho khoe khoang  là một bản năng, nhưng tất cả các loài động vật đều có bản năng này. Sự cần thiết phải gây ấn tượng, khoe khoang, phô trương  bản thân là một bản năng. Ngay cả thú vậy cũng muốn gây ấn tượng rằng chúng  đẹp,hay mạnh mẽ, hoặc nhanh nhẹn, hoặc đủ thứ. Chúng ta muốn gây ấn tượng và được tự hào. Nếu khoe khoang, phô trương không phải là ngục tù, nó tuyệt đối đã  không tạo sự thúc ép  và bức bách  đối với chúng ta đến vậy. Nhưng hiện giờ  nó đang buộc chúng ta phải mua quần áo đẹp, đồ trang sức đẹp, giày dép đẹp thậm chí, và mua nhiều nữa là đằng khác!

Tại sao chúng ta cần phải có nhiều chiếc  sơ mi đẹp và nhiều đôi giày đẹp? Tại sao chúng ta cần tất cả chúng? (Và tha lỗi cho tôi, chúng ta phải đặc biệt nhắc đến phụ nữ ở đây). Có thứ bản năng muốn phô trương này hiện hữu và nó là một loại ngục tù. Bởi vì mọi người không thể cam chịu nó, họ buộc phải làm theo bản năng này, chi tiêu tất cả tiền bạc để sắm sửa mọi thứ. Bản năng phô trương là bản năng  khôi hài, lố bịch nhất.  Nó thực sự  là ngục tù. Người ta không bao giờ có đủ tiền vì loại ngục tù này. Hãy xem xét và quán chiếu một cách cẩn thận về những loại bản năng mà chúng ta đã trưởng dưỡng chúng . Chúng đều là ngục tù.

Nếu chúng ta nghĩ về điều này, nếu chúng ta ghi chép chi tiết mọi chi phí của chúng ta, chúng ta sẽ khám phá ra rằng một số người chi nhiều tiền  để mua sắm quần áo, đồ trang sức, và giữ gìn sắc đẹp hơn là mua thực phẩm. Thêm nữa, họ chú trọng vào việc trang trí và làm đẹp nhà cửa, việc này tốn kém rất nhiều.  Hai loại chi tiêu này, kết hợp  với nhau, còn nhiều hơn là tiền họ mua sắm thức ăn, là cái  cần thiết cho cuộc sống. Chúng ta  tiêu nhiều tiền vào những thứ không cần thiết cho cuộc sống hơn  là vào  những thứ cần thiết cho nhu cầu của cuộc sống, như thực phẩm. Đây là một cách khác nữa cho thấy chúng ta bị giam hãm  trong cái nhà tù của bản năng.

Các giác quan là ngục tù

Tiếp theo, chúng ta nói đến nhà tù vui nhất, nhà tù gần gũi  nhất với chúng ta. Chúng ta  có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý: sáu  giác quan (ayatana) , Chúng cũng là những ngục  tù.  Hãy quan sát chúng cẩn thận. Lắng nghe cẩn thận để hiểu làm thế nào mà  mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý  của chúng ta - tất cả sáu giác quan- lại  trở thành những nhà tù.

Trong tiếng Pali, chúng ta  gọi chúng là ayatana. Gốc của từ này theo nghĩa đen có nghĩa là "công cụ, phương tiện để giao tiếp với thế giới bên ngoài" – địa điểm, cơ chế, phương tiện, hoặc bất cứ những  gì dùng để liên hệ với hoặc giao tiếp với thế giới bên ngoài.  Chúng ta  gọi chúng  là "ayatana." Nếu bạn sẵn sàng, hãy sử dụng tiếng Pali "ayatana." Tất cả sáu ayatana này đều  là ngục  tù.

Chúng tôi có upadana (sự chấp thủ)  với cuộc sống là do chúng ta, có sáu giác quan để cảm nhận, kinh nghiệm , để giao tiếp, để nếm và nhận biết các đối tượng của giác quan. Khi có upadana với  sáu giác quan, chúng ta phục vụ chúng và trở thành nô lệ của chúng. Chúng ta  phục vụ mắt để làm vừa lòng  mắt. Chúng ta phục vụ tai để làm vừa lòng  tai. Chúng tôi phục vụ mũi để thỏa mãn mũi. Chúng ta phục vụ lưỡi để thỏa mãn lưỡi. Chúng tôi phục vụ da và cảm giác toàn thân để làm cho nó  thoải mái, dễ chiu. Chúng ta  phục vụ tâm ý, giác quan về mặt tinh thần, để làm cho nó êm dịu và thoải mái. Điều này có nghĩa rằng tất cả các hành vi của chúng ta chỉ là để giải trí cho các giác quan. Tất cả mọi thứ chúng ta làm là đều  vì lợi ích của sáu giác quan. Chúng ta  nhượng bộ  và trở thành nô lệ của chúng. Sau đó, chúng  gây áp lực và điều khiển chúng ta, chẳng có  cách nào để tránh được chúng. Chúng ta  gọi trường hợp này  là "bị giam hãm  trong ngục  tù của ayatana."

Hãy coi thử xem liệu có bất cứ ai, ngay cà ai đó trong số các bạn,  mà  không mù quáng phục vụ cho sáu giác quan không?  Và các bạn sẵn sàng phục vụ chúng, phải vậy không? Bạn chịu đựng khó khăn và cúi mọp  xuống  để phục vụ chúng, luôn luôn tìm cách để làm cho  mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thoải mái và hạnh phúc, một cách tự nguyện. Vì vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta là những kẻ nô lệ. Những người thiếu trí tuệ chắc chắn sẽ là những kẻ nô lệ cho các giác quan, sẽ tiếp tục bị giam hãm mãi  trong các nhà tù của các giác quan. Qua việc thực hành chánh niệm với hơi thở đúng và thành công, chúng ta có thể thoát khỏi nhà tù. Nếu chúng ta thực hành anapanasati không chính xác và thiếu sót,  chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục bị giam hãm  trong cái ngục tù của các giác quan mà chẳng ai có thể biết được là bao lâu. 
 Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Supañña Thiện Trí

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 327
  • Khách viếng thăm: 313
  • Máy chủ tìm kiếm: 14
  • Hôm nay: 47635
  • Tháng hiện tại: 2743812
  • Tổng lượt truy cập: 91635385
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012