Người phật tử nên làm gì nhân ngày Phật Đản

Đăng lúc: Thứ tư - 03/06/2015 21:37 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Hằng năm cứ đến ngày Lễ Phật đản hầu như tất cả những người con Phật khắp nơi trên thế giới đều nhớ lại lịch sử của Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni để chiêm nghiệm, đỉnh lễ, tán thán, cúng dàng và tu tập noi theo gương hạnh của ngài.
Người phật tử nên làm gì nhân ngày Phật Đản

Người phật tử nên làm gì nhân ngày Phật Đản

Phật Đản là ngày sinh của đức Phật, có nghĩa là Vesak, tiếng Phạn gọi là Vaiśākha, Devanagari, Sinhala, nghĩa là ngày lễ vào tháng Vesākha theo lịch Ấn Độ, tương ứng vào khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch của Việt Nam, là ngày kỷ niệm Đức Phật sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni, năm 624 trước Công Nguyên, diễn ra vào ngày 15 tháng 04 âm lịch hằng năm. Theo truyền thống Phật giáo Á Đông, ngày này chỉ là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca nhưng theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hợp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn). Trước năm 1959 các nước Á Đông thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch nhưng Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tại Colombo Tích Lan, từ ngày 25 tháng 05 đến 08 tháng 06 năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 nước là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch.

Hơn 26 thế kỷ trôi qua, nhân loại vẫn còn nhớ hình bóng của ngài khi cất lên tiếng rống Sư tử làm chấn động mười phương với câu nói“ Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”  tại vườn Lâm-tỳ-ni. Ngài chào đời trong ánh bình minh rực rỡ, hoa Ưu đàm ngát hương, gió nhạc êm đềm, chim hót líu lo, núi Tu di cúi đầu mừng đón bậc Thầy nhân thiên trong ba cõi. Ngài hướng về phía Bắc, ung dung đi trên bảy đoá sen hồng, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất làm chấn động cả vũ trụ càn khôn, ngài xuất thân từ dòng dõi Sakya (Thích Ca) con vua Tịnh Phạn nổi tiếng là người hiền đức. Bản thân Ngài là một vị Hoàng tử văn võ song toàn, sức khoẻ phi thường, tướng hảo trang nghiêm không ai sánh kịp nên được vua cha, quần thần và toàn dân yêu quý. Tuy nhiên, dù có những khả năng tuyệt hảo như vậy, được kính trọng tuyệt đối và chiều chuộng hết mực nhưng Ngài không bao giờ tự mãn với tài năng, uy quyền hay những thứ cao sang. Đối với, tiền tài, danh vọng, sắc đẹp… những điều mọi người đều ham muốn vì cho là quý thì với Ngài, chúng chỉ là những sợi dây xiềng xích trói buộc con người trong đêm trường tăm tối và trôi lăn mãi trong vòng sinh tử luân hồi.

Ngài thấy rõ vật chất, xa hoa hay tài sản, của cải của con người ở cõi Sa bà này chỉ là giả tạm phù du, khi nhắm mắt xuôi tay cũng không mang được gì đi cả cho nên Ngài đã quyết chí xuất gia tìm con đường giải thoát cứu khổ cho nhân loại; Bằng tất cả nghị lực phi thường, Ngài dấn thân vào cuộc đời mong tìm ra con đường sống an bình vĩnh cửu cho chính mình và tất cả chúng sinh.

Từ khi Đức Phật nhập Niết-bàn cho đến nay, hàng trăm nghìn quyển sách, thơ ca, huyền thoại đã được sáng tác để ca ngợi Ngài. Nhưng tất cả mọi lời tán thán, ca ngợi dù cho hay đẹp đến đâu, cũng không thể diễn tả hết về đạo hạnh, trí tuệ của ngài nên nhân loại đã suy tôn Ngài là bậc thầy của cõi Trời và Người, là bậc tôn quý nhất trong cõi thế. Thiết nghĩ cách tán thán và ca ngợi Phật một cách tốt đẹp nhất là học tập, sống theo lời Ngài chỉ dạy, đi theo con đường Ngài đã đi. Đó là con đường Bát chính đạo, con đường Giới, Định, Tuệ. Con đường lấy giới, nếp sống đạo đức làm căn bản. Người Phật tử tại gia sống và thực hành theo 05 giới, 10 thiện nghiệp, người đệ tử xuất gia sống và thực hành theo 10 giới, 250 giới, 348 giới… chính là những người “Kính trọng, tôn sùng, đỉnh lễ, cúng dàng hay lễ kính Như Lai một cách tốt đẹp nhất”, bởi vì giữ giới nghiêm túc là thanh tịnh, là “Thành tựu chính pháp và tùy pháp, sống chân chính trong chính pháp, hành trì chính pháp và tùy pháp”, và “Đó là sự cúng dàng tối thượng đối với Như Lai”, như Phật đã dạy trong Kinh Niết-bàn. “Đây là giới, đây là định, đây là tuệ. Định cùng tu với giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn…”.

Giới, Định, Tuệ là ba môn học cơ bản của đạo Phật. Phật tử chúng ta, dù tại gia hay xuất gia, không được thiên trọng bên nào. Giữ giới mà không tu định, tu tuệ thì chỉ hưởng được phúc báo sinh lên cõi Trời hay trở lại làm người, với chính báo y báo tốt đẹp, thù thắng; điều đó vẫn chưa phải là đạo giải thoát giúp vượt khỏi biển khổ sống chết luân hồi nhưng nếu tu định mà không kết hợp với giữ giới, sống đạo đức, thì dễ lạc vào ma đạo, mải mê với các chứng bệnh gọi là “Thiền bệnh”; và nếu tu tuệ mà không giữ giới tu phúc, thì chỉ đạt được trí tuệ thế gian, hay là trí tuệ khô cằn, không được thấm nhuần dòng nước tươi mát của phúc đức.

Giới luật Phật giáo có hai công năng: Ngăn ác, làm thiện. Đúng như câu kệ 183 của Kinh Pháp Cú nói:

“Không làm mọi điều ác,
Thành tựu mọi hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy”.

Đức Phật là một nhà giáo dục đại tài. Những lời Ngài dạy không dành riêng cho một hạng người nào mà cho tất cả mọi người, tất cả chúng sinh trên cõi thế gian. Những ai nỗ lực thực hành theo lời chỉ dạy ấy chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Ngày lễ Phật đản là ngày đại lễ quang trọng nhất cho hàng Phật tử trên khắp hành tinh đều hướng về tưởng niệm và đền đáp công ơn to lớn, quý báu của đức Từ phụ, chúng ta hãy thành kính dâng lên năm phần hương Giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến để cúng dàng Ngài, nguyện đời đời, kiếp kiếp kết duyên bồ đề quyến thuộc cùng Ngài, cố gắng thực hành giáo pháp mà Ngài đã truyền đạt lại từ bấy lâu nay. Chúng ta là Phật tử, dù tại gia hay xuất gia hãy siêng năng thực hành hạnh bố thí, trì giới, tham thiền, hướng tâm đến trí tuệ giải thoát.

Phật tử chúng ta, hằng ngày tu tập tâm, quan sát tâm, phòng hộ tâm, bất cứ một ý nghĩ nào bất thiện khởi lên, đều lập tức bị đoạn trừ… Dần dần tâm ý chúng ta trở nên thuần thiện, trong sáng. Tâm thiện thì cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Tâm sáng thì thấy được sự vật như thật, thấy được chân lý, thấy đạo. Nên biết cái gì làm cho tâm chúng ta không được định tĩnh và mờ tối. Đó chính là những dục vọng thấp hèn, đó là các ý nghĩ, lời nói và hành động bất thiện. Nếu chúng ta nhờ tu tập mà xa lìa được dục, xa lìa được các pháp bất thiện thì tâm ta sẽ sáng chói và định tĩnh.

Trong mỗi chúng ta nếu biết nhận thức được tất cả những nguy hại của dục vọng và pháp bất thiện thì chúng ta đều có thể nhàm chán và vĩnh viễn xa lìa chúng. Vai trò nhận thức đó thuộc về trí tuệ. Đó gọi là trì giới kết hợp với tu tuệ sẽ được quả lớn, lợi ích lớn. Đức Phật thừa nhận vị ngọt của các dục, tức là niềm vui mà một dục vọng được thỏa mãn tạm thời đem lại cho chúng ta. “Này các Tỳ-kheo, thế nào là vị ngọt của các dục?… Các sắc pháp do nhãn căn nhận thức, các hương do tỷ căn nhận thức, các vị do thiệt căn nhận thức, các xúc do thân căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý hấp dẫn…” (Đại kinh Khổ uẩn, số 13, Kinh Trung Bộ).

Như vậy đạo Phật thừa nhận, khi năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc với ngoại cảnh, như sắc, thanh, hương, vị, xúc, thì có thể nảy sinh ra những cảm thọ hỷ lạc, ưa thích với mức độ khác nhau. Đức Phật gọi đó là vị ngọt của các dục. Nhưng ngay sau đó, Đức Phật phân tích sự nguy hiểm của các dục: “Do lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên mà một người phải trải qua bao nhiêu gian khổ để có được tài sản, phải chống đỡ lạnh, nóng, phải chịu đựng sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, bị chết đói, chết khát”  và “Người ấy, nếu nỗ lực như vậy, siêng năng như vậy, mà kết quả không có gì, người đó sẽ buồn phiền than khóc, đấm ngực, mê man bất tỉnh. Ôi! Sự nỗ lực của ta thật là vô ích, sự siêng năng của ta thật sự không kết quả’. Này các Tỷ-kheo, đó là sự nguy hiểm của các dục” (Trung Bộ kinh).

Rồi Phật tiếp tục phân tích trường hợp người ấy thu thập được tài sản lớn, nhưng lại phải lao tâm khổ trí để bảo vệ số tài sản đó “Làm sao để các vua chúa khỏi cướp đoạt chúng, làm sao trộm cướp khỏi cướp đoạt chúng, làm sao lửa khỏi đốt cháy, nước khỏi cuốn trôi, và kẻ thừa tự không xứng đáng phung phí phá phách v.v.”. Mặc dù tài sản được phòng hộ rất kỹ lưỡng như thế, nhưng cuối cùng vẫn bị mất mát, thế là người đó lại một phen nữa khổ não, buồn phiền, than khóc, vì của cải đã bị mất. Nói tóm lại, chưa có tài sản cũng khổ, có rồi cũng khổ, mất tài sản đi cũng khổ. Đó là cái khổ của dục vọng muốn có nhiều tài sản.

Đối với các loại dục vọng khác như về sắc đẹp, về danh vọng, về ăn uống, ngủ nghỉ.v.v.. cũng như vậy. Vì dục vọng mang lại kết quả xấu nên Đức Phật khuyên chúng ta phải biết xa lìa các dục, sống nếp sống biết đủ, ít ham muốn, thay thế vị ngọt tạm bợ và thấp hèn của dục bằng niềm vui lâu bền, chân thực của ly dục, đảm bảo cho chúng ta một trạng thái tâm hồn an nhiên, tự tại, hài hòa. Chúng ta hãy sống thiện đối trị các pháp bất thiện, hãy sống thiểu dục, tri túc để đoạn trừ dục vọng. Đó là lời khuyên của Đức Phật. Hãy tìm đến nguồn vui cao cả và bất tận của một nếp sống đạo đức như vậy. Hãy biết nhàm chán những thú vui thấp kém của năm dục, vị ngọt ít, khổ não nhiều; vì như Đức Phật đã dạy trong kinh Tăng Chi Bộ, “Thú vui như phân”.

Phật Đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều quốc gia Châu Á như: Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Singapore, Indonesia, Hồng Kông, Miến Điện, Đài Loan, Campuchia,... Ở Việt Nam, ngày này chưa được công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức. Tuy nhiên vào ngày lễ này, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), thực hành ăn chay, giữ gìn Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm, thực hành bố thí, làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng. Kỷ niệm Vesākha cũng có nghĩa là làm những việc làm đặc biệt để mang lại hạnh phúc, an vui cho những người bất hạnh như người già cao niên, người khuyết tật, người bệnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người.

Ở một số quốc gia, đặc biệt là Sri Lanka, hai ngày được dành cho việc cử hành Vesākha và tất cả các cửa hàng rượu, bia và lò giết mổ phải đóng cửa do nghị định của Chính phủ. Các loài Chim, Côn trùng và thú vật được phóng sinh như là một“hành động mang tính biểu tượng của sự giải thoát”, của sự trả tự do cho những người bị giam cầm, bị bỏ tù, bị tra tấn trái với ý muốn của họ. Tại Ấn Độ, Nepal, người dân thường mặc áo trắng khi đến các Tịnh xá và ăn chay. Tại hầu hết các quốc gia châu Á đều có diễu hành xe hoa và nghi lễ tụng niệm, tại Hàn Quốc có lễ hội đèn hoa sen. Tại Việt Nam năm 2008, Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia từ ngày 13 đến 17 tháng 5, tức ngày 9 đến 13 tháng 4 âm lịch rất trang nghiêm và trọng thể, năm 2014 tổ chức tại Bái Đính, Ninh Bình cũng vậy đã tạo thành tiếng vang, ảnh hưởng tốt trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế.

Để tán thán một cách tốt đẹp nhất Đức Phật của chúng ta, nhân ngày Lễ Phật đản năm nay 2015 (Ất Mùi), mỗi người con Phật hãy sống một cách có ý thức, sống theo nếp sống sáng ngời của Đức Phật, sống trong trắng như núi tuyết, như mặt trăng không mây che.

“Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Sẽ chói sáng đời này,
Như trăng thoát mây che” (Kệ 173, Kinh Pháp Cú).

 

Tác giả bài viết: Thích Đồng Hòa
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 504
  • Khách viếng thăm: 420
  • Máy chủ tìm kiếm: 84
  • Hôm nay: 55838
  • Tháng hiện tại: 2775419
  • Tổng lượt truy cập: 88580022
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012