Tấm gương dung hòa của đức Phật

Đăng lúc: Thứ năm - 17/08/2017 21:29 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Như nhiều người biết, Phật giáo lập cước trên cái thực tế đau khổ mà không ai tránh khỏi, lấy sự diệt khổ làm đối tượng và dùng trí tuệ làm phương tiện diệt vô minh, bởi lẽ nguyên nhân của khổ là vô minh. Nguồn cạn, dòng nước khổ phải khô và tất nhiên con người hưởng được sự an lạc.

 
Nhưng vô minh là gì? Là tối tăm về lẽ thực hư, chân giả, thiện ác, khiến con người lầm lẫn về chân giả của sự vật, thành điên đảo đến lấy giả làm chân, lấy hư làm thực, lấy thiện làm ác. Trong các thứ mê muội của con người, nguy hiểm nhất là lòng tin tưởng sai lầm ở sự hiện hữu của cái “ta”.
 
Vì thấy có “ta” mới sinh ý bám víu vào cái ta, nuôi dưỡng, nuông chiều nó, cái gì nó thích là cố thu đoạt cho được, cái gì nó không ưa thì hết sức xua đuổi. Vì cái ta mà con người trở thành tham lam ích kỷ, gian xảo, thù hằn, ác độc.
 
Lại nữa, hễ có cái ta là có những sở hữu của ta. Về người thì nào là cha mẹ, anh em, nào là thân bằng, quyến thuộc. Ngoài phạm vi thân quyến này, con người “ngã chấp” gần như không còn thấy có ai nữa. Về vật thì cũng chỉ những gì của mình, như tiền bạc của cải, thành kiến tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, mới là đáng tôn đáng quý.
 
Một người như thế, trăm nghìn muôn ức triệu người như thế, làm gì thế gian không là một bãi chiến trường trên đó con người xâu xé với con người, đồng loại mà lại làm sài lang với đồng loại.
 
Nhưng hắc ám của đêm dài dù có dày đặc đến đâu, một khi vầng hồng ló dạng, cũng phải lần hồi tan mất. Cũng thế, đèn Tuệ một khi bừng tỏ trong lòng người thì cái đen tối nơi ấy phải thối bước. Và khi tâm hồn được sáng soi rồi thì con người, như kẻ ngủ thức giấc, như chàng say tỉnh rượu, sẽ thấy những lầm lẫn của mình: Tất cả những gì mình đã tin tưởng, quý chuộng, đam mê, đều là giả danh, đều là bọt nước sương mai, không có gì là thật có và trường cửu. Bám theo cái giả là bỏ mồi theo bóng, chạy theo cảnh vật vô thường là tự chuốc thất vọng và cay chua. Chẳng những thế, ích kỷ và tự ái còn làm bế tắc suối từ là bản tính thiêng liêng của con người, mà chỉ có trí tuệ mới khơi dòng lại được. Ngoài cái lý vô thường, vô ngã, con người bừng mắt đại còn thấy không có những cái “ta” riêng biệt và xung đột với nhau, mà vạn loại cùng từ một bản thể mà xuất phát, tất cả đều sống một sự sống như nhau; nói tóm lại tất cả là một. Đã là một thì máu chảy ruột phải mềm, không thể không có sự tương quan mật thiết giữa cái toàn thể và những thành phần cấu tạo cái toàn thể ấy.
 
Đến đây, chúng ta thấy rõ bước diễn tiến của con đường diệt khổ mà tựu trung là con đường tìm ánh sáng nơi tự tâm. Từ chỗ đã tự giác, dù muốn dù không, con người bước sang con đường từ bi mà chúng ta có thể xem như một hậu quả đương nhiên của trí tuệ.
 
Ai đời người khôn lại đi bắt lỗi kẻ dại, người sáng đi trách người mù? Không la không trách mà còn thương, thương như những khách đã qua sông, nhìn lại mà chạnh lòng cho những ai đang run rẩy, chình chòng trên chiếc cầu lắc lư thế sự. Hình bóng của người ấy là hình bóng của mình trước kia chứ ai! Vì nghĩ thấy như thế cho nên phải xả, phải bỏ, không bắt nhặt bắt khoan, không nói phải nói trái, mà còn thương xót cho ai chậm bước lần dò trên đường về nẻo giác. Thế thì tự nhiên nhi nhiên mà trí tuệ làm phát sinh lòng khoan dung đại độ, trong đó mọi sai biệt được tiêu dung với tất cả những kỳ thị do óc phân biệt xuất phát.
 
Tuy thân hình còn là của thế tục, tâm trí của người giác ngộ là tâm trí siêu phàm, không còn riêng nghĩ đến mình, không còn chịu được cảnh tù hãm trong bốn vách của ngã ái, ngã chấp, mà chỉ nghĩ đến những người khác, những loài khác, lòng từ bi càng lúc càng mở rộng để bao hàm vạn vật, dưới sự soi sáng của trí tuệ mỗi lúc mỗi khai thông đến mức triệt để.
 
Tâm trạng của vị thái tử, cách nay trên hai nghìn năm trăm năm, đã đạt đến cái sáng suốt hoàn toàn - đã thành Phật - dưới bóng một cổ thụ, sau bốn mươi chín ngày thiền định tư duy là như vậy. Tâm trạng ấy đã làm kim chỉ nam cho đời sống của Ngài, làm động lực thúc đẩy mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của Ngài, từ ngày thức tỉnh cho đến khi bỏ xác. Bởi vậy, toàn bộ giáo lý của đức Phật thật ra là một trường thiên phóng sự ghi ký những kinh nghiệm bản thân của tự Ngài. Không từ bi làm sao Ngài từ bỏ tất cả ra đi để tìm phương cứu khổ cho chúng sinh? Không từ bi mà tha thứ được ư cho người thù là Đề Đà Đạt Đa, biết bao phen hãm hại Ngài? Không từ bi thì một tướng cướp giết người không gớm tay, một kỹ nữ lừng danh, một bác thợ rèn nghèo khó… chắc chắn không được Ngài hóa độ. Từ bi đến mức bao hàm tất cả trong một thương xót bình đẳng là nhờ trí tuệ soi sáng. Đức Phật không thấy kẻ thù mà chỉ thấy anh em, không thấy có kẻ ác mà chỉ thấy có người mê muội hóa ra lỡ lầm. Tất cả người tội lỗi đều đáng thương hơn là đáng ghét.
 
Vậy rõ ràng, từ bi và trí tuệ là hai trụ cốt của tòa lâu đài Phật giáo, và lòng thương xót của Phật giáo không đặt trên tình cảm, xúc động mà trên sáng suốt. Vì sáng suốt mà thương cho nên cái thương chứa đầy cái xả, làm cho lòng giữ được mãi mức thăng bằng và một niềm vui bất dịch. Ba đức tính ấy hợp lại thành cái gọi là lòng dung hòa mà cuộc đời đức Phật là một gương sáng.
 

Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền
Trích Tạp chí Từ Quang, Năm thứ XIV - Số 2149 Tháng 1 năm 1965 (PL.2508)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 413
  • Khách viếng thăm: 405
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 17608
  • Tháng hiện tại: 2825751
  • Tổng lượt truy cập: 88630354
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012