Thõng tay vào chợ

Đăng lúc: Thứ ba - 08/01/2013 17:54 - Người đăng bài viết: Thường Trung
"Đóng cánh cửa gỗ ngàn Thánh chẳng biết. Vùi phong quang chính mình, phụ lối mòn của bậc hiền trước. Mang bầu vào chợ, cầm gậy vào nhà, quán rượu hàng cá chuyển thành Phật đạo."
Tranh 10: Nhập Triền Thùy Thủ (Thõng Tay Vào Chợ).

Tranh 10: Nhập Triền Thùy Thủ (Thõng Tay Vào Chợ).

Bức tranh số 9 Trở Về Nguồn Cội là giai đoạn đã vào được cảnh giới Phật, tức đã xong phần tự lợi nhưng công hạnh chưa viên mãn, cho nên tiếp tục qua bức tranh số 10 Thõng Tay Vào Chợ. Đây là giai đoạn nhập cảnh giới ma, tức phần lợi tha làm lợi ích tất cả chúng sanh. Bức tranh vẽ hình một ông già, tay xách con cá chép, tay cầm bầu rượu đi vào đời, hóa độ chúng sanh, như vậy công đức mới thực sự viên mãn.


Tranh 9: Phản Bổn Hoàn Nguyên (Trở Về Nguồn Cội).

Thõng tay vào chợ là tùy duyên, tùy mỗi hành giả mà có cách “thõng tay” khác nhau. Có những vị Bồ-tát hiện thân qua hình thức người cư sĩ, nên các ngài có thể vào trà đình tửu điếm để gần gũi với những chúng sanh trong đó, vực họ thoát khỏi cảnh xấu xa. Nếu mang hình thức của người tu thì phải hiện hạnh trang nghiêm, vào trà đình tửu điếm thì làm mất tín tâm Phật tử, phá hoại thanh danh phạm hạnh của tăng đoàn, không thể độ được người.

 Chúng ta học hiểu cho thấu đáo để không sanh tâm khinh người, dù ở trong cảnh duyên xấu cũng không nên coi thường. Tuy nhiên chúng ta không nên lợi dụng hình ảnh Bồ-tát đi vào đời mà phóng túng, buông mình vào những nơi đó, khi công phu tu hành của mình chưa tới đâu. Phải ý thức được rằng trên đường tu hành dè dặt chừng nào tốt chừng đó, chỉ khi nào nắm chắc đã xong việc thì mới dám xông pha. Nếu không, hiểu lầm sẽ dẫn đến hậu quả sai một ly đi một dặm.

“Đóng cánh cửa gỗ ngàn Thánh chẳng biết”, đây là đại hạnh của Bồ-tát, không phải đơn giản. Phần tâm đã im bặt rồi, chỗ đó không có dấu vết, dù ngàn Thánh có để mắt vào cũng không nhìn thấy. Lục Tổ Huệ Năng nói bản lai vô nhất vật, chỗ xưa nay không một vật ấy, không ai có thể biết được hành tung. Người tu tới đây rồi không an trụ chỗ đó mà đến với chúng sanh ở mọi hình thức, tùy nguyện hóa độ.

“Vùi phong quang chính mình, phụ lối mòn của bậc hiền trước, mang bầu vào chợ, cầm gậy vào nhà, quán rượu hàng cá chuyển thành Phật đạo”. Bấy giờ tự dấu ánh sáng của chính mình, tạm không theo đời sống phạm hạnh của các bậc Thánh hiền, vì đại nguyện cứu độ chúng sanh mà đi vào chợ, vào quán rượu tùy duyên hóa độ những chúng sanh khó độ. Các Ngài tuy mang hình thức cư sĩ nhưng tâm vẫn vô nhiễm. Thân hiện vào nơi không thanh tịnh nhưng tâm vẫn thanh tịnh, có thế mới làm Phật sự lớn được. Hạnh nguyện, công việc của Bồ-tát là như vậy.

Chúng ta thấy thường mình chỉ độ được những người ham tu, còn những tay anh chị thì không dám độ. Thành phần này không lẽ bỏ luôn trong khi tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Cho nên, có những vị đại Bồ-tát hiện thân với những hạnh khó hiện, làm những việc khó làm, độ những người khó độ với tâm lượng vô cùng rộng lớn. Vì thế, trong cuộc đời nhiều khi ta gặp Bồ-tát mà không hay vì các ngài hiện thân rất tầm thường. Bồ-tát thật không bao giờ tự nói ta là Bồ-tát. Các ngài rất xoàng xĩnh, bình thường nhưng lại có cái dị thường bên trong nên có thể lôi được những người chìm sâu trong ngũ dục ra khỏi những nơi ấy. Chỉ người cư sĩ mới tình nguyện xông xáo vào quán rượu phòng trà, chứ quý thầy cô mà vào trong đó thì Phật pháp cũng tiêu luôn. Đã mang hình thức người xuất gia thì phải trang nghiêm thanh tịnh. Đừng nên lầm chỗ này. Phật tử thấy thầy cô vào quán rượu lại tưởng là Bồ-tát tới xin cúng dường, thật là nguy hiểm.

Những vị cư sĩ hiện hạnh Bồ-tát thì không lệ thuộc hình thức, còn tu sĩ thì phải trang nghiêm thanh tịnh. Như Tổ Ca Diếp, Ngài tu hạnh đầu đà cho nên rất trang nghiêm. Trong giới luật nhà Phật cũng nói rõ ràng, chư Tăng Ni lấy thân giáo làm chánh, khẩu giáo làm phụ. Thân giáo tức là sao? Là cuộc sống, tư cách, nghi biểu của chính mình làm chỗ giáo hóa chúng sinh. Cho nên, hình ảnh của những bậc đạo cao đức trọng thường rất trang nghiêm.

Cũng vậy, nếu là một Phật tử tu hành chân chánh thì phải biết tự lượng sức mình, chưa ở được chỗ chuyên nhất, chỗ an ổn thì nên tránh duyên. Thật ra khi còn yếu phải tránh duyên mới tu được, giống như người chưa biết lội thì không nên nhảy xuống sông cứu người chết chìm. Chỉ khi nào biết lội và phải lội giỏi mới nên làm việc đó.

Có một Phật tử kể, ngày xưa cô xuýt chết vì cứu một đứa bé rớt xuống sông. Lúc đó cô khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, cũng biết lội nhưng lội bập bẹ vậy thôi. Vì thấy đứa bé rớt xuống sông, cô hoảng hốt nhảy xuống luôn. Cô có tâm từ nhưng vì còn nhỏ tuổi, chưa biết cách cứu người bị té sông. Khi lặn xuống gặp đứa bé rồi, nó sợ quá nên ghì lấy cô thật chặt khiến cả hai không ngoi lên được và chìm dần xuống. May mắn có một ngư ông chèo thuyền tới, thấy vậy liền nhảy xuống và đánh đứa nhỏ không biết lội cho nó buông cô ra, bấy giờ cô mới từ từ ngoi lên, sau đó ông cặp đứa nhỏ vào bờ. Với kinh nghiệm lão thành của người giỏi bơi lội, ông đã cứu được một lượt hai người. Sau khi chờ cô gái tỉnh lại, ông lão mới chỉ dạy cặn kẽ cách cứu người chết đuối. Cô tuy có tâm tốt nhưng vì chưa biết cách và chưa lượng được sức mình nên xuýt chút nữa chết mất.

Chúng ta cũng vậy, mới đi chùa được hai ba năm đã mời gọi, ai đi chùa thì theo tôi. Đến khi họ theo rồi chịu không nổi phiền não liên tục. “Chị nghiệp dày quá, tôi tính độ chị mà độ không nổi”, tức là bị người độ ngược lại mình. Chúng ta phải lo tu trước, tu cho ổn thì tự động tâm từ sẽ lan tỏa, vì trí và bi luôn đi đôi với nhau. Tâm tốt nhưng phải lượng sức mình, chừng nào yên ổn vững vàng thì hãy giang tay, còn không thì lo trốn… chúng sanh. Người ta thường nói: “Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng”, trong ba mươi sáu kế, chạy là thượng sách. Khi yếu thì bớt duyên đi, chứ đừng có gặp gì cũng lủi vô rất khó tu.

TỤNG:

                        Lộ hung tiển túc nhập triền lai,
                        Phù thổ đồ khôi tiếu mãn tai,
                        Bất dụng thần tiên chân bí quyết,
                        Trực giao khô mộc phóng hoa khai.
        
Dịch:

                        Chân trần bày ngực thẳng vào thành,
                        Tô đất trét bùn nụ cười thanh,
                        Bí quyết thần tiên đâu cần đến,
                        Cây khô cũng khiến trổ hoa lành.

“Chân trần bày ngực thẳng vào thành” tức là hình ảnh một vị Bồ-tát hiện thân qua hình thức cư sĩ, chân trần bày ngực rất là phong trần.

“Tô đất trét bùn nụ cười thanh”, mặt mày tô đất trét bùn không có gì quý phái, sang trọng. Tuy bề ngoài nhem nhuốc nhưng có nụ cười thanh, tượng trưng cho trong tâm an lạc.

“Bí quyết thần tiên đâu cần đến”, tức không cần đến bí quyết thần tiên, vì người đã giác ngộ vượt qua tất cả cảnh giới thần tiên, làm chủ thân tâm được rồi thì chẳng hạn cuộc trong ba cõi. “Cây khô cũng khiến trổ hoa lành”, người làm chủ được mình, làm chủ được các pháp thì đụng tới thứ gì cũng đều biến thành Phật pháp cả, nên cây khô cũng khiến trổ hoa lành.

Thiền sư nói câu nào cũng trở thành ngữ lục, chẳng hạn như “Uống trà đi, rửa chén đi…” đều được viết vào Thiền sử. Chúng ta cũng bắt chước nói theo nhưng không ai viết vô Thiền sử, tại tâm của mình chưa tới chỗ đó, chưa làm chủ được nên dù nói Phật pháp tới đâu cũng không ai ghi. Các Thiền sư đã đầy đủ đạo lực, đầy đủ trí tuệ và từ bi nên các ngài làm gì cũng trở thành diệu lực, có khả năng giúp mình và giúp người chuyển mê khai ngộ.

Chúng ta học người xưa để biết vị trí của mình bây giờ chưa tới đâu, chỉ đang đi thôi. Đang đi thì phải đi, chứ đừng vừa đi vừa nghỉ hay thụt lùi. Hôm nay lỡ quên tu thì ngày mai tu tiếp, bữa nay lỡ la thì ngày mai không la nữa, chứ không được lỡ la rồi la luôn. Chúng ta phải sửa, liên tục sửa và siêng năng sửa. Sửa ba nghiệp tham sân si thành ra giới định tuệ, thấy chấp nhiều quá làm mình khổ thì bỏ đi. Bỏ nhưng vẫn chưa hết thì tiếp tục bỏ nữa, đến khi nào viên thành Phật đạo mới thôi.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy: Bức tranh số 9 là vào Phật giới tức thể nhập pháp thân. Bức tranh số 10 là vào ma giới tức vào đời giáo hóa chúng sanh. Bởi vì nếu ở ngay nơi chỗ đại an ổn, mình hài lòng tự mãn, như vậy là tiêu cực chớ không phải tích cực. Vì vậy mà thể nhập Pháp thân rồi phải đi giáo hóa chúng sanh. Một hành giả khi thể nhập được Pháp thân thì có đủ ba thân. Đó là Pháp thân, Báo thân và Hóa Thân. Pháp thân là thể hằng tri hằng giác, bất sanh bất diệt của chúng ta, Báo thân là tùy công đức tu hành mà sanh ở nơi nào, cõi Phật nào được thân tướng tốt đẹp trang nghiêm. Hóa thân là tùy duyên ứng hiện giáo hóa chúng danh. Người tu không phải thể nhập Pháp thân rồi ngồi yên thụ hưởng mà làm lợi ích chúng sanh, ứng hiện giáo hóa mọi người.

Ứng hiện giáo hóa mọi người có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là ngay trong hiện đời, trường hợp thứ hai là có thể qua đời khác. Ngay trong hiện đời là sao? Như đang là thầy tu ngồi trong am tọa thiền mỗi ngày, khi giác ngộ rồi đóng cửa thất lại, xuống phố mặc đồ giống người thế tục. Xách cá, mua rượu vào xóm là thỏng tay vào chợ, đó là hình ảnh của ứng hóa thân. Theo tinh thần Đại thừa, trong tứ nhiếp pháp có đồng sự nhiếp, là cùng làm việc với người để giáo hóa họ. Như muốn khuyên người bỏ rượu thì phải vô quán rượu nhậu với họ. Nhậu để gần gũi rồi từ đó tìm cách giải thích cái nguy hại của rượu cho họ nghe, khuyên họ bỏ rượu bằng cách mình bỏ rượu trước, như vậy họ mới tin mới nghe. Nếu đứng ở ngoài nói nó đâu thèm nghe, đó là Bồ-tát vào cuộc để giáo hóa chúng sanh cang cường khó độ.

Khi cần giáo hóa chúng sanh các ngài ứng hiện tùy hoàn cảnh, tùy trường hợp giáo hóa, chứ không phải được Niết-bàn hoặc nhập Pháp thân rồi thảnh thơi mặc cho chúng sanh lặn lội trong biển khổ. Cho nên Tổ Huệ Khả sau khi truyền tâm ấn cho Tổ Tăng Xán rồi, Ngài nói “Ta còn một chút nợ phải trả”. Thế là Ngài đi lang thang khắp nơi giáo hóa mọi người. Có kẻ xấu phao tin đồn Ngài truyền bá đạo tà nên Ngài bị bắt ở tù, bị đánh đập đến chết. Đó là vì muốn độ người mà Ngài tùy nguyện tùy duyên, không sợ tổn hại đến thân mạng, không thể ngồi tại phương trượng chờ người tới giáo hóa.

Cho nên câu chót “Cây khô cũng khiến trổ hoa lành” rất hay, nghĩa là với người không có một tí nghiệp lành nào, các Ngài cũng tạo duyên để độ họ. Tinh thần của một tu sĩ đạt đạo thì không bỏ sót một ai, dù kẻ đó vô duyên như cây khô cũng làm cho nó tươi và trổ hoa. Đó là tinh thần đại từ đại bi của người tu Phật. Với thiền sư thì ai cũng có thể độ, cây khô cở nào cũng có thể khiến trổ hoa. Đây chính là diệu dụng của người nhập được Pháp thân.


Tác giả bài viết: Ni sư Hạnh Chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 512
  • Khách viếng thăm: 510
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 95070
  • Tháng hiện tại: 2903213
  • Tổng lượt truy cập: 88707816
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012