Tiền bạc của cải xử dụng đúng theo nhu cầu cần thiết

Đăng lúc: Thứ bảy - 17/10/2015 08:25 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Ở đời, ai cũng cần có tiền bạc, của cải để nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu có tiền bạc dư dả, ta có thể sống thỏa mãn về mọi tiện nghi, vật chất thật sung túc, đầy đủ. Để được sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết, ngoài việc vun trồng hạnh phúc lứa đôi, con người cần có tiền bạc, của cải để nuôi sống bản thân, gia đình, và làm những việc phúc lợi khác nhằm phát triển tốt đời sống xã hội.

Theo sự chỉ dạy của Thế Tôn, người Phật tử cũng có quyền làm giàu để nâng cao sự sống ngoài việc lo tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình và xã hội. Một đời sống có ý nghĩa và giá trị là một đời sống biết chia vui, sớt khổ, nên ít bị phiền muộn, khổ đau chi phối, nhưng không vì thế mà ta không cần đến tiền bạc và tài sản, thiếu nó ta khó có thể tồn tại. Nhưng tiền bạc có thực sự mua được hạnh phúc và tình yêu thương chân thật hay không? Ca dao dân gian Việt Nam có câu:

“Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử,
Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi.”


Kinh nghiệm qua nhiều thế hệ và lịch sử cho thấy, tiền bạc không phải là yếu tố quyết định để mang đến sự hạnh phúc thật sự cho nhiều người. Nhưng đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, có thể thay đổi tình thế. Có một số người cho rằng tiền bạc không mua được hạnh phúc, tiền bạc dồi dào có thể giúp cho đời sống vật chất được thêm sung túc, đầy đủ, giảm bớt được bệnh tật.

Tiền bạc có mua được sự quý mến của người khác bằng tấm lòng chân thật hay không? Vậy mà sau có một số người nói:

Vai mang túi bạc kè kè,
Nói bậy, nói bạ, người theo hà rầm.


Có nhiều tiền chưa chắc đã mang lại hạnh phúc thật sự mà có khi còn lo thêm, nhưng rõ ràng là nếu thiếu hụt tiền bạc trầm trọng, nợ nần chồng chất, phải lo chạy gạo từng bữa, thì thật là khổ sở, lo lắng vô cùng. Chính vì vậy, chúng ta cần phải siêng năng ra sức làm việc để có tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Theo lời Phật dạy, người cư sĩ có quyền làm ra tiền bạc bằng mồ hôi nước mắt của chính mình, nghĩa là siêng năng, tinh cần từ đôi bàn tay và khối óc để tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Khi ta đã hiểu và tin sâu nhân quả rồi thì ta sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về tiền bạc, chúng ta sẽ biết cách quản lý tiền bạc làm sao để cho tốt hơn mà vuông tròn bản thân, gia đình và xã hội. Mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta không phải chính yếu là có nhiều tiền, mà ta phải biết sử dụng đồng tiền đó ra sao? Có một điều mà quý vị cần phải vui vẻ khi chi một số tiền đúng lúc và cần thiết, để làm việc gì thật sự có lợi ích cho nhiều người.

Người không gieo trồng phước đức thì thiếu trước hụt sau, đời sống gia đình khó khăn về mọi phương diện, do đó hay buồn rầu, lo lắng mà oán trời, trách đất, đổ thừa tại, bị, thì, là… Cuộc sống của chúng ta thật sự hạnh phúc khi biết kiếm tiền vừa đủ để nuôi sống bản thân và gia đình, ngoài ra có dư chút đỉnh thủ hậu mai sau và làm các việc phước thiện khác.

Ta không nên để tình trạng bế tắc rơi vào nợ nần chồng chất, thiếu trước hụt sau, mà phải biết cân nhắc tiết kiệm trong chi tiêu, trang trải đời sống gia đình. Hãy cố gắng tránh những việc làm phức tạp và nguy hiểm, không có phương hướng rõ ràng, vì có thể giúp cho ta lên hương như diều gặp gió và tán gia bại sản một cách nhanh chóng. Siêng năng làm việc, tiết kiệm và đầu tư hợp lý, thì khỏi phải lo thất bại ê chề trong hiện tại và mai sau.

Tiền bạc và của cải là phương tiện để con người sinh sống, ăn mặc, và đáp ứng các nhu cầu cần thiết hằng ngày, nếu để thiếu trước, hụt sau thì cũng không tốt. Muốn được đời sống hằng ngày vuông tròn và tốt đẹp cho có chừng mực, thì trước tiên ta phải có một việc làm ổn định về lâu về dài, không nên nay làm chỗ này, mai chạy chỗ kia. Làm như vậy suốt đời cũng không có dư, thậm chí phải mượn trước, trả sau vì lúc nào cũng thiếu nợ.

Để làm ra tiền một cách chân chính, ta cần phải tránh những nghề làm tổn hại đến nhân loại như mua bán vũ khí để tạo phương tiện chiến tranh, làm con người tàn sát, giết hại lẫn nhau. Không nên mua bán phụ nữ, trẻ em, nô lệ, các chất gây say nghiện như rượu, xì ke, ma túy, và mở lò giết mổ. Mua bán là nghề có thể làm giàu nhanh chóng, nhưng không vì thế mà ta nỡ nhẫn tâm đành lòng chọn những nghề như trên. Nói theo đạo lý của nhà Phật, ta là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, nên người cư sĩ tại gia phải khôn ngoan sáng suốt, lựa chọn nghề nghiệp thiện lành, tốt đẹp để vun bồi phước đức, và khi có nhân duyên thì sẵn sàng chia vui, sớt khổ với tinh thần của ít lòng nhiều bằng tất cả tấm lòng vô ngã, vị tha.

Tiền bạc của cải nếu ta không biết sử dụng đúng mục đích thì trở thành rắn độc, có ngày nó sẽ quay lại cắn ta. Mục đích của sự sống không phải giàu có, nhiều tiền của mới là hạnh phúc, mà chúng ta phải biết bằng lòng với hiện tại, muốn ít biết đủ là đạo lý chân thật luôn giúp cho ta không rơi vào bế tắc.

Tiền bạc chính là người đầy tớ trung thành khi ta biết làm chủ bản thân trong việc chi tiêu, ăn xài, mua sắm sau cho phù hợp. Mục đích của cuộc sống không phải giàu có, nhiều tiền của mới là hạnh phúc, mà chúng ta phải biết bằng lòng với hiện tại, và sẵn sàng san sẻ, giúp đỡ khi gặp người khó khăn, bất hạnh.

Người có nhiều tiền bạc của cải là nhờ biết gieo trồng phước đức trong quá khứ và hiện tại, biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ sẻ chia, lại hay cố gắng siêng năng, tinh cần làm việc và biết tiết kiệm.

Vậy mà ông trưởng giả đó lúc còn sống chỉ một bề lao đầu làm việc, chạy theo công danh sự nghiệp không một ngày nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, làm sao cho có thật nhiều tiền nhằm thỏa mãn những nhu cầu hưởng thụ về thân; nên suốt cả cuộc đời ông chưa từng biết giúp đỡ một ai, tham lam, bỏn sẻn, keo kiết với cả những người làm việc cho mình, ông trả lương ít mà bắt họ phải làm nhiều.

Tiền bạc làm không chân chính bị 5 nhà nhà cuốn trôi 

Tiền bạc nếu làm ra không chân chính thường hay bị năm nhà cuốn trôi: lũ lụt, hỏa hoạn, trộm cướp, bị vua quan tịch thâu và con cái bất hiếu phá sản.

Nhà lũ lụt: Chiến tranh, thiên tai, sóng thần, động đất, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra trên thế gian này. Nó đã tàn phá tài sản, vật chất của con người dưới mọi hình thức, bởi do nhân xấu mà ta đã gieo tạo từ vô thủy kiếp đến nay.

Nói đến lũ lụt, đất nước Việt Nam ta năm nào cũng có, nhiều nhất là hai tỉnh miền Trung, Bắc, luôn gây thiệt hại về tài sản và mất mát con người. Trong những tình huống như vậy, ai mà không ngậm ngùi, thương xót với sự mất mát, đau thương đó. Nhiều người không hiểu nên cho rằng số trời đã định, hay ông trời đang trừng phạt. Chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng thấu đáo, ông trời ở đây là chỉ cho luật nhân quả đang vận hành theo nguyên lý duyên khởi.

Ta khai thác tàn phá thiên nhiên một cách bừa bãi, nên tạo ra sự mất cân đối, và ai làm như vậy thì sẽ bị gió nghiệp cuốn vào vòng quỷ đạo đó mà chịu quả báo, cho nên có người bị, có người không. Thậm chí, có nhiều người đến sáu mươi bẩy tuổi mới xây cất được căn nhà khang trang, tậu được miếng vườn nho nhỏ để an hưởng tuổi già. Đùng một cái, một trận lũ xảy ra cuốn trôi hết tất cả, nên cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Sự mất mát đau thương đó ai mà không buồn khổ, kẻ tin theo truyền thống có ông trời tạo ra thì chấp nhận số phận đã an bài mà oán trách đấng tối cao. Người tin sâu nhân quả thì ngay nơi mất mát đó, họ cố gắng nhiều hơn để làm các việc có lợi ích cho nhân loại. Do đó, không có chuyện gì đương nhiên khi không mà xảy ra, mọi thứ đều có nguyên nhân tốt xấu của nó. Hiểu được như vậy rồi thì ta sẽ cố gắng tránh xa những việc làm xấu ác mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp.

Nhà hỏa hoạn: Tất cả mọi tai nạn hầu như đều do con người gây ra. Trong sự vô ý tình cờ hay trong lúc giận dữ, ta có thể hủy phá hết tất cả. Lũ lụt hay hỏa hoạn là những tai nạn bất ngờ chỉ trong chớp mắt cuốn trôi tất cả, hoặc thiêu rụi sạch sành sanh. Mọi việc xảy ra không có gì là đương nhiên khi không, hay ngẫu nhiên, tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Trong quá khứ, ta có thể phá hủy thiên nhiên, khai thác tài nguyên quá mức, hoặc vô tình làm cháy sạch tài sản của người khác. Nói cho rõ hơn, nhân vô tình có quả vô tình, nhân gian tham trộm cướp thì bị mất mát trở lại theo sự diễn biến của nhân quả.

Nhà trộm cướp: Kẻ ăn không ngồi rồi, lười biếng lao động, ham thích hưởng thụ nhiều, nên dễ sinh tâm trộm cướp, lường gạt của người khác. Trộm là lén lấy, cướp là công khai giành giựt lấy. Phạm vào tội trộm thì nhẹ hơn, một cái là lén lấy vì còn sợ người khác thấy. Còn cướp là hiên ngang công khai lấy trước mặt mọi người, dùng thế lực trấn lột, và có sự đe dọa, hoặc lợi dụng quyền thế để bắt buộc người đưa. Xã hội lúc nào cũng lên án hai hành động này, và có luật pháp hẳn hòi để xử phạt.

Nguyên nhân chính để xảy ra tệ nạn xã hội này là do lòng tham của con người. Từ lòng tham đó, con người muốn ăn không ngồi rồi để hưởng thụ, do quan niệm chết là hết, không có nhân quả, nghiệp báo. Một số người vì suy nghĩ lầm lẫn như vậy nên suốt cả cuộc đời rơi vào vòng tệ nạn xã hội, nhẹ thì nghèo cùng khốn khổ, nặng thì tù tội, bệnh tật, chết yểu.

Nhà vua quan tịch thu: Thời phong kiến độc tôn, vua là trên hết, thay trời trị vì thiên hạ, nên có quyền sinh sát trong tay. Khi làm vua thì theo tập cấp cha truyền con nối, được quyền ăn trên ngồi trước hưởng thụ mọi nhu cầu tối cao theo ý muốn riêng tư của mình. Ngày xưa, có những luật lệ lạ đời, không có con trai kế thừa thì khi chết đi, gia sản phải được sung vào công quỷ của nhà vua. Hoặc một người làm sai bị tịch biên tài sản, và nặng hơn thì chu di cả ba họ theo cách diệt cỏ phải diệt tận gốc. Nếu ta không gian tham, trộm cướp, lường gạt của người khác bằng nhiều hình thức, thì làm gì ta bị vua quan tịch thu hoặc chế tài.

Thế giới con người ngày nay tuy không còn chế độ phong kiến vua quan như xưa kia nữa, nhưng luật pháp vẫn có điều lệ rõ ràng, ai có công thì thưởng, ai có tội thì trừng. Tuy nhiên, vẫn có những người không phạm tội, nhưng mà tình ngay lý gian, hoặc do thiếu trách nhiệm, nên phải bị tù tội và chịu bồi thường tiền bạc. Những trường hợp oan nghiệt như vậy là do quả xấu của quá khứ còn xót lại, nay hội đủ nhân duyên đến hồi phải trả.

Nhà con cái bất hiếu phá sản: Trong các sự mất mát đau thương của nghiệp trộm cướp, bị con cái bất hiếu, phá sản là nặng nề nhất. Bởi vì cha mẹ nào mà lại không thương con cái của mình, chính vì lẽ đó mà có nhiều gia đình phải tán gia bại sản, chịu tù tội và khổ sở vì con cái.

Nhiều khi cha mẹ vì quá thương con nên chiều chuộng, cấp dưỡng quá mức mỗi khi có yêu cầu. Vì mải mê lo công danh sự nghiệp, buôn bán làm ăn, nên không cần quan tâm, chăm sóc, con cái muốn gì được nấy. Thực tế trong cuộc sống, có rất nhiều gia đình cha mẹ làm lụng nhọc nhằn vất vả cả đời, vì thương con không đúng cách mà phải chịu cảnh tan nhà, nát cửa, khổ đau, nghèo đói.

Tóm lại, tiền bạc của cải làm ra không chân chính sẽ bị năm nhà cuốn trôi và phá sạch, nhưng nặng nề nhất là bị con cái bất hiếu phá sản. Cha mẹ vì thương con một cách mù quáng, chỉ biết làm ra tiền để chu cấp thôi, do đó làm cho con cái ỹ lại và lười biếng. Ai có thói quen như thế thì suốt cả cuộc đời chỉ báo cha, báo mẹ mà thôi, chẳng bao giờ thành công trong cuộc sống.


 

Tác giả bài viết: Thích Đạt Ma Phổ Giác
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 372
  • Khách viếng thăm: 334
  • Máy chủ tìm kiếm: 38
  • Hôm nay: 58208
  • Tháng hiện tại: 2777789
  • Tổng lượt truy cập: 88582392
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012