TP.HCM: Trung ương GHPGVN trang nghiêm tưởng niệm lần thứ 30 của cố Đại lão HT. Thích Trí Thủ

Đăng lúc: Thứ hai - 31/03/2014 04:25 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Sáng nay, ngày 31/03/2014(01/03/Giáp Ngọ), Trung ương GHPGVN trang nghiêm tưởng niệm lần thứ 30 của cố Đại lão HT. Thích Trí Thủ -Chủ tịch HĐTS nhiệm kỳ I (1981-1987) và Hiệp kỵ chư vị tiền bối hữu công tại hội trường Văn phòng II TƯGH, thiền viện Quảng Đức, phường 8, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Linh đài cố HT. Thích Trí Thủ
 

Cung nghinh Chư Tôn giáo phẩm quang lâm hội trường
 
Quang lâm chứng minh và tham dự của Chư Tôn giáo phẩm: Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự, chư Tôn giáo phẩm Ban Thường trực HĐTS: HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Hiển Tu - Phó Thư ký HĐCM; cùng chư tôn giáo phẩm HĐCM; HT.Thích Chơn Thiện-Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng Ban Giáo Dục Tăng Ni T.Ư GHPGVN, HT.Thích Thiện Nhơn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký  HĐTS T.Ư GHPGVN; HT. Thích Trí Quảng - Phó chủ tịch kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN cùng chư tôn giáo phẩm HĐTS; chư tôn giáo phẩm các ban, viện T.Ư; chư tôn đức giáo phẩm quý Ni trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, Tăng Ni, Phật tử các tự viện TP.HCM, Tăng Ni sinh Trường Cao - Trung Phật học TP.HCM; Lớp Cao trung cấp Giảng sư Ban Hoằng pháp T.Ư, Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai; chư tôn đức đại diện môn đồ pháp quyến, chư Tăng tu viện Quảng Hương Già Lam.
 

Chư Tôn đức giáo phẩm và quý Đại diện chính quyền
 
 
Đại diện chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể gồm có: ông Nguyễn Phước Lộc, Vụ Trưởng Vụ Tôn giáo Ban Dân vận T.Ư; Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể T.Ư; UBND, UB MTTQVN, Ban Tôn giáo TP.HCM.
 


HT.Thích Chơn Thiện-Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS cung tuyên tiểu sử
 
Tại buổi lễ tưởng niệm, HT.Thích Chơn Thiện-Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS đã cung tuyên  tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ. Theo văn tiểu sử, Hòa thượng họ Nguyễn, húy văn Kính, pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, hiệu Thích Trí Thủ. Hòa thượng sinh ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Dậu, tức ngày 01 tháng 11 năm 1909, tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Thân phụ là cụ Nguyễn Hưng Nghĩa, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Chiểu, cả hai cụ thân sinh đều thuộc gia đình nhiều đời tin Phật.

Hòa thượng là con trưởng trong gia đình có 3 anh em, 2 trai và 1 gái. Năm lên 7, Hòa thượng bắt đầu học chữ Hán, năm lên 9 tuổi Hòa thượng được vào học trường làng.

Vốn có sẵn hạt giống Bồ Đề, túc duyên Phật Pháp, năm 14 tuổi, Hòa thượng đã vào học kinh ở chùa Hải Đức – Huế. Năm lên 17, Hòa thượng thực thụ xuất gia, đầu sư với Hòa thượng Thích Viên Thành tại chùa Tra Am - Huế, được ban pháp danh Tâm Như, pháp tự Đạo Giám và trực tiếp thụ học với Bổn sư.

Năm 20 tuổi, Hòa thượng được Bổn sư cho vào giới đàn chùa Từ Vân ở Đà Nẵng thụ giới cụ túc. Tại giới đàn này, Hòa thượng đã trúng tuyển thủ Sa di trong số 300 giới tử.

Qua hai năm cư tang Bổn sư tại chùa Tra Am, năm 23 tuổi Hòa thượng đã cùng các pháp lữ vào chùa Thập Tháp, Bình Định tham học với Hòa thượng Phước Huệ.

Sau khi học xong chương trình Trung học Phật học, Hòa thượng làm giáo thụ dạy Trường Phật học Phổ Thiên - Đà Nẵng. Vì chưa thỏa lòng cầu pháp, sau Hòa thượng lại trở ra Huế, cùng các Pháp hữu đồng học ở Thập Tháp ngày trước, tổ chức Trường Phật học tại chùa Tây Thiên, rồi cung thỉnh Tăng cang Giác Nhiên chùa Thuyền Tôn làm Giám đốc, Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp làm Đốc giáo dạy nội điển, đồng thời mời các cư sĩ như Bác sĩ Lê Đình Thám dạy Luận học, các cụ Nguyễn Khoa Toàn, Cao Xuân Huy… dạy các môn về văn hóa theo trình độ Đại học Phật giáo cũng như văn hóa. Trong thời gian này, Hòa thượng làm giảng sư Hội Phật học Huế, dạy lớp Trung Đẳng Phật học tại Chùa Tây Thiên và Trường Tiểu học Phật học tại chùa Báo Quốc... Hòa thượng làm Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật học, thành lập tại chùa Pháp Hội – Sài Gòn. Đây chính là tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh. Hòa thượng còn chủ trương các tập san như Tin Phật, Bát Nhã để gióng lên cho đời tiếng nói của pháp âm. Năm 1965, sau khi ổn định mọi Phật sự, Hòa thượng hành hương chiêm bái các danh lam Phật tích ở Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, giao thiệp với nhiều danh Tăng các nước.

Chư tôn đức môn đồ pháp quyến

Sau thời kỳ làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, Hòa thượng lại được Giáo hội trao giữ nhiệm vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ tài chánh. Năm 1968, Hòa thượng được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất, chính thức tấn phong lên ngôi vị Hòa thượng. Cũng năm này, Hòa thượng khai giới đàn tại Phật học viện Nha trang. Năm 1969, đại trùng tu Tổ đình Báo Quốc. Năm 1970, mở lớp trung đẳng II Chuyên khoa tại Phật học viện Trung phần – Nha Trang. Năm 1974, thành lập Viện Cao Đẳng Phật học – Nha Trang.

Từ Đại hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất kỳ 5 và kỳ 6 Hòa thượng giữ chức vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo, đến năm 1975 đảm nhiệm thêm công việc phụ tá Đức Tăng Thống cho đến khi đất nước và đạo pháp chuyển sang giai đoạn lịch sử mới. Đến năm 1976, Hòa thượng lại tổ chức đại giới đàn Quảng Đức tại tổ đình Ấn Quang, Chợ Lớn.

Hòa thượng được bầu làm Trưởng ban vận động, và khi Hội nghị đại biểu thống nhất Phật Giáo Việt Nam tổ chức tại thủ đô Hà Nội ngày 07 tháng 11 năm 1981, Hòa thượng đắc cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam nhiệm kỳ đầu tiên.

Những năm cuối của báo thân, Hòa thượng tuy tuổi già sức yếu, vẫn không xao lãng việc đạo việc đời. Năm 1979 và 1982 dẫn đầu đoàn đại biểu Phật Giáo Việt Nam dự Đại hội thứ 5 và thứ 6 của tổ chức Phật Giáo Châu Á vì hòa bình, tại Mông Cổ. Năm 1980, làm trưởng đoàn đại biểu tôn giáo Việt Nam dự hội nghị các nhà hoạt động tôn giáo thế giới vì hòa bình và sự sống, chống chiến tranh hạt nhân, tổ chức tại Liên Xô, cũng năm này kiến tạo thêm Chính điện Tu Viện Quảng Hương Già Lam. Năm 1983, dự hội nghị các vị đứng đầu Phật giáo 5 nước Châu Á, tổ chức tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Năm 1983, đắc cử Ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng năm này xây dựng lại ngôi Tổ đình Linh Quang (Quảng Trị).

Dù bận rộn Phật sự, suốt con đường hành đạo, Hòa thượng vẫn dành thời giờ dịch kinh, biên soạn sách để hoằng dương Phật pháp. Các tác phẩm chính gồm kinh Phổ Môn, kinh Phổ Hiền, Mẹ hiền Quán Âm, kinh Vô Thường, kinh A Di Đà, Pháp môn tịnh độ, kinh Bát Nhã, Luật Tỳ Kheo, Luật Bồ Tát, Luật Tứ Phần, nghi thức truyền giới Bồ Tát tại gia và thập thiện, nghi thức Phật đản, nghi thức lễ sám buổi khuya và các tác phẩm khác đã in hoặc chưa xuất bản.

Thế rồi sau một cơn suy tim nhẹ, Hòa thượng đã xả báo an tường, thu thần nhập diệt vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 02 tháng 4 năm 1984 (tức ngày 02 tháng 3 năm Giáp Tý) tại tại Tu viện Quảng Hương Già Lam, trụ thế 76 tuổi đời, 56 tuổi đạo. Kim Quan Hoà thượng nhập bảo tháp tại đây...


HT. Thích Trí Quảng - Phó chủ tịch kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN tuyên đọc lời tưởng niệm
 
Trong khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh, hòa hợp của lễ tưởng niệm, HT. Thích Trí Quảng - Phó chủ tịch kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN đã thay mặt T.Ư GHPGVN tuyên đọc lời tưởng niệm cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ và chư vị tiền bối hữu công viên tịch. 
 
Theo lời văn tưởng niệm Cố Hòa thượng Thượng TRÍ hạ THỦ, nguyên Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; nguyên Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I (1981 - 1986) và hiệp kỵ chư Sơn Thiền đức tiền bối hữu công, chư Tôn đức Hội đồng Trị sự GHPGVN đã suốt đời phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc.
 
Hòa thượng là một trong những bậc cao Tăng thạc đức đã tích cực đóng góp trí huệ và công sức trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Bằng ý nguyện tinh sưu nghĩa lý để kế vãng khai lai, phò trì mạng mạch Tăng già, Hòa thượng đã tinh cần tinh tấn ôn tầm bối diệp tại các Phật học đường nổi tiếng như Thập Tháp, Tây Thiên, Báo Quốc.

Với trình độ Phật học uyên thâm, trí huệ của bậc thạch trụ Tòng lâm, vào thập niên 30, 40, Hòa thượng mở trường Phật học Tây Thiên, Linh Quang, Báo Quốc, Từ Đàm để đào tạo Tăng tài, tiếp dẫn hậu lai, truyền trì Phật pháp, chấn hưng Phật giáo nước nhà cũng như thực hiện phương tiện quyền xảo, từ bi lợi vật, Hòa thượng đã nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà, hoàn thành hạnh nguyện bi trí dũng của người con Phật, sáng danh con nhà họ Thích ngàn đời trong cương vị Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Trung bộ.

Bằng uy đức trang nghiêm, trí huệ bất phàm, vào thập niên 50, với trọng trách Giám viện Phật học Viện Trung phần – Nha Trang, Hòa thượng đã đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức, trở thành pháp khí đại thừa, hiện đang phục vụ các cấp Giáo hội từ trung ương đến địa phương trong cả nước, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam qua từng thời đại.

Tuy Phật sự đa đoan, nhưng Hòa thượng vẫn dành nhiều thời gian để giảng kinh, thuyết pháp, viết sách, dịch Kinh, Luật, Luận. Những tác phẩm trước tác hoặc dịch thuật của Hòa thượng vẫn còn nguyên giá trị, mang tính khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ trong thời đại hội nhập hôm nay.

Hòa thượng là nhân tố tích cực trong sự nghiệp thống nhất Phật giáoViệt Nam, xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, mà Hoà thượng là thành viên sáng lập và được toàn thể đại biểu suy cử vào cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ lúc đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ I (1981 - 1986) cho đến ngày viên tịch, Hòa thượng đã không ngừng xây dựng và phát triển, làm cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng trang nghiêm và hưng thịnh trong lòng dân tộc, nhất là trong giai đoạn thống nhất Phật giáo Việt Nam đầy gian nan và thử thách. Như Hòa thượng đã từng tâm sự: "Những gì tôi làm lợi ích cho Đạo pháp tức là lợi ích cho Dân tộc; những điều tôi làm lợi ích cho Dân tộc tức là lợi ích cho Đạo pháp”.

Thấm thoát ngày qua tháng lại, kể từ ngày hạt vàng khuất bóng, chùa Già Lam mây ẩn bóng ưu đàm, thuyền Bát nhã xuôi dòng bản thể, dù thời gian có trôi qua, không gian có thay đổi, nhưng công đức và đạo nghiệp của Cố Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trong trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. 

Hôm nay nhân ngày Lễ húy kỵ lần thứ 30, ngày Cố Hòa thượng trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt và hiệp kỵ chư Sơn Thiền đức tiền bối hữu công, chư Tôn đức Hội đồng Trị sự GHPGVN, xin thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh và Tăng Ni Phật tử đốt nén hương lòng kính dâng lên cúng dường Giác linh Hòa thượng cùng chư Sơn Thiền đức tiền bối hữu công, chư Tôn đức Hội đồng Trị sự GHPGVN. Ngưỡng mong Pháp thân Hòa thượng từ bi gia hộ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm, hưng thịnh, Phật pháp xương minh, tông phong xán lạn huy hoàng, rừng thiền tâm hoa khai phát, pháp âm vĩnh xướng nhân gian và hộ trì cho thế giới Ta bà, vườn hoa xã hội nở hoa bốn mùa. Đồng thời, chúng tôi xin kính nguyện kề vai sát cánh bên nhau, hòa hợp đoàn kết một lòng, để trang nghiêm ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển huy hoàng trong lòng dân tộc.

Ngưỡng mong pháp thân Hòa thượng, chư vị tiền bối hữu công hiện hữu khắp hư không, thùy từ chứng giám.

Sau lời tưởng niệm của GHPGVN, Chư Tôn đức giáo phẩm đã chính thức cử hành niêm hương tưởng niệm cố Đại lão HT. Thích Trí Thủ và chư vị tiền bối hữu công của Giáo hội.

Chư Tôn đức HĐCM, HĐTS, toàn thể hội chúng trang nghiêm dâng hương tưởng niệm cố Đại lão HT. Thích Trí Thủ

Chư Tôn đức Tăng

Chư Tôn đức Ni


HT.Thích Thiện Nhơn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký HĐTS phát biểu cảm tạ của Ban Tổ chức
 
HT.Thích Thiện Nhơn đã thay mặt Ban Tổ chức chân thành cảm tạ và tri ân đến Chư tôn giáo phẩm thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban, Viện Trung ương Giáo hội, chư Tôn đức Tăng Ni cùng toàn thể Nam nữ Phật tử; và chân thành cảm ơn các Cơ quan Chính quyền, Mặt trận, ngành an ninh Quận 3 và Phường 8 đã tạo điều kiện thuận lợi và hết lòng hỗ trợ cho Giáo hội, Ban tổ chức hoàn thành công tác tổ chức Lễ tưởng niệm được trang nghiêm, trật tự, đạt kết quả tốt đẹp. Ban Tổ chức xin chân thành cảm tạ, tri ân đến toàn thể liệt Quý vị. Kính chúc liệt Quý vị thân tâm thường lạc, thành tựu các ý nguyện, vạn sự an lành, kiết tường khương thới.
 

Toàn cảnh hội trường
Thích Thiện Tịnh (GHPGVN)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 320
  • Khách viếng thăm: 310
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 56655
  • Tháng hiện tại: 2752832
  • Tổng lượt truy cập: 91644405
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012