Tham luận Hội thảo HDPT tỉnh BRVT: Một số ưu tư của Huynh trưởng trẻ với các khó khăn của tổ chức GĐPT

Đăng lúc: Thứ bảy - 27/07/2013 21:00 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Tổ chức GĐPT là tổ chức luôn song hành cùng Phật giáo Việt Nam, sống cùng và sống trong lòng Giáo Hội PGVN, vì vậy sự thịnh suy, sự phát triển hay tụt hậu của Phật giáo Việt Nam có một phần trách nhiệm của tổ chức GĐPT. Và cũng vì lẽ đó nên hiện tại GĐPT đang gặp rất nhiều chướng duyên trong việc thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Các chướng duyên đã được Chư tôn đức Tăng Ni, các nhà nghiên cứu Phật giáo và các anh chị HT cao niên vừa phân tích qua các bài tham luận ở trên. Cho phép con, em, tôi thay mặt các anh chị em HT trẻ nên lên những ưu tư và những ý nguyện của mình trong việc hóa giải những khó khăn của tổ chức GĐPTVN nói chung và GĐPT tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng.
HỘI THẢO HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU NĂM 2013
 
ĐỀ TÀI : MỘT SỐ ƯU TƯ CỦA HUYNH TRƯỞNG TRẺ BRVT VỚI CÁC KHÓ KHĂN CỦA TỔ CHỨC GĐPT TỈNH VÀ THỬ NÊU BIỆN PHÁP HÓA GIẢI
 


Huynh trưởng Quảng Chuyên - Lê Ngọc Cảm

I/ ĐẶT VẤN ĐỀ:

GĐPTVN ra đời trên quê hương chúng ta đã trên 60 năm. Trải qua bao nhiêu sóng gió của thời đại, chịu sự thịnh suy theo biến thiên của lịch sử, nhưng cho đến nay vẫn tiếp tục tồn tại và không ngừng phát triển không những chỉ ở trong nước mà còn lan tỏa đến các châu lục nơi có người Việt sinh sống. Từ năm 1992 ở Đại hội đại biểu Phật giáo lần III vấn đề phục hoạt tổ chức GĐPT chính thức được đưa lên bàn nghị sự và năm 1997 Đại hội đại biểu Phật giáo lần IV tổ chức được chính thức thừa nhận là 1 Phân Ban trong Ban HDPT. Trải qua bao biến cố thăng trầm cho đến nay mục đích, tôn chỉ của GĐPT vẫn không thay đổi. Nhiều thế hệ lãnh đạo đã duy trì và phát triển tổ chức theo đúng mục đích, tôn chỉ đã đề ra.

Tuy nhiên thực trạng xã hội hiện nay so với thời kỳ mới thành lập GĐPT đã có quá nhiều thay đổi, GĐPT muốn phát triển cũng phải áp dụng tinh thần tùy duyên bất biến, sáng tạo, uyển chuyển các hình thức, mô hình sinh hoạt để tạo sức hút của tổ chức đối với giới trẻ vì đây chính là đối tượng giáo dục, đào luyện của GĐPT, đó là trách nhiệm của các cấp Huynh trưởng. Xác quyết rằng: “Tổ chức GĐPT là tổ chức luôn song hành cùng Phật giáo Việt Nam, sống cùng và sống trong lòng GHPGVN”; vì vậy sự thịnh suy, sự phát triển hay tụt hậu của Phật giáo Việt Nam có một phần trách nhiệm của tổ chức GĐPT. Và cũng vì lẽ đó nên hiện tại GĐPT đang gặp rất nhiều chướng duyên trong việc thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Các chướng duyên đã được chư Tôn đức Tăng Ni, các nhà nghiên cứu Phật giáo và các anh chị Huynh trưởng cao niên vừa phân tích qua các bài tham luận ở trên. Cho phép con, em, tôi thay mặt các anh chị em Huynh trưởng trẻ nêu lên những ưu tư và những ý nguyện của mình trong việc hóa giải những khó khăn của tổ chức GĐPTVN nói chung và GĐPT tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng.

 II/ NỘI DUNG:

Khi chúng ta phát nguyện nhận lãnh sứ mệnh phụng sự lý tưởng cũng là lúc chúng ta đứng vào hàng ngũ Huynh trưởng. Những Huynh trưởng cấp Dũng, cấp Tấn nói riêng, các Huynh trưởng cao niên nói chung là những thuyền trưởng lãnh trọng trách lèo lái con thuyền GĐPT đi đúng hướng; thì thấp hơn là hàng ngũ Huynh trưởng trẻ, hàng ngũ Huynh trưởng cấp Tín, Tập đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thăng tiến tổ chức.

1/ Thực lực của hàng ngũ Huynh trưởng trẻ:

Theo Nội Quy GĐPTVN thì hàng ngũ Huynh trưởng có 4 cấp: Tập, Tín, Tấn, Dũng. Hiện nay số Huynh trưởng (HT) cấp Dũng rất ít và đó là những anh cả của tổ chức, đang là những vị lãnh đạo cao nhất trong GĐPT, những anh, chị đó tuổi đời cũng đã cao. Kế đến là HT cấp Tấn số lượng có nhiều hơn, tuổi đời cũng không còn trẻ, đó là những HT đang trực tiếp điều hành vận mạng của GĐPT từ Trung Ương đến Địa phương. Tiếp đến với số lượng đông đảo hơn là hàng HT trẻ cấp Tín hiện đang là HT chủ chốt của các đơn vị GĐPT và tham gia hổ trợ cho Trưởng Ban điều hành tại quận, huyện và phụ tá cho các anh chị Ban viên Phân Ban Hướng Dẫn tỉnh. Sau cùng là hàng Huynh trưởng cấp Tập và HT tập sự với số lượng đông đảo nhất đang trực tiếp điều hành sinh hoạt tại các đơn vị.

Từ phân tích trên đây ta có thể thấy được hàng HT trẻ đang mang cấp Tín, Tập là cấp trung dung trực tiếp thực hiện mục tiêu, đường lối, tôn chỉ cũng như mọi sự hành hoạt mà các anh, chị HT lãnh đạo tổ chức đã vạch ra đồng thời là người hướng dẫn, điều động hàng ngũ HT cấp thấp hơn trong mọi vấn đề điều hành sinh hoạt của tổ chức.

Như vậy chúng ta thấy thực tế vai trò HT trẻ được xem là trọng tâm trong cơ cấu điều hành tổ chức hiện nay.

2/ Đặc điểm của HT trẻ:

a.Tuổi đời:

Tuổi đời của một HT trẻ hiện nay đa số từ khoảng 25 đến 50 tuổi (có thể trẻ hơn ở khu vực thành thị và cao tuổi hơn ở khu vực nông thôn). Như vậy thì lứa HT trẻ tự dưng phân thành 2 nhóm: Nhóm 1 bắt đầu hoàn thiện nhân cách, khả năng, trình độ và nhóm 2 là những người đang ở độ tuổi có thể xem là “đủ độ chín” để điều hành tổ chức tại huyện hoặc đơn vị. Ở độ tuổi này người HT trải qua một thời gian khá dài trưởng thành trong GĐPT và đã có những trải nghiệm quý báu khi làm HT tập sự và HT cấp Tập. Và khi đủ độ chín với vốn liếng khá dồi dào đó, HT tuổi cao hơn có khá nhiều kinh nghiệm để điều hành, xây dựng và phát triển một đơn vị cũng như tham gia vào PBHD điều hành hoạt động của GĐPT tỉnh.

Cũng có thể nói thêm là ở độ tuổi trung niên này người HT đã qua cái thời năng động bồng bột của tuổi trẻ, làm việc với tất cả bầu nhiệt huyết nhưng dễ mắc sai sót và thất bại vì thiếu kinh nghiệm và thiếu sự chín chắn. Cũng như không quá già để mất hết nhiệt huyết làm việc gì cũng sợ thất bại, thiếu sáng tạo và ngại mạo hiểm. Cũng cần nói thêm là đa số HT cấp Tín với độ tuổi trung niên có khả năng tự mình dùng khả năng, phương tiện cá nhân để đi lại thực hiện mọi nhu cầu hoạt động của tổ chức như về tham dự Phật sự các đơn vị xa, tham dự trại mạc, họp hành v.v…Đây là một nhu cầu thiết yếu trong hoạt động của một HT, nhưng với những HT cao niên thì tuổi cao, sức yếu nên đành “lực bất tòng tâm”.

b. Tri thức xã hội:

Nói về tri thức xã hội thì HT cấp nào cũng có, tùy theo điều kiện cũng như sự trải nghiệm của từng người. Tuy nhiên đối với HT trẻ từ cấp Tập - Tín với độ tuổi trung niên như đã nêu trên thì sự tiếp cận với tri thức thời đại khá là thuận duyên. HT trẻ ngày nay có nhiều người có trình độ thế học cao, vốn sống dày dặn, có khả năng tự học hỏi nội điển, tự rèn luyện và thu thập kinh nghiệm điều hành tổ chức, có khả năng tiếp cận với văn minh công nghệ thời đại để thăng tiến bản thân cũng như thực hiện sứ mạng của tổ chức. Nếu có thiện chí học hỏi thì HT trẻ hoàn toàn có khả năng tiệp cận nền văn minh công nghệ thời đại để tự trang bị cho mình kiến thức phục vụ cho việc thực hiện sứ mệnh của người HT.

Tri thức xã hội là một khái niệm bao hàm nhiều lãnh vực rộng lớn có tính khái quát, nó bao gồm nhiều lảnh vực như: xã hội, nhân văn, văn hóa, văn nghệ, khoa học kỷ thuật, kỷ năng sống… được thu thập và tích lủy bằng vốn sống và sự trải nghiệm trong cuộc đời. Thực ra thì tri thức xã hội của một HT như thế nào tùy thuộc vào điều kiện, môi trường sống và nhiều yếu tố khác nữa.

Trong thực trạng của xã hội hiện nay về sự bùng nổ nền công nghệ thông tin toàn cầu, người HT chỉ cần ngồi một chổ trước máy tính nối mạng để truy cập thông tin về những sự kiện mới nhất vừa xảy ra trên thế giới. Cũng có thể tìm kiếm những tư liệu về giáo lý, kinh điển để đáp ứng nhu cầu học hỏi hoặc phục vụ tổ chức bằng vài động tác “nhấp chuột”. Một việc làm xem ra khá đơn giản như thế nhưng những thế hệ HT đàn anh trước đây phải cất công truy tìm trong kho tàng kinh sách mất rất nhiều công sức, thời gian. Ngày nay với một ổ đĩa Flash Drive chỉ  bằng ngón tay mà trong đó chứa đựng dung lượng bằng cả một thư viện đồ sộ!. Phải công nhận rằng với “công xảo minh thời đại” là công nghệ thông tin đã đem đến rất nhiều tiện ích cho con người.

Tuy nhiên nó cũng như con dao hai lưỡi, nếu không biết sử dụng thì nó sẽ trở lại hại mình. Với những HT trẻ thì vốn thế học có sẵn, khả năng tiếp thu khoa học kỷ thuật cao nhưng khả năng “gạn đục khơi trong” trong việc xử lý thông tin không thể chính xác bằng hàng HT cao niên. Thế nên nói tri thức xã hội là sở trường của hàng ngủ HT trẻ cũng không có gì là quá lời.
 
c. Tinh thần sinh hoạt năng động, nhiệt thành.

Với ưu điểm về tuổi đời và khả năng tiếp cận tri thức xã hội, người HT cấp trẻ nếu có tâm huyết với sứ mệnh người HT thì có đủ điều kiện để thể hiện tinh thần sinh hoạt năng động, nhiệt thành với tổ chức.

Về tuổi đời, ở độ tuổi trung niên còn nguyên vẹn sự năng động, tháo vát nhanh nhẹn cộng với bầu nhiệt huyết lại có được một nội lực sung mãn và khả năng tiếp thu tri thức xã hội, kỷ năng sống, đồng thời có điều kiện tiếp thu công xảo minh thời đại như công nghệ thông tin, khoa học kỷ thuật để làm phương tiện cho bản thân rồi đem ứng dụng, cống hiến cho tổ chức.

Dù anh chị đang là HT trụ cột của một đơn vị hay là một thành viên trong Ban Điều hành huyện, Phân Ban Hướng Dẫn tỉnh hay bất kỳ cương vị công tác nào người HT cấp Trẻ cần phải thể hiện tinh thần sinh hoạt năng động, nhiệt thành với tổ chức. Với vốn liếng dồi dào về tri thức thời đại, về kinh nghiệm điều hành tổ chức, người HT cấp Trẻ cần phát huy sáng kiến của mình trong tinh thần tương quan xây dựng cùng với HT các cấp để phục vụ tổ chức.

3/ Ưu tư của hàng ngũ Huynh trưởng trẻ BRVT:

Qua những tiểu luận của chư Tôn đức Tăng Ni – của quý anh chị HT Cao niên và thực tại tổ chức, hàng ngũ HT trẻ tỉnh BRVT có những ưu tư chủ yếu sau, kính mong chư Tôn đức và quý anh chị PB Trung Ương chú ý xem xét:

a. Hệ thống chuẩn chương trình tu học của tổ chức GĐPT vẫn chưa hoàn thiện. Một số bài học viết sơ sài, hoặc quá nặng về kiến thức chuyên môn nên HT khó sử dụng trong công tác hướng dẫn đoàn sinh.

b. Một số Tăng – Ni chưa hiểu rõ về tổ chức GĐPT nên việc sinh hoạt ở các tự viện còn nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị chưa có chỗ tu học riêng nên các lớp học bị ảnh hưởng bởi việc tu học của các Đạo tràng.

c. Các lớp tu học trường kỳ của Tỉnh hoặc Trung Ương mở theo giai đoạn (VD: Bậc Lực 4 năm khai khóa 1 kỳ) nên nhiều HT khó khăn trong việc theo tu học.

Từ những nhận định trên cho phép con, em, tôi thay mặt cho lứa HT trẻ đề đạt một số phương án hóa giải khó khăn như sau:

4/ Một số vấn đề HT trẻ cần chú ý thực hiện để hóa giải các khó khăn cho tổ chức:

- Với chư Tôn đức Tăng Ni: người HT trẻ cần luôn khâm tuân sự giáo huấn, dẫn đạo đúng đắn của các Trưởng tử Như Lai, sự điều hành của Ban Trị sự các cấp. Trong hiện tại người HT trẻ cần tỉnh táo để nhận định các âm mưu chia rẽ hay áp lực từ ngoại tại hay nội tại; trong tương lai HT trẻ phải xác định mình là lực lượng hậu bị kế thừa Giáo hội phụng trì Tam Bảo, tiếp dẫn hậu lai, duy trì mạng mạch và xiển dương Chánh pháp đúng theo tinh thần giáo lý Phật Đà.

Đối với HT cấp Tấn, cấp Dũng và các HT cao niên: mình là đàn em cần phải kính trọng, khiêm cung học hỏi kinh nghiệm những người đi trước là những đàn anh trong tổ chức. Đối với HT đàn em mình là người anh, người chị cần phải trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn, trợ duyên trong tinh thần tứ nhiếp và lục hòa cộng trụ để giúp họ trong việc điều hành hoạt động tại đơn vị.

- Với bản thân: khả năng, nội lực vốn có, tùy theo vị trí công tác hiện thời cần phát huy sáng kiến của mình trong việc điều hành Phật sự với Phân Ban Hướng Dẫn hay là Ban Huynh trưởng tại đơn vị. Như đã nói ở trên, môi trường thể hiện là tùy theo trách nhiệm đang đảm nhận, có thể phát huy ở các kỳ sinh hoạt cấp, các trại huấn luyện, các lớp học truờng kỳ của HT v.v…

- Nếu anh, chị đang là một thành viên Phân Ban Hướng Dẫn, Ban Điều hành huyện, thị xã thì môi trường thể hiện sự phát huy sáng kiến cho việc xây dựng và thăng tiến tổ chức có phần rộng hơn, là những cộng sự cho những HT lãnh đạo góp phần điều hành mọi hoạt động, xây dựng, thăng tiến tổ chức ở quy mô cấp huyện, cấp tỉnh.

- Nếu anh, chị đang là HT chủ chốt tại một đơn vị thì trách nhiệm lại càng nặng nề hơn vì chính anh, chị là linh hồn của đơn vị. Sự thịnh suy, trì trệ hay phát triển tại đơn vị, GĐPT của mình đang phụ trách có tạo được uy tín đối với chư Tôn đức trụ trì, với Giáo hội, với phụ huynh đoàn sinh và với cộng đồng xã hội hay không tùy thuộc vào các anh, chị rất nhiều. Kinh nghiệm cho thấy ở đơn vị nào Ban Huynh trưởng có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, nhiệt tình, có tính sáng tạo trong điều hành, sinh hoạt thì đơn vị đó phát triển vững mạnh, thăng tiến. Anh, chị là HT trẻ có đầy đủ các yếu tố đó thì phải biết vận dụng, phát huy năng lực trong việc điều hành đơn vị, điều hành một đơn vị ngày càng thăng tiến là anh, chị đã thiết thực góp phần xây dựng và thăng tiến tổ chức. GĐPTVN có thăng tiến hay không, GĐPT của một tỉnh có thăng tiến hay không trước hết là phải có những đơn vị thăng tiến. Đó là một thực tế không ai phủ nhận được.

5/ Sự thể hiện qua tinh thần tương quan xây dựng.

Qua phân tích thực lực và đặc điểm trên đây cho chúng ta thấy HT trẻ có những ưu điểm về tuổi tác và vốn liếng tri thức xã hội cũng như trách nhiệm hết sức nặng nề đang nhận lãnh trước tổ chức. Bởi vậy người HT trẻ trước hết cần thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với tổ chức qua việc phát huy sở trường đó là tri thức xã hội để đóng góp sáng kiến của mình trong tinh thần tương quan xây dựng để thăng tiến GĐPT tại địa phương và tổ chức. Nếu một HT có sở trường, có khả năng nhưng thiếu thiện chí, nhiệt thành với tổ chức thì những gì anh chị có được cũng đều vô nghĩa vì nó không giúp ích gì cho việc thực hiện sứ mệnh HT của anh chị cả. Thế nên tất cả phải được thực hành bằng tâm cống hiến thể hiện qua việc tìm tòi, sáng tạo, phát huy sáng kiến của mình cùng gắn kết với HT cấp trên, HT đàn em và các đồng sự trong tinh thần tứ nhiếp và lục hòa cộng trụ để góp phần xây dựng và phát triển tổ chức. Để thực hiện tốt tinh thần tương quan xây dựng với tất cả lam viên phải có đức khiêm cung, cầu tiến, dù anh chị có giỏi giang đến đâu cũng không sinh tâm cống cao, ngã mạn, dù có cống hiến cho tổ chức nhiều bao nhiêu đi nữa cũng không mang bệnh công thần. Kính trọng, học hỏi HT cấp trên; hòa ái, rộng lượng với HT cấp dưới và đoàn sinh là những yếu tố cần thiết để anh chị HT cấp Trẻ thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với tổ chức.
 
IV/ KẾT LUẬN

Như đã trình bày ở trên, hàng ngũ HT trẻ trong GĐPT có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và thăng tiến tổ chức. Đó là một hàng ngũ HT có số lượng khá đông, lại có những ưu điểm về tuổi tác, sự trải nghiệm, sự trưởng thành trong tổ chức, có khả năng tiếp cận với tri thức thời đại. Cùng với tinh thần sinh hoạt năng động, nhiệt thành, người HT trẻ cần phải phát huy sở trường của mình để đóng góp sáng kiến cùng với các cấp HT trong tổ chức để góp phần thiết thực trong việc xây dựng và phát triển tổ chức cũng như GĐPT tại địa phương./.
 
Tác giả bài viết: Quảng Chuyên - Lê Ngọc Cảm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 759
  • Khách viếng thăm: 750
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 52562
  • Tháng hiện tại: 2860705
  • Tổng lượt truy cập: 88665308
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012