Tôn Sư Trọng Đạo

Đăng lúc: Thứ bảy - 17/11/2012 08:41 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Truyền lửa

Truyền lửa

Người bình dân Việt Nam, trong lời ǎn tiếng nói dân gian và những khúc hát ru của mình, đã truyền miệng ngàn đời hàng hàng châu ngọc những lời răn dạy con cháu về truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn.
Hai cặp lục bát dưới đây đã thấm vào lòng chúng tôi từ thuở còn nằm nôi, chính là một trong những lời ru - ca dao - tục ngữ cài đan, lồng ghép, tạo nên sự đa thanh, đa nghĩa, biểu cảm lạ lùng.

"Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc Cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"


Hai câu trên rõ ra lời ru con - lời ca dao yêu thương, ngậm ngùi, kể lể. Mẹ bồng con đi dọc bờ sông vắng. Muốn sang sông nhưng: "Đò đục quan cấm, đò ngang không chèo". Mẹ than cùng con, mẹ than đời mẹ. Giọng giãi bày, nghẹn ngào, ấm ức.

Hai câu dưới, hiển nhiên là tục ngữ nối theo, kết tinh bao trải nghiệm đắng cay suốt cuộc đời nổi nênh của mẹ. Có người hiểu câu 3: muốn sang trọng thì bắc cầu đẹp (lộng lẫy). Một số ý kiến khác: muốn sang (qua) sông thì phải bắc (làm) cầu để qua. Đặt trong vǎn mạch cả 4 câu. Chúng tôi nghiêng về cách kiểu thứ 2. Từ "sang" (động từ ) ở câu này đồng nghĩa cùng loại với từ "sang" trong câu đầu. Bởi mơ ước suốt đời của rmẹ là đứa con được sang bờ bên kia, vượt thoát dòng sông mênh mông đói nghèo, dốt nát.

So với nhiều câu tục ngữ nói về thầy (không thầy đố mày làm nên, một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, cơm cha, áo mẹ công thầy..v..v..) hai câu này mượt mà duyên dáng hơn. Trong hình thức lục bát, nối tiếp tự nhiên từ hai câu ca dao giàu âm thanh (bồng bồng), hình ảnh (mẹ bế con đò dọc, đò ngang, cầu kiều...), tuy là lời ru lúc ẵm con mà chở nặng lời mẹ dạy con từ sớm, từ xa, người ta có thể truyền trao kinh nghiệm sống, ứng xử, nhưng để có học thức, có vǎn hoá, (hay chữ) nhất định không thể thiếu được vai trò của ông thầy.

Đó là lời bà mẹ Việt Nam nghèo, đảm đang, đặt cả niềm tin vào vị thế người dạy con mình, dẫu đời bao ngang trái, vẫn kiên dũng bắc cầu cho con qua sông, vượt lên nghèo đói lạc hậu.

Vậy, chỉ còn cách "bắc cầu mà nối", vì "dốt phải đi tìm thầy"! Không nên hiểu "sang" ở đây là "giàu sang" thì bắc "cầu kiều" (đẹp). Đây cũng chẳng phải là chiếc cầu nổi (phù kiều) hoặc trùng lặp ("cầu" - "kiều" chữ Hán). "Cầu Kiều" là chiếc cầu cao ("kiều", tiếng cổ còn có nghĩa là "cao") để cho đò dọc, đò ngang đều qua lại được. Cần phải cao, chắc để con bước lên đường học tập vững vàng. (Trần Hồng Quang - Văn Đường)
 
Khuôn mặt của Đức Phật trong chữ Ngộ
 
Đối với người con Phật, ngoài tình thầy trò ở ngoài đời, chúng ta còn có cảm nhận sâu sắc ân nghĩa Thầy dạy đạo. Cha, mẹ và thầy giáo thế học có công nuôi dưỡng thân xác, đào tạo và nâng cao trình độ kiến thức cho ta, nhưng đó chỉ là thân ngũ uẩn sanh diệt và tri kiến thế gian. Còn thầy dạy đạo dìu dắt hướng dẫn ta phương pháp tu học để thoát khổ, thoát ly sanh tử, trao cho ta Giới thân Tuệ mạng bất sanh bất diệt, trưởng dưỡng hạnh lành nâng bước cho ta dự vào hàng Thánh. Công ơn ấy ngẫm ra còn nặng gấp bao lần những ân tình ân nghĩa nói trên.

Tục ngữ có câu: “dạy con từ thuở còn thơ” hoặc: “nên tre nhờ uốn thuở còn măng”. Cho nên trong suốt quá trình tu tập đó vị thầy luôn luôn kề cận, quan sát người đệ tử trong từng hơi thở, trong từng suy nghĩ, từng bước đi để dìu dắt, để hướng dẫn người học trò không đi lệch hướng. Ngoài việc dạy dỗ, rèn luyện đức hạnh người Thầy có lúc ân cần dịu dàng như người mẹ hiền ấp ủ cho chúng ta đỡ những lúc gió sương, vỗ về an ủi khi vấp ngã, lỗi lầm, săn sóc từng giấc ngủ bữa ăn, quan tâm đến những vui buồn của chúng ta trong cuộc sống. Có khi cũng cứng rắn, nghiêm khắc như người cha, che chở cho ta những lúc bão giông, rầy la quở phạt khi chúng ta sai lầm, ương bướng, khi ta bước thấp bước cao gập ghềnh nghiêng ngã. Nhưng dù ở hình thức nào thì cũng đều phát xuất từ tấm lòng thương tưởng của vị Thầy dành trọn vẹn cho những người học trò. Mong mỏi chúng ta trưởng thành để khỏi phụ cái chí hướng ban đầu mà chính chúng ta tự chọn. Vì vậy, Thầy đối với ta nghĩa cao như núi tình sâu như đại dương, ân nghĩa ấy chúng ta lấy gì đền đáp? Người xưa nói: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là “một chữ là thầy, nữa chữ cũng là thầy”, huống chi Thầy đã cho ta giới thân tuệ mạng, trọn vẹn một ân tình.

Mới hay:        

“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”
 

Tóm lại, với cha mẹ thì có mối quan hệ huyết thống, giữa thầy trò luôn có mối quan hệ khắng khít về tâm linh.Vị Thầy ân cần khuyên bảo quan tâm đến trò, thì người trò sẽ như được gắn thêm đôi cánh, có thêm sức mạnh để bay cao hơn, xa hơn vào bầu trời trí tuệ. Đồng thời người trò cũng có bổn phận chăm sóc sức khoẻ, đỡ đần những công việc cần thiết trong khả năng của mình mà không bao giờ câu nệ sự khó nhọc, toan tính, so đo, từ những công việc nặng nhọc cho đến những công việc nhẹ nhàng, Thầy giáo đạo ảnh hưởng không nhỏ đến nền giáo dục trong xã hội hiện đại.

Thầy giáo đạo còn gọi là bậc thầy tâm linh, được hiểu là một người tỉnh thức mà không phải là một thầy giáo sư phạm hay một nhà triết học đơn thuần, bởi vì một người tỉnh thức thì không những có thể trao truyền kiến thức mà còn chuyển hoá được cuộc đời cho đệ tử bằng con đường tu tập đưa đến sự thăng hoa trong cuộc sống. Thái độ của vị thầy dạy đạo là phải sống trong thực tại để nhận ra sự thật của cuộc đời, mục đích chủ yếu của vị ấy là truyền đạt kinh nghiệm sống cho đệ tử bằng những yếu tố thực nghiệm của bản thân và cách thực hành chứ không phải bằng lý thuyết suông. Các vị ý thức được rằng công việc hoằng hoá chúng sanh là vì lợi ích an lạc lâu dài. Vì thế một mặt đem tâm nguyện ấy phụng sự chúng sanh, một mặt là để cúng dường và báo ân Phật.

Bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều có những nét truyền thống đặc trưng rất riêng biệt. Theo quan điểm sống của người phương Tây thì chú trọng đến cuộc sống hiện thực,  mọi cái đều phải chứng minh được, sờ nắm được, họ ít khi đồng tình với những vấn đề mang tính trừu tượng. Với người phương Đông thì lại khác. Họ rất chú trọng đến đời sống tâm linh, đó là một cõi thiêng liêng làm chỗ dựa tinh thần và mang lại hạnh phúc vĩnh hằng. Bởi vậy, với người phương Đông thì niềm tin bao giờ cũng là tài sản vô giá, không phải là họ tin vào những đấng thần thánh xa xôi nào mà chính ngay trong đời sống thực tại này. Họ coi trọng những mối quan hệ chung quanh mình, những ân tình mà nhân loại mãi mãi tôn thờ đó là thâm tình của cha mẹ dành cho con cái, Thầy dành cho trò, tình bằng hữu đối với nhau…giữa cha mẹ và con cái có mối quan hệ huyết thống cho nên những tình cảm xuất phát một cách tự nhiên, còn giữa thầy và trò thì sự hàm ơn lại bày tỏ một cách sâu lắng hơn và khó lột tả hơn nhưng nó lại làm rung động lòng người.
 
Thư pháp
 
Trong mỗi chúng ta ai cũng đều ý thức được rằng, cha mẹ sanh thân ta, nuôi dưỡng ta trưởng thành nhưng người mà truyền trao cho ta những kiến thức thì chính là công lao của những bậc Thầy. Thầy dạy đạo, thầy dạy chữ, thầy dạy nghề.v.v. Cho dù ngày nay ta có trở thành bậc vĩ nhân trong thiên hạ đi nữa thì cũng nhờ công ơn vun vén của Thầy từ lúc ban đầu. Người Thầy có trách nhiệm hoàn thành nhân cách, mở mang trí tuệ cho ta đưa ta đến một tương lai rạng rỡ. Đó là nói đến Thầy thế học, còn tấm lòng vị tha của những bậc Thầy dạy đạo cũng cao quý  biết chừng nào. Không cứ gì phải người xuất gia mới có Thầy dạy đạo mà ngay cả những người ở thế gian cũng có những người thầy là tấm gương sáng để họ noi theo, để học cách đối nhân xử thế. Ở trong đạo thì tình cảm mà người Thầy dành cho học trò của mình là một tình cảm vô điều kiện không vụ lợi. (Thích Nữ Đồng Quảng)
 
Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng
Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy, hóa hiện đường mây.


Quan hệ Thầy và Trò, đó là mối quan hệ thiêng liêng và cao cả; là hình ảnh sáng ngời, tuyệt vời giữa càn khôn sinh diệt. Không thể có một tác nhân nào, một điều kiện gì có thể chia cắt, hay tách biệt mối quan hệ ấy. Xưa cũng như nay, tình cảm cao quý này luôn luôn được tôn kính, được trân trọng, giữ gìn. Cho nên, Cổ đức có dạy: “Tôn Sư trọng Đạo” là vì vậy.

Quan hệ này, nói ra rất rộng, nó có mặt khắp mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ đời sống vật chất cho đến đời sống tinh thần.

Trong sự nghiệp xây dựng gia đình huyết thống, thì đó là mối quan hệ Cha-Con. Với quan hệ này, người ta cho rằng, người con là khúc ruột được cắt ra từ Cha và Mẹ, nên người con là sự tiếp nối sự sống của người Cha cũng như người Mẹ. Vì thế khi nhìn vào người con,chúng ta có thể thấy được nét nghiêm nghị của Cha cũng như nụ cười hiền dịu của Mẹ. Với quan hệ này, được gọi là quan hệ máu mủ, ruột thịt.      

Còn trong sự nghiệp xây dựng gia đình tâm linh, thì đó là quan hệ Thầy-Trò. Với quan hệ này, Pháp chính là gạch nối giữa hai hình ảnh ấy. Nhờ chất liệu Pháp mới có quan hệ Thầy trò. Người học trò được công nhận là học trò và người Thầy được công nhận, được tôn xưng là Thầy, đều nhờ vào chất liệu này. Người học trò hiện hữu, tồn tại giữa cuộc đời là nhờ có hình ảnh người Thầy, và ngược lại. Do đó, mối quan hệ Thầy -Trò là mối quan hệ tương tức (Interbeing), tương nhập (Interpenetration), có trong nhau, cùng nhau hiện hữu để chuyển tải, hóa hiện Đạo vào cuộc đời. Quan hệ này không tách biệt được, nếu tách biệt thì không tồn tại. Nếu không có trò thì Thầy cũng không có mặt giữa đất trời, giữa cuộc sống này. (Thích Thanh Tâm)
 
 

Tác giả bài viết: Sưu tầm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 404
  • Khách viếng thăm: 398
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 88562
  • Tháng hiện tại: 2817734
  • Tổng lượt truy cập: 88622337
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012