Bước đầu học Phật - P2

Đăng lúc: Thứ ba - 25/09/2012 03:25 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Bước đầu học Phật - P2

Bước đầu học Phật - P2

LỊCH-SỬ
 
“Noi công-nghiệp trước, xét sự việc nay, 
đặt-định chương-trình xây-dựng cho mai sau”.


A.- LỊCH-SỬ CHƯ PHẬT
1.- THẤT PHẬT THẾ-TÔN
(7 đức Phật Thế-Tôn)

 
 
Phật-học chia thời-gian làm ba thời-kỳ: quá-khứ Trang-nghiêm-kiếp, Hiện-tại Hiền-kiếp và vị-lai Tinh-tú-kiếp. Trong mỗi thời-kỳ này đều có một nghìn đức Phật ra đời độ sinh. Danh hiệu chư Phật rất nhiều nhưng, trong kinh thường thường nói tới danh-hiệu bảy đức Phật Thế-Tôn (thất Phật Thế-Tôn) tức là chỉ vào ba vị cuối cùng trong kiếp quá-khứ và bốn vị trong kiếp hiện-tại. Bảy vị ấy là:
1.- Đức Phật Tỳ-Bà-Thi (Vipassin) con vua Bàn-đầu (Bandhumant) và bà Bàn-đầu-bà-đề (Bandhumati) thuở quá-khứ.
2.- Đức Phật Thi-Khí (Sikhin) con vua Minh-tướng (Aruna) và bà Quang-diệu (Pabhàvati), thuở quá-khứ.
3.- Đức Phật Tỳ-Xá-Phù (Vessabhù) con vua Thiện-đăng (Suppatita) và bà Xưng-giới (Yasavati) thuở quá-khứ.
4.- Đức Phật Câu-Lưu-Lôn (Kakusandha) con ông Tự-đắc (Aggidatta) và bà Thiện-chi (Visàkhà) kiếp Hiện-tại.
5.- Đức Phật Câu-Na-Hàm (Konàgamana) con ông Đại-đức (Yannadatta) và bà Thiện-thắng (Uttarà) kiếp Hiện-tại.
6.- Đức Phật Ca-Diếp (Kassapa) con ông Phạm-đức (Brahmadatta) và bà Tài-chủ (Dhanavati) kiếp Hiện-tại.
7.- Đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni Giáo-chủ đạo Phật hiện-tại.
Còn vị kế-thừa đức Phật Thích-Ca sau này là đức Phật Di-Lặc.

2.- ĐỨC PHẬT THÍCH-CA MÂU-NI

Vị Giáo-chủ Phật-giáo hiện-tại là đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni (Sàkya Muni).
Ngài là vị Thái-tử tên là Tất-đạt-Đa (Siddhar-thà), con vua Tịnh-Phạn (Suddhodana) và Hoàng-hậu Ma-gia (Maya) nước Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) thuộc Trung-Ấn-Độ. Ngài giáng-sinh tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini) vào ngày trăng tròn tháng hai Ấn-độ, tức tháng tư âm-lịch Trung-hoa (theo phong tục nước ta làm lễ khánh-đản Ngài vào ngày mồng tám tháng tư âm-lịch).
Ngài thông-minh, đĩnh-ngộ, tài-trí hơn người. Ngài nhìn đời bằng con mắt từ-bi, Ngài muốn phá tan sự bất công, mê-tín… đương thời, đem lại chân giá-trị cho con người, cho chúng-sinh thoát khổ, được vui. Ngài bỏ sự vinh hoa, khoái-lạc ở đời đi xuất-gia tìm đạo năm Ngài 29 tuổi.
Vượt bao chướng-ngại Ngài ngộ đạo năm 35 tuổi.
Sau khi giác-ngộ, Ngài đi khắp nơi thuyết-pháp suốt 45 năm ròng. Vừa năm 80 tuổi Ngài nhập Niết-bàn tại rừng Sa-la, xứ Cưu-thi-la (Kusinagara). Xá-lỵ Ngài được chia cho tám nước xây tháp cúng-dàng.
Đó là đời Ngài. Đời Ngài vì chúng-sinh, phục vụ cho chúng-sinh… đem lại sự an vui chân-thực cho muôn loài, trong muôn thuở.

3.- ĐỨC PHẬT A-DI-ĐÀ
A-Di-Đà (Amita) có nghĩa là “Vô-lượng-quang” (sáng láng không lường) “Vô-lượng-thọ” (sống lâu không lường).

Theo kinh Bi-Hoa: Thuở quá-khứ lâu xa, cõi San-đề-lam, có ông vua tên là Vô-Tránh-Niệm. Do ông Bảo-Hải đại-thần khuyến-tiến, nhà vua gặp được đức Phật Bảo-Tạng. Nhà vua thành tâm cúng-dàng, quy-y, thụ-giáo và phát-nguyện độ sinh, nên được đức Phật Bảo-Tạng thụ-ký: sau đây sẽ thành Phật hiệu là A-Di-Đà (Amita) ở nước Cực-lạc phương Tây. Hiện-tại Ngài đang thuyết-pháp tại đó. Và, trong một kiếp khác xa xưa, Ngài là Pháp-Tạng Tỳ-khưu phát ra 48 đại-nguyện độ tận chúng-sinh, nơi đức Thế-Tự-Tại-Vương Phật.

4.- ĐỨC DƯỢC-SƯ LƯU-LY-QUANG NHƯ-LAI
Đức Dược-Sư Lưu-Ly-Quang Như-Lai, tiếng Phạm gọi là Bệ-sát-xã-lũ-rô (Bhaisajyaguruvaidùryap-radhàsa).
Ngài là vị Giáo-chủ nước Tịnh-Lưu-Ly phương Đông. Ngài có mười hai đại-nguyện độ sinh. Ngài có hai vị Bồ-tát phụ-tá là Nhật-Quang biến-chiếu Bồ-tát và Nguyệt-Quang biến-chiếu Bồ-tát.

B.- LỊCH-SỬ BỒ-TÁT
1.- DI-LẶC BỒ-TÁT

Bồ-tát Di-Lặc, gọi theo tiếng Phạm là Mai-đê-lê (Maitrya) dịch nghĩa là “Từ”, là tên họ, nên gọi chung là “Từ-thị”; tên là A-dật-đa (Adjita) dịch nghĩa là Vô-Năng-Thắng. Ngài sinh trong họ Bà-la-môn, thuộc Nam-thiên-trúc (Ấn-độ). Ngài là vị kế-thừa đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni làm Giáo-chủ cõi Sa-bà này trong tương-lai. Hiện-tại Ngài đang thuyết-pháp trên cung trời Đâu-suất.

2.- QUÁN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT
Quán-Thế-Âm là dịch nghĩa chữ A-va-lô-ky-tết-va-ra (Avalokitesvara) của chữ Phạm và có nghĩa là vị Bồ-tát quán-sát tiếng kêu cầu của chúng-sinh trong thế-gian, mà độ cho họ được giải-thoát. Quán-Thế-Âm, còn gọi là Quán-Tự-Tại.

Xưa kia Ngài là con trai cả vua Vô-Tránh-Niệm tên là Bất-Thuấn (Huyến). Ngài được thân-thừa, cúng-dàng đức Phật Bảo-Tạng và được thụ-ký: sau này sẽ được hiệu là Quán-Thế-Âm, phụ-tá bên cạnh đức Phật A-Di-Đà ở cõi Cực-Lạc. Và, sau nữa Ngài sẽ thành Phật hiệu là “Phổ-Quang Công-Đức Sơn-Vương Như-Lai” ở cõi “Chúng-bảo sở tập trang-nghiêm”.

Ngài thường thị-hiện nhiều thân để hóa-độ chúng-sinh.

3.- ĐẠI-THẾ-CHÍ BỒ-TÁT
Đại-Thế-Chí là dịch nghĩa chữ Mô-hát-tha-na-pờ-rất-ta (Mohasthanaprâta) của chữ Phạm và, theo kinh Quán-vô-lượng-thọ thời có nghĩa là “dùng ánh sáng trí-tuệ soi khắp hết thảy, khiến chúng-sinh trong 3 đường ác được giải-thoát và được năng-lực vô-thượng”.

Xưa kia Ngài là con trai thứ vua Vô-Tránh-Niệm tên là Ni-ma. Ngài được thân-thừa, cúng-dàng đức Phật Bảo-Tạng và phát-nguyện độ sinh mà được thụ-ký: sau này sẽ được hiệu là Đắc-Đại-Thế (Đại-Thế-Chí), phụ-tá bên cạnh đức Phật A-Di-Đà ở cõi Cực-Lạc. Và, sau nữa Ngài sẽ thành Phật tên hiệu là “Thiện-Trụ Công-Đức Bảo-Vương Như-Lai” ở thế-giới “Đại-thế”.

4.- VĂN-THÙ BỒ-TÁT
Văn-Thù gọi đủ là Văn-Thù-Sư-Lỵ và còn gọi là Mạn-Thù-Thất-Lỵ (Manjusri). Văn-Thù-Sư-Lỵ dịch nghĩa là “Diệu-Đức, Diệu-Âm, Diệu-Cát-Tường”. Xưa kia, Ngài là con thứ ba vua Vô-Tránh-Niệm, tên là Vương-Chúng Thái-tử. Do cúng-dàng đức Phật Bảo-Tạng và phát-nguyện độ sinh Ngài được tên hiệu là Văn-Thù-Sư-Lỵ và được thụ-ký: sau đây sẽ thành Phật ở thế-giới Thanh-tịnh Vô-cấu bảo-chỉ và tên hiệu là Phổ-Hiền Như-Lai.

Ngài là vị Bồ-tát hiểu-thấu Phật-tính, đầy đủ ba đức: Pháp-thân, Bát-nhã, giải-thoát và Ngài đem ba đức vi-diệu ấy giác-ngộ chúng-sinh. Ngài là vị có trí-tuệ nhiệm-mầu, hiện-thân giúp đỡ sự truyền-bá Phật-pháp của đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni.

5.- PHỔ-HIỀN BỒ-TÁT
Phổ-Hiền là dịch nghĩa chữ Tam-man-đa-bạt-đà-la (Samantabhadra) của tiếng Phạm (Ấn-độ). “Phổ-Hiền” là nói về cái thể-tính rộng khắp. Xưa kia, Ngài là con thứ tư vua Vô-Tránh-Niệm, tên là Năng-Đà-Nô. Do cúng-dàng đức Phật Bảo-Tạng và phát-nguyện độ-sinh, Ngài được thụ-ký: sau đây làm hạnh Bồ-tát sẽ được tên là Kim-Cương trí-tuệ quang-minh công-đức, rồi sau sẽ thành Phật ở thế-giới Bất-Huyến phương Đông và tên hiệu cũng là Phổ-Hiền Như-Lai. Ngài là vị Bồ-tát hóa-thân giúp đỡ sự truyền-bá Phật-pháp của đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni. Ngài có mười đại-nguyện thừa-sự chư Phật, tự-tu và độ-sinh

6.- ĐỊA-TẠNG BỒ-TÁT
Địa-Tạng là dịch nghĩa chữ Khất-soa-để-nghiệt-sa (Ksitigarbha) của tiếng Phạm. “Địa-Tạng” có nghĩa là an-nhẫn bất động như đại-địa, suy nghĩ sâu xa kín-đáo như kho-tàng bí-mật.
Tiền-thân của Ngài theo kinh Địa-Tạng nói thì rất nhiều nhưng, đều do hiếu-hạnh và lòng từ-bi của Ngài mà Ngài phát ra thệ-nguyện rộng lớn: “địa-ngục rỗng không, chúng-sinh độ hết mới thành Phật”.
Trên cung trời Đao-Lỵ đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni phó-chúc cho Ngài cứu-độ chúng-sinh sau khi Ngài nhập Niết-bàn cho đến lúc đức Phật Di-Lặc ra đời.

7.- CHUẨN-ĐỀ BỒ-TÁT
Chuẩn-Đề (Candi) có nghĩa là “thanh-tịnh”, là lời tán-thán “tâm-tính thanh-tịnh”. Ngài là vị Pháp-thân Bồ-tát, thường được tôn-xưng là “Thiên-Nhân Trượng-Phu Quán-Âm”, là Thất-Câu-Chi Phật-Mẫu”. Ngài thường thuyết Đà-la-ni cho chúng-sinh tu-tập, cho tâm-tính thanh-tịnh, để đạt tới chỗ Đại-giác.

C.- LỊCH-SỬ THÁNH-TĂNG, TỔ-SƯ

1.- THẬP ĐẠI ĐỆ-TỬ
(10 vị Đại đệ-tử của Phật)
Đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni độ rất nhiều đệ-tử nhưng, có mười vị cao-đệ như sau:
1.- Ngài Xá-Lỵ-Phất (Sariputra): Tàu dịch là Thu-lộ-tử (con bà Thu-lộ. Bà này có con mắt sáng như mắt chim Thu-lộ). Ngài thuộc dòng Bà-la-môn con ông Ưu-bà-đề-xá và bà Xá-lỵ. Ngài là vị Trí-tuệ đệ nhất.
2.- Ngài Mục-Kiền-Liên (Maudgalyàyana): Tàu dịch là Đại-tán-tụng (hay tán-tụng). Ngài thuộc dòng Bà-la-môn, tên cha là Câu-lỵ-ca, tên mẹ là Mục-kiền-liên. Ngài là vị Thần-thông (du-hành tự-tại) đệ nhất.
3.- Ngài Ca-Diếp (Kasyapa): Tàu dịch là Ẩm-Quang (Át ánh sáng). Ngài người nước Ma-kiệt-đà, dòng Bà-la-môn, thân phụ là Ẩm-trạch, thân-mẫu là Hương-chí, Ngài là vị đầu-đà (Dhùta: khất-thực, khổ hạnh) đệ nhất.
4.- Ngài A-Na-Luật (Aniruddha): Tàu dịch là Như-ý vô tham (được như ý, không tham lam). Ngài là em thúc-bá với Phật. Ngài là vị Thiên-nhãn (mắt trông suốt) đệ nhất.
5.- Ngài Tu-Bồ-Đề (Subhùti): Tàu dịch là Thiện-Hiện (sự diệu-thiện hiển-hiện). Ngài con ông Trưởng-giả thành Xá-vệ. Ngài là vị Giải-không (hiểu rõ lẽ chân-không) đệ nhất.
6.- Ngài Phú-Lâu-Na-Di-Đa-La-Ni-Tử (Pùrna-maitràyani-putra): Tàu dịch là Mãn-từ-tử (con bà Mãn-từ: đầy đủ lòng nhân-từ). Ngài người xứ Ba-la-nại, trước tu đạo Tiên, đắc đạo, sau quy-y Phật là vị Thuyết-pháp đệ nhất.
7.- Ngài Ca-Chiên-Diên (Kàtyàyana): Tàu dịch là Tiễn-thế chủng (dòng cắt tóc) dòng Bà-la-môn. Ngài quy Phật, là vị Luận-nghị (bàn bạc) đệ nhất.
8.- Ngài Ưu-Ba-Ly (Upàli): Tàu dịch là Cận-thủ (giữ lấy sự thiết-cận), thuộc giai-cấp hèn-hạ. Ngài quy Phật là vị Trì-luật (giữ luật) đệ nhất.
9.- Ngài La-Hầu-La (Rahula): Tàu dịch là Phú-chướng (bị sự ngăn-che). Ngài là con Phật, đi xuất-gia, là vị Mật-hạnh (giữ hạnh nhiệm-nhặt) đệ nhất.
10.- Ngài A-Nan-Đà (Ananda): Tàu dịch là Khánh-hỷ (vui mừng) là em thúc-bá với Phật. Ngài đi xuất-gia, là vị Đa-văn (nghe nhiều) đệ nhất.

2.- HĂM TÁM VỊ TỔ-SƯ ẤN-ĐỘ
Thiền-tôn Ấn-độ tương-truyền được hai mươi tám vị như sau:
1.- Ngài Ca-Diếp.
2.- Ngài A-Nan-Đà.
3.- Ngài Thương-na-hòa-tu (Sànavàsa): Tàu dịch là Ma-y (áo gai). Ngài là đệ-tử ngài A-Nan. Ngài là người ở nước Mạt-đột-la, họ Tỳ-xá-da, thân-phụ là Lâm-Thắng, thân-mẫu là Kiều-xa-da.
4.- Ngài Ưu-bà-cúc-đa (Upagupta): Tàu dịch là Đại-Hộ (giúp đỡ nhiều): Ngài là đệ-tử ngài Thương-na-hòa-tu. Ngài là người Sất-lỵ-quốc, họ Thủ-đà, thân-phụ là Thiện-ý.
5.- Ngài Đề-đa-ca (Dhrtaka: có nghĩa là mộng lạ): Ngài là đệ-tử ngài Ưu-bà-cúc-đa. Ngài là người ở nước Ma-già-đà, tên là Hương-chúng.
6.- Ngài Di-già-ca: Ngài sinh-trưởng tại miền Trung Ấn-độ. Ngài là đệ-tử ngài Đề-đa-ca.
7.- Ngài Bà-tu-mật (Vasumitra): Tàu dịch là Thế-Hữu (bạn của đời): Ngài là đệ-tử ngài Di-già-ca. Ngài họ Phả-la-đọa, người Bắc-Thiên-trúc.
8.- Ngài Phật-đà-nan-đề: Ngài là đệ-tử ngài Bà-tu-mật. Ngài họ Cồ-Đàm, sinh-trưởng tại nước Ca-ma-la.
(*** thiếu 1 trang, phần 02- 28 Vị Tổ Sư Ấn-Độ từ số …09 cho đến số 16…)
17.- Ngài Tăng-già-nan-đề (Samghanandi): Tàu dịch là Chúng-hà (các sông): Ngài đắc-pháp nơi ngài La-hầu-la-đa. Ngài là vị Hoàng-tử con vua Trang-nghiêm nước Thất-la-phiệt.
18.- Ngài Già-gia-xá-đa: Ngài lĩnh-thụ chính-pháp nơi ngài Tăng-già-nan-đề. Ngài dòng Uất-đầu-lam-phất, sinh-trưởng tại nước Ma-đề, thân-phụ là Thiên-cái, thân-mẫu là Phương-Thánh.
19.- Ngài Cưu-ma-la-đa (Kumàralabdha): Tàu dịch là Hào-đồng (cậu bé hào-hùng): Ngài đắc-pháp nơi ngài Già-gia-xá-đa. Ngài dòng Bà-la-môn, sinh-trưởng tại nước Nguyệt thị.
20.- Ngài Xà-dạ-đa: Ngài đắc-pháp nơi ngài Cưu-ma-la-đa. Ngài sinh-trưởng tại Bắc Ấn-độ.
21.- Ngài Bà-tu-bàn-đầu (Vasubandhu): Tàu dịch là Thế-thân (thân-mật với đời): Ngài họ Tỳ-xá-khư, sinh-trưởng tại thành La-duyệt, con ông Quang-Cái và bà Nghiêm-Nhất.
22.- Ngài Ma-nô-la: Ngài là con vua Thường-tự-tại nước Na-đề, dòng Sát-đế-lỵ, đắc-pháp nơi ngài Bà-tu-bàn-đầu.
23.- Ngài Hạc-lặc-na (Haklena): Ngài đắc-pháp nơi ngài Ma-nô-la. Ngài dòng Bà-la-môn, sinh-trưởng tại nước Nguyệt-thị, thân-phụ là Thiên-thắng, thân-mẫu là Kim-quang.
24.- Ngài Sư-tử tôn-giả: Ngài đắc-pháp nơi ngài Hạc-lặc-na. Ngài dòng Bà-la-môn, sinh-trưởng tại Trung Ấn-độ.
25.- Ngài Bà-xá-tư-đa: Ngài đắc-pháp nơi ngài Sư-tử tôn-giả. Ngài dòng Bà-la-môn, sinh-trưởng tại nước Kế-tân, thân-phụ là Tịnh-Hạnh, thân-mẫu là Thường-an-lạc.
26.- Ngài Bất-như-mật-đa: Ngài đắc-pháp nơi ngài Bà-xá-tư-đa. Ngài dòng Sát-đế-lỵ, con thứ hai của vua Nam-Ấn-độ.
27.- Ngài Bát-nhã-đa-la (Prajnàtàra): Ngài đắc-pháp nơi ngài Bất-như-mật-đa. Ngài sinh-trưởng tại Đông-Ấn-độ.
28.- Ngài Bồ-đề Đạt-ma (Bodhidharma): Tàu dịch là Đạo-pháp. Ngài đắc-pháp nơi ngài Bát-nhã-đa-la. Chính tên ngài là Bồ-đề-đa-la, thuộc dòng Sát-lỵ, con thứ ba vua Hương-chí, Nam-Ấn-độ. Đời Lương-Vũ-Đế (Trung-hoa) ngài đem tâm-pháp truyền sang Trung-hoa, là vị Sơ-tổ Thiền-tôn tại đây.

3.- SÁU VỊ TỔ-SƯ THIỀN-TÔN TRUNG-HOA
Thiền-tôn truyền sang Trung-hoa, sự kế-thừa tâm-pháp có sáu vị như sau:
1.- Ngài Bồ-đề Đạt-ma: Ngài là vị Tổ thứ 28 của Thiền-Tôn Ấn-độ, truyền Thiền-Tôn sang Trung-hoa thời nhà Lương. Cơ-duyên hóa-độ chưa gặp, Ngài tới chùa Thiếu-lâm ngồi quay mặt vào vách chín năm. Sau, Ngài truyền tâm-pháp cho ngài Thần-Quang, đạo-hiệu Tuệ-Khả.

2.- Ngài Tuệ-Khả: Ngài họ Cơ, sinh-trưởng tại đất Vũ-lao, thân-phụ Ngài tên là Tịch. Khi sinh Ngài có điềm sáng lạ, nên thân-phụ Ngài, đặt tên cho Ngài là “Quang”. Lớn lên Ngài đi xuất-gia nơi ngài Bảo-tịnh. Năm 33 tuổi Ngài về Hương-sơn, ngồi yên-lặng tám năm. Sau tới chùa Thiếu-lâm, chặt tay trái cầu pháp nơi ngài Bồ-đề Đạt-ma, Ngài được truyền tâm-pháp. Cuối cùng Ngài truyền pháp cho ngài Tăng-Sán. Năm 107 tuổi ngài viên-tịch.

3.- Ngài Tăng-sán: Ngài người miền Từ-Châu. Khi còn là người Cư-sĩ, Ngài đến quy-y, thụ-giáo nơi ngài Tuệ-Khả. Ngài hành-đạo gặp thời Chu-vũ-đế hủy-diệt Phật-pháp. Ngài hay qua lại núi Tư-không. Sau Ngài truyền-pháp cho ngài Đạo-Tín và ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi (sang Việt-nam). Cuối cùng Ngài tới núi La-phù giáo-hóa chúng-sinh, rồi đứng thẳng, chắp tay mà viên tịch gần bên cây đại-thụ.

4.- Ngài Đạo-Tín: Thân-phụ Ngài thuộc họ Tư-mã, gốc ở Hà-nội, sau dời về Châu-kỳ, thuộc huyện Quảng-tế, mới sinh Ngài. Lúc tuổi nhỏ, Ngài có tính siêu-việt lạ thường, hâm-mộ Không-tôn. Đi xuất-gia Ngài được Ngài Tăng-Sán truyền tâm-pháp cho và từ đó Ngài không ngủ, không đặt lưng xuống chiếu suốt 60 năm. Sau Ngài truyền-pháp cho ngài Hoằng-nhẫn. Đến năm 72 tuổi, Ngài ngồi kết gia-phu viên-tịch.

5.- Ngài Hoằng-Nhẫn: Ngài họ Chu, quán ở Châu-Kỳ, thuộc huyện Hoàng-Mai. Ngài theo hầu ngài Đạo-Tín từ thuở nhỏ. Khi đắc pháp, Ngài về núi Phá-đầu hóa-độ chúng-sinh. Đồ-chúng Ngài có hơn 700 người, có ngài Thần-Tú là người quán-thông nội, ngoại-điển nhưng, không đắc-ngộ. Sau Ngài truyền-pháp cho ngài Huệ-Năng. Năm 74 tuổi Ngài ngồi mà viên-tịch.

6.- Ngài Huệ-Năng: Ngài họ Lư, thân-phụ là Hạnh-Thao, thân-mẫu là Lý-thị, người đất Tân-châu, thuộc miền Lĩnh-nam. Cha mất sớm, lớn lên Ngài đi kiếm củi nuôi mẹ. Tìm đủ phương-tiện để chu cấp cho mẹ, Ngài xin mẹ tới quy-y, thụ-pháp nơi ngài Hoằng-Nhẫn. Tới đây Ngài chuyên giã gạo. Sau được ngài Hoằng-Nhẫn truyền tâm-pháp, qua phương Nam hoằng-dương Phật pháp.

Ngài rất đông đệ-tử, sau có hai vị kế-thừa Ngài là Nam-Nhạc và Thanh-Nguyên. Ngài Nam-Nhạc có ngài Mã-Tổ, ngài Mã-Tổ có ngài Bách-Trượng, ngài Bách-Trượng có ba vị: Hoàng-Nghiệt, Linh-Hựu, Vô-ngôn-thông (sang Việt-nam). Ngài Hoàng-Nghiệt có ngài Nghĩa-Huyền lập phái Lâm-Tế. Ngài Linh-Hựu có ngài Huệ-Tịch lập phái Quy-ngưỡng. Còn Ngài Thanh-Nguyên có ngài Thạch-Đầu. Từ ngài Thạch-đầu trở xuống có ngài Bản-Tịch lập phái Tào-động, ngài Văn-Yển lập phái Vân-Môn và ngài Văn-Ích lập phái Pháp-nhãn. Do năm phái trên, Thiền-tôn truyền bá khắp trong và ngoài nước Trung-hoa.

4.- NGÀI TỲ-NI-ĐA-LƯU-CHI
Ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi (Vinitaruci: Trung-hoa dịch là Diệt-Hỷ) là Sơ-tổ Thiền-tôn Việt-nam. Ngài là người Nam-Ấn-độ, sang Tây Ấn-độ khảo-cứu Phật-giáo. Vì cơ-duyên chưa gặp, Ngài qua Trường-an (Trung-hoa) vào năm 574, là lúc Phật-giáo Trung-hoa đang bị Chu-Vũ-Đế phá-hoại. Ngài qua đất Nghiệp (thuộc tỉnh Hồ-nam bây giờ) Ngài gặp Ngài Tăng-Sán ở núi Tư-không và được Ngài truyền tâm-ấn. Sau đó, Ngài đến Quảng-châu trụ tại chùa Chế-chỉ. Năm 580 Ngài sang Việt-nam ở chùa Pháp-vân (tức làng Văn-giáp, huyện Thượng-phúc, tỉnh Hà-đông bây giờ). Sau Ngài truyền tâm-ấn cho Ngài Pháp-Hiền rồi viên-tịch.

5.- NGÀI VÔ-NGÔN-THÔNG
Ngài Vô-Ngôn-Thông là vị đứng đầu phái Thiền-tôn thứ hai truyền vào Việt-nam. Ngài họ Trịnh, sinh-trưởng tại Quảng-châu (Trung-hoa). Ngài xuất-gia tại chùa Song-Lâm đất Vũ-châu (thuộc Chiết-giang bây giờ). Tính Ngài điềm-đạm ít nói nhưng, thông hiểu sự-lý, nên người đời mới gọi Ngài là Vô-ngôn-thông. Ngài đắc-pháp nơi Ngài Bách-Trượng (phái Nam-nhạc Trung-hoa), rồi về trụ-trì chùa An-hòa (Quảng châu). Năm 820 Ngài sang Việt-nam trụ-trì chùa Kiến-sơ, làng Phù-Đổng, tỉnh Bắc-ninh. Sau Ngài truyền-pháp cho ngài Cảm-thành. Năm 826, không bệnh-tật gì Ngài tắm rửa rồi viên-tịch.

6.- NGÀI KHUÔNG-VIỆT THÁI-SƯ
Ngài họ Ngô, pháp-hiệu là Chân-Lưu, quê ở làng Cát-lỵ, trụ-trì chùa Phật-Đà. Ngài thụ-giới nơi ngài Vân-phong Thiền-sư chùa Khai-quốc Ngài quán-thông kinh sách. Năm 40 tuổi vua Đinh-Tiên-Hoàng vời Ngài vào hỏi đạo, Ngài ứng-đối tinh tường, vua rất mến phục phong cho Ngài làm Tăng-Thống. Năm 971 nhà vua lại phong cho Ngài là Khuông-Việt Thái-Sư. Đến đời Lê-đại-hành việc quân-quốc trong, ngoài đều thỉnh-vấn Ngài cả. Sau Ngài cáo về núi Du-hý mở trường dạy học. Học-đồ của Ngài rất đông nhưng, có ngài Đa-Bảo là đắc-truyền tâm-pháp. Năm Ngài 81 tuổi thì viên-tịch.

7.- NGÀI PHÁP-THUẬN THIỀN-SƯ
Ngài dòng họ Đỗ, xuất-gia từ nhỏ nơi ngài Long-thụ Phù-trì thiền-sư. Ngài quán-thông kinh sách, nên triều Tiền-Lê thường mời Ngài vào bàn về các việc chính-trị và ngoại giao. Năm 986, nhà vua yêu cầu Ngài cải-trang làm lái đò, chèo đò cho sứ Tàu là Lý-giác. Ngài ứng đối như lưu, sứ Tàu hết sức kính-phục. Năm 990 Tây lịch không bệnh gì mà tịch, Ngài thọ 76 tuổi.

8.- NGÀI VẠN-HẠNH THIỀN-SƯ
Ngài dòng họ Nguyễn, người làng Cổ-pháp (nay là làng Đình-bảng, phủ Từ-sơn, Bắc-ninh). Tuổi nhỏ Ngài đã thông hiểu hết kinh-sách Tam-giáo: Nho, Đạo, Thích. Ngài xuất gia năm 20 tuổi nơi ngài Định-Tuệ thiền-sư và theo học ngài Thuyền-Ông đạo-giả. Ngài chuyên tập pháp Tổng-trì Tam-ma-địa (Mật-tôn), nói sao đúng thế. Ngài giúp nhiều việc lợi-ích trong các triều đương thời. Năm 1018 Tây-lịch Ngài viên-tịch.

9.- NGÀI THẢO-ĐƯỜNG
Năm 1069 vua Lý-Thánh-Tôn đi đánh Chiêm-thành đem nhiều tù-binh về nước, trong số đó bắt lầm một vị Thiền-sư tên là Thảo-Đường.

Ngài Thảo-Đường là đệ-tử của ngài Tuyết-Đậu Minh-Giác, thuộc hạt Minh-châu nước Trung-Hoa. Vua Lý-Thánh-Tôn phong Ngài là Quốc-sư và thỉnh Ngài khai-giảng tại chùa Khai-quốc trong thành Thăng-long, đệ-tử tới học đạo rất đông. Sau Ngài truyền tâm-pháp cho vua Lý-Thánh-Tôn. Thế là, Ngài là vị đứng đầu phái Thiền-tôn thứ ba tại Việt-Nam.

10.- TRÚC-LÂM TAM TỔ
(3 vị Tổ phái Trúc-Lâm)
Phật-giáo đời Trần đặc-biệt thành-lập thêm một phái tại Yên-tử-sơn, có ba vị giữ cương-lĩnh truyền-thừa chính-pháp của Phật, mà hậu-học thường gọi là “Trúc-Lâm Tam Tổ” (3 vị Tổ phái Trúc-Lâm: Trúc-Lâm là tôn-hiệu của vua Trần-Nhân-Tôn).

1.- Vua TRẦN-NHÂN-TÔN: Ngài là Thái-tử Khâm, theo mệnh vua cha lên ngôi năm 1278 Tây-lịch, lấy hiệu là Nhân-Tôn. Năm 1293 Ngài truyền ngôi cho con là Anh-Tôn rồi vào núi Yên-tử tu, lấy hiệu là “Hương-Vân Đại-đầu-đà”. Sau Ngài truyền pháp cho ngài Pháp-Loa, rồi Ngài ngồi chắp tay mà hóa. Năm ấy Ngài 51 tuổi (năm 1308 Tây-lịch). Sau khi viên-tịch vua Anh-Tôn dâng tôn-hiệu là “Đại-Thánh Trần-Triều Trúc-Lâm Đầu-Đà Tĩnh Tuệ Giác-hoàng Điều-Ngự Tổ-Phật”.

2.- PHÁP-LOA TÔN-SƯ: Ngài họ Đồng, tên là Kiên-Cương, người làng Cửu-la, phủ Nam-sách (nay là làng Tiền-trung, tổng Vũ-la, Hải-dương). Năm 21 tuổi Ngài đi xuất-gia theo Ngài Điều-Ngự (Vua Trần-Nhân-Tôn). Ngài tinh-thông kinh-điển. Ngài Điều-Ngự truyền giới-pháp cho Ngài và đặt hiệu là Pháp-Loa. Sau Ngài truyền-pháp cho Ngài Huyền-Quang. Năm 47 tuổi Ngài dặn-dò đệ-tử rồi viên-tịch.

3.- HUYỀN-QUANG TÔN-SƯ: Ngài họ Lý, người làng Vạn-tải (thuộc tỉnh Bắc-giang bây giờ). Ngài bẩm-tính thông-minh, hai mươi tuổi đỗ Trạng-Nguyên. Ngài chán thế-tình, không ra làm quan, đi xuất-gia, thụ-giáo nơi Ngài Pháp-Loa. Sau Ngài được Ngài Pháp-Loa truyền tâm-ấn. Ngoài 60 tuổi Ngài viên-tịch.

11.- NGÀI NGUYÊN-THIỀU
Ngài Nguyên-Thiều là vị Tổ truyền phái Lâm-Tế đầu tiên tại Trung-Việt vào khoảng năm 1665 Tây-lịch. Ngài dòng họ Tạ, quê ở Trình-hương, Triều-châu Quảng-đông, Trung-hoa. Ngài xuất-gia năm 19 tuổi tại chùa Báo-Tư và thụ-giới nơi Ngài Bổn-Khao Khoán-Viên Hòa-thượng. Ngài lập chùa Thập-Tháp Di-Đà ở phủ Quy-ninh (Bình-định), mở trường dạy học. Sau Ngài ra lập chùa Hà-trung, (Thuận-hóa) rồi lên Xuân-kinh (Huế) lập chùa Quốc-Ân và dựng tháp Phổ-Đồng. Ngài mở đàn giới tại chùa Linh-Mụ.

Khi về già, một hôm Ngài gọi môn-đồ lại dặn dò các việc, nói bài kệ, rồi viên-tịch.

12.- NGÀI LIỄU-QUÁN
Ngài Liễu-Quán là người có công lớn trong việc khai-hóa Phật-pháp thuộc phái Lâm-Tế tại Trung-Việt. Ngài dòng họ Lê, húy Thiệt-Diệu, làng Bạch-Mã, huyện Đồng-xuân, tỉnh Phú-Yên. Ngài thụ-giáo với Ngài Tế-Viên Hòa-thượng chùa Hội-Tôn từ năm 6 tuổi. Sau Ngài ra học ngài Giác-Phong chùa Báo-Quốc, Thuận-Hóa. Ngài thụ Sa-Di nơi ngài Thạch-Liêm, thụ Tỳ-Khưu nơi ngài Từ-Lâm. Ngài đắc-ngộ nơi ngài Tử-Dung. Ngài truyền đạo hai, ba nơi và dự nhiều giới đàn. Cuối năm Nhâm-Tuất (1742), ngài tự cầm bút viết bài kệ từ-biệt đồ-đệ, rồi viên-tịch.

D.- LỊCH-SỬ PHẬT-GIÁO

1.- PHẬT-GIÁO ẤN-ĐỘ

Phật-giáo Ấn-Độ do đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni sáng-lập và truyền xuống được 28 vị Tổ-Sư.
Sau khi đức Phật nhập Niết-Bàn đặc-biệt có bốn lần kết-tập Tam-Tạng:
-Lần thứ nhứt, sau Phật nhập-diệt ba tháng, kết-tập tại hang Tất-ba-la, ngoại thành Vương-xá.
- Lần thứ hai, sau Phật nhập-diệt chừng 100 năm, kết-tập tại vườn Ba-lỵ-ca thành Tỳ-xá-ly.
- Lần thứ ba, sau Phật nhập-diệt trên 200 năm, kết-tập tại thành Ba-tra-lỵ-Phất.
- Lần thứ tư, sau Phật nhập-diệt trên 400 năm, kết-tập tại thành Ca-thấp-di-la.
Nhờ có những lần kết-tập trên, Phật-giáo Ấn-độ phát-triển mạnh tại trong nước và truyền-bá ra ngoài nước. Trong thời-kỳ Phật-giáo tiến-triển, Bà-la-môn-giáo bị lu mờ; mãi đến thế-kỷ thứ tư Tây-lịch Tôn-giáo ấy mới tạm phục-hưng. Nhưng, đến thế-kỷ thứ 8 Tây-lịch nhờ có ông Thương-yết-la-a-sà-lê (Sànkar-àcàrya) khéo soạn-thích kinh sách Bà-la-môn-giáo lại mà Tôn-giáo ấy được phục-hưng thực sự. Do đó, Phật-giáo suy dần. Đến thế-kỷ thứ 12, Phật-giáo bị Hồi-giáo phá-hoại hoàn-toàn. Sang thế-kỷ 19 Tây-lịch, Phật-giáo tại đây mới phục-hồi, thành-lập Hội Ma-ha Bồ-Đề, hoạt-động khắp nơi. Hiện nay Phật-giáo Ấn-độ đã tiến-triển khả-quan.

2.- PHẬT-GIÁO TRUNG-HOA
Ảnh-hưởng của đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni tại Trung-Hoa đã có ngay trong thời đức Khổng-Tử. Nhưng, đến Tây-lịch 67, tức đời vua Minh-Đế nhà Đông-Hán, ngài Ma-Đằng và ngài Trúc-Pháp-Lan (Ấn-độ) chính-thức đem Phật-pháp truyền-bá vào Trung-Hoa. Từ đó sự tiến-triển mỗi ngày mỗi tăng, có nhiều vị Chân-tăng phiên-dịch Tam-tạng bằng Phạm-văn ra Hán-văn. Đời Lương-Vũ-Đế lại có ngài Bồ-Đề Đạt-Ma sang truyền-bá Thiền-tôn, sau thành-lập ra năm phái, lan rộng khắp trong nước và truyền cả sang các nước lân-cận.

Trong sự phát-triển mạnh-mẽ của Phật-giáo, các đạo khác như Khổng, Lão không khỏi không có sự hiềm-khích. Do đó, Phật-giáo bị Ngụy-Vũ-Đế, Chu-Vũ-Đế, Đường-Vũ-Tôn và Chu-Thế-Tôn phá-hủy Phật-giáo đến cực-độ, có khi tưởng là tuyệt-diệt.

Trải qua những tai-nạn trên Phật-giáo tạm phục hưng, sau lại tiếp-diễn ảnh-hưởng Tây-phương và chiến-tranh, Phật-giáo tại đây không tiến hơn được, dần dần suy yếu. Từ năm 1911 làn sóng cách-mệnh dân-quốc nổi lên, các ngài Đế-Nhàn, Thái-Hư v.v… đứng lên chấn-hưng Phật-giáo, coi đã có vẻ khả-quan. Nhưng, vì cuộc nội-chiến, tới nay Phật giáo hình như biến-sắc và kém phát-triển.

3.- PHẬT-GIÁO VIỆT-NAM
Việt-Nam có ảnh-hưởng Phật-giáo kể từ cuối thế-kỷ thứ hai Tây-lịch. Nhưng, đến năm 580 Tây-lịch, ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi (Vinitaruci) chính-thức đem Thiền-tôn truyền vào Việt-Nam. Năm 820 Tây-lịch ngài Vô-Ngôn-Thông lại đem Thiền-tôn truyền vào. Năm 1069 Tây-lịch Ngài Thảo-Đường cũng truyền phái Thiền-tôn vào. Ba phái trên đây đều phát-triển sâu rộng giáo-lý Phật-giáo trong dân-chúng Việt-Nam. Kể từ đời Đinh (968-980), Lê (980-1009) Phật-giáo đã có hệ thống tổ-chức hẳn-hoi và đã có nhiều vị Tăng-tài như Khuông-Việt Thái-Sư. Pháp-Thuận thiền-sư v.v…mở rộng đạo-giáo, giúp nhiều việc lợi-ích cho quốc-dân.

Sang đời Lý (1010-1225) Phật-giáo cực-thịnh, có các vị Tăng-tài như ngài Vạn-Hạnh Thiền-Sư v.v…Đến đời Trần (1225-1400) Phật-giáo vẫn thịnh. Trong đời này có vua Trần-Nhân-Tôn đi tu tại Yên-tử-sơn thành phái Trúc-Lâm, có ngài Pháp-Loa và Huyền-Quang thừa-kế.

Từ nhà Hồ (1400…) trở đi Phật-giáo thường bị Khổng-giáo chen lấn và gặp nhiều sự chính-biến, nội-chiến trong nước, nên không thể tiến mạnh được, mặc dầu cũng có nhiều vị Tăng tài-đức. Trong thời Nam-Bắc phân-tranh (1528-1802) tại Bắc có thêm phái Tào-động tại chùa Hòa-giai, phái Liên-Tôn tại chùa Liên-Phái Hà-nội; tại Trung có phái Nguyên-Thiều và sau có phái Liễu-Quán thừa-kế.

Thời Nguyễn (1802…) trở đi Phật-giáo không có chi đặc-sắc và thuần-túy, lại thêm ảnh-hưởng sự độ-hộ của Pháp, không tiến hơn được. Nhưng, năm 1931 có Hội Nam-kỳ nghiên-cứu Phật-học, Hội Lưỡng-xuyên Phật-học, năm 1932 có An-nam Phật-học-hội, năm 1934 có Bắc-kỳ Phật-giáo-hội của Nam, Trung, Bắc ra đời, coi cũng có phần chấn-hưng.

Tiếp đến thế-chiến thứ hai, Phật-giáo ít tiến. Rồi từ 1945 trở đi, lâm vào cuộc chiến-tranh, Phật-giáo không tiến được. Từ năm 1950 Phật-giáo Bắc, Trung, Nam bắt đầu phục-hoạt. Năm 1951 thành-lập Tổng-Hội Phật-Giáo Việt-Nam, tại Huế. Năm 1952 thành-lập Giáo-Hội Tăng-già toàn quốc tại Hà-Nội. Từ đấy tới nay kể cũng có phần hoạt-động nhưng, vẫn không tiến mạnh được, vì có nhiều trở-ngại.

4.- PHẬT-GIÁO THẾ-GIỚI
Từ sau khi kết-thúc hội-nghị kết-tập Tam-tạng lần thứ ba, Phật-giáo không những bành-trướng trong Ấn-Độ mà còn lan rộng ra khắp các nước. Tới nay khắp 5 châu đều có hình bóng Phật-giáo, như: Ấn-độ, Népal, Tích-lan, Hồi-quốc, A-phú-hãn, Tây-tạng, Mông-cổ, Assam, Bhutan, Sikkhim, Mãn-châu, Trung-Hoa, Triều-tiên, Nhật-Bản, Việt-Nam, Miến-Điện, Thái-Lan, Ai-lao, Cao-Miên, Mã-lai, Tân-gia-ba, Phi-luật-tân, Nam-dương, Phi-châu, Úc-châu, Mỹ-châu, Anh, Pháp, Đức, Ý, Phần-lan, Đan-mạch, Bỉ, Áo, Thụy-điển, Nga, Hung-gia-lợi, Tiệp-khắc, Hạ uy-di v.v…

Đặc-biệt ngày 6 tháng 6 năm 1950 bản Hiến-chương của Phật-giáo thế-giới được công-bố trong một Hội-nghị Phật-giáo quốc-tế họp tại Tích-Lan. Thế là, Phật-giáo thế-giới thành-hình từ-đấy; lá cờ 5 màu tượng-trưng cho hào-quang của Phật tung bay khắp nơi; trên 600 triệu tín-đồ Phật-giáo đang tập-hợp dưới cờ để truyền-bá chính-pháp của Ngài. Và, tới nay, 5 lần hội-nghị tại: Tích-Lan, Nhật-Bản, Miến điện, Népal và Thái-Lan hiện nay (1958) đã tượng-trưng cho tinh-thần đoàn-kết và sự hoạt-động không ngừng của nó.
 

 
Tác giả bài viết: HT. Thích Tâm Châu
Nguồn tin: www.quangduc.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 550
  • Khách viếng thăm: 521
  • Máy chủ tìm kiếm: 29
  • Hôm nay: 138321
  • Tháng hiện tại: 2234981
  • Tổng lượt truy cập: 91126554
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012