Để trở thành Phật tử chân chính - Bài 13: Cách thức thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật

Đăng lúc: Thứ tư - 05/11/2014 04:14 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Sau khi quý Phật tử đã quy y rồi cần biết cách thức thờ Phật như thế nào cho đúng, tục ngữ có câu: “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Lòng biết ơn là một đức tính quí báu, mà người Phật tử chân chính lúc nào cũng khắc ghi để tìm cách trả ơn.
Một xã hội mà có nhiều phần tử xấu quên ơn bội nghĩa, ăn cháo đá bát, thì không thể tồn tại lâu dài. Sự không biết ơn và đền ơn sẽ làm băng hoại đạo đức, và làm ảnh hưởng xấu đến nhiều người khác. Chính vì vậy, để tôn vinh lòng biết ơn, để soi sáng lại chính mình chúng ta cần phải thờ Phật, lạy Phật và cúng Phật cách thức như sau: 
 
1. Thờ Phật
 
Phật là bậc phước đức và trí tuệ vẹn toàn, và có đầy đủ phẩm chất đức hạnh cao quý. Chư Phật đã dùng đức từ bi hỷ xả, nhằm dẫn dắt chúng sinh ra ngoài biển khổ sông mê để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Phật có đủ ba đức tính quý báu là Bi, Trí, Dũng, ba đức tính căn bản mà một con người muốn được tự giác, giác tha, giác hạnh, viên mãn, không thể thiếu được.
 
Chúng ta thờ Phật là để tỏ lòng biết ơn đối với Phật, là bậc đã có đầy đủ đức tính từ bi và trí tuệ rộng lớn. Chúng ta thờ Phật là để được học hạnh cao quý của ngài và cố gắng bắt chước phước huệ song tu hành Bồ tát đạo cho đến khi nào thành tựu viên mãn.
 
Chúng ta phải thờ đức Phật nào mới đúng? Đức Phật nào cũng từ bi hỷ xả và có vô lượng ánh sáng trí tuệ nên gọi là vô lượng quang, cùng với tuổi thọ không giới hạn, cho nên gọi là vô lượng thọ.
 
Cách thức thờ Phật trong nhà Phật tử, nếu có đủ điều kiện và nhà cửa rộng rãi thì nên thờ tam thế Phật chung một bàn, tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni ở giữa. Hoặc tượng Phật ở giữa hai vị Bồ tát hai bên, nếu không đủ điều kiện thì thờ một tượng Phật Thích-ca Mâu-ni. Bởi vì đức Phật Thích-ca Mâu-ni là người khai sáng ra đạo Phật, chúng ta phải nhớ rõ chỗ này.
 
Bàn thờ Phật phải đặt chính giữa nhà, bàn thờ ông bà ở phía dưới hoặc bên hông nếu có chỗ rộng rãi. Tại bàn thờ Phật không nên để tạp vật nào khác, ngoài bình bông, lư hương, chân đèn và dĩa trái cây. Mỗi ngày chúng ta đều chăm sóc lau quét, dọn dẹp sạch sẽ.
 
Lần đầu tiên thỉnh tượng Phật, Phật tử phải làm lễ an vị Phật có thỉnh chư Tăng đến. Nếu không có điều kiện thì gia đình tự làm lễ thỉnh tượng cũng được không sao! Lễ này không bắt buộc phải tổ chức linh đình, chỉ nên làm một cách đơn giản, nhưng không kém phần trang nghiêm và tinh khiết.
 
Khi thiết lễ an vị Phật, trong gia đình phải dọn mình sạch sẽ, ăn chay, giữ giới. Và kể từ ngày làm lễ an vị Phật trở đi, tất cả mọi người trong nhà, luôn nghĩ nhớ đến đức hạnh cao cả của Phật mà cố gắng bắt chước học hỏi và tu sửa, nguyện dứt ác làm lành, để cho thân tâm mình ngày càng được trong sạch.
 
2. Ý nghĩa lạy Phật 
 
Khi Đức Phật còn tại thế, các đệ tử từ vua quan, đến dân chúng, mỗi lần được gặp Phật, đều cúi xuống ôm chân Phật và đặt trán mình lên chân Ngài để tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính. Cử chỉ và thái độ ấy là sự khiêm tốn thấp mình, cung kính tôn trọng đối với một người thầy. Ngày hôm nay Phật không còn tại thế, chúng ta chỉ lễ lạy hình tượng Phật và người tu hành chân chính.
 
3. Lạy Phật như thế nào mới đúng nghĩa
 
Trước khi lạy Phật, phải dọn mình cho sạch sẽ: rửa mặt, súc miệng, lau tay chân, thay y phục và mặc áo tràng. Sau đó, mới đốt hương ra trước bàn Phật, đứng ngay thẳng, hai tay chắp hình búp sen để trước ngực, mắt nhìn tượng Phật, miệng tỏ bày nguyện vọng chân chinh của mình rồi sau đó lạy ba lạy.
 
Lạy thứ nhất chúng con nguyện suốt đời nương tựa Phật, lạy thứ hai chúng con nguyện suốt đời nương tựa chánh pháp, lạy thứ ba chúng con nguyện suốt đời nương tựa Tăng đoàn thể sống an vui. Lễ Phật như thế mới đúng pháp, trong kinh gọi là “thân tâm cung kính lễ”.
 
Trái lại, chúng ta lễ Phật với lòng không cung kính hay còn gọi là ngã mạng lễ, là khi lạy Phật mà trong tâm còn ngạo nghễ, kiêu căng, năm vóc đầu, hai tay, hai chân không sát đất, đứng lên cuối xuống một cách cẩu thả, qua loa cho có chuyện.
 
Cầu danh lễ, là khi thấy có đông người thì miệng liền to tiếng dài hơi xưng danh hiệu Phật, thân lại siêng năng lạy không ngừng nghỉ, có ý để cho mọi người khen ngợi. Trái lại khi không có người thì ta lại biếng nhác, giải đãi, không muốn lễ lạy gì cả. Hai cách lễ bái trên đây rất giả dối, người Phật tử chân chính phải nhận thức rõ điều này để khi lễ lạy thân tâm được trong sạch.
 
Cách lạy thân tâm cung kính lễ, hai tay chắp trước ngực hình búp sen không so le rồi đưa lên trước trán và từ từ hạ xuống đầu cúi xuống theo, hai tay úp xuống chạm đất trước cách khoảng 35 cm đến 40 là vừa, đầu chạm đất, hai đầu gối chạm đất. Và cứ như thế hai tay bật lên trước theo thế đàn hồi năm vóc nhất như trở về tư thế ban đầu.
 
4. Cúng Phật 
 
1. Ý nghĩa về cúng Phật
 
Cúng Phật nói cho đủ nghĩa là cúng dường Phật. Ngày xưa khi Phật còn tại thế, các đệ tử cùng đàn na thí chủ đã cúng dường Ngài đầy đủ tứ sự, nay chúng ta vẫn tiếp tục nối tiếp truyền thống như thế vì lòng biến ơn và đền ơn. Sự cúng dường này làm cho chúng ta được gieo thiện duyên với Tam bảo về lâu, về dài.
 
Do việc thờ phụng, đọc kinh, lễ bái cúng dường này mà chúng ta được kết duyên lành với Phật, hình dung rõ cuộc đời của Ngài để chúng ta quyết tâm noi theo công hạnh cao cả của Ngài với tinh thần vô ngã, vị tha.
 
2. Cúng Phật với những gì trong thực tế?  
 
Chúng ta cúng dường Phật để tỏ lòng cung kính về sự biết ơn và đền ơn, nhưng nếu mỗi khi cúng Phật, lại bày biện đủ thức ăn uống, nào yến tiệc cỗ bàn linh đình thì thật là phí của, phí công mà lại còn làm sai lạc ý nghĩa sâu xa của sự cúng Phật. Vậy muốn cúng Phật đúng ý nghĩa thì chỉ nên dùng hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái tốt, nước trong là đủ.
 
3. Năm món diệu hương để cúng Phật
 
Cúng Phật có hai loại hình tướng: Hình tướng bên ngoài cúng Phật gọi là sự và hình tướng bên trong cúng Phật gọi là lý. Hình tướng bên trong cúng Phật là dùng năm món diệu hương để cúng Phật như sau:
 
Hương giới nghĩa là oai nghi, là hình tướng của người tu theo đạo Phật, từ cư sĩ cho đến người xuất gia tùy theo khả năng mà phát giữ gìn giới phẩm thanh tịnh. Cư sĩ tại gia có thể phát nguyện, giữ năm giới, mười giới hay cao hơn nữa là giới hạnh Bồ tát. Tỳ kheo tăng 250 giới, tỳ kheo ni 347 giới.v..v
 
Hương giới được thể hiện qua hình tướng từ cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn nói của mình sao cho hợp với oai nghi giới luật của mình. Người muốn cho tâm an, tinh thần vững chải, trước phải có hình tướng điềm đạm trang nghiêm, nếu hình tướng còn lăng xăng thì tâm rất khó bề yên định nơi một chỗ. Cho nên được gọi là hương giới nhằm để kềm chế cho hình tướng được nghiêm chỉnh. Chính vì vậy, giới Phật không cho Tỳ-kheo vừa đi vừa nhảy, không cho đi ngó bên này liếc bên kia. Đi đứng phải nghiêm trang, từng bước an lạc thảnh thơi vững chải, mắt lúc nào cùng hướng về phía trước nhìn ngay ngó thẳng. Nhờ giữ giới thanh tịnh cho nên tâm ta ít loạn động.
 
Hương định là gì? Định là nghĩa chẳng loạn vì tâm đối cảnh mà không dính mắc ta, người, chúng sinh. Nghe nói định chúng ta cứ tưởng có cái gì lạ, nhưng thật ra khi tâm ta hòa nhập với câu niệm Phật Bồ tát hay hơi thở hoặc là không dấy niệm, không khởi nghĩ đó là định. Chúng ta nên nhớ chừng nào tâm không loạn là được định, đó là chân lý.
 
Hương tuệ là do sự quán chiếu mà được nên chúng ta có nhận thức đúng đắn, thấy biết đúng như thật. Thấy biết đúng như thật gọi là hương tuệ phát sáng.
 
Nhờ giữ giới trọn vẹn thì các pháp ác không xâm nhập nỗi. Nhờ giữ giới nên chúng ta dần hồi giàm bớt tham lam, sân hận và, si mê. Từ đó chúng ta phát sinh định lực nên ta biết hổ thẹn khi lỡ làm điều gì trái và không ganh ghét tật đố đối với mọi người. Ta biết mở lòng giúp đỡ người khác khi cần thiết.
 
Khi hương tuệ phát sinh ta sẽ thấy biết đúng như thật nên các kiến chấp về phiền lần hồi rơi rụng hết, cho đến những kiến chấp về ta người chúng sinh thọ giả cũng tan biết trong tâm ta, nhờ vậy tâm ta thanh tịnh sáng suốt tròn sáng mà không còn nghi ngờ gì nữa.
 
Hương tuệ cúng Phật là mỗi hành giả biết văn tư tu. Văn huệ là chúng ta biết lắng nghe lời chỉ giải quý báu của chư Phật và các bậc hiền Thánh Tăng, tư huệ là đem những lời quý báu nói trên ra suy xét, nghiền ngẫm, biết thế nào là phải quấy, đúng sai, thật giả, tu huệ là buông xả hết phiền não tham sân si.
 
Hương giải thoát cúng Phật là chúng ta phá trừ được ngã chấp, nên giải thoát bao mê lầm của luân hồi sinh tử khổ đau. Chúng ta phải luôn luôn quán vô ngã, không nhận thấy thân này là mình, là tôi, là ta cũng không nhìn cái ý thức phân biệt là mình, để chúng ta hoàn toàn thoát ly vòng  luân hồi sống chết trong vô tận. Hương giải thoát tri kiến là khi hành giả đã phá được ngã chấp rồi, những vẫn còn dính mắc ở pháp tu mình là thật.
 
Cúng dường pháp bảo
 
Pháp bảo là lời dạy của Phật đã giảng dạy, để cho chúng sanh y theo đó mà tu hành. Muốn cúng dường Pháp bảo, trước hết chúng ta phải học Kinh, Luật, Luận và nghiên cứu giáo lý để nhận định thế nào là Pháp bảo, là chánh giáo. Nếu chúng ta có thực học thì phải nghĩ đến việc phiên dịch các Kinh điển Ngoại ngữ ra Việt ngữ để hoàn thành một bộ Tam Tạng Việt Nam, chúng ta có thể giúp vào việc hoằng pháp lợi sanh bằng sự diễn giảng hay sáng tác những vấn đề có liên quan đến Phật pháp. Nếu chúng ta có tài chánh thì nên xuất tiền ra ấn tống hay xuất bản Kinh điển để phổ thông Pháp bảo. Những việc làm như trên đều là cúng đường Pháp bảo cả.
 
Cúng dương Tăng bảo
 
Nếu chúng ta đã thành tâm thờ cúng Phật, thì tất nhiên chúng ta phải kính trọng Tăng. Chư Tăng đã thay Phật mà truyền giáo lý của Phật lại cho chúng ta, lẽ nào chúng ta lại làm ngơ không biết đến? Chúng ta không nên phân biệt Tăng ở xứ nào, chùa nào hay phái nào. Vị Tăng nào có đủ giới đức chúng ta cũng sẵn sàng cung phụng cả, như thế gọi là cúng dường Tăng bảo.
 
Lợi ích của thờ, lạy và cúng Phật
 
Sự thờ, lạy và cúng Phật, nếu thực hành một cách thành tâm, thiện chí và đúng ý nghĩa, thì sẽ đem lại cho người rất nhiều lợi ích trong hiện tại và vị lai:
a) Trong hiện tại: Mỗi chúng ta và gia đình, luôn sống trong bầu không khí xán lạn, trong ảnh hưởng tốt lành của Chư Phật. Chúng ta luôn sống trên thuận dưới hòa, vì mỗi ý nghĩ, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của chúng ta đều được đôi mắt sáng suốt của Đức Phật soi xuống. Chúng ta không sống bừa bãi, làm xằng, nghĩ quấy khi Đức Phật đang ngự trị trong gia đình và trong lòng mỗi chúng ta. Chỉ những tâm hồn trống rỗng, không biết tin tưởng, không biết tôn thờ nên mới dễ sa ngã, trụy lạc. Cho nên trong gia đình, nếu muốn có hạnh phúc trong hiện tại, muốn sống một đời sống có ý nghĩa, muốn con em đừng bê tha, trụy lạc, thì người gia chủ nên thiết lập bàn Phật, để ngày ngày lễ bái và cúng dường Phật và tập cho con em sống một đời sống hiền lương và an lạc.
 
Nói tóm lại, chúng ta thờ lạy và cúng Phật là do lòng tri ân sâu xa của chúng ta đối với bậc đã vì lòng bi mẫn thương tưởng, vì hạnh phúc, vì lợi ích cho tất cả chúng sanh; Sự thờ, lạy và cúng còn là để cho chúng ta luôn luôn có trước mắt và trong tâm chúng ta, hiển hiện hình ảnh gương mẫu của Phật, bậc hoàn toàn Chân, Thiện, Mỹ để noi theo. 
 
Vẫn biết thờ, lạy và cúng Phật đủ cả hai phương diện sự và lý là khó, nhưng chung quanh chúng ta, ở trong thế giới này sẵn có lòng Từ vô lượng vô biên của chư Bồ tát và Hộ pháp thần vương, đồng phát tâm giúp đỡ, hộ niệm cho tất cả những người phát tâm chánh tín thờ cúng Phật, thì lo gì công đức của chúng ta không tròn, quả của chúng ta không mãn?
 
Tác giả bài viết: Thích Đạt Ma Phổ Giác
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 852
  • Khách viếng thăm: 841
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 97724
  • Tháng hiện tại: 2716243
  • Tổng lượt truy cập: 91607816
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012