Tránh đau khổ

Đăng lúc: Thứ năm - 11/04/2013 12:43 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Vì bị đau khổ nên chúng ta mới đi tìm hạnh phúc. Nếu không đau khổ chúng ta sẽ thấy không cần tìm kiếm hạnh phúc làm gì.

Đau khổ là gì? Đó là kết quả của một vài kích thích hay điều kiện. Cũng như mọi sự vật khác, đó là kết quả của những nguyên nhân.

Có hai loại đau khổ chính: Đau khổ vật chất và đau khổ tinh thần. Dĩ nhiên, đã có thân thể thì chúng ta phải nhận chịu nhiều loại đau khổ vật chất. Mặc dầu, chúng ta có thể tránh được nhiều loại đau khổ, nhưng một số đau khổ chúng ta không thể nào tránh được. Đó là những đau khổ gây ra bởi sự tàn rụi của cơ thể. Như một bộ máy, một ngày nào đó chúng ta sẽ chết.

Ngược lại, những đau khổ về tinh thần thì có thể tránh được vì chúng ta có thể chỉ huy tâm trí được nhiều hơn. Cuối cùng, chúng ta có thể hoàn toàn khống chế được đau khổ tinh thần đó. Chúng ta không thể ngăn cản để cơ thể khỏi già và chết, nhưng trí óc nằm dưới sự điều khiển của chúng ta, nếu chúng ta muốn. Thật là vô ích biết bao khi phải lo âu, phiền muộn, nóng nảy giận hờn hay thất vọng xuống tinh thần. Chúng ta đừng để tâm hồn bị đắm chìm trong sự ghen tương, thù hận, ác ý, kiêu căng, ngã mạn. Trí óc chúng ta đầy dẫy phiền não: Tham lam, sân hận, si mê chi phối chúng ta. Chúng ta đau khổ rất nhiều bởi những cảm giác tiêu cực và tai hại. Những phiền não này cũng gây ra đau khổ về thể xác. Than ôi! Đầu óc ta tạo cho ta nhiều đau khổ lắm thay!

Không một ai, không một người bình thường nào mong muốn đau khổ. Người ta cố lẫn tránh nó, sợ nó, ghét nó, nhưng ít người chịu khó tìm hiểu và lắng nghe nó.

Hãy lắng nghe nó nói vì nó có nhiều chuyện để nói với chúng ta đó. Nó sẽ báo cho chúng ta biết rằng có những điều sai lầm, những điều bất bình thường mà ta cần phải lưu tâm đến. Nó thật sự không phải là kẻ thù như chúng ta nghĩ. Nếu chúng ta chịu khó lắng nghe, cố gắng tìm hiểu thì nó sẽ trở thành hữu ích. Nó như một người bạn dấu mặt hay một vị thầy có gương mặt xấu xí. Từ sự đau khổ của chính chúng ta, chúng ta bắt đầu cảm thông sự khổ đau của người khác. Từ đó khiến lòng bi mẫn phát sanh. Lòng bi mẫn này là một đức tính cao quý nhất mà Đức Phật thường chỉ dẫn cho những ai sẵn sàng muốn biết. Nếu bạn chưa bao giờ đau khổ thì thật khó cho bạn cảm thông được sự đau khổ của người khác.

Đối với Phật tử, cõi nhân gian là cõi tốt nhất để tu hành, cõi nhân gian còn tốt hơn cả cõi trời. Sanh vào cõi trời, chúng ta được hưởng an vui hạnh phúc do những điều thiện mà chúng ta đã làm trong kiếp trước. Chúng ta được hưởng sự an lành tuyệt đối, do đó chúng ta chẳng cố gắng tu hành để đạt được những gì cao hơn. Ngược lại khi sinh ra ở những chỗ thấp hơn như cõi súc sinh, ngạ quỉ thì sẽ gặp quá nhiều đau khổ vì chúng sanh ở những cõi này không có cơ hội để thăng tiến hay tìm kiếm cái gì cao siêu hơn đời sống. Trong cõi người có sự hòa hợp giữa đau khổ và khoái lạc. Mặc dầu thế giới này có tính cách tạm thời, nhưng chúng ta vẫn có nhiều cơ hội, có nhiều lý do để cải thiện chính chúng ta. Chúng ta không đắm mê trong ảo tưởng như những vị chư thiên ở cõi trời, cho rằng cuộc đời bao giờ cũng sung sướng và đẹp đẽ. Ở cõi người, sự đau khổ còn hiện hữu nhắc nhở chúng ta nhớ đến mặt trái của cuộc đời. Chính sự nhắc nhở này đã khiến chúng ta phải cố gắng tìm ra lối thoát. Như vậy, sự đau khổ trở thành hữu ích. Chúng ta không còn nhìn đau khổ với tâm chán ghét, sợ hãi nữa mà thấy chúng là những gì cần phải hiểu thấu, cần phải xử dụng và cần phải học hỏi từ đó.

TÌM KIẾM HẠNH PHÚC

Chúng ta có bật cười khi thấy một người nào đó leo lên cây táo để bẻ chuối không? Ấy thế mà có rất nhiều người làm việc này và họ còn làm nhiều việc dại khờ hơn thế nữa. Đó là tìm kiếm hạnh phúc ở những nơi mà hạnh phúc không bao giờ hiện hữu. Có vô số cách thức để tìm kiếm hạnh phúc, đây là điều theo đuổi chính yếu của con người. Sự tìm kiếm hạnh phúc và sự tránh né nỗi đau khổ chỉ là sự khác biệt giữa hai mặt trái, phải của một đồng tiền mà thôi. Chúng ta có thể nói một cách tổng quát rằng mọi người đều muốn được hạnh phúc và tránh đau khổ. Đó là điều mong mỏi chung. Nhưng có mấy ai được sung sướng hạnh phúc? Một số người thỉnh thoảng được hạnh phúc. Một số khác được hạnh phúc hơn. Nhưng có bao nhiêu người luôn luôn được hạnh phúc?

Bạn có biết ai được như vậy không?

Một vài người tìm kiếm hạnh phúc bằng cách không làm hại đến ai, nhưng một số người khác thì ngược lại. Họ tìm kiếm hạnh phúc bằng cách gây ra đau khổ cho kẻ khác. Họ không ngần ngại phải giết chóc, trộm cắp, láo khoét, lừa dối v.v…nếu những điều này mang lại hạnh phúc mà họ đang tìm kiếm. Liệu họ có hạnh phúc chăng? Có thể có nhưng rất ít và rất ngắn ngủi. Nhưng khi việc làm xấu của họ bị trả quả xấu thì họ chỉ tìm thấy sự đau khổ mà thôi. Nhiều người cho rằng làm điều xấu mà không bị ai bắt gặp thì cũng chẳng sao, nếu không bị ai bắt gặp thì chẳng đưa đến hậu quả tai hại nào. Những người như vậy là những kẻ cận thị. Có thật sự là không ai thấy chúng ta chăng? Còn chúng ta thì sao? Chúng ta tự biết những hành động chúng ta làm, ngay cả khi không ai biết. Chúng ta có thể thoát khỏi cặp mắt của người khác nhưng chúng ta không thể tránh thoát cặp mắt của chính chúng ta. Bởi vì, chúng ta còn có lương tâm. Nếu chúng ta phải trưởng thành và phát triển thì chúng ta phải ráng nghe tiếng nói của lương tâm. Dĩ nhiên, có vài người lương tâm họ chưa được trau luyện nên họ còn cho phép mình làm những việc mà những người có lương tâm cao thượng sẽ không bao giờ làm. Nhưng một khi họ trưởng thành và trở nên chín chắn, có đủ thời gian và cơ hội thì lương tâm của họ sẽ giúp họ trở nên lương thiện, tốt đẹp.

Sự tìm kiếm hạnh phúc đưa con người trên thế giới đến những nơi xa lạ và nguy hiểm. Không tìm thấy hạnh phúc nơi mình đang ở, họ đi đến nơi khác với hy vọng có thể tìm kiếm hạnh phúc ở chỗ mới này. Nhưng đó chỉ là ảo ảnh. Sau khi đã đi khắp mọi nơi, họ trở về với những kết quả thật ít ỏi, đôi khi trở về với hai bàn tay trắng. Tại sao vậy? Tại sao những điều mà mọi người ao ước tìm thấy lại quá hiếm hoi trên thế giới này? Phải chăng mức cung quá ít và chỉ đủ cho một số người may mắn mà thôi. Phải chăng số mạng đã định một số người sung sướng và những người kia chịu đau khổ.

Có nhiều phương thức để tìm kiếm hạnh phúc. Phương thức phổ biến nhất là tiền tài, đồng nghĩa với hạnh phúc.

“Ô cha! nếu tôi giàu thì tôi sẽ hạnh phúc biết bao”.

Đấy là điều mà nhiều người nghĩ đến. Nhưng có nhiều người rất giàu mà không có hạnh phúc. Thật vậy, cũng khó mà có hạnh phúc khi gia đình bạn đang đói, nhưng những người giàu cũng thường có những mối bận tâm mà người nghèo không bao giờ có.

Có những phương thức khác như là: Nếu tôi có một cô nhân tình mỹ miều hoặc nếu tôi có một anh bạn trai thật đẹp trai thì tôi sẽ hạnh phúc biết bao?

Nếu tôi được trẻ trung trở lại, nếu tôi có sức khỏe, có quyền thế, được nỗi tiếng, được mọi người thương mến, có nhiều bạn bè v.v… thì tôi sẽ rất hạnh phúc. Công thức thì có rất nhiều, nhưng liệu hạnh phúc có thể đóng khung vào trong công thức không? Phải chăng chúng ta tìm sai chỗ? Có lẽ, chúng ta nên dừng lại ở đây vài giây và suy tư về cuộc tìm kiếm hạnh phúc một cách điên rồ và bất tận của con người. Không có một công thức nào cho hạnh phúc cả, và hạnh phúc cũng không thể bắt giữ làm của riêng hay lưu trữ.

Đi tìm hạnh phúc nhưng để cho ý niệm hạnh phúc đè nặng tâm trí mình thì sẽ không tìm thấy hạnh phúc mà thường còn tạo nên một điều ngược lại. Thay vì tìm thấy hạnh phúc lại gặp đau khổ.

Chúng ta không thể nào chỉ đi tìm hạnh phúc là thấy được hạnh phúc. Hạnh phúc cũng như bất hạnh, chỉ là kết quả cách thức sống của chúng ta mà thôi. Thực vậy, tìm kiếm hạnh phúc là một trở ngại lớn lao nhất để có được hạnh phúc.

Mặc dầu chúng ta ít biết điều này sau khi chúng ta đã thấy được hạnh phúc.

Người ta thường bảo rằng: Hạnh phúc là một thứ dầu thơm mà khi rảy cho người khác thì ta cũng khó tránh được một vài giọt rơi trên thân thể mình. Đây là chìa khóa. Bằng cách giúp đỡ người khác và làm những điều đúng thì hạnh phúc sẽ đến với chúng ta, dù rằng đây không phải là động cơ chính thúc đẩy chúng ta giúp đỡ người khác. Chúng ta giúp kẻ khác vì chúng ta có cơ hội và khả năng làm điều đó, chứ không phải chúng ta mong rằng chúng ta sẽ có được cái gì đó khi chúng ta giúp họ. Sự mong muốn được cái gì đó cũng tương tự như sự tìm kiếm hạnh phúc dễ thường chỉ đem lại sự bực mình và thất vọng mà thôi.

Hơn thế nữa, điều chính yếu người Phật tử nghĩ đến không phải là hạnh phúc mà là chân lý. Người Phật tử khám phá ra đâu là chân lý. Hạnh phúc đối với họ không quan trọng. Hạnh phúc chỉ là phó bản của chân lý mà thôi.

Tránh đau khổ - Hòa thượng Abhiññana Sư Khánh Hỷ soạn dịch
 
                                                                                                                                          
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 432
  • Khách viếng thăm: 419
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 107353
  • Tháng hiện tại: 2915496
  • Tổng lượt truy cập: 88720099
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012