Dấu hiệu của sự thăng tiến đạo đức

Đăng lúc: Thứ ba - 12/11/2013 02:36 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Đọc các bản kinh Phật còn lưu lại trong Kinh tạng Pàli, chúng ta thấy dân chúng Ấn Độ thời Phật tại thế có lối sống và suy nghĩ thật hiền lương, minh triết. Dấu hiệu của một nếp sống hiền minh như vậy biểu lộ không chỉ ở tấm lòng khao khát được lắng nghe và học tập điều thiện mà còn ở tâm lý lo sợ về điều ác, về hậu quả của các ác hạnh.
Họ say mê học hỏi điều lành, điều thiện và tỏ rõ sự lo lắng sợ hãi về điều ác, bất thiện. Đây hẳn là dấu hiệu của một nếp sống thăng tiến đạo đức rất căn bản. Rõ là người ta sẽ cẩn trọng hơn trong cuộc sống và sẽ tránh được các tai họa khổ đau đáng tiếc, khi biết lo lắng sợ hãi về điều xấu ác và hậu quả của nó. Tâm lý xem thường cái ác thường dẫn đến những việc làm bất cẩn, phi pháp gắn với các hậu họa khó lường. Trái lại, biết ưu tư lo lắng về cái ác khiến con người trở nên chín chắn và có lối sống đạo đức hiền hòa.

Đức Phật tán thán hạnh lành và phê bình mọi ác hạnh. Ngài giảng dạy điều lành để khuyến khích nếp sống đạo đức hạnh phúc và Ngài nêu rõ điều ác để ngăn ngừa lối sống buông thả khổ đau. Ngài giải thích rất tường tận các căn nguyên xấu ác đưa đến khổ đau để giúp cho các học trò mình theo đuổi nếp sống cẩn trọng, tránh rơi vào các hậu quả bất hạnh. Các Tỷ-kheo tỏ rõ sự thăng tiến về mặt đạo đức và thường được tán dương là “những người có đức hạnh” bởi họ được chỉ dạy rất kỹ về nếp sống “không làm mọi điều ác, thành tựu các hạnh lành” và bởi họ là những người luôn “thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt”. Đối với quần chúng Phật tử đương thời thì dấu hiệu của sự tiến bộ đạo đức thể hiện một phần ở sự lo lắng bị tái sanh trong các khổ cảnh. Người ta lo sợ bị tái sanh trong các cảnh giới không may mắn, chịu bất hạnh khổ đau và tâm lý này dẫn đến thái độ sống cẩn trọng, thiên về các hành vi đạo đức hiền thiện. Những ưu tư thắc mắc của các gia chủ xứ Sa-la đi kèm với những lời giảng giải rất chi tiết của Đức Phật về nguyên nhân của bất hạnh khổ đau được trích dẫn dưới đây cho thấy dấu hiệu tiến bộ đạo đức của quần chúng Ấn Độ dưới thời Phật tại thế, nhờ biết học hỏi, cân nhắc và lo sợ về các điều ác, bất thiện: [1]           

– Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục?

–  Này các Gia chủ, do nhân hành phi pháp, hành phi chánh đạo, này các Gia chủ, mà ở đây có một số loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

– Chúng con không thể hiểu đầy đủ những gì Tôn giả Gotama thuyết một cách vắn tắt nếu không được giải thích rộng rãi. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho chúng con để chúng con có thể hiểu đầy đủ những gì Tôn giả Gotama thuyết một cách vắn tắt!

– Vậy này các Gia chủ, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, Tôn giả.

– Này các gia chủ, có ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo, có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo, có ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo. Này các gia chủ, thế nào là ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo?

Ở đây, này các Gia chủ, có người sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình. Người này lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy. Người ấy sống tà hạnh đối với các dục lạc, giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa. Như vậy, này các Gia chủ, là ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo. Này các Gia chủ, thế nào là bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo?

Ở đây, này các Gia chủ, có người vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì Ông biết”; dầu cho người ấy không biết, người ấy nói: “Tôi biết”; dầu cho người ấy biết, người ấy nói: “Tôi không biết”; hay dầu cho người ấy không thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”; hay dầu cho người ấy thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”. Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì. Và người ấy là người nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy ly gián những kẻ hòa hợp hay xúi dục những kẻ ly gián, ưa thích phá hoại, vui thích phá hoại, thích thú phá hoại, nói những lời đưa đến phá hoại. Và người ấy là người nói lời thô ác. Bất cứ lời gì thô ác, tàn ác, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định, người ấy nói những lời như vậy. Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp, nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích. Như vậy, này các Gia chủ, có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo. Và này các Gia chủ, thế nào là ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo?

Ở đây, này các Gia chủ, có người có tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: “Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!” Lại có người có tâm sân, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: “Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại!” Lại có người có tà kiến, có tưởng điên đảo như: “Không có bố thí, không có kết quả của bố thí, không có tế lễ, không có cúng dường, các hành vi thiện ác không có kết quả dị thục, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trong đời không có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chính hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau”. Như vậy, này các Gia chủ, là ba ý hành phi pháp, phi chánh đạo.

Như vậy do nhân hành phi pháp, hành phi chánh đạo, này các Gia chủ, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Khi nghe nói vậy, các gia chủ Bà-la-môn ở Sa-la bạch Thế Tôn:

- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vị diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện để trình bày. Và nay chúng con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng! 
                                                                    
            
 

[1] Kinh Saleyyaka, Trung Bộ.


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 341
  • Khách viếng thăm: 338
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 133520
  • Tháng hiện tại: 2961191
  • Tổng lượt truy cập: 91852764
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012