Như tấm lòng người mẹ

Đăng lúc: Thứ bảy - 26/10/2013 06:03 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Trong Kinh Từ Bi (Mettà Sutta) thuộc Kinh Tập, Tiểu Bộ, Đức Phật khuyên dạy các đệ tử mình tu tập và mở rộng tâm từ bi, thương người, thương muôn loài chúng sinh, bằng những lời lẽ như vầy:
Như tấm lòng người mẹ,    

Đối với con của mình,

Trọn đời lo che chở,    
             
Con độc nhất mình sanh.

Cũng vậy đối tất cả,       
         
Các hữu tình chúng sanh,

Hãy tu tập tâm ý,         
            
Không hạn lượng, rộng lớn.

Hãy tu tập từ tâm,          
         
Trong tất cả thế giới.


Từ bi là một tâm lượng đối lập với sân tâm và hại tâm mà càng mở rộng ra thì khổ đau càng vắng mặt. Vắng mặt đối với người thực hành, vắng mặt đối với mọi người khác, mọi chúng sinh khác. Nó là lòng thương cảm đối với khổ đau và bất hạnh của kẻ khác, trôi chảy khá tự nhiên trong mỗi con người. Tùy thuộc quan điểm và sự đào luyện của mỗi cá nhân mà tâm từ bi được đánh thức và phát triển. Trong Phật giáo, từ bi rất được nhấn mạnh và đã trở thành thể cách rất đặc trưng của người con Phật đến độ khi nghe đến đạo Phật người ta nghĩ ngay đó là đạo Từ bi.

Đặc điểm của tâm từ bi được nói đến trong Phật giáo là sự mở rộng ra cho đến vô cùng vô tận lòng thương cảm đối với mọi chúng sinh, không giới hạn, không phân biệt. Nó là nguồn năng lượng hiểu biết và thương cảm to lớn đối với sự khổ đau mê lầm của hết thảy chúng sinh. Nó tuôn chảy hết sức tự nhiên trong tâm thức chư Phật và chư vị giác ngộ. Chư Phật thấy rõ nỗi khổ luân hồi sinh tử  của chúng sinh, chứng ngộ bản chất khổ đau của mọi hiện hữu, nên luôn luôn sống với tâm niệm từ bi, mong muốn cho hết thảy chúng sinh đều được an vui giải thoát. Các Ngài thấy rõ sự khổ bao trùm cả vũ trụ, có mặt trong mỗi cá thể duyên hợp – người, sự vật hay hiện tượng, giống như vị mặn của đại dương vốn có sẵn trong mỗi giọt nước biển vậy. Đây chính là động cơ khiến năng lượng từ bi của các Ngài tuôn trào không dứt và mở ra cho đến vô tận.

Khổ đau có muôn hình vạn trạng, mỗi chúng sinh thọ nhận theo mỗi cách khác nhau, không ai giống ai. Sự khác biệt này nói lên duyên nghiệp riêng biệt của mỗi chúng sinh, khiến cho ta có cảm giác người này may mắn hơn người kia hay người kia bất hạnh hơn kẻ nọ. Sự thực thì có hạnh phúc và bất hạnh ở trên đời mà đạo Phật xem là do nghiệp hay hành động tạo nên. Nhưng dù cho có may mắn hay bất hạnh nhất thời cơ bản do nghiệp lực tạo nên, tất cả mọi người, mọi chúng sinh kết cuộc đều khổ đau. Khổ bởi già, bệnh, chết… khổ bởi cái gọi là “ái luyến hiện hữu.” Nói khác đi, đã là chúng sinh, còn trôi lăn trong vòng sinh tử mê lầm, thì còn khổ đau, dù rằng do nghiệp lực mà có người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh.

Với tuệ giác, chư Phật thấy rõ cội rễ khổ đau to lớn phổ quát này của hết thảy chúng sinh nên khởi tâm từ bi phổ độ tất cả. Các Ngài thấy rõ nỗi khổ to lớn không dứt của chúng sinh đang trôi lăn trong biển sinh tử mê lầm nên có lòng xót thương muốn cứu độ hết thảy, không giới hạn, không phân biệt. Tâm từ bi của các Ngài rộng lớn vô lượng vô biên, không thể dùng tâm thái thường tình mà đo lường được. Nó vượt lên trên và ra ngoài tâm thái phân biệt thường tình của chúng sinh. Nó là tiếng nói của trí tuệ giải thoát vô phân biệt. Nó không còn là đúng, sai, khôn hay dại. Nó thương cảm và cưu mang ngay cả những kẻ làm hại mình.[1] Vì vậy, nó được ví như tấm lòng thương con của bà mẹ, tuyệt nhiên vô bờ bến. Người mẹ thương con mình như thế nào thì chư Phật thương chúng sinh như thế ấy. Con ngoan thì thương, đã đành. Con chưa ngoan hay con hư con dại lại phải xót thương cưu mang nhiều hơn. Đừng ai hỏi tại sao như vậy. Tấm lòng thương con của người mẹ là thế. Con nên con hư đều ôm trọn tất cả. Mẹ thương cái ngoan hiền của con, mà cũng thương luôn cái hư hỏng trái quấy của con. Mẹ chỉ một lòng thương con, không bao giờ bỏ mặc con, không bao giờ trách hờn con vì mẹ biết con mình khờ dại và vì mẹ luôn tự nhận không nuôi dạy con cho đáng thân người. 

Chư Phật thương chúng sinh cũng với tấm lòng bao dung rộng lớn như vậy. Do mê lầm mà chúng sinh trôi lăn trong biển sinh tử khổ đau và trách nhiệm của chư Phật và chư vị giác ngộ là làm sao giải thoát chúng sinh khỏi mê lầm khổ đau. Các Ngài thương chúng sinh, không bỏ sót một ai, không buồn phiền vì tính khí ương ngạnh của chúng sinh bởi các Ngài hiểu chúng sinh còn mê lầm và do các Ngài tự nhận cứu vớt chúng sinh là bổn phận của những bậc giác ngộ đã vượt qua bể khổ sinh tử. Nội dung bài kinh sau đây [2] nói rõ tâm lượng Đại từ bi của chư Phật và cũng là bài học mở rộng lòng từ bi mà các Ngài mong muốn gởi đến cho hết thảy mọi người:

“Mong mọi loài chúng sanh,   

Được an lạc, an ổn,

Mong chúng chứng đạt được,  

Hạnh phúc và an lạc.

Mong tất cả những ai,           
   
Hữu tình có mạng sống,

Kẻ yếu hay kẻ mạnh,        
        
Không bỏ sót một ai,

Kẻ dài hay kẻ lớn,      
              
Trung, thấp, loài lớn, nhỏ,

Loài được thấy, không thấy,     

Loài sống xa, không xa,

Các loài hiện đang sống,         

Các loài sẽ được sanh,

Mong mọi loài chúng sanh,      

Sống hạnh phúc an lạc.

Mong rằng không có ai,     
      
Lường gạt, lừa dối ai,

Không có ai khinh mạng,       
 
Tại bất cứ chỗ nào,

Không vì giận hờn nhau,         

Không vì tưởng chống đối,

Lại có người mong muốn,   
     
Làm đau khổ cho nhau.

Như tấm lòng người mẹ,          

Đối với con của mình,

Trọn đời lo che chở,       
          
Con độc nhất mình sanh.

Cũng vậy đối tất cả,      
          
Các hữu tình chúng sanh,

Hãy tu tập tâm ý,                  
   
Không hạn lượng, rộng lớn.

Hãy tu tập từ tâm,         
          
Trong tất cả thế giới,

Hãy tu tập tâm ý,         
             
Không hạn lượng, rộng lớn,

Phía trên và phía dưới,      
     
Cũng vậy cả bề ngang,

Không hạn chế, trói buộc,     

Không hận, không thù địch.” 
 

                                                                                                             
 

[1] Xem Kinh Ví dụ cái cưa, Trung Bộ.
[2] Kinh Từ bi, Kinh Tập, Tiểu Bộ.

Tác giả bài viết: Tâm Hải
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 503
  • Khách viếng thăm: 439
  • Máy chủ tìm kiếm: 64
  • Hôm nay: 104012
  • Tháng hiện tại: 2827108
  • Tổng lượt truy cập: 91718681
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012