Làm sao đối phó giận hờn và ích kỷ

Đăng lúc: Thứ tư - 05/12/2012 21:45 - Người đăng bài viết: Thiện Quy
Đôi cánh bình yên.

Đôi cánh bình yên.

Các bạn trẻ thân mến! Ai cũng muốn trở thành người hiện đại, nhưng họ đâu biết rằng hiện đại hóa chính là bàn tay xô con người vào dòng xoáy cuộc đua vật chất hãi hùng. Nói vậy có phải là một cách nhìn tiêu cực về hiện đại hóa không? Tất nhiên, bất kỳ vấn đề nào cũng có tính hai mặt của nó. Nhưng sự thật ở đây, chúng ta thấy một khi hiện đại hóa được đẩy mạnh thì đời sống con người lại rút vào trong vỏ bọc ở các công sở, văn phòng, hoặc quán rượu,…
và vô tình đẩy đời sống thật vào sân sau. Và hình như tất cả chấp nhận gát qua bản chất thực tại, vùi sâu thực tại vào ký ức để đuổi theo mộng ước cao xa. Có người nhận ra được điều này, nhưng không thể thoát khỏi sự chi phối của nó bởi chén cơm manh áo thường nhật, nên cứ mãi lao theo dòng xoáy ấy. Sống một thời gian như vậy, tinh thần các bạn sẽ rơi vào một khoảng vắng với bao mệt mỏi, hụt hẫng, cô đơn… và cảm nhận thân mình như một lát chanh bị vắt sạch nước. Đây là môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho cảm xúc giận hờn và ích kỷ trong bạn phát triển.
 

 
Như các bạn biết, giận hờn và ích kỷ là hai trạng thái tâm lý phổ biến mà trong ứng xử hằng ngày các bạn thường gặp phải. Giận hờn và ích kỷ như là hai người bạn bất đắc dĩ của chúng ta. Các bạn có biết vì sao chúng ta không ưa gì nhưng nó cứ bám theo hoài không? Và các bạn có muốn khắc phục nó để chúng ta có một tâm hồn bao dung, rộng mở, luôn sống trong vui vẻ, hạnh phúc không? Hay các bạn thích giận như vậy?

Các bạn đừng nên nghĩ rằng điều kia là nên giận, điều này thì nên hờn, có hờn giận mới đáng yêu. Không đâu thưa các bạn, giận hờn làm khổ chúng ta rất nhiều. Giận hờn còn làm cho người thân chúng ta thêm lo lắng nữa. Ông bà mình thường nói: “giận mất khôn”. Lý nào các bạn muốn mình thành người mất khôn hay sao? Cho nên, nếu chúng ta muốn trở thành con người có nhân cách dễ thương thì nhất định phải tìm cách hạn chế, đối phó giận hờn và ích kỷ. Muốn đối phó giận hờn và ích kỷ, trước tiên chúng ta phải ý thức sâu sắc sự nguy hiểm của chúng.

Hiện tại, các bạn là những thành viên ưu tú trong xã hội và gia đình. Khi bạn đang là sinh viên học sinh, nếu sống trong giận hờn thì không thể nào bạn học tập tốt được. Khi đang là người chủ, nếu bạn giận hờn để rồi buông ra những lời chỉ trích bất nhã, công nhân của bạn sẽ rất buồn và tất nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động. Nếu bạn là người con trong gia đình, khi giận hờn buông ra lời bất kính thì bạn sẽ là người bất hiếu…

Hơn nữa, ai cũng thích ăn ngon, ai cũng thích nghe lời thương yêu hòa ái, ai cũng muốn được tha thứ khi mắc phải lỗi lầm, vậy tại sao chúng ta không nói lời dễ nghe, không thực hành hạnh tha thứ, bao dung?Thiết nghĩ, chúng ta ai cũng có thể thay đổi thế giới nội tâm và hoàn cảnh thực tại nếu mình chịu cố gắng và nhẫn nại. Vì sao? Vì sức cố gắng và lòng nhẫn nại là nhân tố không thể thiếu để sự chuyển hóa của một hành động đi đến kết quả.

Sự chuyển hóa không bao giờ xảy ra tức thời, nó cần nhiều thời gian. Giận hờn là cảm xúc làm chúng ta đau khổ. Để đối phó với các cảm xúc này, chúng ta phải biết nhẫn nại phân tích xem trạng thái nào đem lại hạnh phúc và trạng thái nào mang lại nhiều khổ đau.

Chúng ta thấy những cảm xúc hay suy nghĩ đúng thì sẽ mang lại hạnh phúc, còn những ý nghĩ bi quan sẽ làm chúng ta khó chịu, buồn khổ. Chúng ta thực tập phân loại các ý nghĩ một cách rõ ràng, cũng giống như việc nhận biết đâu là những loại kiến thức lành mạnh và đâu là những kiến thức không tốt.Thế giới nội tâm của chúng ta cũng vậy, những yếu tố tham lam, sân giận, ngu si, kiêu ngạo, nghi ngờ… là những chất độc hại giết chết tâm hồn trong sáng của chúng ta.

Đúng vậy, những ý nghĩ tham lam, ích kỷ, giận hờn, hãm hại người khác… là những nhân tố độc hại làm hoen ố tâm chúng ta, nên nhất định phải tiêu diệt chúng. Nhìn chung, rất ít khi giận hờn tạo thành sức mạnh tích cực ngăn cản thành công một việc làm xấu của bạn mình, thường thì giận hờn đều dẫn đến kết quả không tốt.

Ngược lại, những ý nghĩ tha thứ, giúp đỡ, siêng năng… là những nhân tố tốt, chúng ta cần phải phát huy.Có người bạn trẻ nói với tôi rằng: thật sự nhiều lúc chính mình không hiểu mình đang muốn gì. Điều này không sai chút nào, bởi hiểu mình là việc làm khó nhất. Nhưng nếu không hiểu mình, không nhận biết rõ những cảm xúc, ý nghĩ trổi dậy từ thế giới nội tâm của mình như thế nào thì làm sao bạn chuyển hóa đây?

Cho nên, ngồi lắng nghe thế giới nội tâm của chính mình là điều rất quan trọng. Khi nhận biết điều này rồi các bạn sẽ ý thức việc nuôi dưỡng những cảm xúc có lợi là cần thiết và cố gắng diệt trừ những cảm xúc có hại. Chúng tôi tin rằng làm như thế một thời gian, bạn sẽ thấy mình có nhiều nghị lực và nhiều niềm vui.Như các bạn biết rồi đó, trạng thái hạnh phúc thật sự chính là bằng cách nào đó chúng ta phải làm vắng mặt tất cả các cảm xúc tiêu cực.

Hiệu quả nhất là do sự cố gắng tu tập mà có được. Đức Phật không có quyền năng ban phúc hay giáng họa, mà đơn giản ngài là người biết phương pháp diệt khổ và chính bản thân ngài đã làm được điều đó. Các bạn có tin điều này không? Các bạn có biết ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa xuất gia, tu thành Phật vì những động cơ gì không? Chúng tôi xin giới thiệu khái lược cho các bạn biết nhé!
 

Cách nay trên 25 thế kỷ, tại thành Ca tỳ la vệ, trung xứ Ấn Độ có một vương tử từ chối ngai vàng đã dọn sẵn, chuẩn bị vó ngựa vượt thành tìm kiếm giá trị hạnh phúc vĩnh cửu.Rồi một đêm, khi cả cung đình đang ngủ say trong giấc ngủ êm đềm của uy quyền, danh vọng và giàu sang, vương tử gọi quân hầu thắng cho mình yên cương con tuấn mã trường chinh. Nhưng vó ngựa trường chinh của ngài không tung hoành nơi chiến trận.

Thanh gươm chinh phục của ngài không đánh gục những chiến sĩ yếu hèn. Gót chân vương giả từ đó lang thang khắp chốn sơn cùng thủy tận: cô đơn bên bờ suối, tĩnh lự dưới gốc cây.Như thế, trải qua những ngày tháng tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh nơi rừng thiêng nước độc, bảy thất nghiêm tinh thiền tọa, hàng phục vọng tưởng điên đảo, tham dục, giận hờn và ích kỷ; đến khi sao mai vừa mọc, vương tử chứng thành đạo quả, lấy hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật, đại địa bấy giờ rung động sáu cách, từ đó ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh.

Chúng ta hãy nghe ngài nói: “Rồi thì, này các Tỳ kheo, một thời gian sau, trong tuổi thanh xuân, khi mái tóc còn đen mượt, với sức sống cường tráng; mặc dù cha mẹ không đồng ý với gương mặt đầm đìa nước mắt, ta đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình.

Ta, trong khi ra đi như vậy, làm người đi tìm cái gì đó chí thiện, tìm con đường hướng thượng, tìm dấu vết của sự tịch mịch tối thượng”. Ngài đi tìm và đã tìm ra con đường dẫn về thế giới bình an, hạnh phúc vĩnh cửu.Rồi con đường ấy được công bố, nhưng vào buổi đầu không phải được tất cả mọi người tiếp nhận một cách đầy tin tưởng. Số người chống đối không phải ít.

Khi đức Ðạo sư trẻ tuổi đến Magadha, vương quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ, nhiều thanh niên con nhà gia thế, như Yasa cùng các bạn bè, và các thanh niên trí thức hàng đầu như Sariputta và Moggallana, và nhiều thanh niên quý tộc, tiếp nối nhau từ bỏ gia đình, từ bỏ địa vị xã hội sang cả, chọn con đường vinh quang của chân lý.Từ góc nhìn nào đó, sự ra đi của họ tạo thành một khoảng trống lớn cho xã hội, làm đảo lộn nếp sống đã thành thói quen của quần chúng.

Dân chúng lo ngại. Họ thì thầm bàn tán, rồi phiền muộn, thất vọng và giận dữ. Dư luận gần như dấy lên đợt sóng: “Sa-môn Gotama làm cho những người cha mất con, những bà vợ trẻ trở thành góa bụa. Sa-môn Gotama làm cho các gia đình có nguy cơ sụp đổ”. Nhưng dư luận ấy không kéo dài đủ để gây thành làn sóng phản đối. Chẳng mấy chốc, những người cha, những bà vợ trẻ ấy, nhận thấy không phải họ bị phản bội, hay bị bỏ rơi cho số phận cô đơn, mà họ được chỉ dạy cho thấy hương vị tuyệt vời của tình yêu và hạnh phúc mà trong một thời gian dài họ không tìm thấy.

Ở đây, trong số vô lượng pháp môn, Phật dạy chúng ta luyện tập để giải thoát vọng tưởng, giận hờn và ích kỷ, có thể nói phương pháp dễ thực hành nhất, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn vài nét như sau:


 
- Bước 1: Ngồi tĩnh tọa ngay ngắn bằng tư thế bán già hay kiết già. Ngồi trên gối, tọa cụ cho cột sống thẳng, dễ chịu.

- Bước 2: Khép mắt lại, tập trung tư tưởng nơi chóp mũi, tưởng tượng nhìn xuống miệng, tưởng tượng nhìn xuống cằm, tưởng tượng nhìn xuống tâm. Chúng ta tập trung tư tưởng tại đó.

- Bước 3: Tập quán niệm hơi thở.+ Hít vào tính 1, thở ra tính 2, cứ thế tính đến số 10 thì bỏ và tính lại từ đầu.+ Nếu không thích phương pháp này, bạn chỉ cần tập trung tu tưởng xong rồi ngồi theo dõi hơi thở ra vào, bám sát hơi thở ra vào cho thật chắc chắn.+ Hoặc, hít vào niệm Nam mô, thở ra niệm A Di Đà Phật.

- Bước 4: Tự mình xoa bóp cho gân cơ co giãn, máu huyết lưu thông.Làm như vậy mỗi lần ít nhất 30 phút, ngày 2 lần. Sau 2 tuần, chúng ta sẽ bắt đầu nhận thấy kết quả chuyển hóa nhiệm mầu.


 
Lúc ấy, những giận hơn, lo âu, sợ hãi, phiền muộn,… tự nhiên tan biến, thay vào đó một cảm thọ an lạc hạnh phúc từ từ xuất hiện trong bạn.Quả thật, người ta không tôn thờ những áng văn tuyệt tác mà chỉ trọn đời quy ngưỡng lời Phật dạy, bởi tìm trong đó, người ta sẽ biết cách sống hạnh phúc với lòng bao dung, tha thứ. Như thế, con đường dẫn về thế giới bình an vĩnh cửu không phải bằng sự chinh phục gươm đao, bằng giận hờn và ích kỷ mà bằng sức mạnh của trí tuệ, và lòng từ bi.

Ngay từ đầu, con đường ấy đã được nồng nhiệt tiếp nhận bởi những con người rất trẻ, bởi tầng lớp ưu tú nhất của xã hội, tầng lớp định hướng tương lai của xã hội và cho đến ngày nay vẫn thế. Vậy có khi nào bạn thật lòng bỏ chút ít thời gian để tìm học lời Phật dạy chưa? Nó thật mầu nhiệm thưa các bạn.Biết rằng mỗi người chúng ta đều có cá tính riêng biệt, nên tất nhiên sẽ có cách đối phó cảm xúc giận hờn khác nhau. Nhưng những ai từng đau khổ, bất hạnh, thì đạo Phật như là thuyền từ mát mẻ, giúp họ vượt thoát khổ đau.

Chúc bạn thành công
Tác giả bài viết: Thích Huyền Châu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 918
  • Khách viếng thăm: 835
  • Máy chủ tìm kiếm: 83
  • Hôm nay: 104012
  • Tháng hiện tại: 2852440
  • Tổng lượt truy cập: 91744013
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012