Bồ tát Thích Quảng Đức - Một huyền thoại lặng lẽ

Đăng lúc: Thứ tư - 15/05/2013 05:38 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Gần nửa thế kỷ trước, ngày 11-6-1963, ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức đã bùng lên. Ngọn lửa thiêng đó còn soi đường chính nghĩa cho những ai yêu chuộng công lý

1. ĐÊM TRƯỚC KHI TỰ THIÊU

Gần nửa thế kỷ trước, ngày 11-6-1963, ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức đã bùng lên. Ngọn lửa thiêng đó còn soi đường chính nghĩa cho những ai yêu chuộng công lý

Chúng tôi đã tìm gặp chính nhân vật quan trọng đã tổ chức cuộc tự thiêu và cả nhân chứng phía bên kia là mật vụ đã theo dõi Bồ tát Thích Quảng Đức, để tường minh thêm cuộc “vị pháp thiêu thân” đặc biệt này.

Nhắc lại sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu, hòa thượng Thích Đức Nghiệp vẫn xúc động như là câu chuyện ngày hôm qua.

Từng đảm nhiệm chức vụ trưởng ban đối ngoại và điều hành của Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo Việt Nam, hòa thượng Thích Đức Nghiệp hiện là một trong ít nhân chứng tường tận giai đoạn lịch sử này. Đặc biệt, hòa thượng cũng chính là người trực tiếp giúp tổ chức vụ vị pháp thiêu thân thể theo tâm nguyện của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Que diêm và biển lửa

Những năm đầu thập niên 1960, quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm đã âm ỉ căng thẳng. Đại lễ Phật đản năm 1963 trùng thời điểm khánh thành một nhà thờ lớn ở Quảng Trị. Tổng thống Diệm trên đường đi dự lễ khánh thành nhà thờ này thấy rất nhiều Phật kỳ được treo trang trọng khắp Huế.

Ngô Đình Diệm cau mày hỏi Quách Tòng Đức, đổng lý văn phòng phủ tổng thống, đi theo tháp tùng và được trả lời là cờ Phật giáo treo mừng Phật đản. Không cần đợi phải họp bàn, tổng thống Diệm hạ lệnh khẩn cấp cho Quách Tòng Đức với nội dung:gửi gấp công điện lệnh cho khắp nơi trên toàn quốc phải hạ cờ Phật giáo xuống, chỉ được treo trong phạm vi nhà chùa.

Mệnh lệnh này như một que diêm thảy vào lò than vốn đã âm ỉ nóng bỏng trong giới Phật giáo trước các chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền anh em nhà Ngô. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp xúc động kể: “Các cuộc đấu tranh của Phật giáo nhanh chóng liên tiếp bùng nổ. Nó khởi đầu ở Huế rồi lan rộng vào Sài Gòn và các tỉnh…”.

Đỉnh điểm căng thẳng nhất là vụ nhiều phật tử bị giết chết và bị thương trước Đài phát thanh Huế trong đêm 8-5-1963. Trong đó ngoài các Phật tử còn có người dân và trẻ em tụ tập trước đài phát thanh nghe ngóng tình hình thời sự từ Sài Gòn. Theo hòa thượng Thích Đức Nghiệp, thiếu tá Đặng Sỹ của chính quyền Ngô Đình Diệm là một trong những kẻ đã thực hiện vụ sát hại đẫm máu này!

Trước tình thế dầu sôi lửa bỏng, Hòa thượng Tăng thống Thích Tịnh Khiết, hội chủ Tổng hội Phật giáo VN, đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để ra bản tuyên ngôn năm điểm gửi đến phủ tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong đó có các nội dung yêu cầu chính phủ phải thu hồi công điện triệt hạ phật kỳ, cho Phật giáo được hưởng chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo khác được ghi trong đạo dụ số 10, cho tăng ni và phật tử được tự do truyền đạo, hành đạo.

Đặc biệt, tuyên ngôn này cũng yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố Phật giáo và nghiêm trị những kẻ chủ mưu sát hại phật tử ở Huế… Một Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo Việt Nam cũng được khẩn cấp thành lập.

Sau đó, các hòa thượng Thiện Hoa, Tâm Châu, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đại diện ủy ban Phật giáo này được vào phủ tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng vẫn không có kết quả. Phật giáo vẫn tiếp tục bị chính quyền đàn áp nặng nề.

Tăng Ni, Phật tử biểu tình chống kỳ thị tôn giáo – Ảnh tư liệu

Không thể ngồi im

Một buổi sáng, hòa thượng Thích Đức Nghiệp (lúc đó là đại đức dạy học ở Trường Vạn Hạnh) được mời đến chùa Ấn Quang dùng cơm trưa với các hòa thượng Thích Tâm Châu, Thích Thiện Minh và Thích Thiện Hoa. Hòa thượng Thích Thiện Minh nói thẳng: “Tình hình Phật giáo căng thẳng lắm rồi. Chúng ta cần phải đấu tranh tích cực. Xin mời đại đức Thích Đức Nghiệp nhận lãnh trách nhiệm trưởng ban đối ngoại và tổ chức trong nội bộ để đấu tranh bảo vệ Phật giáo”. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp cúi đầu, chắp tay xá mô phật.

Lúc này phong trào biểu tình của Phật giáo ngày càng nổ ra nhiều hơn. Ngày 21-5-1963, hòa thượng Thích Tịnh Khiết ra giáo lệnh phật tử toàn quốc tổ chức lễ cầu siêu cho nạn nhân bị sát hại ở Huế. Ở Sài Gòn, các cuộc rước linh, cầu siêu đã biến thành những cuộc biểu tình quy mô lớn. Hành trình biểu tình bắt đầu từ chùa Ấn Quang và kết thúc ở chùa Xá Lợi. Đoàn người biểu tình kéo dài cả cây số với những biểu ngữ nêu rõ các yêu cầu chính đáng của Phật giáo và đặc biệt là bản tuyên ngôn năm điểm.

Buổi tối trước ngày rước linh biểu tình, đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn Nguyễn Phú Hải, đổng lý văn phòng phủ tổng thống Quách Tòng Đức và một vị quận trưởng tìm đến chùa Ấn Quang để ra lệnh ngưng biểu tình. Hòa thượng trị sự Thích Thiện Hòa cáo mệt, không tiếp khách.

Đại đức Thích Đức Nghiệp cương quyết nói với đại diện chính quyền: “Hòa thượng bệnh không ra tiếp được. Nhưng một mình hòa thượng cũng không thể quyết định. Việc quan trọng này phải triệu tập đủ ban trị sự Phật giáo. Vậy chúng tôi xin gửi bản tuyên ngôn năm điểm của Phật giáo Việt Nam để trình ngài tổng thống”.

Ba vị đại diện chính quyền ngồi lì suốt từ 21g-0g vẫn không lay chuyển được các nhà sư nên hậm hực bỏ về. 6g sáng hôm sau, cuộc rước linh từ chùa Ấn Quang đã trở thành cuộc biểu tình rầm rộ đến 10g sáng mới kết thúc ở chùa Xá Lợi.

Ông Nguyễn Văn Thông, cảnh sát đặc biệt đặc trách theo dõi hoạt động biểu tình lúc đó nhưng lại có thiện cảm với Phật giáo, kể chi tiết: “Sau cuộc rước linh đầu tiên, Phật giáo Sài Gòn tiếp tục tổ chức nhiều hình thức biểu tình khác và thu hút được sự tham gia của dân chúng. Trong đó có cuộc tuyệt thực của phật tử biến thành biểu tình rầm rộ ở trung tâm Sài Gòn”.

Sáng đó, các tăng ni xuất phát từ chùa Từ Nghiêm và Ấn Quang trên tám chiếc xe đò lớn đi qua các đường phố rồi tiến thẳng đến trung tâm Sài Gòn. Hòa thượng Đức Nghiệp tổ chức mỗi xe có hai nhà sư trong ban tổ chức ngồi cạnh tài xế để dẫn đường biểu tình và ngồi sau để trấn an tăng ni. Rất nhiều dân chúng và phật tử thành phố nhanh chóng hòa vào cuộc biểu tình…

Lực lượng cảnh sát được báo động toàn đô thành nhưng vẫn không dập được cuộc biểu tình. Cuối cùng, các tăng ni kết thúc biểu tình để về chùa Xá Lợi tiếp tục tuyệt thực. Trong số những người biểu tình bất bạo động này có Bồ tát Thích Quảng Đức. Trước thế cuộc ngả nghiêng, Phật giáo có nguy cơ tiêu vong, ngài đã âm thầm viết tâm thư nguyện được vị pháp thiêu thân…

2. MỘT HUYỀN THOẠI LẶNG LẼ

Các đệ tử và những người từng được gặp Bồ tát Thích Quảng Đức đều kể rằng bồ tát có ánh mắt hiền từ, đôi khi phảng phất nét buồn trầm lặng.

Không biết bồ tát lúc còn tại thế có nhìn thấy trước vận hạn Phật giáo thăng trầm và số kiếp tu hành của mình, nhưng hành động vị pháp thiêu thân của ngài đã làm rúng động trái tim con người và góp phần làm sụp đổ chính quyền độc tài nhà Ngô.

Bậc chân tu

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng không phải ai cũng biết về cuộc đời tu hành lặng lẽ mà đầy huyền thoại của vị bồ tát đặc biệt này. Ngược thời gian năm Đinh Dậu, 1897, cậu bé Lâm Văn Tức chào đời ở thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

 

Chân dung Bồ tát Thích Quảng Đức lúc sinh thời – Ảnh tư liệu
 
Năm lên 7 tuổi, ngài được người cậu ruột là thiền sư Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm nhận làm con nuôi và đặt tên mới là Nguyễn Văn Khiết. Sau đó, ngài được cho xuất gia tu hành với pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp và pháp hiệu là Quảng Đức. Ngoài thiền sư Hoằng Thâm, Thích Quảng Đức còn tham học với thiền sư Thiện Tường và Phước Tường.

Năm 20 tuổi, Bồ tát Thích Quảng Đức thọ giới tỳ kheo và phát nguyện tịnh tu ở một ngọn núi Ninh Hòa. Sau đó, ngài hạ sơn để đi giảng pháp và xây dựng, trùng tu 31 ngôi chùa ở miền Trung, miền Nam VN. Lúc tu hành ở Khánh Hòa, ngài còn trẻ tuổi nhưng đã cống hiến rất nhiều cho Phật giáo địa phương.

Các văn kiện còn lưu giữ ở những ngôi chùa vùng này đã kể lại câu chuyện chính Bồ tát Thích Quảng Đức là người đã xin phép và tổ chức thực hiện xây dựng, trùng tu nhiều ngôi chùa ở khu vực. Trong đó có ngôi chùa Thiên Lộc được xây dựng trên một ngọn núi ở Ninh Hòa mà ngài từng nhập thất tịnh tu trước đó. Và cũng tại ngôi chùa này, vào khoảng năm 1935-1936, ngài đã đúc hai chiếc chuông lớn vẫn còn đến ngày nay.

Các tài liệu cũ cho thấy tính cách Bồ tát Thích Quảng Đức rất ngăn nắp. Những việc quan trọng như xin phép xây dựng, trùng tu chùa, hoạt động quyên góp của phật tử đều được bồ tát ghi chép lại rất cẩn thận. Chính những tài liệu này về sau đã giải mã hoạt động phật sự nhiều công đức trong giai đoạn đầu tu hành của ngài ở quê nhà. Đặc biệt, sau khi rời Khánh Hòa, Bồ tát Thích Quảng Đức còn đi hành đạo và học thêm mấy năm bên Campuchia.

Ngôi chùa cuối cùng mà ngài dừng chân tu hành trước khi tự thiêu là chùa Quán Thế Âm trên đường Nguyễn Huệ, Q.Phú Nhuận, Gia Định (nay là đường Thích Quảng Đức). Đây là một ngôi chùa được người dân địa phương lập từ năm 1920 để thờ Quan Thế Âm Bồ tát. Ngoài tên Quán Thế Âm tự, chùa còn được quen gọi là chùa Bạch Lô và chịu cảnh tiêu điều, lạnh lẽo hương khói trong những năm tháng nửa đầu thế kỷ 20 đầy biến động của đất nước.

Năm 1959, bước chân hoằng hóa của Bồ tát Thích Quảng Đức đã có duyên dừng chân lại ngôi chùa Quán Thế Âm. Và ngài đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức sửa chữa lại chùa cho đến khi xảy ra sự đàn áp Phật giáo ngày càng nặng nề của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông Tống Hồ Cầm, lúc đó phụ trách hoạt động cư sĩ ở chùa Xá Lợi, đã nhiều lần gặp gỡ Bồ tát Thích Quảng Đức.

“Ngài sống trầm lặng, giản dị, nhưng cũng rất tinh tế, sâu sắc. Chỉ nhìn ánh mắt, ngài có thể biết tâm trạng người đó thế nào. Những lần gặp tôi, ngài hay vỗ vai, nhẹ nhàng hỏi thăm chuyện sức khỏe và chia sẻ nỗi niềm buồn vui…”- ông Tống Hồ Cầm vẫn xúc động nhớ chuyện xưa.

Chuẩn bị “đi xa”

“Những ngày gần giữa năm 1963, tình hình mâu thuẫn giữa Phật giáo và anh em nhà Ngô Đình Diệm ngày càng gay gắt. Chính quyền dùng lực lượng cảnh sát đặc biệt, quân đội và nhiều thủ đoạn dã man nhằm dập tắt phong trào đấu tranh của Phật giáo. Trong khi giới tăng ni, phật tử lại chủ trương đấu tranh bất bạo động...” – hòa thượng Thích Đức Nghiệp, trưởng Ban đối ngoại kiêm tổ chức của Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo lúc đó, xúc động nhớ lại.

Hòa thượng Đức Nghiệp kể sau cuộc tuyệt thực ở chùa Xá Lợi, Bồ tát Thích Quảng Đức (lúc đó là hòa thượng trụ trì chùa Quán Thế Âm) đã viết thư gửi đến Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo xin được vị pháp thiêu thân. Thư viết tay trên một tờ giấy nhỏ để dễ cất giấu mang đi trong tình hình chính quyền Ngô Đình Diệm đang ra sức theo dõi và đàn áp Phật giáo. Nội dung thư ghi rằng đạo pháp đang nguy khốn mà mình tuổi già sức mọn không làm gì được, nên nguyện thiêu thân mình để cầu đạo pháp trường tồn và hòa bình cho dân chúng…

Hòa thượng Đức Nghiệp tìm cách bí mật trình lá thư đặc biệt này lên Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo VN. Ngay sau đó, các vị lãnh đạo Phật giáo cấp cao đã họp khẩn cấp để xem xét. Cuối cùng, họ kết luận rất trân trọng nguyện vọng của Bồ tát Thích Quảng Đức, nhưng xét thấy tình hình chưa thật sự cần thiết nên tạm dừng lại. Sau này kể lại cuộc họp đặc biệt đó, hòa thượng Đức Nghiệp cho rằng: “Thật ra Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo VN lúc đó cũng lúng túng. Mọi người chưa từng thực hiện điều này”.

Trong lúc đó, các cuộc biểu tình của Phật giáo vẫn tiếp diễn. Đồng thời các cuộc đàn áp của chính quyền cũng ngày càng khốc liệt hơn. Trước ngày chùa Phật Bửu tự trên đường Cao Thắng, Sài Gòn làm lễ rước linh, cầu siêu cho các phật tử bị giết ở Huế, hòa thượng Đức Nghiệp đang ở chùa Ấn Quang thì được mời sang gấp chùa Xá Lợi để họp khẩn cấp. Hòa thượng phải đi trên ôtô kín đáo để tránh tai mắt cảnh sát.

Khi ông đến nơi đã thấy các thầy Tâm Châu, Thiện Hoa ngồi trầm tư ở phòng khách. Họ nói ngay: “Tình thế Phật giáo lâm nguy lắm rồi. Nhiều thầy ở Huế đã bị bắt. Lương thực, điện, nước ở một số chùa cũng bị cắt. Tin chính chính quyền bắn ra là các thầy phải đầu hàng hoặc sẽ bị bắt trục xuất vĩnh viễn ra nước ngoài. Nếu mình cứ rước linh, tuyệt thực để biểu tình thì không hiệu quả. Mọi người tính sao?”. Thầy Tâm Châu chợt nói: “Nhớ hôm trước thầy Thích Quảng Đức có nguyện vọng tự thiêu. Thầy Đức Nghiệp hỏi lại nếu thầy Quảng Đức vẫn đồng ý thì ngày mai thực hiện cùng cuộc rước linh ở Phật Bửu tự luôn”.

Hòa thượng Đức Nghiệp trả lời: “Con xin nhận lãnh trách nhiệm quan trọng này. Nếu không có gì trở ngại, con sẽ không gọi điện thoại để bảo đảm bí mật”. Ngay tối đó, hòa thượng Đức Nghiệp về gấp chùa Ấn Quang gặp Bồ tát Thích Quảng Đức mới tụng kinh Pháp Hoa xong. Hòa thượng Đức Nghiệp hỏi: “Thưa, hòa thượng còn giữ ý định tự thiêu như tâm thư đã gửi không?”.

Bồ tát Quảng Đức liền chắp tay trả lời: “Mô Phật! Lúc nào con cũng xin sẵn sàng tự thiêu để cúng dường tam bảo và sự trường tồn của Phật giáo”. Hòa thượng Đức Nghiệp ứa nước mắt xúc động, gọi sư tăng bảo vệ cho Bồ tát Thích Quảng Đức và hỏi: “Thưa, hòa thượng có muốn nhắn nhủ gì nữa không?”. Bồ tát Quảng Đức trả lời: “Xin được gặp thầy Thiện Hoa để tạ ơn!”.

Hòa thượng Đức Nghiệp dặn dò: “Xin thầy đừng nói thêm gì về việc tự thiêu nhé!”. “Vâng, tôi sẽ chỉ nói lời tạm biệt để ngày mai đi xa” – Bồ tát Thích Quảng Đức chắp tay xá Phật, trả lời thanh thản. Ngoài chùa, bóng đêm vẫn dày đặc trong một thời cuộc đang hồi ngả nghiêng, loạn lạc…

  3. VỊ PHÁP THIÊU THÂN

Tâm sự lời cuối với Bồ tát Thích Quảng Đức và dặn dò sư tăng bảo vệ ngài ở chùa Ấn Quang, hòa thượng Thích Đức Nghiệp khẩn cấp chuẩn bị cuộc tự thiêu sáng mai.

Là trưởng ban đối ngoại kiêm tổ chức của ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo VN, ông hiểu chính quyền Ngô Đình Diệm đang ra sức dập tắt hoạt động đấu tranh của Phật giáo. Bất cứ rò rỉ thông tin nào cũng để lại hậu quả khó lường…

Bồ tát Thích Quảng Đức ngồi kiết già niệm Phật, chuẩn bị tự thiêu
Ảnh: Nguyễn Văn Thông

Bức tâm thư cuối cùng

Ngay đêm đó, hòa thượng Đức Nghiệp đi khảo sát các tuyến đường rước linh từ chùa Phật Bửu tự. Kế hoạch tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ lồng vào cuộc rước linh này để đánh lừa cảnh sát và tập hợp được nhiều tăng ni, quần chúng.

Cuối cùng, ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám hiện nay) được chọn làm vị trí tự thiêu.

Ngã tư này không chỉ đông người mà còn ngay trước tòa đại sứ Campuchia. Nước này tỏ rõ thái độ ủng hộ Phật giáo VN và phản kháng hành động đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Về chùa Ấn Quang, hòa thượng Đức Nghiệp sắp đặt chi tiết cho cuộc tự thiêu. Xe rước Bồ tát Thích Quảng Đức đã có chiếc Austin của phật tử Trần Quang Thuận gửi ở chùa Ấn Quang. Hòa thượng Đức Nghiệp gọi người lái xe đi mua thêm một can xăng để sẵn và phân công sáng mai đại đức Trí Minh sẽ ngồi bên cạnh người lái xe, đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt giả vờ hư máy phải dừng lại để đánh lừa cảnh sát. Còn đại đức Chân Ngữ ngồi bên cạnh Bồ tát Thích Quảng Đức ở băng ghế sau để bảo vệ ngài.

Khi xe gần đến vị trí tự thiêu, đại đức Chân Ngữ sẽ giúp rưới xăng lên người bồ tát ngay trong xe để cảnh sát không nhìn thấy. Một chiếc bật lửa cũng được trao sẵn cho Bồ tát Thích Quảng Đức giữ để tự tay ngài châm ngọn lửa tự thiêu.

Trước đó, Bồ tát Thích Quảng Đức đã soạn sẵn tâm thư với lời lẽ đầy từ bi cùng những suy nghiệm về trách nhiệm trước vận mệnh đất nước: “Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, hòa thượng trụ trì chùa Quán Thế Âm Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy nước nhà đương lúc ngả nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo...”.

Tờ mờ sáng 11-6-1963, đoàn rước linh xuất phát từ Phật Bửu tự. Xe chở Bồ tát Thích Quảng Đức đi chầm chậm giữa hai dòng tăng ni. Hòa thượng Đức Nghiệp đi bộ gần xe, dặn dò thầy Hồng Huệ đang bước bên mình: “Nếu cảnh sát có bắt hay bắn tôi thì xin thầy hãy thay tôi đảm trách nhiệm vụ thiêng liêng này”.

Ngọn lửa chính nghĩa

Khi chiếc Austin vừa trờ tới ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, tài xế dừng lại và ra mở nắp máy xe để đánh lừa cảnh sát. Phía sau, Bồ tát Thích Quảng Đức khoan thai bước xuống xe, chắp tay xá bốn phương, rồi tĩnh tại ngồi kiết già trên đường, mặt quay về hướng tây, miệng lâm râm niệm Phật. Bồ tát lấy bật lửa trong người ra để châm lửa, nhưng có lẽ đá lửa bị ngộp xăng lúc rưới vào người nên không cháy. Hòa thượng Đức Nghiệp phải đưa cho ngài một bao diêm.

Lúc đó, một nhà sư đứng gần cũng giúp Bồ tát Thích Quảng Đức rưới xăng còn thừa trong chiếc can nhựa mang xuống từ trên xe lên người ngài.

Mọi việc diễn ra nhanh chóng để cảnh sát đặc biệt chống biểu tình không kịp phản ứng. Khi bàn tay Bồ tát Thích Quảng Đức vừa thả que diêm xuống, ngọn lửa bùng lên rừng rực như bó đuốc khổng lồ bao quanh bồ tát. Nhưng ngài vẫn tĩnh tại ngồi kiết già, tay chắp trước ngực, gương mặt không lộ chút nét đau đớn.

Tăng ni, phật tử bao quanh ngài. Người lâm râm tụng kinh, người hô to khẩu hiệu chống chính quyền. Nhiều người, kể cả một số cảnh sát chống biểu tình đã quỵ xuống khóc và lạy bồ tát đang vị pháp thiêu thân…

Kể lại cuộc tự thiêu này, nhân chứng phía bên kia là ông Nguyễn Văn Thông, mật vụ đặc trách theo dõi hoạt động Phật giáo thời đó, nhớ lại: “Tin tình báo gửi về cho biết sẽ có biểu tình lớn từ chùa Ấn Quang đến công trường Lam Sơn và sẽ có nhà sư mổ bụng. Sau này tôi mới biết đó là tin giả để đánh lạc hướng chuẩn bị trấn áp của cảnh sát”.

Ông Thông kể sáng đó nhóm cảnh sát mật của mình gồm bốn người mặc thường phục đi trên một chiếc ôtô. Ông Thông phụ trách hình ảnh, một người viết báo cáo, người khác trực điện đài. Họ chuẩn bị bám theo các tăng ni đến công trường Lam Sơn (Nhà hát lớn TP ngày nay) và không biết gì về cuộc tự thiêu sắp diễn ra.

Lúc đó, ông Thông còn là cộng tác viên của hãng Ảnh xã nên ngoài chiếc máy ảnh cảnh sát trang bị, ông luôn mang thêm chiếc máy ảnh riêng.

Khi chiếc xe Austin chở Bồ tát Thích Quảng Đức từ chùa Ấn Quang dừng lại ở ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, tài xế bước xuống giả vờ sửa xe và nhóm cảnh sát chìm vẫn tưởng thật. Thậm chí khi Bồ tát Thích Quảng Đức bước xuống xe, ngồi kiết già trên đường, ông Thông vẫn không nghĩ ngài tự thiêu. Chỉ đến lúc thân ngài bốc cháy như ngọn đuốc ông Thông mới sững sờ.

Theo phản xạ ông đưa máy ảnh lên chụp, nhưng tấm đầu tiên bị nhòe vì ông xúc động run tay. Đến tấm thứ hai ông lấy được nét. Đó cũng là tấm phim cuối cùng của chiếc máy ảnh riêng của ông. Ông liền sử dụng chiếc máy ảnh thứ hai được cảnh sát trang bị để chụp tiếp đến cảnh lửa tắt, bồ tát ngã xuống.

Theo ông Thông, có ít nhất ba người chụp được hình tự thiêu xúc động này là nhà báo Malcome Browne của Hãng thông tấn AP, một nhà sư và ông. Tuy nhiên, sau đó chỉ có hình của Malcome Browne lan truyền ra thế giới. Còn ông Thông phải nộp ảnh cho nha cảnh sát và lặng lẽ giấu đi mấy tấm khác vì lúc đó ông vẫn còn là nhân viên chính quyền nhà Ngô.

Năm nay đã 86 tuổi, ông Thông hồi tưởng chi tiết cuộc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức: “Lửa bao trùm thân ngài nóng đến mức chiếc can để gần đó phải chảy ra, nhưng bồ tát vẫn tĩnh tại ngồi thiền, thản nhiên đón nhận cái chết. Đặc biệt, khi lửa gần tàn, thân đã cháy đen nhưng ngài vẫn gật đầu về hướng tây mấy lần như lạy Phật rồi mới bật ngửa ra chứ không ngã sấp xuống.

Xe cứu hỏa, cảnh sát đổ đến. Các nhà sư nằm chặn trước bánh xe, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ cuộc vị pháp thiêu thân. Nhiều nhân vật chủ chốt của ngành cảnh sát chế độ Sài Gòn bấy giờ cũng có mặt nhưng chỉ đứng nhìn, không thể phản ứng được gì trước ngọn lửa chính nghĩa…”.

4. SỰ THẬT SAU MỘT LỜI XUYÊN TẠC 

Những người chứng kiến kể rằng lửa rừng rực bao kín thân ngài và bốc lên cao như một bó đuốc sống. Đất trời nổi gió, lửa bị thổi bạt nghiêng làm hiện rõ gương mặt Bồ tát Thích Quảng Đức dù đã bị hỏa thiêu sạm đen nhưng vẫn bình thản, siêu thoát…

Sự bình thản của Bồ tát Thích Quảng Đức giữa ngọn lửa dữ   

Ảnh: Nguyễn Văn Thông

Sài Gòn đã khóc...

Khoảng 15 phút sau ngọn lửa tàn dần. Ngài ngã bật ra, tay vẫn co trước ngực. Sau này có người kể lại đêm trước tự thiêu, bồ tát dặn dò rằng nếu tâm nguyện vị pháp thiêu thân và hòa bình cho dân tộc của ngài được Phật tổ chứng giám, ngài sẽ về cõi Phật trong tư thế nằm ngửa và nguyện để lại một trái tim xá lợi. Phải chăng tâm nguyện của ngài đã linh ứng?

Khi ngọn lửa tự thiêu tắt hẳn, hòa thượng Thích Đức Nghiệp và đồng đạo lấy cờ Phật quấn thi hài Bồ tát Thích Quảng Đức. Tuy nhiên, lá cờ không thể bọc kín ngài được vì ngài ra đi trong tư thế tay chắp trước ngực, hai chân vẫn hơi co lại như đang ngồi thiền.

Lúc này, tiếng khóc của các tăng ni và dân chúng át cả tiếng ồn ào, la hét của lực lượng cảnh sát. Đám rước thi hài ngài về chùa Xá Lợi đã kéo theo một đoàn tăng ni, phật tử và dân chúng dài hàng cây số. Họ tiễn đưa một bồ tát đã cung hiến thân mình cho đạo pháp và hòa bình dân tộc.

Ông Tống Hồ Cầm vẫn nhớ như in sự kiện xúc động này: “Lúc đó tôi khóc và có cảm giác như cả Sài Gòn đã khóc tiễn đưa ngài. Không chỉ đoàn người rước thi hài mà cư dân ven đường cũng đổ ra vái lạy ngài. Rất nhiều người xúc động bật khóc, bất kể là tín đồ Phật giáo hay Thiên Chúa giáo…”.

Ông Cầm kể lúc đó ông đang làm phó ban quản trị chùa Xá Lợi nên chứng kiến cuộc tự thiêu từ đầu đến cuối.

Lúc thi hài bồ tát về đến cổng chùa Xá Lợi, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền dù đã lớn tuổi và trải bao dâu bể thăng trầm cũng không nén nổi tiếng khóc xúc động. Cụ nằm ra đất, lăn mình theo thi hài bồ tát vào đến tận trong chùa.

Tang lễ Bồ tát Thích Quảng Đức ở chùa Xá Lợi trở thành một sự kiện trọng đại của Sài Gòn trong những ngày giữa tháng 6-1963. Tăng ni, phật tử và dân chúng ở các địa phương nghe tin đã nhanh chóng về Sài Gòn để thắp hương tiễn biệt ngài lần cuối.

Lượng người đổ về chùa Xá Lợi càng lúc càng đông khiến lực lượng cảnh sát, mật vụ chính quyền Ngô Đình Diệm phải ra sức ngăn chặn nhằm giảm thiểu ý nghĩa linh thiêng và quy mô của tang lễ. Họ vây chặt vòng ngoài, ấn định số lượng giới hạn người được vào lễ tang. Thậm chí một số đối tượng giả dạng thương binh còn đến quấy rối, đe dọa tăng ni, phật tử …

Đổ dầu vào lửa

Trong lúc đó ở phủ tổng thống, Ngô Đình Diệm cũng có phần hoảng sợ trước hành động tự thiêu này. Ông ta phải cử một chuyến bay đặc biệt ra Huế đón đức tăng thống hòa thượng Thích Tịnh Khiết, các hòa thượng Trí Quang, Thiện Minh, Mật Nguyện, Huyền Quang vào Sài Gòn. Một ủy ban liên bộ của chính quyền cũng được thành lập để thương thuyết với phái đoàn Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo VN.

Hòa thượng Thích Đức Nghiệp kể lúc đó ông tham gia cuộc thương thuyết trong vai trò thư ký phái đoàn Phật giáo, còn hòa thượng Thích Thiện Minh làm trưởng đoàn. Lúc ra hành lang tạm nghỉ, chính phó tổng thống Trần Ngọc Thơ đã gặp riêng hòa thượng Đức Nghiệp để nói: “Các ông đã làm chúng tôi thở ra khói”.

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ hai bên này cũng chỉ là bài hòa hoãn tạm thời của ông Diệm. Sự đàn áp Phật giáo vẫn tiếp diễn. Bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu, tiếp tục đổ dầu vào lửa khi tuyên bố “một nhà sư đã bị nướng sống” và xuyên tạc rằng Bồ tát Thích Quảng Đức đã bị các nhà sư trẻ chích thuốc mê. Thậm chí bà ta còn nói nếu các nhà sư tự thiêu có thiếu xăng thì bà ta sẽ cho thêm xăng.

Những câu nói hàm hồ của vị phu nhân trong phủ tổng thống đã đẩy mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm càng gay gắt hơn.

Trong một cuộc họp báo, có phóng viên quốc tế không kịp chứng kiến vụ tự thiêu đã hỏi hòa thượng Đức Nghiệp cho ý kiến về lời xuyên tạc trắng trợn của bà Trần Lệ Xuân. Hòa thượng điềm tĩnh trả lời: “Sự thật cuộc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức xin các anh hãy hỏi chính đồng nghiệp là phóng viên Malcolm Browne của AP, Simon Michaud của AFP và các nhà báo có mặt trong buổi tự thiêu. Họ chính là các nhân chứng tận mắt”.

Và khi các nhà báo này đứng lên xác nhận sự thật, tất cả mọi người trong khán phòng họp báo thẫn thờ xúc động.

Tường thuật trên tờ New York Times, nhà báo David Halberstam, nhân chứng cuộc tự thiêu, xúc động kể: “… Ngọn lửa phát ra từ một con người. Thân thể ông cháy héo khô dần và teo nhăn lại, đầu ông đen dần và hóa than… Khi cháy, ông không hề cử động một cơ bắp nào, không hề bật ra một âm thanh nào. Sự điềm tĩnh của ông thật trái ngược với những người đang rền rĩ khóc than xung quanh”.

Sau này, hòa thượng Đức Nghiệp kể lại chính ông đã báo tin cho các nhà báo quốc tế trong đêm trước buổi sáng Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu. “Để giữ bí mật cuộc tự thiêu và đề phòng chính quyền ngăn chặn, tôi không thể nói thẳng việc tự thiêu mà chỉ hé lộ sẽ có sự kiện đặc biệt liên quan đến Phật giáo Sài Gòn. Thậm chí có nhà báo còn hỏi lại tôi sự kiện này có gì thật sự đặc biệt hay chỉ giống những cuộc biểu tình ôn hòa trước đây”- hòa thượng Thích Đức Nghiệp nhớ lại chi tiết.

Ở bên ngoài, chính ông Nguyễn Văn Thông, mật vụ theo dõi hoạt động đấu tranh của Phật giáo và chứng kiến từ đầu đến cuối vụ tự thiêu, cũng công khai bác bỏ sự xuyên tạc Bồ tát Thích Quảng Đức bị chích thuốc mê.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn xúc động khi nhớ lại: “Chúng tôi đã theo sát vụ tự thiêu này ngay từ đầu ở chùa Xá Lợi. Chính mắt tôi và các cảnh sát khác đều thấy ngài Thích Quảng Đức khoan thai bước xuống xe, quay mặt xá tứ phương, rồi ngồi kiết già trước khi chính tay mình châm lửa tự thiêu. Những hành động bình thản của một nhà tu hành thượng đẳng như vậy không thể là người bị thuốc mê. Còn các nhà sư khác chỉ đứng vòng quanh tụng kinh cho ngài và ngăn chặn cảnh sát. Không có bàn tay nào tác động, xâm phạm đến hành động tự thiêu của ngài”.

Đặc biệt, khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, ông Thông đã đem những bức hình mình chụp cận cảnh Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu tặng Phật giáo Sài Gòn. Một loạt ảnh đầy đủ từ lúc lửa chưa bùng lên trên thân thể Bồ tát Thích Quảng Đức đến lúc ngài ngã xuống. Đến lúc đó người ta mới chính thức biết có một người Việt nữa đã chụp hình được sự kiện thiêng liêng này ngoài nhà báo Malcolm Browne.

Và những tấm hình đó như một chứng nhân quan trọng cho hậu thế biết sự thật cuộc vị pháp thiêu thân!

Nghe kể rằng hai lần đưa vào lò hỏa thiêu, nhưng ngọn lửa ngàn độ vẫn không thể đốt cháy trái tim xá lợi của ngài. Và trái tim bất tử này đã được bảo vệ như thế nào?

5. BÍ MẬT CỦA TRÁI TIM LINH THIÊNG

Sau những ngày quàn tại chùa Xá Lợi, thi hài Bồ tát Thích Quảng Đức được đưa ra An Dưỡng Địa, Phú Lâm hỏa thiêu. Việc hỏa thiêu lẽ ra đã sớm hơn một ngày, nhưng có tin cảnh sát của chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ có hành động ngăn chặn nên phải tạm hoãn.

Trái tim bất tử của Bồ tát Thích Quảng Đức  
(chụp lại từ chùa Quán Thế Âm) – Ảnh tư liệu

 

Sự kiện linh thiêng

Theo nhân chứng Tống Hồ Cầm lúc đó là phó ban quản trị chùa Xá Lợi, sự lựa chọn An Dưỡng Địa ở Phú Lâm để hỏa thiêu thi hài Bồ tát Thích Quảng Đức là có tính toán cẩn thận. Lò hỏa thiêu nằm trên phần đất của chùa Ấn Quang được các tăng ni, phật tử bảo vệ chặt chẽ trước sự trấn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Điều huyền diệu bất ngờ đã xảy ra khi thi hài Bồ tát được hỏa thiêu hàng giờ đã cháy thành than tro nhưng vẫn còn lại quả tim đỏ hồng. Sự kiện linh thiêng kỳ lạ này được các nhà sư cấp báo về chùa Xá Lợi. Những hòa thượng lãnh đạo Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo quyết định đưa trái tim của ngài vào thiêu thêm lần nữa. Nhưng thật kỳ lạ trái tim vẫn tiếp tục nguyên vẹn và trở thành một khối rắn chắc như đá.

Các tăng ni, phật tử bàng hoàng xúc động. Người quỳ xuống tụng kinh. Người òa khóc. Họ đặt quả tim linh thiêng của Bồ tát Thích Quảng Đức vào bình thủy tinh và cung thỉnh về chùa Xá Lợi.

Trong lúc đó ở bên ngoài có những tin đồn xuyên tạc xuất phát từ người của chính quyền Ngô Đình Diệm rằng “quả tim đã bị tráo, không thể có quả tim nào còn được sau hàng giờ cháy trong lò hỏa thiêu”. Nhiều nhân chứng, kể cả những người không phải là Phật tử và cảnh sát theo dõi cuộc tự thiêu đã bác bỏ sự bịa đặt này.

Chính ông Nguyễn Văn Thông được lực lượng mật vụ của chính quyền Ngô Đình Diệm cử bí mật theo dõi từ đầu đến cuối cuộc hỏa thiêu cũng khẳng định sự huyền diệu này. “Tôi đã tận mắt chứng kiến sự thật bắt đầu từ chùa Xá Lợi đến khi lấy quả tim ra. Khoảng 8 giờ sáng, thi hài ngài được đưa vào lò hỏa thiêu. Lửa bắt đầu bùng lên từ hai đầu quan tài và rừng rực cháy.

Đến 2 giờ chiều thì lửa tắt và người ta đã tìm thấy quả tim ngài vẫn nguyên vẹn trong đống tro tàn. Không thể có sự mở nắp lò thiêu, tráo đổi quả tim nào” – ông Thông xúc động kể chính mình là mật vụ cũng không kìm được nước mắt trước sự mầu nhiệm. Ông Tống Hồ Cầm cũng kể: “Rất nhiều người đã đứng gần lò thiêu tụng kinh tiễn đưa ngài lần cuối. Sự thật về trái tim xá lợi được hàng trăm cặp mắt chứng kiến, kể cả các nhà báo trong nước lẫn quốc tế”.

Trong một cuộc họp báo, có phóng viên quốc tế hỏi hòa thượng Thích Đức Nghiệp về bí ẩn khó hiểu của trái tim không thể bị thiêu cháy này, hòa thượng trả lời: “Đó là do ngài Thích Quảng Đức phát đại thệ nguyện, nung nấu một ý chí phi thường vì đạo pháp và hòa bình cho dân tộc nên đã biến thành một năng lượng đặc biệt làm trái tim bất hoại”.

Còn ông Nguyễn Văn Thông sau này có hỏi thượng tọa Thích Pháp Hoa ở chùa Ấn Quang và được trả lời: “Ngài có nguyện nếu việc tự thiêu của ngài thành chứng đạo thì sẽ để lại trái tim. Chúng tôi tin đó là điều mầu nhiệm của bậc chân tu hết lòng vì đạo pháp và chúng sinh”.

Bí mật bảo vật quốc gia

Theo hòa thượng Thích Đức Nghiệp, trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức sau khi thỉnh về chùa Xá Lợi được cất trong tủ sắt của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Đêm 20-8-1963, cảnh sát đã tràn vào đây bắt bớ các hòa thượng và lục lọi cướp trái tim, nhưng không hiểu điều huyền bí nào đã che mắt họ không thể nhìn thấy trái tim linh thiêng.

Về sau, trái tim được đưa qua chùa Việt Nam Quốc Tự để hòa thượng Thích Từ Nhơn bảo vệ. Lúc đó, trái tim đã được đặt trong một chiếc tháp đồng cao gần nửa mét mà nhìn từ ngoài vào không thể thấy bên trong. Nắp tháp được đóng kín và có chữ ký niêm phong của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết.

Năm nay đã 85 tuổi và trụ trì Việt Nam Quốc Tự, hòa thượng Thích Từ Nhơn vẫn còn minh mẫn kể rằng ông đang tu dưới Sa Đéc thì được Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết gọi lên Sài Gòn nhận nhiệm vụ đặc biệt của Phật giáo.

Nhận bảo vệ trái tim Bồ tát, đầu tiên hòa thượng Thích Từ Nhơn cất nguyên chiếc tháp chứa trái tim Bồ tát trong tủ sắt lớn ở phòng trụ trì Việt Nam Quốc Tự. Lúc đó khuôn viên Việt Nam Quốc Tự rất rộng, cây cối um tùm. Phòng trụ trì chỉ là một gian nhà đơn sơ. Cảnh sát và mật vụ thường xuyên tràn vào trấn áp, quấy nhiễu phật sự nơi này.

Hòa thượng Thích Từ Nhơn xin gửi vào chi nhánh Ngân hàng Pháp ở Sài Gòn. Ngân hàng giao cho ông một két sắt dưới tầng hầm và trái tim được ông đặt vào tháp đồng rồi cất trong két đó. Ngân hàng chỉ có hai chìa khóa mở két. Ông giữ một chìa, chìa kia do trụ sở ngân hàng chính giữ ở Pháp. Chi nhánh ngân hàng ở Sài Gòn cũng không có chìa để có thể tự mở được két này.

Trước năm 1975 ông thường vào thăm trái tim Bồ tát. Nhân viên ngân hàng chỉ mở cửa tầng hầm rồi để tự ông vào mở két sắt. Không được hương khói dưới hầm ngân hàng, ông đành ứa nước mắt, vái lạy trái tim linh thiêng: “Hoàn cảnh đất nước loạn lạc chưa cho phép chúng con thỉnh trái tim từ bi của ngài về thờ phụng đàng hoàng”.

Sau năm 1975, Nhà nước gìn giữ trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức một thời gian. Đến năm 1991, trái tim được giao lại Ngân hàng Nhà nước ở TP.HCM gìn giữ trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền, ngân hàng và hòa thượng Thích Từ Nhơn, Thích Giác Toàn, Thích Thiện Hào. Không ai mở ra xem tình trạng trái tim, nhưng thấy chiếc tháp đồng chứa trái tim vẫn nguyên vẹn chữ ký niêm phong của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết. Và theo hòa thượng Thích Từ Nhơn, từ đó đến nay không ai mở ra xem nữa.

Tâm sự về trái tim linh thiêng này, hòa thượng Thích Từ Nhơn xúc động nói: “Hi vọng khi hoàn thành tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức tại ngay nơi ngài đã tự thiêu ở TP.HCM, trái tim ngài sẽ được đưa về gìn giữ ở chính nơi này để phật tử, dân chúng được chiêm ngưỡng, thờ phụng!”. Đó là trái tim thiêng liêng mà vị Bồ tát đã để lại cho hậu thế như lời nhắn nhủ rằng dù thế cuộc có thăng trầm thì đạo pháp vẫn trường tồn và sự công bằng, hòa bình cuối cùng vẫn sẽ đến với nhân dân.

                                                                                                                                                                                                                                                                             Sưu tầm

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 251
  • Khách viếng thăm: 240
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 88562
  • Tháng hiện tại: 2813827
  • Tổng lượt truy cập: 88618430
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012