GHPGVN ra thông tư hướng dẫn tu chỉnh Hiến chương

Đăng lúc: Thứ sáu - 28/09/2012 09:37 - Người đăng bài viết: Ban quản trị
Ngày 17/3/2012, Hòa thượng Thích Trí Tịnh - Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã ký Thông tư số: 089 /TT/HĐTS hướng dẫn góp ý tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 5 trình Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII
GHPGVN ra thông tư hướng dẫn tu chỉnh Hiến chương

GHPGVN ra thông tư hướng dẫn tu chỉnh Hiến chương

 

Thông tư mở đầu: Năm 1981 lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Hiến chương Giáo hội là công cụ pháp lý quan trọng để Giáo hội xây dựng kế hoạch phát triển, đáp ứng tương đối đầy dủ các nhu cầu của các Hệ phái thành viên sáng lập GHPGVN, nguyện vọng chính đáng của Tăng Ni, Phật tử GHPGVN trong và ngoài nước. Nhằm phát huy những hiệu quả tích cực của Hiến chương, cũng như điều chỉnh một vài hạn chế của Hiến chương, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển bền vững, Hiến chương Giáo hội đã được tu chỉnh 04 lần.

Tiếp đó, Thông tư cho biết mục đích của việc tu chỉnh Hiến chương Giáo hội lần thứ 5: Tiếp tục phát huy những hiệu năng quản lý, điều hành cả hệ thống Giáo hội; khắc phục một vài hạn chế của Hiến chương hiện hành.

Thông tư hướng dẫn các nguyên tắc góp ý tu chỉnh Hiến chương lần thứ 5 như sau:

1. Hiến chương là sự kết tinh đại nguyện thống nhất Phật giáo Việt Nam của Chư vị Tôn túc Giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo và Tăng Ni, Phật tử cả nước; là sản phẩm của trí huệ tập thể; là một thành quả to lớn của tâm lực, trí lực và công đức to lớn của các bậc Tiền bối. Hiến chương Giáo hội có địa vị pháp lý quan trọng bậc nhất, thể hiện sự kỷ cương, là nền tảng xác lập quyền và nghĩa vụ của chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý, quyết định cương lĩnh và chiến lược phát triển của các cấp Giáo hội. 

Do đó, việc góp ý tu chỉnh Hiến chương lần thứ 5 phải thể hiện tinh thần tôn trọng những tôn chỉ, mục đích, đường lối cơ bản của các bậc Tiền bối đã xây dựng, nhất là phải mang tính xây dựng trên cơ sở tôn trọng và kế thừa những ưu việt về nguyên tắc pháp lý, pháp nhân của Hiến chương hiện hành.

2. Chư Tôn đức, Cư sĩ thành viên Ban Thường trực HĐTS, chư Tôn đức và Cư sĩ Ủy viên HĐTS sẽ góp ý tu chỉnh Hiến chương bằng văn theo hướng: nêu cụ thể điều nào thuộc chương nào cần được tu chỉnh và tu chỉnh ra sao. Góp ý phải mang tính khách quan, phổ quát; cần nêu ra được những thực tế, hạn chế trong Hiến chương đối với các hoạt động của toàn hệ thống Giáo hội.

3. Quý Ban, Viện, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo cần tổ chức Hội nghị mở rộng để góp ý tu chỉnh Hiến chương theo hướng:

- Tổng kết bằng văn bản những ưu điểm, hạn chế của Hiến chương hiện hành và góp ý bằng văn bản;

- Khi góp ý phải nêu được thực tế của Ban, Viện, địa phương trong việc thực thi nhiệm vụ theo quy định của Hiến chương. Tuy nhiên, cần nêu cụ thể điều nào thuộc chương nào cần được góp ý, nhưng phải cân nhắc đến hoạt động mang tính tổng thể của các Ban và các địa phương khác trên cơ sở mang tính khách quan và phổ quát; cần nêu ra được những thực tế, hạn chế trong Hiến chương đối với các hoạt động của toàn hệ thống Giáo hội và trên phạm vi cả nước.

4. Các ý kiến góp ý tu chỉnh Hiến chương cần mang tính khả thi trong hoàn cảnh xã hội cho phép và luật pháp Việt Nam.

5. Trong hoàn cảnh hiện nay của Giáo hội và thế kỷ tiếp theo, khi góp ý cần chú ý đến việc nâng cao hiệu năng hoạt động của bộ máy Trung ương Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương, các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và cấp cơ sở. Chú ý nâng cao tinh thần trách nhiệm trong từng thành viên lãnh đạo Trung ương và các Ban ngành, Ban Trị sự địa phương và cấp cơ sở.

Thông tư cho biết Sau khi nhận được ý kiến góp ý tu chỉnh Hiến chương của chư Tôn đức, Cư sĩ thành viên Ban Thường trực HĐTS, Ủy viên HĐTS, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Trung ương Giáo hội sẽ tổ chức phiên họp khoáng đại để tổng kết việc thực thi Hiến chương Giáo hội, tổng hợp các ý kiến góp ý tu chỉnh. Song song với việc góp ý của các Ban, Viện và Ban Trị sự, Trung ương Giáo hội sẽ có kế hoạch tổ chức các phiên họp góp ý tu chỉnh Hiến chương Giáo hội với nhiều đối tượng tham dự khác nhau.

Thời gian gởi báo cáo tổng hợp công tác góp ý tu chỉnh Hiến chương Giáo hội về Văn phòng Trung ương chậm nhất là ngày 01 tháng 7 năm 2012.

- Văn phòng 1 TWGH: chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, Hà Nội

Email: phatgiaovn@vnn.vn

- Văn phòng 2 TWGH: Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3,  Tp. Hồ Chí Minh

Email: vitinhvp2@yahoo.com

Thông tư nhấn mạnh: Do tính chất quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững, hội nhập thế giới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII và các nhiệm kỳ tiếp theo trong thế kỷ 21, Ban Thường trực HĐTS rất mong chư Tôn đức, Cư sĩ thành viên Ban Thường trực HĐTS, Ủy viên HĐTS, Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Tăng Ni và Phật tử GHPGVN trong và ngoài nước cần nỗ lực thực hiện những đợt nghiên cứu, góp ý tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 5 trình Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII.

KẾ HOẠCH
DỰ THẢO GÓP Ý TU CHỈNH HIẾN CHƯƠNG GHPGVN
TRÌNH ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ VII – NĂM 2012
 
I. KHÁI NIỆM:
 
Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kế thừa tính ưu việt, truyền thống của các tổ chức, Hệ phái thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời là sự tập đại thành tư tưởng, trí huệ của chư Tôn đức tiền bối các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo trong cả nước đã được Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo thông qua ngày 07/11/1981 và đã được Hội đồng Bộ trưởng chuẩn y bằng quyết định số 83/HĐBT ngày 29/12/1981, gồm 11 chương, 45 điều. Hiến chương Giáo hội đã được tu chỉnh 4 lần:
 
-     Lần thứ nhất: Năm 1987 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II ngày 29/10/1987. Nội dung gồm: 11 chương, 46 điều. Chính phủ duyệt y tại văn bản số 144 ngày 04.8.1988.
 
-     Lần thứ hai: Năm 1992 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III ngày 04/11/1992. Nội dung gồm: 11 chương, 47 điều. Chính phủ duyệt y tại văn bản số 471 ngày 30.12.1992.
 
-     Lần thứ ba: Năm 1997 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV ngày 23/11/1997. Nội dung gồm: 11 chương, 48 điều. Chính phủ duyệt y tại văn bản số 5 ngày 27.5.1998.
 
-     Lần thứ tư: Năm 2007 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI ngày 14/12/2007. Nội dung gồm 12 chương 52 điều. Chính phủ duyệt y tại văn bản số 02 ngày 23/01/2008.
 
Để phù hợp với tình hình thực tế của xã hội, nhất là nhu cầu Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng đa dạng và phát triển toàn diện trong thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị kỳ V khóa VI Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 31/12/2011, V/v dự kiến kế hoạch góp ý Tu chỉnh Hiến chương, trình Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ VII năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội.
 
II. NHÂN SỰ BAN TU CHỈNH HIẾN CHƯƠNG
 
Trưởng ban                             : Hòa thượng Thích Trí Tịnh
 
Phó ban                                   : Hòa thượng Thích Chơn Thiện
                                                   : Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu
                                                   : Hòa thượng Dương Nhơn
                                                   : Hòa thượng Thích Thiện Nhơn
                                                   : Hòa thượng Thích Trí Quảng
                                                   : Hòa thượng Thích Giác Toàn
Thư ký                                       : Hòa thượng Thích Thiện Pháp
                                                   : Hòa thượng Đào Như
                                                   : Hòa thượng Thích Gia Quang
                                                   : Hòa thượng Thích Thanh Duệ
                                                   : Thượng tọa Thích Thiện Thống
                                                   : Đại đức Thích Đức Thiện
                                                   : Đại đức Thích Minh Tiến
                                                   : Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn
Ủy viên                                      : HT. Thích Thiện Tánh, HT. Thích Huệ Trí, HT. Thích Trí Tâm, HT. Thích Thiện Tâm, TT. Thích Quảng Hà, Đại đức Thích Tiến Đạt
 
III. PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN:
 
A. Thời gian: Từ ngày 01/4/2012 –  01/10/2012.
 
B. Cách thức tu chỉnh:
 
a. Trên cơ sở nội dung Hiến chương GHPGVN đã được tu chỉnh lần thứ IV tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, gồm 12 chương, 52 điều, dự thảo tu chỉnh Hiến chương lần thứ V, theo hướng như sau:
 
- Thêm hoặc bớt các chương, điều, mục; nêu cụ thể từng điều, nội dung vấn đề được góp ý theo trình tự của Hiến chương hiện hành.
 
- Tên gọi các chương, điều, mục.
 
- Trên cơ sở thực tế của mọi lĩnh vực hoạt động để góp ý tu chỉnh.
 
- Các tiêu chuẩn cơ cấu nhân sự, số lượng tăng hoặc giảm các thành viên Ban Thường trực, Ủy viên HĐTS, sự thành lập thêm hoặc bớt danh xưng các Ban, Viện trong Ban Thường trực, danh xưng các cấp Giáo hội, hệ thống tổ chức và thành phần Lãnh đạo các cấp Giáo hội.
 
- Chức năng, quyền hạn nhiệm vụ cụ thể của Ban Thường trực HĐTS, Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo v.v…
 
- Thời gian hội họp của Trung ương Giáo hội, của Tỉnh, Thành hội Phật giáo, của quận, huyện, thị xã, thành hội thuộc tỉnh và những gì cần điều chỉnh.
 
b. Thời gian tổ chức phiên họp lấy ý kiến tu chỉnh Hiến chương:
 
Từ tháng 4/2012, Ban Tu chỉnh Hiến chương sẽ gởi bản Hiến chương hiện hành đính kèm theo phần dự kiến tu chỉnh, xin ý kiến góp ý tu chỉnh của Chư Tôn đức, Cư sĩ Ban Thường trực HĐTS,  Ủy viên Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo.
 
Khi nhận ý kiến phản hồi góp ý tu chỉnh Hiến chương từ Chư Tôn đức, Cư sĩ Ban Thường trực HĐTS, Ủy viên Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Ban Tu chỉnh Hiến chương sẽ tổng kết thành bản sơ thảo tu chỉnh Hiến chương lần I, trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự duyệt y.
 
- Từ tháng 5/2012: Trong đợt sinh hoạt Giáo hội hướng đến Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, Ban Tu chỉnh Hiến chương sẽ tổ chức Hội nghị mở rộng góp ý tu chỉnh Hiến chương tại 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kết hợp với kế hoạch Bồi dưỡng Giảng sư trước khi vào Hạ năm 2012 của Ban Hoằng pháp Trung ương (thành phần tham dự gồm: Ban Tu chỉnh Hiến chương, các Ban, Viện Trung ương, Trưởng ban, Chánh – Phó Thư ký Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo).
 
- Từ tháng 6 đến tháng 9/2012: Ban Tu chỉnh Hiến chương sẽ đúc kết tất cả những phần góp ý, để báo cáo với Ban Thường trực HĐTS tại Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự giữa năm 2012.
 
- Từ tháng 10/2012: Đúc kết, hoàn chỉnh các phần góp ý tu chỉnh Hiến chương GHPGVN hiện hành, trình Ban Tôn giáo Chính phủ cho ý kiến; lập văn bản trình Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ VII dự kiến tổ chức vào hạ tuần 11/2012 để được thông qua.
 
IV. PHẦN ĐÚC KẾT GÓP Ý TU CHỈNH HIẾN CHƯƠNG:
 
Ban Nội dung Đại hội sẽ thực hiện thành tập Hiến chương đã được góp ý tu chỉnh và đưa vào hồ sơ Đại hội để các Đại biểu nắm vững tình hình và nội dung Hiến chương dự thảo được tu chỉnh. Sau khi đã được Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII chính thức thông qua, Trung ương Giáo hội sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn và ban hành.

 

Tác giả bài viết: BTV
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 415
  • Khách viếng thăm: 404
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 120731
  • Tháng hiện tại: 1840165
  • Tổng lượt truy cập: 90731738
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012