Ngũ minh

Đăng lúc: Thứ ba - 04/12/2018 16:52 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Như chúng ta đã học trong mấy khoá vừa qua và nhất là trong khoá bốn này, chứng tỏ cho chúng ta thấy giáo lý của đức Phật là vô cùng tích cực lợi tha. Nhưng trong thực tế, chúng ta phải công nhận rằng, phần đông các nhà hành đạo trong thời hiện tại còn thiếu phương tiện và khả năng chuyên môn, nên chỉ hoằng pháp lợi sanh bằng phương tiện hạn chế trong nội điển và chưa đi sâu vào các ngành sinh hoạt khác của xã hội. Do đó, đạo Phật thu hẹp phạm vi hoạt động và mất rất nhiều ảnh hưởng trong đời sống của đại đa số quần chúng.
Trong thế giới đa dạng hoá vật chất ngày nay, lòng người bị chi phối rất nhiều vì những sinh hoạt giữa cá nhân, gia đình và xã hội, mất quân bình đối với sự sống tinh thần và vật chất; con người càng ngày càng bệnh hoạn, giảm thọ và khổ đau mỗi ngày một gia tăng. . . Nếu người hành đạo không biết vận dụng khéo léo Ngũ Minh, không có những phương thức hoằng pháp thích hợp với các nghành nghề trong xã hội, thì đạo Phật không còn giữ được vai trò của mình nữa.
 
Vì vậy, mà đã hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã dạy các đệ tử của Ngài phải học Ngũ Minh, nếu muốn hoằng bá chánh pháp đến với đời, hầu có thể giúp cho thế gian này trở thành cảnh giới an lạc và hạnh phúc.

Ngũ minh là gì? Ngũ minh là năm kiến thức người hoằng pháp cần phải có, phải hiểu biết. Đó là những kiến thức về Nội minh, Nhân minh, Thanh minh, Công xảo minh và Y phương minh.
 
1. Nội minh
 
Trước tiên, người hoằng pháp cần phải có nội minh nghĩa là phải có kiến thức về Phật pháp.
 
Muốn hoằng pháp, nghĩa là muốn đem giáo pháp truyền bá trong quần chúng để mọi người đều hưởng sự lợi ích, thì trước tiên mình phải tìm hiểu giáo lý của đạo Phật đã.
 
Chúng ta phải biết rằng nếu không hiểu giáo lý, thì không thể thực hành đúng chân lý được. Những tình trạng lộn xộn, mê tín, lố lăng trong môi trường Phật giáo, sở dĩ có ra cũng vì những người hành đạo thiếu sự am tường về giáo lý đức Phật đã dạy. Vì không hiểu rõ giáo lý nên không biết chủ trương của đạo Phật là gì? Do đó, người ta mới đi sâu vào hành động sai lầm: vàng mã, đồng bóng, cúng sao, cúng hạn. . .

Muốn tình trạng ấy chấm dứt, người hoằng pháp phải tự mình thông hiểu giáo lý và truyền bá giáo lý cho tất cả Phật tử. Nên nhớ rằng đạo Phật chủ trương hiểu rồi mới làm nếu không hiểu mà làm tức là làm sai đường lạc lối. Đứng ra hướng dẫn quần chúng Phật tử mà chưa hiểu được giáo lý là một điều nguy hiểm vô cùng. Vì vậy, Tăng giới phải là những bậc thông hiểu giáo lý. Các vị cư sĩ đứng ra làm Phật sự, điều khiển những tổ chức Phật học cũng vậy. Một vấn đề mà chúng ta cần phải tu học và ý thức cao là làm thế nào cho mỗi cá nhân, mỗi học viên trong lớp học chúng ta là những người am hiểu Phật pháp và làm đúng chánh pháp.
 
Chúng ta không thể nào không lo lắng khi thấy những người thiếu học Phật mà đứng ra để điều khiển một hội Phật học hay một lớp học Phật pháp.
 
Cho nên người hoằng pháp có bổn phận phải am tường giáo lý Phật giáo, cụ thể là kinh, luật, luận.
 
2. Nhân minh
 
Am tường giáo lý chưa đủ, muốn trình bày giáo lý ấy một cách rõ ràng, khúc chiết, muốn lập thuyết vững vàng, người hoằng pháp cần phải dựa trên một phương pháp luận lý; phương pháp luận lý ấy gọi là nhân minh.
 
Nhân minh là gì? Là một môn luận lý học của Phật giáo, chủ trương chứng minh lập thuyết bằng”Nhân” nghĩa là cách suy cứu đến lý do.
 
Bộ sách vĩ  đại làm căn bản cho nhân minh học là nhân minh đại sớ. Ở đây, chúng ta tìm hiểu qua đại cương để hiểu thế nào là nhân minh mà thôi.
 
Một lập luận đầy đủ theo nhân minh phải có ba phần: Tôn, Nhân, Dụ, gọi là tám chi tác pháp. Tôn chủ trương của mình. Nhân là lý do thành lập chủ trương ấy. Dụ là những sự kiện đem ra để chứng minh.
 
Ví dụ:
 
- Tôn: Mọi sự vật đều vô thường
 
- Nhân: Vì do duyên sinh
 
- Dụ: Cái bàn, cái ghế. . .
 
Ta nhận thấy môn luận lý nhân minh có hơi giống với luận lý học hình  thức của phương Tây, nhưng lại đầy đủ tinh vi hơn luận lý học này, vì nó có đủ tính cách diễn dịch và quy nạp.
 
Ba phần chính của môn luận lý nhân minh, phải có liên quan mật thiết với nhau. Học Nhân minh mục đích là biết phán đoán chân nguỵ, thuyết phục ngoại đạo  và đọc được các bộ luận về Pháp Tướng Học vì các Tổ ngày xưa theo lối lập luận này trong khi viết các bộ luận kia.
 
3. Thanh minh
 
Đây là môn học về ngôn ngữ, văn tự, về âm thanh và về văn học. Sự truyền giáo cũng rất cần đến môn học này. Xưa các vị Tổ Sư muốn đem giáo pháp truyền bá ở các nước phải thông hiểu về cách dùng từ ngữ để chuyển được ý của mình muốn truyền đạt đến người nghe. Nhiều bộ sách lưu truyền đến ngày nay mà ai cũng phải công nhận là văn chương đơn giản, trong sáng nhưng lại cũng dể hiểu và dể tu tập chính là nhờ có căn bản về thanh minh vậy.
 
Người tu học cần phải có kiến thức về văn học mới có thể học hiểu giáo lý tu tập; ngừơi truyền giáo phảiâ có kiến thức về văn học để phiên dịch, người trước tác, diễn giảng và làm công việc trao đổi văn hoá với các nước Phật giáo trên thế giới.
 
Hiện nay, người Phật tử Việt Nam rất cần đến Thanh minh, nhờ đó Phật giáo mới có thể truyền bá rộng khắp cho mọi người và không bị hiểu lầm hoặc bị ngoại đạo xuyên tạc, phá hoại. Do vậy, các nhà hảo tâm của Phật giáo phải lưu ý đến việc học tập thanh minh để có thể kiến thiết một nền văn học chơn chánh nhất.
 
4. Công xảo minh
 
Đây là môn học về công nghệ và kỹ thuật. Trong sự nghiệp tu tập, người Phật tử  nhận thấy cần có đủ điều kiện kinh tế, mới có thể lập ra những cơ quan tu học cho Tăng ni và cư sĩ, mới có thể thành lập những tổ chức cứu tế, giúp đỡ người nghèo đói tật nguyền, thể hiện lòng từ bi bác ái. Công nghệ và kỹ thuật mỗi ngày mỗi tiến bộ, do vậy người Phật tử cần phải học tập để có những phương tiện hành đạo rộng rãi trong phạm vi xã hội.
 
Công nghệ và kỹ thuật, nếu chỉ là lợi khí cho sự kinh doanh vụ lợi, ích kỷ, thì không đáng cho ta phải bận tâm. Công nghệ và kỹ thuật ấy tiến bộ chừng nào, thì gây đau khổ cho loài người chừng ấy, bởi vì chúng sẽ biến thành lợi khí tranh giành, cướp đoạt và bóc lột.
 
Người Phật tử học lấy công nghệ và kỹ thuật rồi đem công nghệ và kỹ thuật ấy ra phụng sự cho nhân loại, thể theo lòng vị tha và vô ngã muốn cho mọi loài có hạnh phúc chân thật, tránh những tai hoạ do dục vọng gây nên.
 
5. Y phương minh
 
Đây là phương pháp học về các phương pháp chữa bệnh. Chư Phật là những nhà lương y, biết cả thân bệnh và tâm bệnh của chúng sanh, đức Dược Sư Lưu Ly là một vị điển hình. Thế gian đầy dẫy những bệnh nhân đau khổ về vật chất lẫn tinh thần. Những phương thuốc chữa bệnh tinh thần rất cần thiết, nhưng những phương thuốc chữa bênh vật chất cũng không phải là không quan trọng. Người Phật tử nếu có được những thời giờ rảnh rỗi thì nên học chuyên môn về thuốc, để có thể thực hành một công tác xã hội rất thích hợp với lòng từ bi: đó là chữa bệnh. Các bác sĩ, các lương y, nếu là Phật tử thì đã có trong tay một phương tiện hành đạo rất thuận lợi đem lại sự an vui đến cho người bệnh, giúp đỡ họ trong những lúc đau ốm...
 
Chúng ta cho rằng sau này Phật giáo sẽ có những bệnh viện do Phật tử chăm  nom, và mỗi ngôi chùa tại địa phương có thể có cơ quan cấp cứu, tương trợ cho đồng bào trong những lúc nguy hiểm ngặt nghèo.
 
Trong thời đại hiện tại, xã hội đòi hỏi một phương thức hoằng pháp rộng rải hơn. Chúng ta không thể áp dụng những phương tiện nhỏ hẹp, mà cần phải mở rộng phạm vi của hoằng pháp theo Đại thừa Phật giáo: người Phật tử phải y theo lời Phật dạy, học đủ ngũ minh. Nói cách khác, để xây đắp cho nền Phật giáo tương lai hưng thịnh và thực hiện được hoài bão của đức Thế Tôn, thì mỗi người Phật tử phải là một chiến sĩ đi đầu trong công tác từ thiện xã hội. 

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 447
  • Khách viếng thăm: 443
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 95222
  • Tháng hiện tại: 1889097
  • Tổng lượt truy cập: 87693700
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012