HT. Bảo Nghiêm gửi lời chúc nguyện tới Thanh niên Phật tử nhân dịp Xuân Ất Mùi

Đăng lúc: Thứ sáu - 27/02/2015 08:07 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Chúng tôi chúc Quý vị sẵn bồ đề tâm luôn được tăng trưởng, chúc mỗi người Thanh niên Phật tử Việt Nam là một “Thiện Sinh” biết hiếu thảo, kính lễ, vâng lời cha mẹ dặn dò, hướng về chính pháp tu học, lấy lời dạy trong Kinh làm kim chỉ nam để chọn bạn lành, tránh kẻ ác, hành xử đúng với tinh thần lời đức Phật dạy, hướng đến đời sống giải thoát.

Trước hết, chúng tôi xin được chúc các quí vị Thanh niên Phật tử một năm mới dồi dào sức khỏe, thành đạt và đón một mùa xuân tràn đầy hỷ lạc trên tinh thần hoan hỷ của Đức đại từ Di lặc tôn Phật.

Hôm nay, chúng tôi xin tặng Thanh niên Phật tử Việt Nam những lời dạy của Đức Thế Tôn trong một bản Kinh. Hẳn các bạn đã biết ý nghĩa như thế nào của tên “Thiện Sinh” và từng thụ trì đọc tụng, chúng ta thấy lời dạy từ kim khẩu của Đức Phật nói ra không có gì là cao xa và khó hiểu, trái lại nó rất cụ thể, sinh động, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.

Giờ, chúng tôi muốn khai thác sâu thêm về khía cạnh con người Phật tử trong đời sống tại gia, trọn vẹn cả Đời và Đạo. 

1

Duyên khởi Kinh Thiện Sinh

Khi đức Thế tôn còn tại thế, ở xứ Ấn Độ, có một chàng trai tên là Thiện sinh, rất hiếu kính với cha mẹ, khi ông bố chuẩn bị qua đời, ông có dặn lại con sau khi cha chết, con nhớ hàng ngày con phải kính lễ sáu phương.

Sau khi cha qua đời, Thiện sinh giữ đúng lời dặn của cha, mặc dầu không hiểu ý nghĩa của sáu phương, là thế nào, nhưng sáng nào cũng ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm ướt, tóc thấm ướt làm lễ sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ và luôn tâm niệm rằng mình đã thực hiện đúng lời cha dạy và luôn hoan hỉ như làm như vậy.

Nhưng một hôm, khi Thiện Sinh làm lễ thì đức Phật đi qua, Đức Phật biết lý do Thiện Sinh tại sao làm lễ như vậy nhưng Ngài vẫn hỏi “Thiện Sinh, con đang làm gì vậy?”.

Thiện Sinh thật thà trả lời: "Bạch Đức Thế Tôn! Con đang làm đúng theo di chúc của cha nên hàng ngày con đều lạy sáu phương sáu lạy."

Đức Phật nghe vậy liền giảng giải cho Thiện Sinh: “Con làm vậy là sai rồi, cha con không có mục đích dạy con như vậy đâu”.

Từ đó, Đức Phật dạy cho Thiện Sinh cách lễ sáu phương, mà chúng tôi hay gọi đó là sáu cặp phạm trù mối quan hệ của con người trong một ngày.

Tìm hiểu phần chính văn của Kinh Thiện Sinh

Chúng ta từ khi sinh ra đến khi chết đều đối đãi theo sáu phương này, mỗi phương đều hướng đến hai đối tượng.

- Thứ nhất là phương Đông

Vì phương Đông là sự bắt đầu một ngày mới, khi mọi việc đều bắt đầu, trong quan hệ xã hội, mọi việc muốn tốt thì phải bắt đầu từ gia đình, đó là yếu tố căn bản. Do vậy, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, con cái với cha mẹ tượng trưng cho phương Đông. Mối quan hệ giữa học trò với thầy, thầy với học trò tượng trưng cho phương Nam. Mối quan hệ giữa vợ với chồng, chồng với vợ là tượng trưng phương Tây. Mối quan hệ giữa anh em, bạn bè là tượng trưng phương Bắc. Phương dưới là mối quan hệ chủ tớ, còn phương trên là mối quan hệ tu sĩ và Phật tử, Phật tử với tu sĩ.

Đức Phật dạy rằng, kính lễ phương Đông là chỉ mặt đối đãi đầu tiên, đó là gia đình. Ông cha ta có câu: thứ nhất là tu tại gia còn bên Nho giáo có câu: thứ nhất là tề gia, rồi mới đến trị quốc. Con cái với cha mẹ có các điểm: kính mến cha mẹ, biết lắng nghe lời cha mẹ, kế tiếp truyền thống của cha mẹ, khuyên cha mẹ làm việc thiện. Muôn điều thiện là chữ hiếu, gương Hiếu hạnh phải được nêu lên hàng đầu.

Ở tiền kiếp, khi là thái tử Tu Xà Đề, ngài xả thịt nuôi cha mẹ; Khi ngài là một con chim anh vũ, ngài tha mồi về nuôi cha mẹ. Nhờ gương hiếu hạnh đó mà ngài mới thành Phật được. Còn khi đã trở thành Phật, bậc thầy của ba cõi, ngài vẫn về thăm Phụ hoàng khi Phụ Hoàng ốm và khi phụ hoàng qua đời. Với mẫu thân, ngài lên cung trời Đao Lợi, ba tháng an cư để thuyết pháp cho mẫu thân. Với di mẫu, ngài cho xuất gia.

Đức Phật đề cao hiếu hạnh nhất, dạy đệ tử coi cha mẹ là Phật sống trong nhà. Đặc biệt, đức Phật cũng dạy lại trách nhiệm của cha mẹ với con cái, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, hướng nghề nghiệp cho con, khuyên con làm điều lành, tránh điều ác.

Như vậy, phương Đông là để nói về đạo hiếu hạnh của con với cha mẹ và trách nhiệm của cha mẹ với con cái và nhiều người trong chúng ta ở đây sẽ còn đảm nhận cả hai vai trò này cùng một lúc.

- Thứ hai là phương Nam

Khi rời khỏi cha mẹ thì chúng ta phải đến nhà trường, mối quan hệ giữa học trò và người thầy được hình thành. Vậy học trò nên biết năm điều thờ kính, phụng dưỡng thầy. Một là phải kính thầy như cha mẹ mình. Hai là phải học hết kiến thức thầy dạy. Ba là phải hăng say học tập. Bốn là phải giúp đỡ thầy khi thầy khó khăn. Năm là đoàn kết bạn bè ,thường thờ kính thầy.

Thầy cũng dùng năm việc săn sóc học trò: Một là thương trò như con em mình. Hai là tận tâm dạy nghề, dạy nhanh chóng, dạy hết những điều mình biết. Ba là dạy giúp đỡ trò. Bốn là hướng cho trò có nghề nghiệp trong tương lai. Năm là gửi gắm thiện hữu tri thức. Ông cha ta cũng có tinh thần này: mùng một tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy.

 

- Thứ ba là phương Tây:

Khi con người lớn khôn, lập gia đình, đó là đạo vợ chồng. Không có tôn giáo nào bình đẳng như Phật giáo.

Người chồng nên lấy năm điều mà yêu thương cấp dưỡng vợ. Năm điều đó là gì? Một là yêu thương vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là ở trong nhà để vợ được tự  do. Năm là xem vợ như chính mình. thì người vợ sẽ không bao giờ có ý nghĩ khác. Chồng đừng gia trưởng mà nên lắng nghe xem vợ nói gì, yêu thương như lúc ban đầu, luôn chia sẻ, yêu thương lẫn nhau.

Người vợ cũng cần phải lấy mười ba điều khéo léo kính thuận chồng. Một là yêu thương kính trọng chồng. Hai là cung phụng kính trọng chồng. Ba là nhớ nghĩ đến chồng. Bốn là lo lắng công việc. Năm là khéo tiếp đãi bà con. Sáu là trước mặt đưa mắt hầu đợi. Bảy là sau lưng thì cử chỉ yêu thương. Tám là lời nói chân thật. Chín là không khoá kín cửa phòng. Mười là thấy đến thì ca ngợi. Mười một là trải sẵn giường mà đợi. Mười hai là bày dọn đồ ăn uống ngon lành, sạch sẽ. Mười ba là cúng dường Sa-môn, Phạm chí. Người vợ lấy mười ba việc để khéo léo kính thuận chồng.

Có lẽ đây là lí do vì sao ở Việt Nam, nữ Phật tử nhiều hơn nam Phật tử.

Ông cha ta có câu: chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người còn với vợ thì “đi chợ em hay ăn quà, chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm”. Đây là bí quyết, chìa khóa của tình yêu. Như vậy, chúng ta khẳng định đạo Phật là đạo bình đẳng của con người, tôn trọng quyền con người.

- Phương Bắc là tình anh em, bạn bè, chân thật, chung thủy với nhau, thật thà,tận tâm giúp đỡ nhau và luôn lắng tai nghe nhau.

- Phương dưới là quan hệ chủ với tớ, giống như mối quan hệ anh em bạn bè, chủ cũng phải thương người ở như người thân của mình, tùy sức người ta mà giao việc, trả đúng công họ làm, cho họ ăn uống đầy đủ, khi họ có bệnh phải được chữa trị đầy đủ. Hiện nay, đó là mối quan hệ giữa thủ trưởng, lãnh đạo với cấp dưới, nhân viên.

Đức Phật dạy người tớ với người chủ: coi người chủ như người thân của mình, luôn hết sức mình để hoàn thành công việc mà chủ giao phó, luôn biết giữ gìn tài sản cho chủ, chủ đau yếu thì săn sóc, khi rời khỏi chủ thì luôn khen ngợi mà không nói xấu chủ. Đó chính là tinh thần nhớ ơn, tôn trọng con người.

Ở năm phương Đông, Nam, Tây, Bắc, ở phía dưới kể trên là các mối quan hệ bên ngoài xã hội, từ anh em, gia đình, bạn bè.

- Còn phương thượng (phương trên) là Phật tử đối với Sa môn, Sa môn đối với Phật tử.

Đức Phật dạy Phật tử phải tín tâm với Tam bảo, học hỏi chính pháp, ủng hộ cho Tăng già, luôn biết hướng thiện, làm điều thiện, chuyên tâm tu tập.Ngài cũng dạy với Sa môn cần biết thương yêu Phật tử, dạy cho họ cách tu tập, giúp cho họ học được chính pháp, dạy họ làm nhiều điều thiện, giữ bồ đề tâm cho họ.

Đức Phật dạy cho chàng Thiện Sinh là sáu phương thức sống kể trên. Nếu chúng ta thực hiện tốt thì dù sống ở đâu, cũng sẽ có an lạc, an toàn vì chúng ta sẽ có hạnh phúc trong gia đình, được yêu mến bởi xã hội và có niềm tin nơi Tam Bảo, như vậy là chúng ta có an lạc, hạnh phúc ngay trong cõi đời hiện tại này.

Chúng tôi chúc Quý vị sẵn bồ đề tâm luôn được tăng trưởng, chúc mỗi người Thanh niên Phật tử Việt Nam là một “Thiện Sinh” biết hiếu thảo, kính lễ, vâng lời cha mẹ dặn dò, hướng về chính pháp tu học, lấy lời dạy trong kinh này làm kim chỉ nam để chọn bạn lành, tránh kẻ ác, hành xử đúng với tinh thần lời đức Phật dạy, hướng đến đời sống giải thoát. Chúc cho gia đình quí vị vạn sự cát tường trong năm mới.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 477
  • Khách viếng thăm: 464
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 124773
  • Tháng hiện tại: 2214794
  • Tổng lượt truy cập: 91106367
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012