Giải thoát là gì?

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/03/2013 02:24 - Người đăng bài viết: Nguyên Phú
Trong Kinh Pháp Hoa Đức Phật dạy: “Tam giới bất an du như như hỏa trạch” – Tam giới ngập tràn hiểm nguy và khổ não, nó giống như lò lửa. Quả đúng như vậy, từ vô lượng kiếp chúng sanh trôi lăn mãi trong Tam giới chịu nhiều khổ đau bởi phong tai, thủy tai, hỏa tai, động đất, núi lửa, chiến tranh… Vì thế, chúng sanh luôn sống trong lo âu, sầu muộn, lắm lúc bức xúc khốn cùng không có lối thoát. Vì muốn chúng sanh vui hưởng nguồn hạnh phúc an lạc, nên suốt 49 năm truyền giáo, Đức Phật đã tuyên thuyết rất nhiều pháp môn tu học, nhưng không ngoài mục đích giúp chúng sanh nhận ra bản chất khổ đau của kiếp nhân sinh và đưa ra nhiều phương pháp tu hành nhằm giúp họ diệt trừ những khổ đau ấy để đạt đến giải thoát giác ngộ. 

Thưa các bạn, vấn đề giải thoát là vấn đề rất quan trong đối với kiếp sống nhân sinh. Để cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của “giải thoát”, chúng ta cùng nhau luận bàn ý nghĩa “giải thoát” theo quan điểm của Phật giáo. 

Giải thoát có nghĩa là giải phóng toàn bộ sự ràng buộc, chi phối của khổ đau, đạt đến hanh phúc, giác ngộ. Giải thoát có hai mức độ khác nhau. 

Mức độ thứ nhất, giải thoát theo nghĩa bình thường. Tức là con người sống trong cuộc đời luôn được tự do, tự tại, thoải mái trong ứng xử với mọi tầng lớp nhân sinh, mọi hoạt động của xã hội. Chẳng hạn, tự do nói lên ý tưởng của mình, tự do đi lại trên khắp mọi miền đất nước, tự do sống hạnh phúc an vui với hoàn cảnh tốt đẹp của mình… 

Tự do nói lên ý tưởng của mình, nghĩa là mình có thể phát biểu ý kiến giữa đoàn thể, hội nghị hoặc có thể thuyết giảng về đề tài nào đó một cách lưu loát, sâu sắc và tự tin giữa quần chúng. Người có được tự tại này phải là người được giáo dục nhân cách, rèn luyện đạo đức, trí tuệ ngay từ khi còn bé, dần dần hình thành cho mình năng lực đặc biệt này. 

Tự do đi lại trên khắp mọi miền đất nước. Nghĩa là mình có quyền đi thăm viếng khắp nới, tham quan các danh lam, thắng cảnh trên khắp mọi miền, không ai có thể ngăn cấm mình được. Người có được tự do này phải là người công nhân tốt, không vi phạm qui luật nước nhà, tiền của khá sung túc… Nếu người ngheo khổ, sống trác tác, sai phạm pháp luật… thì cơm không đủ no, áo không đủ mặc; bị tù đày trong lao ngục thì làm gì có được tự do, tự tại này. 

Tự do sống hạnh phúc, sống an vui với hoàn cảnh tốt đẹp của mình. Đây là chỉ cho những người có địa vị trong xã hội, sống trong cảnh giàu sang, có nhà lầu, xe hơi… sống ấm êm bên con cháu. Người có được cuộc sống thoải mái này là do họ chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc, biết quan tâm và chia sẽ cùng mọi người với khả năng của mình… Nếu ăn chơi, hút sách, sống vô trách nhiệm…thì có thể là những người đầu đường, xó chợ, nằm trong lao ngục… làm gì được sống hạnh phúc như vậy. 

Cuộc sống thế gian vốn rất phức tạp, vì thế con người sống trong cuộc đời phải đương đầu với bao nhiều việc, từ chuyện trong gia đình, đến việc ngoài xã hội, vì thế, khiến cho bao người khổ sở, mệt mõi, ức chế khi phải đối đầu với những khó khăn đoanh vây này. Nếu con người biết rèn luyện ý chí, đạo đức, trí tuệ thì những thử thách trong cuộc sống đối với họ không là vấn đề, chỉ là chuyện nhỏ mà luôn sống tự do, tự tại, tự tin giữa cuộc đời vô thường đầy phức tạp này. 

Mức độ thứ hai, giải thoát theo nghĩa siêu việt. Tức là thoát khỏi sự ràng buộc vật chất bên ngoài và sự chi phối não phiền trong tâm, luôn sống an vui, tự tại giữa cõi đời luôn biến động này, không còn bị trầm luân trong luân hồi sanh tử nữa. 

Cuộc sống thế gian có rất nhiều sự ràng buộc. Ràng buộc trong tình cha mẹ, vợ chồng, con cái; trong tiền tài vật chất, trong ưu phiền khổ não. Những sự trói buộc này đã làm cho chúng ta đau khổ, sầu thương, chịu nhiều đắng cay qua nhiều kiếp và sẽ diễn ra mãi nếu không tìm cách tháo gỡ. Mỗi chúng ta đang là chủ nhân quyết định ràng buộc khổ đau hay hạnh phúc giải thoát cho chính mình. Nhân tố ngăn cách chúng ta đi đến hạnh phúc giải thoát là ý niệm vô minh chấp ngã (chấp cái tôi tầm thương), chấp pháp (chấp muôn sự muôn vật là trân quí, là thật có). Do chấp ngã, chấp pháp nên con người mới phát sanh tham – sân – si, để rồi đưa đến khổ đau, trầm luân mãi trong biển khổ. Chỉ khi nào loại trừ nhân tố vô minh này thì chúng ta mới có sự an lạc giải thoát. 

Theo tinh thần Phật giáo, muốn đạt được giải thoát thì hành giả phải siêng tu giới – định – huệ; luôn dùng trí tuệ quán sát thực tướng của vạn pháp là “Không”. Chỉ do nhân duyên giả hợp mà thành, hết duyên tan rã trở về không. Thường xuyên quán sát như thế thì sức thiền quán của hành giả này càng trở nên thuần thục. Nhờ năng lực quán sát này hành giả thành tựu chuyển thức thành trí và chứng ngộ tánh không của vạn pháp. Bấy giờ hành giả lìa xa mọi tà kiến về sự chấp thủ “ngã chấp” và “pháp chấp”. Khi phá được sự chấp ngã, chấp pháp thì tham – sân – si đồng thời bị tiêu diệt, hành giả trở thành bậc giác ngộ giải thoát.

Con người mỗi khi giác ngộ giải thoát rồi thì sẽ phát sanh nhiều năng lực nhiệm mầu, sống tự do tự tại trong mọi hoàn cảnh, trong sự nghiệp giáo hóa chúng sanh, như Đức Phật của chúng ta sau khi đạt được giác ngộ giải thoát, Ngài liền có đầy đủ trí tuệ và các công đức nhiệm mầu, như công đức “đáo vô chướng xứ”: Là đạt đến chỗ không còn bị phiền não chướng và sở tri chướng làm chướng ngại; hoặc công đức “sở hành vô ngại”: Là khả năng tự tại, bình thản trước mọi chướng ngại của cuộc đời…

Giải thoát là niềm khát khao cháy bỏng của những con người đang sống trong đau khổ và là lãnh vực rất quan trọng khiến cho các giáo chủ của các học phái trên thế giới đều để tâm nghiên cứu. Ngoài Phật Giáo ra, có học phái Phệ Đàn Đà thờ Đức Phạm Thiên. Phái này chủ trương rằng tất cả vạn vật đều có một linh hồn chung, nếu ai phục tùng theo Đức Phạm thiên, nhập vào nghỉ ngơi nơi Ngài, thì được giải thoát hoàn toàn. Học phái Số luận chủ trương rằng, nếu con người thực hành chân lí diệt khổ thì sẽ đạt đến giải thoát. Học phái Du già chủ trương, con người tu khổ hạnh Yoga sẽ đạt được giải thoát. 

Qua sự trình bày chúng ta nhận thấy, giải thoát vấn đề trọng đại của kiếp nhân sinh, được rất nhiều học phái quan tâm nghiên cứu. Ở mức độ thấp, giải thoát là khả năng tự tin, lạc quan, an vui khi đương đầu với mọi tình huống trong cuộc sống. Nhờ có năng lực này con người trở nên an vui hạnh phúc. Tuy nhiên, niềm an vui này chỉ tồn tại tạm thời, vì thế nó có thể biến đổi, bị mai một theo thời gian. Đạo Phật là đạo của trí tuệ, tức dùng trí tuệ quán sát trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khổ đau hay sung sướng, chúng ta cũng được soi sáng một khung trời cao siêu mầu nhiệm hơn, chân thiện hơn. Triết lý nhà Phật luôn luôn cảnh báo rằng cái sung sướng mà chúng ta đang thụ hưởng thực chất cũng chỉ là tạm bợ, tầm thường, mong manh và nguy hiểm, vì thế chúng ta cần phải tìm cầu hạnh phúc đích thực trong đời sống tu tập tâm linh. Đây là trí tuệ then chốt của người học Phật. Ở mức độ siêu việt, giải thoát là sự giác ngộ đạo quả, không còn bị khổ đau phiền não trói buộc, ung dung tự tại sống giữa cuộc đời và mãi mãi không còn trầm luân trong sanh tử luân hồi. 

Là hành giả tu đạo giải thoát, khi biết rằng cuộc đời này vô thường, đoanh vây nhiều ràng buộc đau khổ, chúng ta xác định phải đi đến sự giải thoát và sự giải thoát nằm ngay trong mỗi chúng ta, trong cuộc sống này, chứ không phải ở phương trời nào, bằng cách chúng ta cần phải siêng năng tu tập lòng từ bi, hành trì Giới – Định – Huệ. Được như thế dần dần tâm hồn chúng ta ngày càng trở nên an tịnh; tham – sân – si được rủ bỏ từng phút giây, hoàn toàn chủ động nương vào huyễn thân này để hành đạo, trưởng dưỡng Thánh thai và cuối cùng đạt được cứu cánh giải thoát, tự tại ra vào Tam giới hoá độ chúng sanh.
Tác giả bài viết: Thích Nữ Đức Trí
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 918
  • Khách viếng thăm: 831
  • Máy chủ tìm kiếm: 87
  • Hôm nay: 104012
  • Tháng hiện tại: 2853288
  • Tổng lượt truy cập: 91744861
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012