Tự tánh thiền

Đăng lúc: Thứ tư - 10/08/2016 06:40 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Tự tánh thiền là thiền trở về sống với tự tánh, tự tâm thanh tịnh sẵn có nơi mọi người, biểu hiện ra nơi sáu giác quan mà dễ nhận là ở mắt, ở tai.
“Sa di Cao hầu chuyện với ngài Dược Sơn, qua những câu đáp, ngài Dược Sơn biết đó là một Sa di xuất chúng, nên mới khoe với các đồ đệ lớn như: Vân Nham, Đạo Ngô. Hai vị này tỏ vẻ chưa tin, nên ngài Dược Sơn mới hỏi lại Sa di Cao:

- Ta nghe ở Trường An rất náo loạn ngươi có biết chăng?

Sa di Cao thưa:

- Nước con an ổn.

Dược Sơn hỏi thêm:

- Ngươi do xem kinh được hay thưa hỏi được?

Sa di Cao đáp:

- Chẳng do xem kinh được, cũng chẳng do thưa hỏi được.

Dược Sơn hỏi:

- Có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi, sao chẳng được?

Sa di Cao đáp:

- Chẳng nói họ không được, chỉ vì không chịu thừa nhận”.

Câu chuyện ngừng ngang đây (*).

Giảng:

Ngài Dược Sơn nói: “Ta nghe ở Trường An (thủ đô nhà Đường) rất náo loạn, ngươi có biết chăng?” Sa di Cao trả lời: “Nước con an ổn”. Nghe tiếng động bên ngoài ồn ào là náo. Thấy kẻ qua người lại lộn xộn là loạn. Khi hỏi: “Ta nghe Trường An náo loạn, ngươi có biết chăng?”

Ngài Dược Sơn muốn hỏi Sa di Cao, có thấy có nghe sự náo loạn bên ngoài không? Đó là cái bẫy dọ dẫm coi Sa di Cao đang chạy theo cảnh bên ngoài hay hằng sống với tánh thấy tánh nghe chân thật của mình.

Sa di Cao trả lời: “Nước con an ổn”. Người qua lại xôn xao mà tánh thấy của Sa di Cao không xao động, tiếng động ồn ào mà tánh nghe của Sa di Cao không ồn ào.

Náo loạn là chuyện bên ngoài, chứ tánh thấy tánh nghe của Sa di không động không loạn. Sa di trả lời như thế chứng tỏ rằng Sa di hằng nhớ cái chẳng động của mình mà không để tâm chạy theo ngoại trần.

Nếu được hỏi “Có nghe náo động không?”. Trả lời: “Có nghe náo động”. Là người để tâm duyên theo cảnh vật bên ngoài mà quên cái không động hằng hiện hữu nơi mình. Như vậy, để thấy người xưa muốn trắc nghiệm xem người tham học còn vọng ra ngoại trần hay hằng sống với cái chân thật của chính mình, chỉ nêu câu hỏi, qua câu trả lời thì biết, người ấy thế nào.

Qua câu trả lời của Sa di Cao, Dược Sơn chấp nhận ngay. Tuy thế, Vân Nham và Đạo Ngô vẫn chưa tin, ngài Dược Sơn mới trắc nghiệm thêm: “Ngươi do xem kinh được hay do thưa hỏi được?” Nếu trả lời do xem kinh hay do thầy chỉ bảo thì cái đó từ bên ngoài mà được. Tánh thấy, tánh nghe là cái chơn thật có sẵn nơi mỗi người đâu đợi xem kinh mới có hay do thầy dạy mới được, nên Sa di trả lời: “Chẳng do xem kinh được cũng chẳng do thưa hỏi được”.

Mới nghe qua như phủ nhận công ơn chỉ dạy của Thầy Tổ, nhưng lẽ thật là như vậy. Thầy Tổ chỉ là người khơi dậy đánh thức để chúng ta soi lại nhận ra cái chân thật đã có sẵn mà từ lâu nay chúng ta bỏ quên.

Ngài Dược Sơn hỏi tiếp: “Có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi sao chẳng được?” Để xác định lần nữa ngài Dược Sơn bẻ lại: “Ông nói chẳng do xem kinh, chẳng do thưa hỏi mà được, vậy biết bao người không xem kinh, không thưa hỏi sao chẳng được?” Sa di đáp: “Chẳng nói họ không được, chỉ vì không chịu thừa nhận thôi. Ai cũng có sẵn cái tánh biết chân thật mà vì không chịu nhận nên coi như không được. Được hay không được là do biết thừa nhận hay không biết thừa nhận; nếu biết thừa nhận thì tự tại giải thoát, còn không thừa nhận thì chạy theo ngoại cảnh phiền não khổ đau, đi mãi trong luân hồi sanh tử”.

(*) Tham khảo ở sách “Trên con đường thiền tông” trang 79 của Hòa thượng Thanh Từ.
 
Người soạn
Tỷ-kheo Thích Chơn Tế
Chùa Tường Vân – Thành phố Huế

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 382
  • Khách viếng thăm: 377
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 120731
  • Tháng hiện tại: 1866344
  • Tổng lượt truy cập: 90757917
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012